HỌ ĐOÀN Ở VIỆT NAM

BAN LIÊN LẠC HỌ ĐOÀN TOÀN QUỐC
(Tài liệu công bố năm 1999)

Thông tin bước đầu về nguồn gốc Họ Đoàn
——————————————————-

Sau một thời gian sưu tầm tư liệu, được sự cộng tác và giúp đỡ của nhiều vị Họ Đoàn ở nhiều miền đất nước, chúng tôi xin thông báo đến quý vị một số nét về nguồn gốc và sự phát triển của Họ Đoàn trong hơn 1000 năm qua tại Việt Nam. Xin quý vị coi đây là tài liệu tham khảo bước đầu, vì một số thông tin nhận được có thể còn sai lệch, chưa đầy đủ, cần nhiều thời gian sưu tầm, chỉnh lý.

Ban liên lạc Họ Đoàn tỉnh Nghệ An có cung cấp một tài liệu do cụ Đoàn Huệ Hải, đỗ cử nhân, huyện tri Vĩnh Khang triều Lê Sơ, viết về nguồn gốc Họ Đoàn với câu truyền khẩu “Tiền cư Lai Cáo, Hậu đáo Tô Xuyên khuynh chi Hải Dương, xưng vương Đông Hải” và phả hệ 11 đời do cụ tổ (không biết tên) cùng 2 con là Đoàn Văn Khâm và Đoàn Huy Hải từ Lai cáo (một địa danh cổ thuộc Huyện từ Liêm, Hà Nội hiện nay) về Tô xuyên (nay thuộc xã An Mỹ, Huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) năm 1020, triều Lý Thái Tổ (1010-1028). Sau đó cụ Đoàn Văn Khâm chuyển về làng Cổ Phúc huyện Kim Môn, tỉnh Hải Dương, còn em là Đoàn Duy Hải vẫn ở Tô Xuyên. Cụ Đoàn Văn Khâm là thí sinh khai khoa triều Lý Nhân Tông, làm quan tới chức Công bộ Thượng Thư. Hậu duệ thứ 6 cụ Đoàn Văn Khâm là Đoàn Phúc Thượng và Đoàn Phúc Lãnh chuyển cư sang Tu Trình (nay là xã Thụy Trinh, huyện Thái Thụy, Tỉnh Thái Bình ) Cụ Đoàn Phúc Thượng là tướng nhà Lý, xưng vương Đông Hải, chống lại nhà Trần, bị nhà Trần đánh bại năm 1228. Con cụ Thượng là Đoàn An chạy vào Ngọc Sơn, Châu ái. Hậu duệ thứ 11 cụ Đoàn Văn Khâm là tướng Đoàn Nhữ Hài bị tử trận ở miền tây Nghệ An năm 1335. Hệ tộc cụ Đoàn Văn Khâm do Họ Đoàn ở Nghệ An cung cấp.
Một tài liệu khác do hội đồng gia tộc và một số cụ Họ Đoàn có gốc từ làng Tu Trình, Thái Bình cung cấp rõ hơn về dòng họ cụ Đoàn văn Khâm như sau: Họ Đoàn Đã có từ lâu đời nguồn gốc phát tích tại Sơn Lĩnh (nay chưa rõ thuộc địa phương nào) Quá trình phát triển và chuyển cư đến nhiều địa phương trong cả nước, đến nay có thể đã ngót 50 đời. Gia phả và bia ký dòng Họ để lại mới biết được một số cụ tổ sau đây:

Cụ Đoàn Huy Luợng, tướng của Ngô Quyền tham gia đánh giặc Nam Hán năm 938, hiện có đền thờ ở Nghi Đoan (Hải Phòng).

Cụ Đoàn Văn Lan, tướng của Minh Công Trẫn Lãm, sau giúp Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân, hiện có đền thờ ở Lạc Đạo (Thái Bình).

Cụ Đoàn Văn Liễn (con cụ Đoàn Văn Lan), Tướng nhà Đinh, sau giúp Lê Hoàn đánh Giặc Tống, được ban 10 chữ ” Bình Tống huân danh tại, phù Lê sử sách thùy” năm 1009 Cụ Liễn đứng về phe ủng hộ cụ Lý Công Uẩn lên ngôi vua. Cụ Lý Thái Tổ cấp lộc điền ở Tô Xuyên. và đến năm 1020 cụ đem con cháu đến đây khai khẩn làm ấp thang mộc. Họ đoàn ở làng tu Trình vẫn truyền khẩu câu nói: “Tiền cư Lai Cáo, hậu đáo Tô Xuyên, ốc tại Tu Trình, ký cư Quảng Nạp”.

Cụ Đoàn văn Khâm (con cụ Liễn) đỗ khoa thi năm ất mão (1075) là thượng thư Bộ công triều Lý Nhân Tông.

Cụ Đoàn Thiện Hồng (con cụ Khâm tướng nhà Lý, phu nhân là Lý Thị, nhũ mẫu của vua Lý Nhân Tông.

Cụ Đoàn Quang Dao (con cụ Hồng) tướng nhà Lý, được phong tước yên quốc thượng tướng quân, có con gái Đoàn Thị làm thứ phi vua Lý Anh Tông

Cụ Đoàn Thiện Hổ (con cụ Dao) tướng nhà Lý, có công dẹp loạn được phong đất lộc điền ở trại Mắt, tên chữ là làng Tu Trình, Một vùng đất ven hạ lưu sông Hóa làm ấp thang mộc.

Cụ Đoàn phúc Lãnh (con cụ Hổ) làm quan Hà Đê chỉ huy sứ. Năm 1170 cụ Lãnh được triều đình cử đi trị thủy vung Duyên Hải, Lộ Hải Thanh (Thái Bình, Nam Định ) Cụ Lãnh đã đem con cháu về Tu Trình định cư, khai khẩn vùng đất lộc điền được cấp.

Cụ Đoàn Phúc Lãnh có 3 người con là Đoàn Phúc Thượng, Đoàn Phúc Chủ và Đoàn Phúc Hào.

Đoàn Phúc Thuợng làm phán phủ Hồng Châu, rồi làm tướng Điện Tiền triều Lý Cao Tông. Năm 1212 nhận lệnh về Hồng Châu mộ quân, nhân lúc vận nhà Lý suy đồi tự xưng vương Đông Hải, cùng em là Đoàn Chủ lập căn cứ ở Bần Mao (gần Thăng Long) và làng Gia Viên (nay thuộc Hải Phòng) chống lại nhà Trần. Đến năm 1228. bị Trần Thủ Độ lập mưu giết hại. Đoàn Phúc Thượng có con là Đoàn Lôi và Đoàn Phúc Khuê.

Đoàn Lôi thỏa hiệp với nhà Trần lấy em gái Trần Thừa là Trần Tam Nương làm vợ kế và về Tu Trình ở ẩn.

Năm 1351, có một chi Họ thuộc Hậu duệ cụ Đoàn Phúc Lãnh từ Tu Trình về Quảng Nạp. chi Họ này có cụ Đoàn Công Uẩn, có công giúp Lê Lợi chống giặc Minh được Tặng danh hiệu Đoàn dũng tướng danh huân, được thờ làm Thành hoàng ở Đình Quảng Bắc.

Con cụ Đoàn Công Uẩn là Đoàn công Bẩm đựợc vua ban quốc tính là Lê Công Bẩm, một võ tướng được phong chức Thái thường thị thiếu khanh, tước Thiên hào tử, chuyển cư về Hiến Phạm, Văn Giang, Hưng Yên (nay là làng Giai Phạm, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên) Hậu duệ cụ Lê Công Bẩm đổi lai Họ Đoàn có Đoàn Doãn Nghi và con là Đoàn Doãn Luân và Đoàn Thị Điểm. Hậu Duệ cụ Đoàn Phúc Lãnh, chi Họ về Đại Hạnh, Văn Giang, Hưng Yên có cụ Đoàn Duy Tinh (sau đổi là Đoàn Nguyên Thục ) đỗ tiến sỹ năm Cảnh Hưng thứ 13 (1752) làm quan đến chức phó đô ngử sử , tước Quỳnh Xuyên bá. con cụ Tĩnh là Đoàn Nguyên Tuấn, Đỗ tiến sỹ triều Lê Hiển Tông làm tả thi lang bộ lại, tước Hải phái hầu triều Tây Sơn.

Sơ bộ thống kê thì Họ Đoàn của cụ Đoàn Phúc Lãnh ở Tu Trình, Thái Bình đã có một số nhánh đi về các địa phương sau đây: Quảng Nạp, Hiến Phạm (Văn Giang), làng Cờ thuộc tổng Mỹ Xá (nay là xã Ngọc Ký thuộc Tứ Lộc, Hải Dương), núi Na (Đông Triều), Đại Hạnh (Văn Giang), Hải An(Thái Bình), Yên Bài (Mê Linh), Kim Côn (An Lão, Hải Phòng), Tân Hưng (Tứ Lộc, Hải Dương), Vũ Xá (Nam sách, Hải Dương), Hà Nội, Bắc Giang, Vĩnh Yên, Quảng Cư (Thủy Nguyên, Hải Phòng , Tiểu Hoàng (Nam Trực Nam Định) Tiên Lãng, Vĩnh Bảo thuộc Hải Phòng.

Như vậy dòng tộc cụ Đoàn Văn Khâm có nhánh Họ cụ Đoàn Phúc Lãnh đã chắp nối đựơc một số chi chuyển cư về các địa phương thuộc đồng bằng Bắc bộ qua triều Lý, Trần, Lê còn một số nhánh, chi khác chưa có tư liệu.

Ngoài ra, một nguồn tin khác từ Thái Bình cung cấp cho biết, trong thần phả đình làng An Mai (nay là thôn Thanh Mai, xã An Thanh, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) do tiến sỹ nho học Vũ Viết Bảo viết thì từ nhà Tiền Lý (544-602) đã có ông Đoàn Danh Tích về An Mai khai hoang, lập ấp. Và trong gia phả Họ Trần làng An Mai có ghi: Vào triều Lý Thái Tổ khi cụ tổ Họ Trần về đây thì đã có người Họ Đoàn sinh sống.

Một số chi, nhánh Họ Đoàn lâu đời ở các địa phương

  1. Gia phả Họ Đoàn ở Huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An được chép từ năm 1483 cho biết cụ tổ là Đoàn Bá Tuân, hậu duệ cụ Đoàn Văn Khâm, nguyên quán làng Cổ Phúc, Huyện Kim Môn, tỉnh Hải Dương. cụ Đoàn Bá Tuân được Vua Lê Thánh Tông giao trấn thủ Hải Dương. Năm 1513 do loạn lạc dưới triều Lê Tương Dực bị Giặc giết. Con cụ là Đoàn Bá Khởi chạy vào Nghệ An phát triển thành một Họ Đoàn khá lớn trên đất Nghệ An, rồi vào đến miền Trung Nam Bộ. Đời thứ 5 dòng tộc Đoàn Bá Tuân có cụ Đoàn Duy Tinh đã chuyển cư vào làng An Truyền, Thừa Thiên vào giữa thế kỷ 16. vào triều Nguyễn, hậu duệ cụ Đoàn Duy Tinh có 3 anh em là Đoàn Hữu Trưng, Đoàn Hữu Trực và Đoàn Hữu ái nổi lên chống lại tự Đức (tục gọi là giặc Chày Vôi) nhưng bị thất bại. Ba anh em nhà Đoàn Hữu Trưng bị Tự Đức giết hại. một số gia đình nhánh Họ này phải chạy Ra Quảng Trị, Quảng Bình và vào Tới An Giang để tránh họa chu di. Chi Họ vào An Giang đổi sang Họ Dương (hậu duệ chi này có Dương Văn Minh, tổng thống cuối cùng của chế độ ngụy quyền Sài Gòn). Chi họ chạy ra Quảng Trị có hậu duệ là đại tướng Đoàn Khuê (đã mất). Dòng tộc cụ Đoàn Duy Tinh ở Thừa Thiên Huế còn có chi Họ ở làng Phú Môn huyện Phú Vang, hậu duệ chi Họ này có giáo sư Đoàn Trọng Tuyến và con trai là bộ trưởng Đoàn Mạnh Giao, em cụ Đoàn Bá Khởi lập nghiệp ở Văn Giang, Hưng Yên.
  2. Ngoài dòng tộc Đoàn Bá Khởi, ở xã Vĩnh Mỹ, huyện Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên Huế còn có một chi Họ Đoàn mà cụ tổ là Đoàn Chính Tâm, có gốc từ làng Lương Niệm, tổng Cung Thương, Huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa vào đây khai canh từ năm 1562 (thời chúa Nguyễn) tính đến nay 17 đời. Họ có 2 nhánh lớn, 13 chi, số con cháu đi làm ăn xa hình thành 7 tiêu chi: Khe tre, Vùng Vàng, Đà Nẵng , Nha Trang, Đắc Lắc, TP Hồ Chí Minh, Hoa Kỳ. Phải chăng đây là hậu duệ cụ Đoàn Văn, con tướng Đoàn Phúc Thượng, đã chạy vào Châu ái sau khi cha bị giết.
  3. Tại xã Xuân Dương, Huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây có cụ tổ Họ Đoàn về đây chiêu dân, lập ấp từ triều Trần Phế Đế, niên hiệu Sơng Phù 3 (1380) đến nay đã 620 năm. Tại đây còn có mộ tổ và gia phả nhiều đời.
  4. Theo di chúc của chi Họ Đoàn ở xã Hiệp Hòa, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh thì cụ tổ Họ này là Đoàn Phúc Cao đã về đây khai cư từ triều Trần Thuận Tông, Quang Thái 10 (1397). Họ này có nhánh về Đông Triều, Quảng Ninh. Có nguồn tin nói Họ Đoàn này có gốc là Họ Nguyễn, sau đổi sang Họ Đoàn. Đây là chi Họ của thiếu tướng Đoàn Quang Thìn, nguyên Viện trưởng Viện kiểm sát Quân sự trung ương.
  5. Họ Đoàn ở thôn Kim Sơn, xã Lê Thiện, huyện An Hải, thành phố Hải Phòng là Họ Đoàn lâu đời, có đông con cháu. Tại đây thờ cụ tổ là Đoàn Bá Triện, Việt trung tướng quân. Chức vụ này do vua Lê Thái Tổ phong khi cụ Triện giúp Lê Lợi chống quân Minh thắng lợi.
    6. Tại xa Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội có 2 chi Họ Đoàn lớn. Chi Họ Đoàn ở Hữu Thanh Oai cụ tổ là Đoàn Phúc Sơn đến nay đã có 18 đời, có một chi Họ chuyển cư sang làng Song Hồ tỉnh Bắc Ninh đổi sang Họ Đỗ.họ này có cụ Đoàn Huyên và con là Đoàn Triển đều đỗ cử nhân triều Nguyễn.
    Chi Họ Đoàn ở Tả Thanh Oai nói là cụ tổ Họ đã về đây từ thời Tiền Lý (Lý Nam Đế), con cháu đông đúc, song không có phả để lại nên không chứng minh được gốc Họ.
  6. Họ Đoàn ở xã Nghĩa Đô, nay là phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội, vốn có gốc từ xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, Tỉnh Hà Tây đến nay đã có nhiều đời. Họ này có cụ Đoàn Nhân Công đỗ tiến sỹ năm 1447, Triều Lê Nhân Tông, và con là Đoàn Nhân Thục đỗ tiến sỹ năm 1502 triều Lê Hiến Tông. Tại Nghĩa Đô hiện có mộ và nhà thờ cụ Đoàn Nhân Thục.
  7. Họ Đoàn ở làng Yên Canh ( phố Cửa Bắc – Hà Nội hiện nay) là một Họ lâu đời, gia phả bị mất. Họ có 4 nhánh đi về các địa phương sau đây:
    – Một nhánh về Bãi Sậy, Hưng Yên. Có nhà thờ.
    – Một nhánh về Nam Định. Có nhà thờ.
    – Một nhánh về Thái Bình
    – Một nhánh vào Nam Bộ.
    Riêng nhánh ở Hà Nội cụ tổ là Đoàn Văn Tiu, có mộ trong khuôn viên nhà thờ Họ phố Cửa Bắc, Đền thờ Họ ở phố Cửa Bắc có thờ đức Triệu Quang Phục, đã bị bom mỹ phá hủy. Họ này có nhà tư sản Việt Đoàn (ở phố Đinh Tiên Hoàng) đã mất, là anh em đồng hao với cố vấn Phạm Văn Đồng. Họ này còn giữ được 13 sắc phong của các triều đại trước đây.
  8. Họ Đoàn ở thôn Đại Cát, xã Liên Mạc, huyện Từ Liêm – Hà Nội cụ tổ là Đoàn Đình Long đến nay đã 20 đời, có gia phả bằng Hán Nôm và nhà thờ Họ.
  9. Họ Đoàn ở thôn Kiều Thị, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây, cụ tổ là Đoàn Phúc Lộc đến nay đã 18 đời. Đời thứ 2 Họ này có cụ Đoàn Hữu Thúc được phong tước Quận công, đời thứ 9 có cụ Đoàn Phúc Hoành là thầy thuốc ở Thái y viện. Đời thứ 5 của Họ có một chi chuyển cư sang Bối Khê, Châu Giang, Hư¬ng Yên đổi sang Họ Đỗ. Đây là Họ của nhạc sỹ Đoàn Bổng.
  10. Họ Đoàn ở thôn Hải Yến, xã Hải Triều, Huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, cụ tổ là Đoàn Phúc Chiêu đến nay đã 18 đời. Họ này có 8 người đỗ cử nhân triều Nguyễn, đặc biệt có gia đình cụ Đoàn Mậu cả 5 cha con đều đỗ cử nhân. Đời thứ 11 họ này có người chuyển cư sang Tiền Hải, Thái Bình. Ngoài ra còn có 10 người con trai của Họ thuộc các đời khác nhau đi lập nghiệp ở các địa phương khác chưa chắp nối được với quê tổ?
  11. Họ Đoàn ở thôn Phượng Lâu, xã Ngọc Thanh, huyện Kim Động tỉnh Hưng Yên cụ tổ là Đoàn Phúc Tâm đến nay đã 14 đời. Họ này có một số chi chuyển cư về Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng và xã Lương Bằng cùng huyện.
  12. Họ Đoàn ở thôn Tường Vu, xã Cộng Hòa, Huyện Kim Môn, tỉnh Hải Dương, cụ tổ là Đoàn Duy Hiền đến nay đã 14 đời. Cụ Hiền có 2 người em cùng về: Một người về Tiên Lữ, Hưng Yên; một ngời về Tiên Lãng, Hải Phòng, song hiện nay chưa chắp nối được. Đây là Họ của ông Đoàn Duy Thành, chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
  13. Họ Đoàn ở thôn Kim Sơn, xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng cụ tổ là Đoàn Phúc Xô đến nay đã 15 đời.
  14. Họ Đoàn ở thôn Lương Đường, xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng cụ tổ là Đoàn Công Trí từ Nam Định về đây đã được 15 đời. Sau 5 năm chuyển cư về Hải Phòng, người anh cả lại trở về Nam Định từ bấy đến nay.
  15. Tại xã Tiểu Hoàng, tổng Đại Hoàng, huyện Trực Ninh tỉnh Nam Định (là địa danh cũ nay chưa rõ thuộc xã, huyện nào) có một chi Họ Đoàn lâu đời. Tại đây có hai anh em về đây định cư vào năm 1433 ở hai nơi: một người về xã Quảng Cư, tổng Phù Lưu, huyện Thủy Nguyên; một người về làng Hòa Hy, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng. Cụ tổ của chi Cát Hải là Đoàn Công Tự Đức. Con cháu đời sau dòng Họ Đoàn Đức có Đoàn Đức Vạn chủ hiệu nước mắm Vạn Vân nổi tiếng một thời và con là nhạc sĩ trữ tình Đoàn Chuẩn.
  16. Họ Đoàn ở làng Vân Chàng, xã Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định cụ tổ là Đoàn Huy Thái, hiệu là Phúc Bình đã về đây từ triều Trần, cách nay 700 năm. Đời thứ 7 họ này có cụ Đoàn Huy ánh hiệu là Ôn Cung, đỗ cử nhân năm Hông Đức thứ 18 (1487). Cụ Đoàn Hy và Đoàn Thuật đỗ cử nhân triều Nguyễn.
  17. Một chi Họ Đoàn nữa ở xã Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định cụ tổ là Đoàn Chính Uy, có gốc là huyện Văn Giang, Hưng Yên về đây từ triều Trần Hiến Tông (1498-1505). Đời thứ 5 Họ này có cụ Đoàn Tấn Khôi sang huyện ý Yên, Nam Định lập nghiệp, có cụ Đoàn Thị Hoa được dân làng Rót, xã Nam Bình (cùng huyện) tôn làm Thành Hoàng làng, triều Tự Đức và Khải Định có sắc phong. Đời thứ 7 có cụ Đoàn Công Khuyến, đỗ hương cống được bổ làm tri huyện và em là Đoàn Đình Trạc, đỗ hương cống dạy học ở Quốc Tự Giám. Đời thứ 11 có cụ Đoàn Hữu Đức đỗ 2 khoa tú tài triều Tự Đức.
  18. Họ Đoàn ở thôn Nam Trực, xã Trực Khang, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định có 2 cụ tổ là Đoàn Luật và Đoàn Chiếu từ Kim Môn, Hải Dương chuyển cư về đây vào năm Hồng Đức thứ 25 (1484). Hiện vẫn còn 2 nhánh lớn gồm 600-700 nhân khẩu.
  19. Họ Đoàn ở thôn Nhất, xã Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, cụ tổ là Đoàn Đình Trác, sinh tháng 10- Đinh Hợi (1587), có gốc từ Hưng Yên sang, cụ đỗ Đệ nhất lực sỹ khoa thi võ lâm năm 1604 đợc phong tước Lê triều đô chỉ huy sứ triều Lê- Trịnh.
  20. Họ Đoàn ở làng Đô Quan, nay là xã Nam Lợi, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định cũng là Họ Đoàn lâu đời. Họ có cử nhân nho học triều Duy Tân là Đoàn Quán, nhà thơ mới nhóm Tự lực văn đoàn là Đoàn Văn Cừ.
  21. Họ Đoàn thôn Hồng Việt, xã Nam Hồng huyện Xuân Tr¬ường, tỉnh Nam Định là một Họ Đoàn lâu đời. Có gia phả và mộ tổ. Đây là Họ của ông Đoàn Văn Kiển, tổng giám đốc công ty than Việt Nam.
  22. Họ Đoàn ở thôn thượng Cầm, xã Vũ Lạc, huyện Kiến X¬ương, tỉnh Thái Bình là chi Họ Đoàn Văn, cụ tổ là Đoàn Phúc Giang từ ý Yên, Nam Định sang đến nay đã 15 đời. Có gia phả và nhà thờ Họ. Họ này có 6 chi chuyển đi các địa phương trong và ngoài tỉnh.
  23. Họ Đoàn ở thôn Vân Động, xã Vũ Lạc, huyện Kiến X¬ương, tỉnh Thái Bình là chi Họ Đoàn Hữu, cụ tổ là Đoàn Chính Tâm (ch¬ưa rõ quê gốc) đến nay đã 15 đời. Có gia phả và nhà thờ Họ. Họ có 3 chi chuyển đi các địa ph¬ương trong và ngoài tỉnh.
  24. Họ Đoàn ở thôn Lương Bằng, xã Thái Nguyên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, cụ tổ là Đoàn Đúc Trọng (chưa rõ quê gốc). Họ này có 2 nhánh về xã Thái Thịnh, huyện Thái Thụy và Đông Quý huyện Tiền Hải cùng tỉnh.
  25. Họ Đoàn ở xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, cụ tổ đi theo nhà Mạc lên đây sau khi nhà Lê chiếm tại Thăng Long. Họ này có một chi chuyển sang huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng.
  26. Họ Đoàn ở xã Đề Thám, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng cũng từ dưới xuôi lên đây thời mạc suy. Hậu duệ cụ Tổ chi này có trung tướng Đoàn Nam Long (mới mất). Đây là chi Họ của ông Đoàn Ngọc Bông, phó chủ tịch phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam.
  27. Họ Đoàn ở làng Vọng Xẻ, xã Đa Mai, thị xã Bắc Giang, cụ tổ có gốc từ Hải Dư¬ơng về đây khai khẩn đất đai, đến nay đã có 16 đời. đây là Họ ông Đoàn Thao, phó chủ nhiệm ủy ban TDTT nhà nước.
  28. Họ Đoàn ở xã Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, cụ tổ là Đoàn Phúc Linh từ Sơn Tây về đây đến nay đã có 18 đời. Họ có gia phả bằng Hán nôm và mộ tổ.
  29. Họ Đoàn xã Phú Hòa, huyện Gia Lương, tỉnh Bắc Ninh, đến nay có 16 đời. Họ này có cụ Đoàn Sư Đức, đỗ tiến sỹ khoa Giáp Tuất (1514) triều Lê Tương Dực.
  30. Họ Đoàn ở xã Minh Đạo, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh, cụ tổ là Đoàn Phúc Chính. Hậu duệ Họ này có nhà thơ Đoàn Phú Tứ, là một trong 4 tác giả Họ Đoàn của Văn học Thăng Long – Hà Nội thế kỷ 19- 20.
  31. Họ Đoàn có gốc từ làng An Ninh, huyện Bình Lục, tỉnh Nam Hà, cụ tổ là Đoàn Đạo Tôn từ Thanh Hóa ra, đến nay đã có nhiều đời. Họ có 3 nhánh lớn ở ba nơi: Nhánh cả cụ tổ là Đoàn Hữu Hoàn, con cháu hiện nay cư ngụ ở làng Thanh Liêm, xã Thanh Bình, huyện thanh Liêm, tỉnh Hà Nam; nhánh 2 cụ tổ là Đoàn Thoát Chơn, con cháu hiện nay sống ở thôn Sấu Đống, xã Liêm Túc, huyên Thanh Liêm; nhánh 3 cụ tổ là Đoàn Hữu Phú con cháu hiện nay ở thôn Giành, xã Tập Mỹ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.
  32. Họ Đoàn ở xã H¬ưng Minh, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, Cụ tổ là Đoàn Phúc Đức (chưa rõ quê gốc), đến nay đã 16 đời. Họ có gia phả và mộ tổ.
  33. Họ Đoàn có gốc từ thôn Tiên Cung, xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, Tỉnh Nghệ An, cụ tổ là Đoàn Gia Mạnh Tổ (không rõ tên thật) được triều hậu Lê sắc phong Trung Đẳng chính thần, hiệu Xuân Lan tôn thần. Họ có 5 chi: 3 chi hiện ở Trung Sơn, cùng huyện, 1 chi về xã Thanh Hòa, huyện Đô Lương, cùng tỉnh.
  34. Họ Đoàn ở xã Đức Lạc, huyện Đức Thọ, Tỉnh Hà Tĩnh, cụ tổ là Đoàn Hữu Mục, từ Bắc vào đây đầu triều hậu Lê. Họ có 3 vị có công giúp nhà Lê trung hưng được phong tước Quận công. Họ này đến nay đã 18 đời.
  35. Họ Đoàn ở xã Đức Hòa, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, cụ tổ là Đoàn Sài vào đây đầu triều Hậu Lê, đến nay đã 18 đời, Họ này triều Nguyễn có cụ Đoàn Tử Quang đỗ cử nhân vào tuổi 82, khoa thi năm Canh tý (1900), được coi là sự kiện hiếm có trong lịch sử khoa cử Việt Nam.
  36. ở 2 huyện Quảng Trạch và Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, có dòng Họ Đoàn mà cụ tổ là Đoàn Nghi Trung Bá được vua Lê Thánh Tông giao trấn thủ Quảng Bình vào năm 1460. Dòng Họ này có gốc từ làng Thổ Hào, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
  37. Họ Đoàn ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cụ tổ là Đoàn Công Huyền, con một vị đại lang, (chưa rõ tên) có gốc từ huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương vào đây từ thời Chúa Nguyễn Hoàng. Con trai cụ Đoàn Công Huyền là Cụ Đoàn Công Nhạn được chúa nguyễn phong tước Thạch quân công. Ông Nhạn có con gái là Đoàn Thị Ngọc Phi là vợ chúa Nguyễn Phúc Lan, được triều gia Long tôn làm Hiếu chiêu Hoàng Hậu. Lăng Hiếu Chiêu Hoàng Hậu gọi là lăng Vĩnh Diên hiện nay còn ở làng Chiêu Sơn, Duy Xuyên, Quảng Nam, đã được xếp hạng di tích lịch sử. Con trai chúa Nguyễn Phúc Lan với bà Đoàn thị Ngọc Phi là Nguyễn Phúc Tần được kế tục nghiệp Chúa. Họ này đã có chi vào làm ăn ở Sài Gòn và vài tỉnh Nam Bộ. Đây là Họ của cụ Đoàn Hữu Công tức nhac sỹ Thuận Yến và con ông là ca sỹ Thanh Lam.
  38. Họ Đoàn ở xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, cụ tổ là Đoàn Đại Lang (không rõ tên thật), nguyên quán ở làng Mỹ Huệ, huyện Tân Minh, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương, đã theo chúa Nguyễn vào đây để khai khẩn đát đai. Cụ tổ đã khai khẩn được 200 mẫu ruộng ở 2 xã Xuân Minh và Nguyệt Biều rồi cùng vợ trở về nguyên quán để lại người con trai là Đoàn Ngọc Lai trông coi ruộng đất và sinh các thế hệ sau này ở Quảng Nam. Đời thứ 9 Họ này có Đô Đốc Đoàn Ngọc Tài, thân tướng của Đại Tướng Trần Quang Diệu dưới triều Tây Sơn, ông giữ thành Phú Xuân – Huế, đã tuẫn tiết khi thành bị quân Nguyễn ánh vây hãm.
  39. Họ Đoàn ở xã Điện An, huyên Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, cụ tổ là Đoàn Thể Thân từ Bắc vào đây năm Giáp Tý (1564) triều Lê Anh Tông. Trong gia phả có nói do bị Họ Mạc truy đuổi nên gia đình cụ Thân vào đây có 4 anh em đã đổi ra Họ Trần và Họ Phạm.

– Con cả là Đoàn Đăng đổi thành Phạm Văn Lệ cư ngụ ở thôn Cẫm Văn, xã Điện Hồng.

– Con thứ là Đoàn Thăng tức Luật, làm con nuôi ông Trần Khánh Thiện nên đổi là Trần Bá Đạt ở Giáp Nhất, Điện An.

– Con thứ 3 là Đoàn Thế Đàm tức là Đoàn Trọng Quát đổi là Phạm Phú Điều ở Điện Trung.

– Một người con trai út là ông Bình Huề, Đoàn Quế Phú, không ghi tông tich, nhưng trong gia phả Phạm Phú có nói ông này có 2 con là Phạm Phú Tài và Phạm thị Xuân Lựợc.
Dòng Họ Phạm Phú Điều vào triều Tự Đức có danh nhân Phạm Phú Thứ được bổ nhiệm làm quan lại bộ tam tri, quan có tư tưởng cấp tiến, đã nhiều lần khuyên Tự Đức nên cách tân theo phương tây nhưng bị phái bảo thủ trong triều chống lai và Tự Đức không nghe. Sau khi ông cùng Phan Thanh Giản sang Pháp thương lượng xin chuộc lại các tỉnh Nam bộ, không xong, về nước ông bị cách chức.

Ngày 27/7/1991, đại diện 5 hôi đồng gia tộc họ Phạm Phú, Trần Công và Đoàn Thế ở Điện Bàn và Quế Sơn, Quảng Nam đã họp bàn Đối chiếu gia phả, cùng nhau công nhận 5 chi Họ trên là hậu duệ của cụ Đoàn Thế Thân.

  1. Họ Đoàn ở xã Đại Hùng, huyện ứng Hòa, tỉnh Hà Tây, là một Họ Đoàn lâu đời có từ thời Lê Sơ, đời thứ 5 họ này có tướng Đoàn Trọng Côn được triều Lê – Trịnh phong chức Đô đốc chỉ huy sứ rồi Ngự đô đốc phủ, tả Đô đốc, tước Thái Bảo.

TIẾN SĨ NHO HỌC HỌ ĐOÀN

  1. Đoàn Xuân Lôi, người Ba Lỗ, huyện Tân Phúc, nay là Làng Trâu Lỗ, xã Mai Đình, huyện Hòa Hiệp, tỉnh Bắc Giang. Đỗ khoa thi Thái học sinh, năm Giáp tý(1384), niên hiệu Xương Phù 8, đời Trần Phế Đế. Khoa thi này thi ở chùa Vạn Phúc, núi tiên Du thuộc huyện Tiên Sơn, Bắc Ninh, theo sắc chỉ của Thượng Hoàng Trần Nghệ Tông. 30 tiến sỹ đỗ nhưng nay chỉ ghi được họ, tên 2 người. Ông làm quan đến chức trung thủ Hoàng môn thị lang kiêm Thông phái ái Châu. Tác phẩm hiện còn một bài phú chép tay.
  2. Đoàn Nhân Công, người xã Cao Mật, huyện Thanh Oai, nay là thôn Cao Cật, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, Hà Tây. ông đỗ đệ tam Giáp đồng tiến sỹ xuất thân, khoa mậu thìn, niên hiệu Thái Hòa 6 (1447) đời vua Lê Nhân Tông, được bổ chức Ngự tiền học sinh.
  3. Đoàn Lạn, người xã Hồng Lộc, huyện Trường Tân, nay thuộc xã Tân Hưng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Ông đỗ đệ nhị giáp tiến sí xuất thân (Hoàng Giáp), khoa Bính Tuất, niên hiệu Hồng Đức 7 (1466) đời Lê Thánh Tông, làm quan đến chức Thừa Tuyên sứ, được cử đi sứ sang nhà Minh.
  4. Đoàn Hiến Chân, người xã Ôn Xá, huyện Văn Giang, nay thuộc huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên. Ông đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Hồng Đức 10 (1469) đời vua Lê Thánh Tông, làm quan đến chức Thượng thư đông các đai học sĩ.
  5. Đoàn Mậu, người xã Kim Côi, huyện An Lão, nay là thôn Kim Côi, xã Chiến Thắng, huyện An Lão, TP Hải Phòng. Ông đỗ đệ tam đồng tiến sĩ xuất thân, khoa ất Mùi, niên hiệu Hồng Đức 16 (1475) đời Lê Thánh Tông. Ông làm quan đến chức Hộ bộ Thượng thư, Tri chiêu văn quán, Tú lâm cục, tước Cẩm lễ nam.
  6. Đoàn Huệ Nhu, người Phù Lệ, huyện ngự Thiên, nay thuộc xã Liên hiệp, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ông đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Đinh Mùi, niên hiệu Hồng Đức thứ 28 đời Lê Thánh Tông (1487) làm quan đến chức Thừa Chinh sứ, ông là thành viên Hội Tao Đàn tác phẩm hiện còn 12 bài thơ chữ Hán.
  7. Đoàn Nhân Thục, người xã Nghĩa Đô, huyện từ Liêm Hà Nội. Ông đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp), khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Cảnh Thống 5 (1502) đời Lê Hiển Tông. Ông làm quan đến chức Hiến Sát Sứ.
  8. Đoàn Văn Thông, người huyện Quảng Đức, nay thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Trú quán xã Lương Xá, huyện Làng Tài, nay thuộc xã Phú Lương, tỉnh Bắc Ninh. Ông đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, khoa Tân Mùi, niên hiệu Hồng Thuận 3 (1511) đời Lê Tương Dực. Ông làm quan đến chức Lễ bộ hưu thị lang.
  9. Đoàn Quảng Phu, hay Đoàn Đức Phu, người huyện Đường An, nay là thôn Lương Ngọc, xã Thúc Kháng, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Ông đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, khoa Giáp Tuất, niên hiệu Hồng Thuận 6 (1514) đời Lê Tương Dực, làm quan đến chức Đông các đại học sĩ.
  10. Đoàn Sư Đức, người xã Văn Xá, huyện Làng Tài, nay là thôn Văn Xá, xã Phú Hòa, huyện Gia Lương, tỉnh Bắc Ninh. Ông đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Giáp Tuất, niên hiệu Hồng Thuận 6 (1514) đời Lê Tương Dực. Ông làm quan nhà Mạc đến chức Thượng thư, tước Hà Văn Hầu, được cử đi sứ sang nhà Minh.
  11. Đoàn Thế Bạt, người xã Phù Nội huyện Thanh Miện, nay là thôn phù Nội, xa Hùng sơn, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. 40 tuổi Đỗ hội Nguyên, 54 tuổi đỗ đệ nhị giáp tiến sỹ xuất thân, khoa Đinh sửu, niên Hiệu Hồng Thuần Phúc 16 (1577) đời Mạc mậu Hợp, sau giúp nhà Lê làm quan đến chức Tham Chính.
  12. Đoàn Khắc Thận (sinh 1530- … ), người xã Phụ Vệ, huyện Chí Linh, nay là xã ái Quốc, huyện Nam sách, tỉnh Hải Dương. 60 tuổi đỗ đệ nhị giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa kỷ sửu, niên hiệu Hưng Trị 2 (1589) đời Mạc Mậu Hợp, sau giúp nhà Lê, làm quan chức Hiến Giáp sứ.
  13. Đoàn Hân, người xã Phù Nội, xã Hùng Sơn, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. 54 tuổi đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa canh thìn, niên hiệu Diên Khánh 3 (1580), đời Mạc Hậu Hợp, làm quan chức Hiến sát sứ.
  14. Đoàn Kim Sơn, người xã Mỹ Huệ, huyện Tiên Minh, nay là thôn Mỹ Huệ, huyện Tiên Minh, nay là thôn Mỹ Huệ, xã Tiên Thắng, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng. 32 tuổi đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa kỷ sửu, niên hiệu Hưng Trị 2 (1589), Đời Mạc Mậu Hợp, làm quan đến chức giám sát ngự sử. Nhà Mạc suy, ông không chịu theo nhà Lê, cử binh chống lại.
  15. Đoàn Tuấn Hòa (1622- …), người xã Cự Đồng, huyện Siêu loại, nay thuộc huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Quê gốc của ông ở xã Chi nê, huyện tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Ông còn có tên là Nguyễn Tuấn Hòa. 13 tuổi ông đỗ Hương cử, 55 tuổi ông đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuát thân, khoa bính thìn, niên hiệu Vĩnh Trị 1(1676) đời Lê Hy Tông, làm quan đến chức Binh bộ hữu thị lang, tước Nam, quản binh không đúng luật, bị truất, sau được phục dụng làm đến chức tự Khanh, tước tử. Làm quan quan đốc trấn Cao Bằng, đến Châu Lộc Bình của người Thanh dàn xếp việc biên giới, thăng Binh bộ hữu thị lang, nhập Bồi tụng, 75 tuổi về trí sĩ.
    16. Đoàn Quang Dung (1681- 1741), người xã Phú Thụy, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Sau đó sửa đổi tên thành Đoàn Bá Dung. Năm 30 tuổi ông đỗ đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thanh, khoa Canh Dần, niên hiệu Vĩnh Thịnh 6 (1710) đời Lê Dụ Tông. Năm kỷ Dậu (1729) được cử làm phó sứ sang nhà Thanh. Làm quan đến chức Lễ Bộ thượng thư, tước Phụ quan công, mất tháng 6 năm Tân Dậu (1741) thọ 62 tuổi. Được truy tặng hàm thiếu bảo, Đoàn Bá Dung cùng Nguyễn Huy Nhuận, Cao Huy Trạc,Trịnh Bá Trương đều là người xã Phú Thụy, Gia Lâm, Hà Nội, đều đõ tiến sỹ làm Thượng thư, đồng thời tham gia vào những chính sách lớn của Lê – Trịnh.

17.Đoàn Chú (1715- … ) người xã Phủ Lỗ, Huyện Kim Anh, nay là xã Phủ Lỗ, Huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Năm 32 tuổi ông đỗ Đình Nguyên, Đệ nhị giáp tiến sỹ xuất thân, khoa Bính Dần, niên hiệu Cảnh Hưng 7 (1746) đời Lê Hiền Tông, làm quan đến chức Tả thị lang, tước Hầu.

  1. Đoàn Duy Tĩnh (1278 – 1783), người xã Hải An, huyện Quỳnh Côi nay thuộc xã Quỳnh Nguyên, huyện Quỳnh Phụ, Tỉnh Thái Bình , nguyên gốc thôn Đại Hạnh, huyện Văn Giang, H¬ng Yên. Sau này ông Tĩnh đổi tên là Đoàn Nguyễn Thục để tránh phạm húy chúa Tĩnh Độ Vương Trịnh Sâm. Ông là danh thần đời Lê Hiển Tông, văn võ song toàn. 25 tuổi ông đỗ đệ nhị giáp tiến sỹ xuất thân, khoa Nhâm Thân, niện hiệu Cảnh Hưng 13 (1752), đời Lê Hiển Tông. Năm Nhâm Tý (1768) ông làm HIệu thư đông các, kiêm chức Thiên đô sứ. Tính ông cương trực, luôn giữ vững khí tiết, được sỹ phu trọng vọng. Chính ông dâng biểu hạch tội. Dượng Trọng Khiêm, được Chúa Trịnh Sâm khen thưởng, cho 3 nén bạc.

ít lâu sau ông về quê chịu tang, nhưng gặp lúc nước có nhiều biến loạn, ông lại dâng biểu xin làm việc, được triều đình chấp thuận cử ông thống lĩnh các đạo quân ở miền Thượng Du.

Năm Tân Mão (1771) ông làm Chánh sử sang nhà Thanh dâng lễ cống, khi trở về được thăng Phó độ ngữ sử, tước Quỳnh Xuyên Bá.

Năm Giáp Ngọ (1774) , ông là đốc trấn Nghệ An, vì bất đồng ý kiên với phụ tá là Thiệu quận công, ông dâng sớ xin về hưu . Năm sau (1775) ông mất, thọ 57 tuổi, được truy tặng chức Đô ngự sử, thụy, là Cảnh Trực.

Khi đi sứ về ông có soạn bộ sách Đoàn Hoàng Giáp phụ sự tập, 2 quyển.

  1. Đoàn Nguyễn Tuấn (1750 – … ) có sách chép Đoàn Văn Tuấn, con cụ Đoàn Nguyễn Thục người xã Quỳnh Nguyên, huyện Quỳnh Phụ, Tỉnh Thái Bình. Hiệu là Hải Ông. Ông đỗ tiến sĩ Triều Lê Hiển Tông. Sau ra làm quan cho nhà Tây Sơn, đến chức Tả thị lang Bộ lại, tước Hải Phái hầu. Sau chiến thắng Đông Đa của Nguyễn Huệ, ông được cử đi sứ nhà Thanh. ông là người văn chương nổi tiếng. Em gái ông là chính thất của Đại thi hào Nguyễn Du.

20.Đoàn Văn Bình (1824 – … ), người Hạ Lang, Huyện Quảng Điền, Tỉnh Thừa Thiên Huế, nay là thôn Hạ Lang, xã Quảng Phú, Huyện Quảng Điền. Ông còn có tên Đoàn Văn Hội. Năm 25 tuổi ông đỗ Phó bảng ân khóa, khóa Mậu Thân, niên hiệu Tự Đức (1848), làm quan đến chức Hiệp biện đại học sĩ, Thải tử hiểu bảo, lĩnh Lại bị thượng thư.

Tài liệu này trích trong cuốn “Các nhà khoa bảng Việt Nam” do NXB Văn hoc ấn hành năm 1993 – Ngô Đức Thọ chủ biên. Trong cuốn này không có Đoàn Nguyễn Tuấn.

CỬ NHÂN NHO HỌC TRIỀU NGUYỄN

  1. Đoàn Xuân Sảng, người xã Chân Nguyên, huyện Nam Chân, khoa thi năm Quý Dậu (1813) ở Trường Sơn nam, đỗ 14/28 người. Sau làm quan Đô đốc học.
  2. Đoàn Trọng Quýnh, ngư¬ời thôn Trung Hoà, huyện Bình D¬ơng, thi khoa thi năm Quý Dậu (1813) tại Tr¬ờng Gia Định, đỗ thứ 4/8 ng¬ời.
  3. Đoàn Bá Trinh, ngưười xã Ôn Xá, huyện Văn Giang. Thi khoa năm Kỷ Mão, gia Long thứ 18 (1819 – tại trường Trực Lệ, đỗ thứ 2/17 người, làm quan tư nghiệp.
  4. Đoàn Thế Trạch, người xã Phủ Lỗ, huyện Kim Anh. Thi khoa thi năm Tân Tỵ, minh mạng thứ 2 (1621) tại trường Thăng Long, đỗ thứ 15/23 người.
  5. Đoàn Khiêm Quang, người thôn An Thành, huyện Bình Dương, đi thi khoa thi năm Tân tỵ, Minh mạng thứ 2 (1821) tại trường Gia Định, đỗ 7/16 người, làm quan tham tri Bộ Hình.
  6. Đoàn Huy Tú, người xã Phương Duy, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. đi thi khoa thi Mậu Tý, Minh Mạng thứ 9 (1829 ) tại trường Thanh Hoá, đỗ 6/11 người, sau ra làm tri huyện.
  7. Đoàn Mậu (cha con cùng thi đậu), người xã Hải Yến, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên, thi khoa Mậu Tý, minh mạng thứ 9 (1828), tại trường thi Nam Định, đỗ 25/30 người, làm tri phủ, bị miễn nhiệm.
    8. Đoàn Danh Dương, người xã Quang Thiềm, huyện La Sơn, Hà Tĩnh, thi khoa Tân Mão, Minh Mạng thứ 12 (1831) tại trường Nghệ An, đỗ 11/18 người, có tiếng giỏi , được thăng án sát Vĩnh Long, bị bệnh về nghỉ.
    9. Đoàn Trọng Huyên (cha con cùng thi đậu), người xã Hữu Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội, thi khoa năm Tân Mão, minh mạng thứ 12 (1831) tại trường Nam Định, đỗ thứ 2/31 người. Làm quan đến chức Thị giảng học sĩ, đốc học Bắc Ninh. Ông là một trong những tác giả văn học của Thăng Long – Hà Nội thế kỷ 19- 20.
  8. Đoàn Văn Hoán, người xã Nam Phố, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Ông dự thi Quỹ Mão, Thiệu trị thứ 3 (1843) tại trường thừa Thiên, đỗ thứ 22/39 người. Làm quan tới chức Bố chánh.
  9. Đoàn Công Nhẫm, người xã Vi Sơn, huyện thạch Thất, Hà Tây. Đi thi khoa Quý Mão, Thiệu trị thứ 3 (1848) tại trường Hà Nội, đỗ thứ 7/21 người.
  10. Đoàn Văn Bình, người xã Hạ Lang, huyện Quảng Điền. Ông là người đầu đỗ đầu kho thi Bính Ngọ, Thiệu Trị thứ 6 (1846) tại trường Thừa Thiên có 46 người đỗ. Năm Mậu Thân (1848) ông đỗ phó bảng, sau làm hiệp tá đại học sĩ, thượng thư bộ lại, Gia hàm Thái tử Thiếu bảo, sung cơ mật viện đại thần.
  11. Đoàn Duy Trinh, người xã Nhơn Hòa, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Đỗ thứ 34/46 người tại trường Thừa Thiên, khoa thi năm Bính Ngọ, Thiệu trị thứ 6 (1846). Làm Giáo thụ, cáo về.
  12. Đoàn Khắc Nhuợng (anh em họ với ông Trinh), người xã Nhơn Hòa, huyện Bình Sơn, đỗ thứ 40/46 người, tại trường Thừa Thiên, khoa thi năm Bính Ngọ, Thiệu trị thứ 6 (1846), làm tuần phủ Nam Ngãi, có tiếng liêm khiết.
  13. Đoàn Duy Thục, người xã Mai Dịch, huyện Từ Liêm. Đỗ thứ 4/26 người tại trường Hà Nội, khoa thi năm Đinh Mùi (1849) Thiêụ Trị thứ 7. Sau được bổ làm tri huyện.
  14. Đoàn Hy, người xã Vân Chàng, huyện Nam Chân, tỉnh Nam Định. Đỗ thủ khoa tai trường Nam Định. Lấy đỗ 27 người khoa thi năm mậu Thân, Tự Đức thứ 1 (1848). Được bổ chức Giáo thụ.
  15. Đoàn Đức Mậu, người xã Đông Công, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, Đỗ thứ 20/24 người tại trường Nghệ An, khoa thi Canh Tuất, Tự Đức thứ 3 (1850).
  16. Đoàn Kim Dao (sau đổi là Đoàn Dao), người xã ưu Đàm, huyện Phong Điền. Cha là Đoàn Cư cũng đỗ cử nhân. Ông đỗ thứ 20/22 người tại trường Thừa Thiên, khoa Nhâm Tý, Tự Đức thứ 5 (1852). Được bổ làm án sát, sau bị cách chức, được phục dụng rồi thăng Bố Chánh Quảng Ngãi.
  17. Đoàn Thuật, ng¬ười xã Vân Chàng, huyện Nam Chân, Nam Định. Đỗ thứ 6/20 người tại trường Nam Định, khoa thi Nhâm Tý, Tự Đức thứ 5 (1852).
  18. Đoàn Ngọc ái, người xã Hải Yến, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, đỗ thứ 10/20 người tại trường Nam Định, khoa thi năm Mậu Tý, Tự Đức thứ 5 (1852).
  19. Đoàn Văn Diệu, người xã Cửu An, huyện Đồng Xuân, Phú Yên, đỗ thứ 9/10 người tại trường Bình Định, khoa thi năm ất Mão, Tự Đức thứ 8 (1855).
  20. Đoàn Tảo, ngư¬ời xã Hải Yến, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hung Yên (em Đoàn Ngọc ái), đỗ thứ 22/22 người tại trường Nam Định, khoa thi năm Mậu Ngọ, tự Đức thứ 11 (1858). Được bổ làm Tri phủ Lâm Thao. Sau bị cách chức.
  21. Đoàn Tấn Thiện, thôn Mỹ Đông Hiếu, tỉnh Kiến Đăng, đỗ thứ 3/9 người tại trường Gia Định, khoa thi năm Mậu Ngọ, tự Đức thứ 11 (1858)
  22. Đoàn Đảng, người xã Hải Yến, huyện Tiên Lữ, tỉnh H¬ưng Yên, đỗ thứ 21/22 người tại trường Nam Định, khoa thi năm Mậu Thìn, Tự Đức thứ 21 (1868).
  23. Đoàn Như Bích, người xã Đậu Kinh, huyện Đăng Sương, Quảng Trị, đỗ thứ 11/29 người tại trường Thừa Thiện, thi năm Canh Ngọ, tự Đức thứ 23 (1870). Được bổ làm Giám sát ngự sử nội vụ.
  24. Đoàn Bưu, người xã Hữu Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội, khoa thi năm Canh Ngọ, Tự Đức thứ 23 (1870). Được bổ làm Tri phủ.
  25. Đoàn Đình Tiến, người xã Thi Liệu tỉnh Nam Định, đỗ thứ 25/25 người tại trường Nam Định, khoa thi năm Giáp Tuất, tự Đức thứ 27 (1874).
  26. Đoàn Văn Anh, sau đổi là Đoàn Văn Phương, người xã Đông Thanh, tỉnh Nam Định, thi đỗ thứ 6/21 người, tại trường Nam Định, khoa thi năm Bính Tý, tự Đức thứ 29 (1876). Được bổ làm tri phủ Xuân Trường, sau xin nghỉ.
  27. Đoàn Hữu Thuật, người xã Thái Bình, tỉnh Nam Định, thi đỗ thứ 16/21 người tại trường Nam Định, khoa thi năm Bính Tý, tự Đức thứ 29 (1876).
  28. Đoàn Diệu, người xã Ngọc Thạnh, huyện Tuy Phước, Quảng Nam đỗ thứ 7/12 người, tại trường thi Bình Định, khoa thi năm Bính tý, tự Đức thứ 29 (1876).
    31. Đoàn Cư, sau đổi là Đoàn Lang, người xã ưu Đàm, huyện Phong Điền, Thừa Thiên (con Đoàn Kim Dao), đỗ thứ 28/32 người tại trường Thừa Thiên, khoa thi năm Mậu Dần, Tự Đức thứ 31 (1878). Được bổ làm án Sát Quảng Nam.
  29. Đoàn Điển, người xã Hải Yến, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên thi đỗ thứ 15/24 người tại trường Nam Định khoa thi năm Mậu Dần, Tự Đức thứ 31 (1878). Được bổ làm Tri phủ Quỳnh Lưu.
  30. Đoàn Văn Thước, người xã ưu Đàm, huyện phong Điền, Thừa Thiên, đỗ thứ 29/31 người tại trường Thừa Thiên, khoa thi năm Giáp Thân, Kiến Phúc thứ nhất (1884). Được bổ làm tri huyện.
  31. Đoàn Triển , người xã Hữu Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội (con cụ Đoàn Trọng Huyên), thi đỗ thứ 22/47 người tại trường thi Hà Nam – Ninh bình, khoa thi năm ất Dậu, hàm nghi thứ nhất (1885). Được bổ làm Viên ngoại Nha kinh lược, Trần Phủ Ninh Bình, tổng đốc Nam Định. Khi làm tuần phủ Ninh Bình có làm tờ trình lên triều đình về việc chỉnh đốn công tác giáo dục, soạn thảo sách giáo khoa và quy chế thi cử, có nhiều ý tưởng tiến bộ.
  32. Đoàn Thụy Liên, người xã Hải Yến, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên thi đỗ tứ 12/56 người tại Hà Nam, khoa thi năm Đinh Hợi, Đồng Khánh thứ 2 (1887).
  33. Đoàn Tấn, người xã Xối Thượng, tỉnh Nam Định, đỗ thứ 20/56 người tại trường Hà Nam, khoa thi Năm Đinh Hợi, Đồng Khánh thứ 2 (1887).
  34. Đoàn Tùy, người xã Phú Môn, huyện Phú Vang, Thừa Thiên, khoa thi Năm Tân Mão, Thành Thái thứ 3 (1891).
  35. Đoàn Khởi, người xã Ngọc Sa, tỉnh Quảng Nam, thi đỗ thứ 23/27 người tại Thừa Thiên, khoa thi Năm Tân Mão, Thành Thái thứ 3 (1891).
  36. Đoàn Văn San, người xã Đức Nhuận, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, khoa thi năm Tân Mão, Thành Thái Thứ 3 (1891).
  37. Đoàn Thúc Vĩ, ấm Sinh, người huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, đỗ thứ 14/19 người (năm 27 tuổi) tại trường Bình Định, khoa thi Năm Giáp Ngọ, Thành Thái thứ 6 (1894).
  38. Đoàn Thụy Giáp, người xã Hải Yến, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Năm 35 tuổi thi đỗ thứ 12/60 người tại trường Hà Nam, khoa thi Năm Giáp Ngọ Thành Thái thứ 6 (1894). Con cụ Đoàn Mậu.
    42. Đoàn Văn Huy, người xã Mai Dịch, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Năm 37 tuổi thi đỗ thứ 16/60 người tại trường Hà Nam, khoa thi năm Giáp Ngọ, Thành Thái thứ 6 (1894).
  39. Đoàn Tử Quang, quê xã Phụng Công, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh (nay xã Đức Hòa, huyện Đức Thọ), 82 tuổi thi đỗ thứ 29/30 người tại trường Nghệ An, khoa thi năm Canh Tý, thành Thái thứ 12 (1900), được coi là sự kiện hiếm có trong lịch sử thi cử Việt Nam. Được bổ chức Huấn đạo huyện Hương Sơn.
  40. Đoàn Tố, người xã Mỹ Đức, huyện Tuy Viễn, tỉnh Bình Định, thi đỗ thứ 12/18 người tại trường Bình Định, khoa thi năm Quý Mão, Thành Thái thứ 15 (1903).
  41. Đoàn Ngưng, người xã Hữu Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội, 38 tuổi thi đỗ thứ 6/60 người tại trường Hà Nam, khoa thi năm Bính Ngọ, Thành Thái thứ 18 (1906).
  42. Đoàn Như Chương, người xã Hải Yến, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, 28 tuổi thi đỗ thứ 24/50 người tại trường Hà Nội, khoa thi năm Bính Ngọ, Thành Thái thứ 18 (1906).
  43. Đoàn Vỹ, người Hữu Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội (con cháu cụ Đoàn Triển), 26 tuổi đỗ thứ 35/50 người tại trường Hà Nam, khoa thi năm Bính Ngọ, Thành Thái thứ 18 (1906).
  44. Đoàn Quân, người xã Đô Quan, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, 21 tuổi đỗ thứ 27/30 người tại trường Hà Nam, khoa thi năm Nhâm Tý. Duy Tân thứ 6 (1912).
  45. Đoàn Đạm, người xã Liễu Đôi, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, 25 tuổi đỗ thứ 29/30 người tại trường Hà Nam, khoa thi năm Nhâm Tý. Duy Tân thứ 6 (1912).
  46. Đoàn Đình Chi, người xã Đào Lãng, huyện Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương. 24 tuổi đỗ thứ 24/32 người tại trường Thừa Thiên, khoa thi năm ất Mão, Duy Tân thứ 9 (1915). Được bổ làm tri huyện Bình Khê. Cha con ông Chi là Đoàn Đình Duyệt, thượng thư Bộ công, hiệp tá đại học sĩ Ninh lãng nam, em là Đoàn Đình Phương, cử nhân khoa mậu Ngọ (1918).
  47. Đoàn Thăng, người xã Hải Yến, huyện Tiên Lữ, tỉnh H¬ưng Yên, 24 tuổi thi đỗ thứ 21/40 người tại trường Hà Nội – Nam Ninh thi chung, khoa thi năm ất Mão, Duy Tân thứ 9 (1915).
  48. Đoàn Đình Phương, người xã Đào Lãng, huyện Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương, 29 tuổi thi đỗ thứ 9/29 người tại trường Thừa Thiên, khoa thi năm Mậu Ngọ. Khải Định thứ 3 (1918). Ông là em ruột của Đoàn Đình Chi.

Tài liệu trên đây là trích lục trong quyển ” Quốc triều Hương khoa lục” của cử nhân nho học Cao Xuân Dục. Được dịch ra Quốc Ngữ – NXB thành phố Hồ Chí Minh ấn hành 1993, có bổ sung về vài điểm về công việc và chức tước của một số vị tham khảo trong sách ” Các nhà khoa bảng Việt Nam” của Ngô Đức Thọ – NXB văn học 1993 và “Sách sứ thần Việt Nam” NXB văn hóa thông tin năm 1996…..

  1. Đoàn Văn Phương, người xã Vĩ Bạc, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa. Đi thi khoa Mậu Tý, minh mạng thứ 9 (1828) tại trường Thanh Hóa, đỗ thứ 6/11 người. Sau ra làm tri huyện.
  2. Đoàn Danh Chấn, người xã Hải Yến, huyện Tiên Lữ, tỉnh H¬ưng Yên, thi đỗ thứ 29/56 người tại trường Hà Nam, khoa thi năm Đinh Hợi , Đồng Khánh thứ 2 (1887).

Kính thưa quý vị!

Với thời gian nghiên cứu, sưu tầm có hạn chúng tôi xin thông tin đến quý vị một số nét sơ bộ về dòng tộc cụ Đoàn Văn Khâm, là một dòng họ đã tồn tại và phát triển khoảng 1000 năm nay mà rất nhiều vị trong chúng ta hẳn là hậu duệ cụ Đoàn Văn Khâm. Đến nay chúng tôi chưa có tư liệu về một dòng Họ Đoàn khác lâu đời hơn dòng tộc cụ Đoàn Văn Khâm. Ngoài ra, chúng tôi cũng liệt kê thêm 42 nhánh họ, chi họ Đoàn đã và đang có mặt ở các địa phương trong cả nước từ 400 đến 700 năm nay. Những nhánh, những chi họ này có thể là hậu duệ của cụ Đoàn Văn Khâm mà cũng có thể thuộc một dòng họ khác vì chúng tôi chưa có điều kiện chắp nối và chưa có tư liệu khẳng định chắc chắn còn có rất nhiều chi họ cũng rất lâu đời nhưng chưa được liệt kê vào đây. chúng tôi cũng liệt kê 20 vị tiến sĩ nho học họ Đoàn từ triều Trần đến triều Nguyễn và 54 vị cử nhân nho học của triều Nguyễn. Riêng các họ Đoàn có học vị dưới tiến sĩ trước triều Nguyễn chúng tôi chưa có tư liệu.

Việc đưa các danh nhân Họ Đoàn thời cận đại và một số thời hiện đại được nhiều người biết đến vào các chi họ rõ ràng đang có nhiều thiếu sót, song đó là sự sắp xếp có dụng ý của chúng tôi với hy vọng các danh nhân đã khuất của họ sẽ được chúng ta tìm và đưa vào phả họ, đồng thời hiện nay bất cứ ai, dù ở cương vị nào cũng tìm được chỗ đứng trong gia phả của chi họ mình. Nhờ vậy, tất cả con em Họ Đoàn sẽ có ý thức hơn về Tổ tiên, sẽ dựa trên cơ sở tư liệu còn ít ỏi mà chúng tôi đã ghi chép để góp sức tìm hiểu, sưu tầm, bổ sung thêm, nhăm phục vụ thành công việc chắp nối dòng Họ.
Thưa Quý vị, Họ Đoàn Việt Nam có thể có một cụ tổ mà hiện nay không cùng dòng tộc mặc dù thời xa xưa là cùng một cụ tổ. Vì vậy cuộc hành trình trở về cội nguồn là một cuộc hành trình đầy gian khó, cần sự cộng tác của nhiều người có trí và có lực, với thời gian dài, song với đặc điểm của Họ Đoàn chúng ta hoàn toàn có thể chắp nối gia phả, biên tập tiểu sử của từng dòng Họ.

Xin đề nghị Quý vị cùng chúng tôi làm một số việc sau đây:

  1. Sưu tầm các tư liệu về Họ Đoàn có trong các thư tịch cổ của quốc gia, các di sản của dòng họ đang tồn tai tản mát trong các thôn xã.
  2. Thống kê các tiểu chi, các chi, các nhánh họ đang định cư ở các thôn, dù đã biết nguồn gốc hay chưa biết. Trên cơ sở phối hợp, tìm hiểu, đối chiếu tư liệu về các chi họ để chắp nối với nhau trong phạm vi một xã, một huyện, một tỉnh hay nhiều tỉnh có liên quan từ đó mới có thể làm được phả tộc của họ. Thống kê các chi họ đi đôi với thu thập các tư liệu về danh nhân, các di sản của danh nhân phục vụ cho việc biên tập sử họ sau này.

Hà Nội là nơi có người của hầu khắp các chi, nhánh Họ Đoàn cả nước, nhất là từ miền trung trở ra, trong đó có thể có người là hậu duệ của cụ tổ Họ Đoàn thời dựng nước mà hiện nay chúng ta chưa được biết. Hà Nội còn là nơi tích lũy rất nhiều tài liệu về lịch sử quốc gia, về các dòng Họ, có nhiều di chỉ văn hóa mà chúng ta có thể khai thác phục vụ cho việc nghiên cứu về Họ. Chúng tôi xin đề nghị: Từ các vị có mặt trong cuộc họp hôm nay chúng ta sẽ mở rộng phạm vi giao tiếp với người cùng họ, khuyến khích tất cả các vị: một mặt nghiên cứu sưu tầm các tư liệu về họ Đoàn trên địa bàn thủ đô, đồng thời liên hệ với nguyên quán để thông tin cho chúng tôi về chi họ của mình và những hiểu biết về Họ Đoàn mà mình thu nhập được.

Hiện nay, trong rất nhiều thôn xã ở Việt Nam, nhất là những thôn, xã được coi là gốc tổ Họ Đoàn hoặc nơi có các nhánh Họ Đoàn sinh sống lâu đời có nhiều gia phả, tư liệu Hán Nôm, các di sản văn hóa về họ Đoàn nhưng chưa được phát hiện thu thập, khai thác. Để làm được việc này cần xúc tiến hơn nữa việc thành lập ban liên lạc Họ Đoàn ở các tỉnh và các huyện trọng điểm, nơi có đông người Họ Đoàn sinh sống. Ban liên lạc Họ Đoàn cần người có cương vị công tác ở tỉnh, huyện tham gia để tăng vị thế của Ban liên lạc, song nhất thiết phải có các vị thư kí có năng lực, năng nổ, nhiệt tình để tổ chức thêm người làm việc này, đồng thời đến những địa chỉ cần thiết để thu thập thông tin về Họ. Chúng tôi đề nghị quý vị giới thiệu người có năng lực và nhiệt tình đang thường trú ở quê hương tích cực tham gia việc Họ ở địa phương.

Mong muốn của đại đa số con em Họ Đoàn là biết được cội nguồn tổ tiên và truyền thống qúy báu của dòng Họ. Muốn làm được việc này thì Họ Đoàn cũng như nhiều Họ khác phải bắt đầu làm gia phả tiểu chi, rồi đến tộc phả. Từ việc làm gia phả tiểu chi 4, 5 đời chúng ta cố gắng chắp nối với các tiểu chi cùng có một cụ tổ trong thôn xã và đi về các địa phương nơi xuất xứ của dòng Họ để tìm nguồn gốc lập nên phả tộc của Họ nhiều đời. Chúng tôi đề nghị Quý vị trực tiếp hoặc tổ chức người làm gia phả tiểu chi, hỗ trợ tích cực việc làm tộc phả, đi đôi với việc thu thập thông tin rộng rãi về Họ Đoàn. Đó là cách tốt nhất để góp phần chắp nối thành công dòng tộc Họ Đoàn ta. Hiện nay nhiều chi họ ở nông thôn rất muốn làm gia phả song ” lực bất tòng tâm”, nếu không có sự hỗ trợ của quý vị trong ban liên lạc tỉnh, huyện và các vị người Họ Đoàn vừa có năng lực vừa có điều kiện ở thành phố, thị xã thì việc làm phả họ sẽ rất khó khăn. Mong quý vị hết sức quan tâm việc này.

Chúng tôi xin chân thành cảm ơn Quý vị đã, đang và sẽ cộng tác với Ban liên lạc Họ Đoàn nhằm hoàn thành việc tiếp nối hệ tộc tìm về cội nguồn, góp phần phát huy văn hóa quý báu của dòng Họ.

Xin chân thành cảm ơn Quý vị.

Tổ thư ký

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *