ĐOÀN SINH HƯỞNG

1. Anh hùng Đoàn Sinh Hưởng

Anh hùng Đoàn Sinh Hưởng sinh năm 1949, dân tộc Kinh, quê ở xã Bình Ngọc, huyện Hải Ninh, tỉnh Quảng Ninh. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là đảng viên, thiếu úy, đại đội trưởng Đại đội 9 thiết giáp, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 273, Quân đoàn3.

Từ năm 1968 đến Xuân 1975, Đoàn Sinh Hưởng tham gia nhiều chiến dịch lớn. Trong chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh, anh đã chiến đấu 4 trận, đánh sập 5 lô cốt, phá hủy 1 đại liên, diệt 15 tên Mỹ. Trong trận tiến công cứ điểm Đắc Pét, bắc Tây Nguyên tháng 5 năm 1974, Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy đại đội yểm trợ đắc lực cho bộ binh tiêu diệt toàn bộ địch. Bản thân diệt 10 lô cốt, 1 khẩu pháo 105 mm, bắt sống 10 tên địch. Trong chiến dịch Tây Nguyên, tại trận đánh thị xã Buôn Ma Thuột, anh dẫn đầu đơn vị thọc sâu, tiến công đánh chiếm sư đoàn bộ sư đoàn 23 ngụy. Riêng Đoàn Sinh Hưởng diệt hàng chục tên, bắn cháy 2 xe M113, 1 xe M41, 5 xe quân sự. Tiếp đó, đơn vị của anh đánh vào thị xã Cheo Reo, riêng Đoàn Sinh Hưởng diệt 10 xe vận tải, 2 xe tăng. Ngày 1 tháng 4 anh chỉ huy đơn vị tiến vào thị xã Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, rồi thị trấn Tuy An, sân bay Đông Tác. Bản thân dùng 4 quả pháo đánh tan 1 trận địa pháo 105 mm gồm 4 khẩu. Với 5 quả đạn pháo tăng, Đoàn Sinh Hưởng đã bắn cháy 1 tàu chiến và 1 xuồng chiến đấu của địch tại cửa biển Tuy Hòa. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy đại đội xe tăng, thiết giáp (xe thu được của địch) trong đội hình binh đoàn thọc sâu đánh vào nội thành Sài Gòn. Sáng ngày 29 tháng 4 năm 1975, khi tiến công về Sài Gòn, Đại đội 9 (xe tăng) do Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy đã diệt 12 xe tăng, xe bọc thép của địch, bắt sống 12 xe khác.

Đồng chí đã được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng nhì, 2 Huân chương Chiến công hạng ba, 3 bằng khen, 2 lần là Chiến sĩ thi đua.

Ngày 12 tháng 9 năm 1975, Đoàn Sinh Hưởng được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

2. Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng

Chuyện về Anh hùng LLVTND, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng.
Trong cuộc đời quân ngũ, ông là một vị tướng đặc biệt vì đã được số phận đặt vào tay những trận chiến khốc liệt nhất để rồi đạt được những thành tích đặc biệt nhất như là sự an bài của định mệnh. 18 tuổi, ông trở thành Dũng sĩ diệt Mỹ, 26 tuổi ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND).
Là Tư lệnh Tăng thiết giáp khi mới đeo quân hàm Thượng tá… Và điều đặc biệt hơn cả, tướng Hưởng đã may mắn hơn nhiều người lính khác, là ông đã góp phần không nhỏ vào những chiến tích đánh giặc để là một trong những người đầu tiên đặt chân đến mảnh đất Sài Gòn vào đúng ngày trọng đại nhất lịch sử, ngày giải phóng Sài Gòn 30-4-1975.

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ với Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng.
Những chiến công đầu tiên và chiến dịch 30-4 lịch sử

Những ngày đầu vào quân ngũ, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng là chiến sĩ của Sư đoàn 308 – sư đoàn quân Tiên phong và chiến dịch đầu tiên trong đời lính là chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh, trận chiến vẫn được mệnh danh là “Điện Biên Phủ thứ hai”, ác liệt và đau thương, Khe Sanh với ông là “khe tử” nhưng cũng là một niềm vinh dự.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng cho biết: “Đây là lần đầu Sư đoàn 308 trực tiếp đánh Mỹ, thắng Mỹ, cũng là lần đầu tiên tôi ra trận cùng đồng đội được trực tiếp chiến đấu đánh quân chủ lực tinh nhuệ Mỹ, đội quân có trang bị vũ khí hiện đại nhất. Và chúng tôi đã thắng”.

Cũng trong chiến dịch này ông đã lập nhiều chiến công và được phong là Dũng sĩ diệt Mỹ. Sau chiến dịch Khe Sanh, ông cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh và chiến dịch lớn khác. Trong đó có chiến dịch Đường 9-Nam Lào (Quảng Trị).

Rồi ông được cử đi học Trường Sỹ quan lục quân 1 tại Sơn Tây. Kết thúc khóa học, ông được điều động về công tác tại binh chủng tăng thiết giáp và trong cương vị Đại đội trưởng xe tăng, ông được điều động vào chiến trường Tây Nguyên. Ông đã chỉ huy Đại đội 9 cùng với bộ binh Sư đoàn 10 đánh tiêu diệt cụm cứ điểm Đắk-pét.

Sau đó, Đại đội 9 được giao nhiệm vụ thọc sâu đánh vào Mai Hắc Đế và Sư bộ 23 ngụy của chiến dịch Tây Nguyên. Xe tăng 980 do ông chỉ huy đã dẫn đầu mũi đột kích, tung hoành ngang dọc tiêu diệt nhiều sinh lực địch.

11 giờ 30 phút, xe tăng 980 và lực lượng bộ binh Sư đoàn 10 cắm cờ lên Sư bộ 23 ngụy, Đại đội 9 tiếp tục phát triển đánh thắng ngã 5 và ngã 6 Buôn Mê Thuột và cùng các cánh quân giải phóng toàn bộ thị xã Buôn Mê Thuột (xe tăng 980 bây giờ là biểu tượng chiến thắng ở ngã 6, thị xã Buôn Mê Thuột). Sau đó Đại đội 9 phối thuộc cho sư đoàn 320 đánh chiếm thị xã Cheo Reo-Phú Bổn.

Khi đã đánh chiếm được Cheo Reo-Phú Bổn, do yêu cầu nhiệm vụ Đại đội 9 giao xe tăng T54 mà đơn vị đang sử dụng cho đơn vị khác. Đại đội 9 đi lấy xe tăng của địch để đánh lại địch. Đại đội 9 do ông chỉ huy phối thuộc cho Sư đoàn 320 đánh đuổi địch trên đường 7. Đây là trận đánh đuổi địch lịch sử của quân đội ta trên Đường 7.
Ngày 1/4, trong lúc tiến công vào thị xã Tuy Hòa, xe do ông chỉ huy đã tiêu diệt trận địa pháo 4 khẩu 105 (trên đồi Nhạn Thác), ông cùng Sư đoàn 320 đánh chiếm thị xã Tuy Hòa, tại đây xe tăng của ông đã bắn cháy 2 tàu chiến của địch ở cửa biển Tuy Hòa.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng chia sẻ: “Chiến dịch Tây Nguyên là chiến dịch then chốt, then chốt quyết định. Ta đã làm chủ hoàn toàn và giải phóng Tây Nguyên, địch không còn chỗ đứng, mất thế chiến lược, nên đã rút chạy theo Đường 7. Đấy là thời cơ có lợi cho ta để tiếp tục giải phóng miền Nam”.

Đại đội 9 của ông tiếp tục hành quân theo đội hình, đi theo đường chiến lược vòng về phía tây Sài Gòn để tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ông sử dụng xe tăng địch để đánh địch, trong biên chế của Đại đội 9, có nhiệm vụ là đi đầu mở đường cho Quân đoàn 3 tiến vào phía tây Sài Gòn. Nhiệm vụ là phải giữ bằng được cầu Bông (nay là cầu An Hạ), vì nếu để địch chiếm cầu này hoặc cầu bị gãy thì ảnh hưởng đến cơ động của Quân đoàn 3 và các đơn vị binh khí hỏa lực tiến về phía tây Sài Gòn.

Đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng đã chấp hành nghiêm mệnh lệnh chỉ huy đơn vị tiến công theo hướng tây vào Sài Gòn vào sáng ngày 29/4. Ông đã vượt qua các mục tiêu trọng điểm của địch tiến thẳng lên cầu Bông. Quá trình hành quân cơ động, xe tăng Đại đội 9 chỉ còn lại 4 chiếc (do xe hỏng hóc dọc đường không khắc phục được).

Tại cầu Bông, địch đã cho một đoàn 24 chiếc xe tăng ra vượt cầu Bông để chặn đường tiến quân của Đại đội 9. Đoàn Sinh Hưởng đã dũng cảm mưu trí chỉ huy Đại đội bắn cháy 12 chiếc xe tăng địch và cùng lực lượng bộ binh bắt sống 12 chiếc. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ cầu Bông, lúc này thì Đại đội 9 tiếp tục thọc sâu vào bên trong đánh qua Củ Chi, Thành Quan 5, Trại huấn luyện Quang Trung.

11 giờ ngày 29/4, 4 xe của Đại đội 9 do ông chỉ huy đã vượt qua ngã 3 Bà Quẹo, cách ngã 4 Bảy Hiền khoảng 3 cây số, lúc này khoảng 13 giờ 30 phút ngày 29/4. Ông đang củng cố đội hình và chuẩn bị để tiến vào Dinh Độc lập vào ngày 29/4. Nhưng do yêu cầu nhiệm vụ, đồng chí Đặng Vũ Hiệp, Chính ủy Quân đoàn giao nhiệm vụ cho Đại đội 9 chờ lực lượng phía sau để đánh vào Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu ngụy.

Sáng 30-4, xe tăng Đại đội 9 cùng với các đơn vị bộ binh và các đơn vị xe tăng của Sư đoàn 273 tung hoành ngang dọc đánh sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu ngụy.

Lúc 11 giờ 30 phút, xe tăng Đại đội 9, lực lượng bộ binh Sư đoàn 10, xe tăng Đại đội 5, Lữ đoàn 273 và Tiểu đoàn 1 của Lữ đoàn 273, cùng các đơn vị bạn chiếm được toàn bộ trụ sở tòa nhà Bộ Tổng tham mưu ngụy. Và lúc này các cánh quân cũng đã chiếm được Dinh Độc lập và các mục tiêu quan trọng ở Sài Gòn. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Khó có thể tả được niềm vui sướng, tự hào của người lính lúc bấy giờ. Tất cả các cánh quân hò reo và chào mừng ngày chiến thắng.

Kể từ giây phút lịch sử ngày 30-4-1975, dù lập được nhiều chiến tích song tướng Hưởng vẫn thầm nghĩ rằng, kết thúc chiến tranh, ông sẽ xin về làm công nhân một đơn vị nào đó, hoặc sẽ trở về quê nhà xây dựng tổ ấm với cô Liễm, mối tình đầu của ông, người là nguồn cảm hứng để ông viết lên những câu thơ tình nồng cháy và lời thề hẹn một ngày trở lại.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng kể lại: “Trong thời gian chờ đợi cấp trên xem xét nguyện vọng ra quân, tôi được Tổng cục Chính trị triệu tập tham gia đoàn cán bộ, chiến sĩ có nhiều thành tích trong chiến đấu đến nói chuyện nhiều nơi ở Sài Gòn và địa bàn phụ cận…

Chuyện chiến đấu từ Đường 9 – Khe Sanh đến Đắk Pét, Buôn Mê Thuột, Tuy Hòa, Đồng Dù, đến cầu Bông, Tân Sơn Nhất… được tôi kể ở nhiều trường đại học, khu dân cư. Nhiều hôm nói chuyện xong, sinh viên còn quay lại hỏi thêm nhiều thứ, xin chữ ký… tưởng như không thoát ra được để về đơn vị. Nhịp sống những ngày sau giải phóng trôi đi với tôi khá ồn ào, đầy ấn tượng như vậy. Nhưng đằng sau sự ồn ào đó tôi vẫn đeo bám ý nghĩ ra quân. Gia đình, bố mẹ, anh chị em, người thương, bạn bè… cả quê hương đang ngóng đợi đứa con xa…

9 giờ rưỡi tối ngày 12/9/1975, tôi bật đài bán dẫn nghe chương trình thời sự, bất ngờ nghe tin Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký quyết định phong tặng danh hiệu AHLLVTND cho 59 đơn vị và 6 cá nhân, trong đó có tôi và anh Nguyễn Đình Kiệp (Sư đoàn 10 Quân đoàn 3).

Đầu tháng 12/1975, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 đã tổ chức đón nhận danh hiệu AHLLVTND cho những tập thể, cá nhân đợt 1 tại Bình Dương. Đón nhận tấm huy hiệu Anh hùng lên ngực áo, tôi bồi hồi xúc động nhớ về những đồng chí, đồng đội đã ngã xuống trên các chiến trường và nẻo đường chiến dịch và tâm niệm rằng, vậy là mình phải có trách nhiệm, phải làm gì đó cho xứng đáng hơn nữa.

Cộng với lời dạy của cha tôi mà tôi luôn khắc cốt ghi tâm: “Con phải nhớ, mình làm được điều gì đó đều nhờ anh em, đồng đội. Trong chiến đấu chuyện đó rất rõ. Trong thời bình cũng như vậy, có tựa được vào vai anh em thì mới đứng vững. Sau này, tôi được cử đi học ở Liên Xô, trở về làm Lữ đoàn trưởng khi 34 tuổi, rồi Sư đoàn trưởng khi ở tuổi 37. Năm 41 tuổi, tôi làm Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp, rồi sau đó về làm Tư lệnh Quân khu 4 và “về vườn” cho đến nay”.
Vị tướng và những triết lý nhân sinh

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng sinh ra trong một gia đình nông dân ở xã Bình Ngọc, thị xã Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Ông kể lại rằng, từ nhỏ ông đã có một khát khao là được vào quân ngũ. Bởi vậy mà năm 17 tuổi, chưa đủ tuổi đi bộ đội, người chỉ nặng 41 kg, bị huyết áp cao, người thấp bé, cậu đã đến buổi xét tuyển nhập ngũ ở xã với tinh thần kiểu gì cũng phải đi bộ đội.

29 người được gọi nhập ngũ theo danh sách bị khuyết một người do không đủ điều kiện sức khỏe, Đoàn Sinh Hưởng đã xin thế chân. Vậy là mọi chỉ số về tiêu chuẩn nhập ngũ đã được cán bộ tuyển quân lén chỉnh sửa cho phù hợp để Đoàn Sinh Hưởng được đi đợt ấy. Ngày 28/9/1966, Đoàn Sinh Hưởng tạm biệt gia đình, quê hương, gửi lại một thời ấu thơ đầy ắp kỷ niệm háo hức vào chiến trường.

Ông kể: “Với tôi, ngày xa quê lên đường đánh Mỹ quả là một chuyến đi lắng đọng và bước sang một chặng đường mới, cuộc đời làm người chiến sĩ. Hôm chia tay bao người thân thương đưa tôi đến bến đò ngang, trong đó có cô Liễm, người em gái quê hương và là người vợ hiền của tôi sau này.

Tôi đã viết bài thơ “Quê tôi” để nhớ về ngày ấy: “Nhớ ngày trên bến đò ngang/ Em đưa anh xuống sang trang cuộc đời/ Chiến trường khắp chốn cùng nơi/ Vẫn đôi chân bước cuộc đời xông pha/ Tình non nước, nghĩa quê nhà/ Gian nan mà chẳng phôi pha lời thề/ Cả cuộc đời, mối tình quê/ Ngàn năm giữ lấy lời thề chẳng phai”…

Tôi nghĩ mỗi chúng ta đều có một ngày sinh. Đó là ngày mẹ cha trao cho ta sự sống, ngày chúng ta làm người. Nhưng thế hệ những người lính suốt một thời trận mạc chúng tôi thường bảo với nhau rằng, chúng ta có một ngày sinh nữa, đó là ngày nhập ngũ, ngày trở thành Bộ đội Cụ Hồ”.

Hiện nay, ông đã nghỉ hưu, ông vẫn nói vui là mình “về vườn”, vì ông dù được nghỉ ngơi, song chưa một ngày ngơi nghỉ. Ông là Chủ tịch Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” tiếp tục với công việc tri ân, thăm hỏi những đồng đội, đồng chí với công việc thời hậu chiến. Ngoài ra, ông dành nhiều tâm sức với việc chăm vườn cây cảnh, cây thế của mình. Ông sinh ra mạng Mộc, nên yêu cây và thích chơi cây.

Ông bảo rằng, chăm được cây cũng là cả một nghệ thuật, bởi vậy ông dành phần lớn thời gian để chăm chút gần 2.000m2 đất trồng cây cảnh tại Nghi Ân, Nghi Lộc, Nghệ An. Ngoài thời gian chăm cây, ông còn làm thơ, những bài thơ về đồng đội, về tình yêu, về người lính. Đặc biệt thơ của ông nói nhiều về những số phận người phụ nữ sau chiến tranh với sự hy sinh, chờ đợi, cả những mất mát vì người yêu thương ra đi không trở về.

Những câu thơ của ông đọc lên đầy sự đồng cảm, sẻ chia: “Đã bao lần em lặng ngồi nhớ anh/ Bím tóc ngày xưa xanh không còn nữa/ Cây bưởi sau nhà chẳng muốn ra hoa/ Mà em đợi anh nước mắt nhòa”…

Thơ của ông đã được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc và tập hợp thành album “Hồn thơ người lính”. Hạnh phúc của ông là cả một chặng hành trình từ binh nhì đến một vị tướng, dù biết bao chông gai, vất vả và hiển vinh nhưng tấm lòng sắt son với người vợ hiền, với đồng đội, đồng chí thì không bao giờ thay đổi.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng quan niệm: “Trong chiến trận và trong cuộc đời, tôi đã được vịn vào vai đồng chí, đồng đội, biết dựa vào niềm tin yêu của mọi người để vượt qua mọi khó khăn ác liệt của chiến tranh và thử thách trong cuộc sống để phấn đấu, trưởng thành. Giờ đây, hơn 60 tuổi đời và 40 tuổi quân với biết bao sự kiện chồng chồng lớp lớp nhưng những ngày làm lính cùng những đổi thay của đất nước, của lịch sử dân tộc là ngày không thể nào quên…”.

3. Anh hùng Đoàn Sinh Hưởng kể chuyện giải phóng miền Nam

Trung tướng, Anh hùng LLVTND Đoàn Sinh Hưởng là một trong những người con Quảng Ninh góp mặt và có công lớn trong cuộc Tổng tiến công giải phóng Sài Gòn mùa xuân năm 1975. 44 năm đã trôi qua, song những ký ức về một thời binh nghiệp hào hùng, đặc biệt là khi tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí ông.

Từ lời thề dưới mái đình Trà Cổ

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng sinh năm 1949, trong một gia đình nông dân ở phường Bình Ngọc, TP Móng Cái ngày nay. Ông là hậu duệ của Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài, một danh thần nổi tiếng dưới triều vua Trần Anh Tông. Có lẽ vì là hậu duệ nhà binh, nên từ nhỏ ông đã khát khao được vào quân ngũ. Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng cho hay, ngay từ nhỏ, ông đã được các cụ trong họ kể cho nghe nhiều giai thoại về tài chỉ huy binh lính của Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài. Và cả cái tên của ông cũng được các cụ gửi gắm cho nhiều ý nghĩa: Đoàn Sinh Hưởng là sinh ra để hưởng cái phúc ấm của họ Đoàn.

Học theo những lời kể về binh nghiệp của tiên tổ, từ thuở nhỏ cậu bé Đoàn Sinh Hưởng đã say mê trò đánh trận giả. Trong mỗi cuộc chơi, cậu thường sắm vai thủ lĩnh, chủ trò. Cuộc chơi cũng chia hai phe ta và địch, cũng đào hào, đắp lũy, công đồn bằng những ụ cát, hố đất. Cậu bé Hưởng và bạn bè diễn tập bài binh bố trận như thật dựa trên những gì đã nghe kể về Tam quốc diễn nghĩa. Trong tất cả các nhân vật anh hùng của Tam quốc diễn nghĩa, cậu thích và thường tự xưng mình là Triệu Tử Long tung hoành ngang dọc trên cánh đồng làng.

Sau khi học xong cấp 2, chàng thanh niên Đoàn Sinh Hưởng đã đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ ở địa phương như: Bí thư Đoàn xã, Trung đội trưởng dân quân xã, thư ký đội sản xuất hợp tác xã nông nghiệp. Những năm 60 của thế kỷ trước, khí thế xung phong ra trận luôn sục sôi trong tâm trí những thanh, thiếu niên ở địa đầu Tổ quốc. Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng kể: “Sau chiến thắng trận đầu năm 1964, tôi và các bạn trong chi đoàn thanh niên đã phát động chiến dịch đào hầm, hào dọc các trục đường làng, ở những nơi công cộng. Chưa bao giờ chúng tôi lao động một cách say mê, như thể đã thống nhất với nhau rằng đây là công trình kỷ niệm quê hương trước khi được lên đường ra trận vậy”.

Vào một buổi sáng đầu tháng 9/1966, đang cày ruộng bỗng thấy một đoàn thanh niên cầm cờ, đánh trống lên huyện khám tuyển quân sự, chàng trai Đoàn Sinh Hưởng liền bỏ trâu đó đi theo, năn nỉ đoàn cho bổ sung tên mình để khám sức khỏe. Kết quả, Đoàn Sinh Hưởng xếp loại sức khỏe A2, thiếu chiều cao một chút chứ nếu không đã có thể tuyển phi công. Năm đó, dù không nằm trong diện được đi bộ đội, nhưng Đoàn Sinh Hưởng vẫn quyết tâm xin đi. Sự thể là địa phương có 29 người được gọi nhập ngũ, trong đó bị khuyết 1 người do không đủ điều kiện sức khoẻ, Đoàn Sinh Hưởng đã xin thế chân. Năm đó, ông mới 17 tuổi.

Trong câu chuyện của vị tướng già, chúng tôi nhận ra, dù đã 53 năm trôi qua, bên cạnh sự háo hức, thì những cảm xúc lưu luyến quê hương trước ngày lên đường vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí ông. Trong hồi ký của mình, Anh hùng Đoàn Sinh Hưởng viết: “Gửi lại quê hương, bố, mẹ, anh, chị, em ruột thịt, người thân, bạn bè, cả một thời ấu thơ đầy ắp kỷ niệm và tình yêu với cô hàng xóm, ngày 28/9/1966, tôi háo hức lên đường”.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng cho rằng: “Ngày 28/9 là ngày sinh thứ hai của tôi, ngày cuộc đời tôi sang trang mới, ngày mà cô hàng xóm Hoàng Thị Liễm và đám bạn tiễn tôi xuống tận bến đò ngang. Em đâu dám khóc nhưng khi đò sang sông, dáng em mảnh mai vẫn soi cùng bóng nước như một sự níu kéo, đợi chờ, hy vọng không thể nói thành lời. Để rồi gần chục năm sau tôi và em nên nghĩa vợ chồng. Tình yêu, tình nghĩa vợ chồng đã tiếp sức cho tôi suốt một thời trận mạc”.

Với Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, tình yêu lứa đôi, tình cảm gia đình đã hòa quyện cùng tình yêu quê hương, đất nước. Ông kể: “Đình Trà Cổ là một phần máu thịt của đời tôi. Có biết bao kỷ niệm về một thời thơ dại, trai trẻ của tôi gắn với ngôi đình… Dưới mái đình này, trước ngày lên đường nhập ngũ, tôi và mấy bạn trúng tuyển đợt ấy đã nguyện thề sẽ chiến đấu lập công, để không hổ thẹn với quê hương, tiên tổ”.

Lời thề dưới mái đình Trà Cổ là hành trang thiêng liêng mà chàng trai Đoàn Sinh Hưởng luôn mang theo. Ông chia sẻ: “Thế hệ chúng tôi ra đi mãi khắc ghi lời thề dưới mái đình Trà Cổ: Từ điểm đầu tiên của nét bút vẽ nên hình chữ S của Tổ quốc, chúng con nguyện chiến đấu đến cùng, nguyện cắm lá cờ chiến thắng ở miền Nam”. Nhìn lại cuộc đời binh nghiệp của mình, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng nhận định: “Quê hương nghĩa nặng tình sâu, dòng tộc, gia đình, nghĩa mẹ, tình cha, đạo nghĩa thầy trò, tình cảm bạn bè đã nuôi dưỡng tuổi thơ tôi, sớm tạo cho tôi tính cách, bản lĩnh để làm người chiến sĩ”.

Đến chuyện cắm cờ giải phóng ở Sài Gòn

Những ngày đầu quân ngũ, Đoàn Sinh Hưởng được biên chế làm chiến sĩ của Sư đoàn 308 – Sư đoàn quân tiên phong, sư đoàn chủ lực cơ động đầu tiên của Quân đội ta. Ông được chỉ định ngay làm Tiểu đội trưởng Tiểu đội 1, Trung đội 2, Đại đội 4, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 88.

Trong chiến dịch Mậu Thân 1968, khi mới 19 tuổi, Đoàn Sinh Hưởng được phong Dũng sĩ diệt Mỹ và được kết nạp Đảng ngay tại trận địa. Lúc đó, ông là Tiểu đội trưởng kiêm Trung đội phó Đại đội Cối 82 ly, Trung đoàn 88. Sau đó, ông vào Tây Nguyên, làm Đại đội trưởng Đại đội 9, Trung đoàn xe tăng 273, chỉ huy Đại đội tăng đánh trận nổi tiếng trên đường số 14, giải phóng Buôn Mê Thuột, tiến quân xuống giải phóng tiếp Phú Yên. Sau khi giải phóng Phú Yên, Đại đội xe tăng do Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy đã hành quân theo đường chiến lược vòng về phía Tây vào Sài Gòn.

Đến Cầu Bông, cửa ngõ Tây Bắc Sài Gòn, Đại đội 9 bắn tỉa 12 xe địch; tiếp tục tiến đánh trại Quang Trung tại ngã tư Bảy Hiền; đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu Ngụy. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông sử dụng xe tăng địch để đánh địch, trong biên chế của Đại đội 9, có nhiệm vụ là đi đầu mở đường cho Quân đoàn 3 tiến vào phía Tây Sài Gòn. Nhiệm vụ là phải giữ bằng được cầu Bông (nay là cầu An Hạ), vì nếu để địch chiếm cầu này hoặc cầu bị gãy thì ảnh hưởng đến cơ động của Quân đoàn 3 và các đơn vị binh khí hỏa lực tiến về phía Tây Sài Gòn.

Đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng đã chỉ huy đơn vị tiến công theo hướng Tây vào Sài Gòn vào sáng 29/4. Ông đã vượt qua các mục tiêu trọng điểm của địch, tiến thẳng lên cầu Bông. Quá trình hành quân cơ động, xe tăng Đại đội 9 chỉ còn lại 4 chiếc (do xe hỏng dọc đường không khắc phục được).

Tại cầu Bông, địch đã cho một đoàn 24 chiếc xe tăng ra chặn đường tiến quân của Đại đội 9. Đoàn Sinh Hưởng đã dũng cảm, mưu trí chỉ huy Đại đội bắn cháy 12 xe tăng địch và cùng lực lượng bộ binh bắt sống 12 chiếc. Đây là trận đánh mà tỷ lệ ta – địch là 1-6, chưa có tiền lệ, được các giáo sư của Liên Xô đánh giá là trường hợp “độc nhất vô nhị” trong chiến tranh. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ cầu Bông, Đại đội 9 tiếp tục thọc sâu vào bên trong, đánh qua Củ Chi, Thành Quan 5, Trại huấn luyện Quang Trung.

Đến 13 giờ 30 phút ngày 29/4, 4 xe của Đại đội 9 do ông chỉ huy đã vượt qua ngã ba Bà Quẹo, cách ngã tư Bảy Hiền khoảng 3 cây số. Ông củng cố đội hình và chuẩn bị để tiến vào Dinh Độc Lập, nhưng do yêu cầu nhiệm vụ, Chính ủy Quân đoàn Đặng Vũ Hiệp giao nhiệm vụ cho Đại đội 9 chờ lực lượng phía sau để đánh vào Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu Ngụy. Sáng 30/4, xe tăng Đại đội 9 cùng với các đơn vị bộ binh và các đơn vị xe tăng của Sư đoàn 273 tung hoành ngang dọc đánh sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu Ngụy.

Lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4, xe tăng Đại đội 9, lực lượng bộ binh Sư đoàn 10, xe tăng Đại đội 5, Lữ đoàn 273 và Tiểu đoàn 1 của Lữ đoàn 273 cùng các đơn vị bạn chiếm được toàn bộ trụ sở tòa nhà Bộ Tổng tham mưu Ngụy. Xe tăng 982 do chính trị viên Đại đội tăng 5 chỉ huy đã tiến thẳng lên ngôi nhà chính trụ sở Bộ Tổng tham mưu Ngụy để yểm trợ cho bộ binh lên tầng gác hạ lá cờ ba sọc xuống, kéo cờ giải phóng lên.

Thiếu úy Đoàn Sinh Hưởng đã chỉ huy Đại đội tiếp tục yểm trợ cho bộ binh Trung đoàn 28 kiểm soát các tòa nhà, chiếm trụ sở của Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng quân lực Việt Nam cộng hòa, thu toàn bộ con dấu, kiếm và gậy chỉ huy. Lúc này, các cánh quân cũng đã chiếm được Dinh Độc Lập và các mục tiêu quan trọng ở Sài Gòn. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng kể: “Tất cả các cánh quân hò reo và chào mừng ngày chiến thắng. Trưa và chiều 30/4, cả thành phố ngập tràn không khí chiến thắng. Nhân dân đổ ra chào đón quân giải phóng về Đô thành. Sài Gòn ngập tràn nắng và cờ hoa. Một bầu không khí náo nhiệt nhưng yên bình, không mảy may có một biểu hiện hận thù thường thấy khi kết thúc cuộc chiến có người thắng, kẻ thua. Đêm đầu tiên của ngày toàn thắng, sau cái ồn ào, hừng hực ngất trời của niềm vui chiến thắng, chúng tôi dành một khoảng lặng để nghĩ về đồng chí, đồng đội thân yêu của mình đã ngã xuống trong từng trận đánh, trên những nẻo đường tiến về giải phóng Sài Gòn; đặc biệt những đồng đội đã hy sinh trong cuộc Tổng tiến công mùa xuân năm 1975, đã ngã xuống ngay cửa ngõ Sài Gòn trước ngày toàn thắng, mà nước mắt chúng tôi tuôn trào”.

Quê hương nghĩa nặng, tình sâu

Năm 1975, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Thiếu uý Đoàn Sinh Hưởng mới 26 tuổi đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Dù lập được nhiều chiến tích, song ông chỉ mong kết thúc chiến tranh sẽ xin về làm công nhân một đơn vị nào đó, hoặc sẽ trở về quê nhà xây dựng tổ ấm với cô Liễm, mối tình đầu của ông, cùng lời ước hẹn một ngày trở lại.

Tuy nhiên, cuộc đời binh nghiệp của ông còn tiếp tục được nối dài. Ông được Tổng cục Chính trị triệu tập tham gia đoàn cán bộ, chiến sĩ có nhiều thành tích trong chiến đấu đến nói chuyện nhiều nơi ở Sài Gòn và nhiều trường đại học, khu dân cư. Ông còn được cử đi học ở Liên Xô, trở về làm Lữ đoàn trưởng khi 34 tuổi, rồi Sư đoàn trưởng khi ở tuổi 37, làm Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp khi 41 tuổi, rồi sau đó về làm Tư lệnh Quân khu 4. Khi về hưu, ông vẫn phối hợp với nước bạn Lào diệt phỉ, góp phần tạo lập hành lang biên giới ổn định, để nhân dân hai bên yên tâm sản xuất, sinh hoạt; xây dựng mối quan hệ chiến lược Việt – Lào.

Ở Quảng Ninh hiện nay, không nhiều người có cuộc đời binh nghiệp dài và nhiều chiến công như Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng. Ông kể: “Từ ngày tôi rời đất Bình Ngọc, Móng Cái, qua bến đò ngang, ca vang khúc hát “Hành quân xa”, cho đến khi thôi giữ chức Tư lệnh Quân khu 4, vừa tròn 43 năm quân ngũ”. Bà Hoàng Thị Liễm, phu nhân của Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, cho biết: “Ở quê tôi, anh Hưởng là tấm gương cho các em phấn đấu, noi theo. Em gái tôi là Hoàng Thị Hồng Chiêm còn nằng nặc đòi gia đình cho em vào Nam đánh Mỹ với anh Hưởng. Sau này, dù không được vào Nam theo nguyện vọng, nhưng em cũng đã chiến đấu anh dũng và hy sinh ở Pò Hèn, tháng 2/1979”.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng luôn tự hào về truyền thống của quê hương, dòng tộc: “Hạnh phúc biết bao khi sinh ra, tôi đã được thừa hưởng truyền thống của đại gia đình, dòng tộc họ Đoàn. Tôi lớn lên bằng củ khoai, bát cháo đồng quê, lời ru của mẹ, câu chuyện kể của cha trong âm hưởng lao xao vi vút tiếng gió phi lao và tiếng biển khi ào ạt bão giông, khi rì rầm sâu lắng. Quê hương nghĩa nặng, tình sâu, tình cảm mẹ, cha, anh chị em ruột thịt, tình nghĩa thầy trò, bạn bè ấu thơ và tình yêu tuổi trẻ… đã chắp cánh ước mơ tôi, nâng bước tôi vượt qua biết bao hiểm nguy một thời trận mạc và khó khăn trong cuộc sống đời thường”. Bởi vậy, dù bận công tác đến mấy, ông cũng thường xuyên trở về quê hương Quảng Ninh. Hiện tại, công việc của ông với nước bạn Lào đã hoàn tất, ông đang tính trở về Quảng Ninh sinh sống trong căn nhà bên bờ Vịnh Hạ Long để vơi bớt nỗi nhớ quê hương.

Phạm Học

Sưu tầm sao chép

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *