ĐOÀN XUÂN TIẾP

Ông Đoàn Xuân Tiếp
Chủ tịch Hội Đồng Đoàn Tộc Việt Nam nhiệm kỳ 2019 -2025
Nguồn: Nghiatinhdongdoi.vn

Anh hùng lao động – Doanh nhân Đoàn Xuân Tiếp

Đó là việc ông đã đến với những người không may từ khi sinh ra đã bị khiếm khuyết về thân thể. Những thương binh, nạn nhân của chiến tranh, những người luôn mặc cảm về sự vô dụng của mình là phải sống dựa vào người thân và cộng đồng. Ông đến với họ, thức tỉnh trong họ niềm tin yêu cuộc sống, khả năng sáng tạo nghệ thuật trong lao động. Ông cho họ chiếc cần câu và dạy họ cách kiếm cá chứ không mang cho họ con cá , ông giúp tạo sự nghiệp cho riêng họ và cùng họ tiếp tục tạo sự nghiệp cho những người có hoàn cảnh giống mình. Từ đó họ tìm thấy ý nghĩa và niềm hạnh phúc cuộc đời. Cùng với những người khuyết tật, những thương binh tàn nhưng không phế” sau 20 năm lăn lộn, ông đã làm được nhiều việc: phát triển doanh nghiệp từ một cơ sở với 60 người khuyết tật nay đã thành 2 công ty lớn nằm ở hai tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương và hệ thống công ty thành viên trên toàn quốc với gần một nghìn người thợ tài hoa, trong đó trên 50 % là thương binh và người khuyết tật. Từ năm 2011 ông là chủ đầu tư xây dựng và sáng lập Trường đại học Kinh Bắc với mục tiêu: ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp chất lượng cao cho người khuyết tật, người nghèo các tỉnh có nhiều khu công nghiệp, dự án lớn ở phía Bắc và cả nước.

Tìm hiểu về ông qua cuộc đời, công việc và qua những lần gặp, tôi nhận ra: Chính cuộc chiến tranh giữ nước của dân tộc Việt Nam, những năm tháng máu lửa vượt Trường Sơn đánh Mỹ, giải phóng Miền Nam đã rèn đúc nên ý chí kiên cường trong ông. Cũng từ những đau thương do di chứng của chiến tranh để lại trên thân thể đồng đội của mình đã thức dậy trong ông niềm trắc ẩn, tình thương yêu đồng loại, thôi thúc ông sống, làm việc và nâng đỡ những mảnh đời bất hạnh do chiến tranh gây nên. Ông đã cùng với họ hướng tới triết lý sống Chân- Thiện – Mỹ như ngày hôm nay.

Ngày 19 tháng 5 năm 1950 tại vùng quê huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, gia đình họ Đoàn vui mừng đón con trai chào đời đúng ngày sinh của Bác Hồ. Họ đặt tên cho cậu bé là Đoàn Xuân Tiếp với ước mong từ nay mùa xuân sẽ nối tiếp nhau đến với dòng họ Đoàn. Hình như cái tên và ngày sinh ấy đã trở thành định mệnh của cuộc đời cậu bé Đoàn Xuân Tiếp, nó vừa khiến cậu vui sướng, tự hào từ khi còn nhỏ, vừa nhắc nhở cậu hướng về hình ảnh Bác Hồ kính yêu để sống và làm việc theo tấm gương đạo đức của Người khi cậu đã là anh bộ đội Cụ Hồ và nhà doanh nhân thành đạt sau này.

Đoàn Xuân Tiếp mồ côi lúc còn rất nhỏ, sau một đêm chống giặc Pháp càn vào quê hương, cả cha và bác ruột anh không trở về. Mẹ anh lúc đó chưa đầy 30 tuổi, tần tảo nuôi con, thờ chồng được một thời gian rồi đi bước nữa. Từ đó anh cùng chị gái của mình lớn lên nhờ ông bà nội. Do hoàn cảnh gia đình, anh không có điều kiện học đến nơi đến chốn như con nhà người ta, mà phải vừa học vừa kiếm sống và trở thành lao động chính trong nhà. Cũng do hoàn cảnh gia đình như vậy, chính quyền xã đã cho anh hoãn thời gian nhập ngũ. Nhưng trong không khí bừng bừng toàn dân hăng hái tham gia chống Mỹ cứu nước, lớp lớp trai trẻ nối nhau tòng quân, khiến Đoàn Xuân Tiếp không thể cầm lòng. Anh viết đơn tình nguyện đề đạt với chính quyền xã cho nhập ngũ. Năm 1972 nguyện vọng của anh được đáp ứng. Anh lên đường đánh Mỹ, sau một lớp học lái xe rồi phiên chế vào Trung đoàn 13-Sư đoàn 571 – Binh đoàn Trường Sơn (Đoàn 559 Anh hùng). Từ năm 1972 đến 1975 anh và đồng đội của mình đã ra vào trên con đường Trường Sơn không biết bao nhiêu lần, tiếp cho chiến trường Miền Nam biết bao cơ số đạn dược, vũ khí, thuốc men, lương thực và mỗi chuyến xe ra lại đưa các thương binh nặng về hậu cứ. Cuộc chiến càng gần đến thắng lợi càng cam go gian khổ, bất kể đêm, ngày bọn giặc Mỹ luôn luôn quần đảo trên bầu trời, ném bom rải thảm xuống khắp các cánh rừng Trường Sơn. Nhưng các anh, những chiến sỹ lái xe vẫn kiên cường bám xe, bám đường đảm bảo đúng lộ trình đưa hàng vào tiếp sức cho mặt trận. Hồi đó nhà thơ Phạm Tiến Duật cũng có mặt ở Trường Sơn, anh ấy đã thể hiện rất chuẩn xác cái thần thái của các chiến sỹ lái xe như sau:

“ Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi,
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng …
…. Không có kính, ừ thì có bụi
Bụi phun tóc trắng như người già
Không cần rửa phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha… ha … “

Phạm Tiến Duật xứng đáng là một nhà thơ của Trường Sơn, những bài thơ của anh ấy hầu như ai ai cũng thuộc. Với Đoàn Xuân Tiếp, thơ của Phạm Tiến Duật như nói hộ anh những điều anh chỉ cảm nhận mà không nói thành lời : “ Em thương anh bên tây mùa đông, nước khe cạn bướm bay lèn đá … Anh lên xe trời đổ cơn mưa, cái gạt nước xua đi nỗi nhớ …” Sau này khi đã là một doanh nhân tên tuổi, mỗi lần ngồi trên xe gặp mưa , nhìn cái gạt nước chạy qua chạy lại trước mặt, anh lại nhớ quay quắt về những kỷ niệm thời còn là chiến sỹ lái xe trung đoàn 13, binh đoàn Trường Sơn năm xưa, nhớ về những người bạn đã nằm lại trên giải Trường Sơn xa xanh và những người còn sống trở về. Bây giờ nhiều người cũng đã trở thành những CCB doanh nhân danh tiếng trong sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước.

Giải phóng Miền nam, thống nhất đất nước, Đoàn Xuân Tiếp đi qua cuộc chiến tranh giữ nước và mang về khá nhiều vết thương trên cơ thể. Ông tiếp tục phục vụ quân đội thêm 15 năm nữa, đến năm 1991 thì rời quân ngũ trở về địa phương.

Sau 19 năm, vùng quê nghèo năm xưa nay càng nghèo hơn, vốn đã là một làng thuần nông nhưng ruộng đất canh tác ít, mặc dù nhà nước đã xóa bỏ cơ chế bao cấp và thực hiện chính sách mở cửa nền kinh tế nhưng hầu như người nông dân còn chưa đủ tự tin để thay đổi cách nghĩ cách làm. Đời sống nhân dân rất khó khăn. Mỗi ngày ra đường, ông đều giáp mặt với những cái thiếu hụt. Di chứng của chiến tranh còn đè nặng lên cuộc sống làng quê ông khi ngõ xóm nào cũng thấy cảnh mẹ góa con côi, thương binh, bệnh binh. Người già và tàn tật chiếm tỉ lệ quá cao khiến quỹ bảo trợ xã hội không gánh nổi. Là một CCB , thương binh, nhờ phúc ấm tổ tiên mà vẫn được sống trở về, ông không thể cầm lòng ngồi nhìn bà con mình đói khổ , sống mòn trong đói nghèo và bệnh tật.

Nghĩ và làm, ông âm thầm đi đến nhiều nơi, làm nhiều việc, thử nhiều nghề, tìm đến cả các doanh nhân thành đạt để học hỏi. Suốt 5 năm trời, sau khi đã tích lũy được một số vốn, ông quyết định mở lớp dạy nghề cho thương binh và người khuyết tật , những nghề phù hợp với phần sức khỏe còn lại của họ, nhằm giúp họ kiếm sống, trước là tự nuôi bản thân, sau là đỡ gánh nặng cho gia đình và xã hội . Trước khi mở trung tâm dạy nghề, ông đã bỏ công khảo sát, chọn địa điểm phù hợp với tính chất công việc và đối tượng nhân viên của mình. Là thương binh, họ sẽ phải vừa học nghề, vừa làm nghề, vừa tiêu thụ sản phẩm để có tiền sinh sống, vì vậy địa điểm phải hội đủ các yếu tố như gần đường quốc lộ, dễ di chuyển, thuận lợi cho việc giao thương … . Cuối cùng ông tìm được địa điểm như mong muốn là thị trấn Sao Đỏ, huyện Chí Linh, Tỉnh Hải Dương – cũng là quê hương của vợ ông.

Tháng 6 năm 1996 được phép của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Dương và Sở lao động – Thương binh & xã hội tỉnh Hải Dương, Huyện ủy, UBND huyện Chí Linh, ông đã chính thức khai trương Trung tâm nhân đạo Hồng Ngọc tại thị trấn Sao Đỏ. Đây là một cơ sở dạy nghề và tổ chức sản xuất kinh doanh đồ thủ công Mỹ nghệ cho thương binh và những người khuyết tật ra đời sớm nhất thời kỳ đó. Sau này một số tỉnh cũng tổ chức mô hình tương tự và hoạt động khá tốt.

Mặc dù Trung tâm nhân đạo Hồng Ngọc thực hiện dạy nghề miễn phí và đảm bảo công việc cho người khi đã thành nghề, nhưng việc chiêu sinh không đơn giản vì hầu hết thương binh nặng và người khuyết tật cũng như gia đình họ không đủ tự tin rằng họ có thể kiếm sống. Họ luôn mặc cảm mình là loại tàn phế vô dụng. Ông lại tìm đến ngành LĐ- TB – XH Hải Dương và chính quyền cơ sở phối hợp với các tổ chức này kiên trì giải thích vận động. Cuối cùng ông cũng tập hợp được 60 người đầu tiên vào học lớp Chạm khắc đá mỹ nghệ. Học nghề xong cả 60 người được bố trí làm việc ngay tại trung tâm, sản phẩm của họ đã bán được và cuộc sống tự lập đã hiện hữu. “Tiếng lành đồn xa” từ đó không chỉ các gia đình trong huyện Chí Linh , tỉnh Hải Dương mà nghiều gia đình có con em khuyết tật và thương binh các tỉnh lân cận cũng tìm đến trung tâm xin học nghề và làm việc.

Được ngành LĐTB & XH Hải Dương cùng các cấp chính quyền trong tỉnh tin tưởng động viên và kết hợp hỗ trợ đào tạo nghề, Trung tâm nhân đạo Hồng Ngọc nhờ vậy mà mỗi năm một phát triển thêm. Thời gian này một số tổ chức nhân đạo thế giới biết đếnTrung tâm, có ý định hỗ trợ về tài chính và các điều kiện làm việc cho trung tâm nhưng ông đã gợi ý họ chuyển sự giúp đỡ đó cho các đơn vị bạn còn khó khăn hơn mình, đồng thời động viên anh chị em cố gắng lao động, thực hiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và tự giác thực hiện tốt các chính sách nghĩa vụ với nhà nước. Song song với việc tự hoàn thiện hoạt động đơn vị mình bằng cách phát triển đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người khuyết tật và lao động trên địa bàn tỉnh, ông chủ động tổ chức các hoạt động từ thiện đền ơn đáp nghĩa giúp đỡ các tổ chức nhân đạo khác, nhất là công tác thương binh liệt sỹ từ thiện xã hội, bảo trợ chăm sóc trẻ mồ côi, người tàn tật.

Năm 2005 sau khi Trung tâm nhân đạo Hồng Ngọc đã phát triển ổn định, ông quyết định thành lập thêm công ty TNHH Chân – Thiện – Mỹ tại Châu Phong, Quế Võ , Bắc Ninh- là quê hương của mình. Có người hỏi ông vì sao lại đặt tên công ty là Chân- Thiện- Mỹ ông trả lời giản dị rằng: Cuộc đời đã dạy cho ông khi nhìn nhận mọi vấn đề thì phải nhìn vào cốt lõi , vào bản chất, quý trọng sự thật mà bỏ qua những cái phù phiếm bề ngoài đó là chân. Phải thương người như thể thương thân, có niềm trắc ẩn trước nỗi đau, sự thiếu hụt bất kể về vật chất hay tinh thần của con người là Thiện. Quá trình hoàn thiện nhận thức về cái đẹp của con người, quá trình tu dưỡng nhân cách, lối sống chính là Mỹ. Triết lý sống Chân – Thiện – Mỹ đã trở thành động lực thôi thúc ông tiếp tục làm việc, cũng là niềm mong ước của ông về những con người đã chịu khiếm khuyết về thân thể, họ phải được hoàn thiện về tâm hồn và phát sáng về trí tuệ để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Năm 2006 – 2007 Ông phát triển thêm cơ sở 2 của công ty TNHH Mỹ nghệ Hồng Ngọc tại xã Hoàng Tân, huyện Chí Linh. Kinh doanh càng phát triển, Công ty càng giàu thêm thì càng có nhiều vốn để mở rộng quy mô sản xuất, do đó càng giúp cho nhiều người khuyết tật được học nghề, có việc làm và thu nhập để ổn định cuộc sống. Lúc nào ông cũng trăn trở tìm kiếm, lựa chọn những nghề truyền thống phù hợp với sức khỏe người khuyết tật nhưng đòi hỏi chất lượng mỹ thuật cao như : Thêu ren , may mặc, kim hoàn , chạm khắc , sơn mài … những sản phẩm của Công ty Mỹ nghệ Hồng Ngọc làm ra được rất nhiều khách du lịch nước ngoài yêu thích. Có những vị khách lần nào trở lại Việt Nam cũng tìm đến công ty để mua hàng và giới thiệu cho bạn bè của họ cùng đến . Trước thực tế đó ông thấy cần phải gấp rút đào tạo ngoại ngữ cho công nhân viên để họ có thể trực tiếp giới thiệu sản phẩm của mình với khách. Từ đó những lớp học ngoại ngữ ra đời ngay trong công ty . Cán bộ nhân viên đều phải học. Họ vừa học, vừa làm và thực hành bằng chính những giao tiếp với khách nước ngoài. Nhờ vậy trình độ ngoại ngữ của anh chị em nâng lên rất nhanh. Quan hệ giữa công ty với khách hàng cũng thân thiện hơn nhiều. Hiện nay có hàng trăm nhân viên thông thạo từ 2 đến 3 ngoại ngữ. Nhờ biết ngoại ngữ và sự tài hoa trong công việc, một số cô gái khuyết tật đã được các chàng trai ngoại quốc cầu hôn. Đến nay dù đã có gia đình hạnh phúc ở nước ngoài họ vẫn không quên thường xuyên liên lạc với công ty. Có người đã trở thành đại diện giới thiệu sản phẩm của công ty ra nước ngoài. Công ty cũng đã tác hợp cho 20 đôi khuyết tật xây dựng gia đình với nhau . Với những gia đình nhỏ ấy, ông đều dành cho họ sự săn sóc chu đáo từ một căn hộ riêng với các vật dụng cần thiết, hỗ trợ một phần tiền nhà, điện nước . Từ 20 gia đình ấy nay đã có hơn hai chục cháu bé sinh ra khỏe mạnh. Ông xây thêm nhà và tổ chức lớp mẫu giáo, nhà trẻ cho các cháu ngay trong Công ty để bố mẹ chúng đỡ vất vả đưa con đi gửi xa. Vì vậy khu tập thể lúc nào cũng đầy ắp tiếng nô đùa của trẻ nhỏ. Nhìn những đứa trẻ lành lặn, bụ bẫm chạy tung tăng, ông thấy lòng mình được sưởi ấm và vơi bớt gánh nặng công việc. .

Nhờ lòng say mê và những cố gắng không mệt mỏi, hàng năm ông đều được nhận các danh hiệu: Chiến sỹ thi đua, bằng khen của các cấp lãnh đạo tỉnh Hải Dương và các bộ : Lao Động- Thương binh & Xã hội ; bộ Công nghiệp với các thành tích” đặc biệt xuất sắc trong lao động sáng tạo” ; hoặc “ Xuất sắc trong công tác đào tạo nghề và thực hiện chính sách nhân đạo “ vv…

Năm 2002 ông được Thủ tướng chính phủ tặng bằng khen “ Đã có nhiều thành tích trong công tác thương binh và xã hội từ năm 1998 đến 2001”.

Năm 2004 ông được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tặng Huân chương Lao động hạng ba với “ Thành tích xuất sắc trong công tác thương binh liệt sỹ và từ thiện xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc “.

Đặc biệt năm 2007 một vinh dự lớn đến với ông, đó là quyết định của Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam phong tặng danh hiệu cao quý Anh Hùng lao động thời kỳ đổi mới

Ngày nhận tin được Chính phủ tuyên dương AHLĐTKĐM vợ chồng ông ôm nhau khóc trong niềm hạnh phúc và tràn ngập lòng biết ơn các cấp chính quyền cùng nhân dân tỉnh Hải Dương. Họ đã cưu mang ông, tin cậy ông, giúp ông vượt qua vô vàn khó khăn ban đầu để tạo dựng sự nghiệp. Ông tự nhủ mình phải cố gắng hơn nữa để tri ân nhân dân tỉnh Hải Dương bằng cách tích cực góp phần nâng cao đời sống văn hóa và kinh tế trong tỉnh.

Câu ngạn ngữ “Đằng sau thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng người phụ nữ” rất đúng với cuộc đời anh hùng Đoàn Xuân Tiếp. Khi nói về những người phụ nữ trong cuộc đời mình, ông luôn thể hiện tình cảm thương mến, trân trọng họ. Đó là người mẹ đã sinh ra ông, nuôi dạy ông dù chỉ vài năm rồi đi bước nữa vì chiến tranh đã biến bà thành góa phụ từ lúc chưa đầy 30 tuổi ; Đó là người bạn gái – một nữ chiến sỹ Trường Sơn đã tận tình chăm sóc, cùng ông giành giật sự sống trong những ngày ông bị thương ở chiến trường, nhưng cũng vì chiến tranh mà họ đã lạc mất nhau mãi mãi ; Đó là người vợ đầu đã từng cho ông một gia đình êm ấm và những đứa con khỏe mạnh, nhưng rồi cũng bỏ ông đi vì không chịu nổi áp lực của cuộc sống khó khăn vất vả thời hậu chiến. Và đó là người vợ hiện nay của ông, người đã cùng ông bươn trải gây dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng hơn 20 năm qua để đến nay ông trở thành một doanh nhân thành đạt, một Anh hùng lao động . Hình như trong suốt cuộc đời mình, mỗi bước đi, mỗi sự vấp ngã, mỗi thành công của ông đều có bóng dáng và sự hiện diện của những người đàn bà ấy. Những người đàn bà có lúc, có người đã từng làm ông đau đớn, tuyệt vọng nhưng ông yêu thương và đồng cảm với họ vì họ đều là những người đã đi qua cuộc chiến khốc liệt, họ bị chiến tranh cướp mất nhiều thứ và trở thành nạn nhận bất khả kháng của chiến tranh. Ông biết ơn họ bởi chính họ đã góp phần tạo nên một nhân cách Đoàn Xuân Tiếp hôm nay. Họ chính là động lực thôi thúc ông cố gắng sống tốt hơn, làm việc nhiều hơn vì những người thân yêu của mình và vì cộng đồng.

Gần hai mươi năm kể từ ngày rời quân ngũ trở về quê hương , từ day dứt về thân phận những người bị cuộc chiến tranh xâm lược của giặc Mỹ làm cho tàn phế, Anh Hùng Đoàn Xuân Tiếp dấn thân vào sự nghiệp khắc phục hậu quả chiến tranh bằng cách xây dựng cuộc sống cho những người thương binh, người khuyết tật, người nhiễm chất độc da cam của giặc Mỹ. Từ 60 thành viên ban đầu của Trung tâm nhân đạo Hồng Ngọc, đến năm 2010 Ông thành lập và trực tiếp điều hành 2 công ty lớn hoạt động tại ba cơ sở trên địa bàn hai tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương và hệ thống công ty thành viên trong toàn quốc với trên 700 lao động trong đó có gần 400 lao động thuộc đối tượng Thương binh và người khuyết tật ( 53% ) . Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, sinh hoạt, thương mại và giao lưu với khách hàng được đầu tư hiện đại theo tiêu chuẩn Xanh – Sạch – Đẹp. Những năm qua, các công ty – cửa hàng của ông đã trở thành điểm đến của nhiều đoàn khách nước ngoài. Họ không chỉ là khách hàng quen thuộc mà còn là cộng tác viên tình nguyện giới thiệu sản phẩm của công ty đến nhiều nước. Trước sự yêu mến và đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng, Anh hùng Đoàn Xuân Tiếp lại trăn trở, lo lắng làm sao vừa tiếp tục duy trì, giữ vững năng lực sản xuất, vừa từng bước nâng cao trình độ, kỹ năng lao động, chất lượng sản phẩm để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Làm sao để tránh nhàm chán, lặp lại mãi những mẫu cũ. Đã đến lúc không chỉ cứng nhắc khai thác khả năng một số tay nghề cao, hay những họa sỹ quen thuộc. Xu thế hội nhập toàn cầu đòi hỏi phải có sự bứt phá rất lớn mới đủ tầm vươn ra quốc tế. Trong ông lóe lên ý tưởng mới, đó là kế hoạch đầu tư phát triển đào tạo nghề ở trình độ cao cho người khuyết tật.

Nghĩ và làm, đầu năm 2011 Anh hùng lao động Đoàn Xuân Tiếp chủ động gặp các chuyên gia cao cấp về quản lý giáo dục, các nhà giáo dày dạn kinh nghiệm, các nhà đầu tư có tâm huyết với sự nghiệp giáo dục và có khả năng tài chính vững chắc tham gia vào hội đồng sáng lập xây dựng Đề án khả thi thành lập trường Đại học Kinh Bắc trình các cấp lãnh đạo Tỉnh và Chính phủ.

Đề án thành lập trường Đại học Kinh Bắc được Thủ tướng thông qua trong bối cảnh cả nước đã có hiện tượng quá nhiều trường đại học ra đời, nhưng định hướng và tính đặc thù của đề án đã thuyết phục được các cấp lãnh đạo Đảng và nhà nước bởi đây là một mô hình đào tạo hệ đại học chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Đề án phù hợp với các chủ trương chính sách của nhà nước và phù hợp với công ước Quốc tế về người tàn tật.Trường đại học Kinh Bắc mang tính đặc thù riêng bởi ngoài việc tạo điều kiện cho mọi công dân trong độ tuổi được vào học, trường đặc biệt quan tâm đào tạo nâng cao trình độ kỹ thuật, công nghệ cho các đối tượng sinh viên khuyết tật. Sinh viên ĐHKB sẽ vừa học lý thuyết trên giảng đường vừa thực hành tại tổ hợp các doanh nghiệp của công ty Chân Thiện Mỹ, Hồng Ngọc. Đặc biệt sau khi tốt nghiệp, sinh viên khuyết tật sẽ được ưu tiên nhận vào làm việc tại các công ty của giám đốc Anh Hùng Đoàn Xuân Tiếp và hệ thống các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh của Hội người tàn tật Việt Nam.

Ngày 26 tháng 3 năm 2012 Thủ tướng chính phủ đã có Quyết định số 350/TTg về việc thành lập trường Đại học Kinh Bắc . Cùng đó Bộ Giáo & Đào tạo giao nhiệm vụ năm học 2012-2013 cho trường đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đại học và cao đẳng hệ chính quy 5 ngành : Kế toán; Tài chính ngân hàng; Quản trị kinh doanh; quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Công nghệ thông tin.

Sau khi có quyết định của Thủ Tướng Chính phủ Hội đồng quản trị và ban lãnh đạo nhà trường đã dành thời gian hơn 8 tháng để khẩn trương hoàn thiện cơ sở vật chất, tuyển sinh, ổn định nơi ăn chốn ở, sinh hoạt cho sinh viên, giáo viên và hệ thống phòng ban tại địa điểm 1: Phố Phúc Sơn, Phường Vũ Ninh, trung tâm thành phố Bắc Ninh. Đây là địa điểm ban đầu khi chủ đầu tư đang hoàn tất xây dựng đia điểm chính quy mô tại Xã Phù Chẩn Huyện Từ Sơn Tỉnh Bắc Ninh rộng 28 ha chỉ cách thủ đô Hà Nội 20 km. Trường còn một địa chỉ tại số 110 phố Ngọc Hà, Ba Đình Hà nội là nơi tiếp nhận hồ sơ tuyển sinh và các hoạt động hành chính phục vụ trường.

Ngày tháng 11 năm 2012 nhà trường long trọng tổ chức lễ khai giảng năm học đầu tiên. Ngày khai trường không chỉ là ngày hội lớn của thày, trò Trường Đại học Kinh Bắc mà thực sự là một ngày không thể quên đối với những ai được chứng kiến sự kiện này. Gần 400 sinh viên trẻ măng, có em ngồi xe lăn, em chống nạng nhưng em nào cũng vui vẻ rạng ngời đã ngồi kín hội trường. Các em biểu diễn văn nghệ chào mừng sự kiện. Ban lãnh đạo nhà trường tất bật đón khách. Khi tiếng trống khai trường nổi lên, không khí trong hội trường như trùng xuống. Ai cũng rưng rưng cảm động . Ban Tổ chức trân trọng giới thiệu Anh Hùng lao động Đoàn Xuân Tiếp- Chủ tịch Hội đồng sáng lập, chủ đầu tư , phó chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại Học Kinh Bắc đọc diễn văn khai mạc.

Nhìn ông bước lên sân khấu với dáng đi nghiêng nghiêng, nét cười pha chút ưu tư và giọng đọc trầm ấm, tôi bỗng nhớ đến hình ảnh ông thợ mộc tài hoa ngày xưa chuyên đi dựng những ngôi nhà gỗ theo kiểu cổ ở quê mình. Ông thợ cả ấy cũng có khuôn mặt chất phác mà nghiêm nghị , ông không ồn ào mà tỉ mỉ, chi tiết hướng dẫn cánh thợ trẻ chạm khắc trên từng khúc gỗ những hình hoa văn, Long Ly Quy Phượng rồi lắp thành những bộ tủ, những khung nhà tuyệt đẹp. Chắc chắn hàng trăm năm sau những nét trạm tinh tế của họ vẫn làm mê đắm lòng người. Những ông thợ cả ngày xưa được nhân dân yêu mến gọi là bác Phó cả. Sau này Nhà nước vinh danh họ là Nghệ nhân dân gian và trân trọng họ như là tài sản quý hiếm của Quốc gia. Anh Hùng lao động Đoàn Xuân Tiếp có rất nhiều phẩm chất của một ông phó cả với cái vẻ hiền lành mà nghiêm nghị, khoan hòa ngẫm ngợi mà sâu sắc. Ông không cầm tràng đục làm ra những sản phẩm nghệ thuật thông thường mà là nhà thiết kế, xây dựng hoàn thiện phần tâm hồn cho những con người vốn bị khiếm khuyêt về thân xác. Ông sống, làm việc như một sự tận hiến. Trong ông thẫm đẫm lòng trắc ẩn. Lòng trắc ẩn ấy được gieo vào tâm hồn con người như là một hạt giống sống động, được nẩy chồi, tăng trưởng và kết quả. Nhân viên, học trò của ông, những người khuyết tật nghèo khó đã nhận được từ ông hạt giống đó. Lòng trắc ẩn đã khiến họ trở nên quảng đại hơn, bao dung hơn và cao lớn hơn so với thân thể nhỏ bé giới hạn của mình. Mai đây từ ngôi trương Đại học Kinh Bắc này sẽ có bao nhiêu nghệ nhân tài hoa trưởng thành làm giàu – đẹp cho đất nước. Chăc chắn nhiều thế hệ các em sẽ nối tiếp nhau thực hiện sự nghiệp của ông để cùng xây dựng một xã hội Chân – Thiện- Mỹ như ông đã đổ cả đời công sức gây dựng.

Tôi cũng muốn ước rằng: Giá có một danh xưng Nghệ nhân tâm hồn để vinh danh ông, người cựu chiến binh- doanh nhân với những sáng tạo kỳ tài trong thời đại chúng ta. Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới Đoàn Xuân Tiếp.

(nghiatinhdongdoi.vn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *