ĐOÀN CHƯƠNG

Trung tướng Đoàn Chương – cán bộ tài trí, đức độ

Trung tướng Đoàn Chương sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Bố ông – cụ Đoàn Cầu, được kết nạp vào Đảng rất sớm và là người Cộng sản đầu tiên của làng Gia Đẳng, xã Triệu Lăng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị (nay là xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Mẹ ông – cụ Nguyễn Thị Dương, mẹ của 5 liệt sĩ, đứng đầu trong danh sách được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (đợt 1) và được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Anh trai cả của ông là cố Đại tướng Đoàn Khuê, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Chín anh em trong gia đình ông đều tham gia cách mạng và phục vụ trong quân ngũ. Đảng và Nhà nước tặng cụ Đoàn Cầu và gia đình ông Bảng vàng “Gia đình có công với nước”.

Được các đồng chí tiền bối dìu dắt, người thanh niên yêu nước Đoàn Chương sớm giác ngộ cách mạng. Tấm lòng sắt son, kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng không gì lay chuyển được đã hình thành trong ông ngay từ những ngày đầu tham gia cách mạng. Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp, Đoàn Chương bỏ Quốc học Huế về quê tham gia Việt Minh hoạt động khởi nghĩa ở quê hương. Sau đó ông được tuyển làm trinh sát viên Công an tỉnh. Ngày 1-5-1946, Đoàn Chương được kết nạp vào Đảng, phụ trách công tác tuyên huấn, thanh niên, tự vệ chiến đấu ở xã. Tháng 8-1946 đến tháng 8-1948, ông là cán bộ trinh sát nội bộ và giữ chức Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ Quảng Trị. Tháng 9-1948 đến tháng 7-1949, ông được giao làm cán bộ nghiên cứu Văn phòng Liên khu uỷ 4. Tháng 8-1949 đến tháng 6-1950, ông được tổ chức phân công làm thư ký riêng cho đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Bí thư Khu uỷ 4. Tháng 7-1950, ông cùng đồng chí Nguyễn Chí Thanh gia nhập quân đội.

Sau hơn nửa thế kỷ phục vụ cách mạng, phục vụ quân đội với nhiều trọng trách, cương vị đã trải qua, ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nêu tấm gương sáng về đức tính khiêm tốn, giản dị. Đặc biệt từ tháng 5 – 1968 đến tháng 7 – 1978, ông được giao đảm nhiệm các chức vụ: Tổ trưởng Chuyên viên quân sự Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đàm phán Hiệp định Pa-ri tại Cộng hoà Pháp, Trưởng ban Tổng kết, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị, Phó Giám đốc Học viện Chính trị. Trên cương vị Tổ trưởng Chuyên viên quân sự của Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ông có nhiều đóng góp trí tuệ tại hội nghị đàm phán để ký kết thành công Hiệp định Pa-ri. Là Trưởng ban Tổng kết và Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, ông có nhiều đóng góp vào công tác chỉ đạo tổng kết lý luận công tác Đảng, công tác Chính trị trong chiến đấu và công tác tuyên truyền động viên thanh niên ra trận, thi đua giết giặc lập công trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đặc biệt những năm tháng là Phó Giám đốc Học viện Chính trị, Đại tá Đoàn Chương đã có những đóng góp to lớn vào việc đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng dạy và học đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Bản thân ông đã có đề xuất về chủ trương đào tạo đội ngũ cán bộ lý luận ở tầm chiến lược cho quân đội từ những sĩ quan trẻ vừa tốt nghiệp Học viện Chính trị. Lớp cán bộ trẻ ngày ấy sau này đã là lực lượng cán bộ lý luận, cán bộ chính trị chủ chốt trong các học viện, nhà trường và các đơn vị cấp chiến dịch, chiến lược trong quân đội.

Từ tháng 8 – 1978 đến tháng 6 – 1982, Đại tá Đoàn Chương được giao đảm nhiệm các chức vụ: Phó Chính uỷ Quân đoàn 2, Phó Tư lệnh – Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 3 kiêm Phó Tư lệnh Chính trị Quân đoàn 68.

Tháng 4 – 1984, ông được phong quân hàm Thiếu tướng. Theo nhà văn Dương Duy Ngữ kể lại thì cuốn tiểu thuyết “Chim én bay” của nhà văn Nguyễn Trí Huân, là sách văn học lần đầu tiên mà Đại tá Đoàn Chương – Giám đốc Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đọc duyệt và ký lệnh cho xuất bản. Với tác phong làm việc cẩn trọng, tỉ mỉ, cụ thể, ông đọc kỹ cuốn tiểu thuyết và góp ý với tác giả “nên bỏ chữ này, sửa chữ kia cho hợp lý, cho nhẹ hơn” và đưa ra lời nhận xét về cuốn tiểu thuyết với tác giả cuốn “Chim én bay”: “Cậu viết chặt chẽ, chương hồi hợp lý, nhân vật có số phận, có tính cách, người nào ra người ấy, văn chương chải chuốt, kỹ lưỡng, nhưng vấn đề cậu đặt ra mình chưa thật thú lắm. In nhà mình cũng được. Nhưng in ở nhà Kim Đồng thì hợp hơn”. Sau đó, ông đặt bút viết hai chữ “in được” và ký tên. Những người làm việc dưới quyền ông đều thấy rõ “cái uy, cái tín của ông thật lớn. Ông đề đạt với cấp trên điều gì, là điều ấy được thực hiện”. Bởi lẽ những điều ông đề đạt với cấp trên không phải cho riêng ông, mà trước hết và trên hết là xuất phát từ cái chung, từ lợi ích của cách mạng, của sự nghiệp xây dựng quân đội, từ nguyện vọng chính đáng của những người dưới quyền ông.

Tháng 4 năm 1990, Thiếu tướng Đoàn Chương được giao giữ chức vụ Phó Viện trưởng Viện Chiến lược quân sự; tháng 8 năm 1990, ông được phong quân hàm Trung tướng. Năm 1994, ông được bổ nhiệm giữ chức Viện trưởng Viện Chiến lược quân sự và giữ chức vụ này cho đến tháng 3 năm 1999.

Hơn nửa thế kỷ phục vụ cách mạng, 64 năm tuổi Đảng, 52 năm tuổi quân, dù ở bất cứ cương vị nào, đồng chí Đoàn Chương cũng luôn giữ vững và nêu cao phẩm chất cao quý của người Cộng sản, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, không ngừng học tập, phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện, khiêm tốn học hỏi những người đi trước, đồng chí, đồng đội, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân giao phó. Trung tướng Đoàn Trương đã đi vào cõi vĩnh hằng nhưng ông vẫn để lại một tấm gương về phẩm chất, năng lực của người cán bộ cách mạng tài trí, đức độ, gần gũi nhân dân, gần gũi, chan hoà với đồng chí, đồng đội; đặc biệt là đức tính trung thực, thẳng thắn , cần kiệm , liêm khiết, khiêm tốn, giản dị của người cách mạng; giữ gìn cuộc sống cá nhân mẫu mực về đạo đức cách mạng và lòng vị tha, nhân ái, trong sáng theo gương Bác Hồ.
(Theo 130 danh tướng, tướng lĩnh Việt Nam)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *