MỘT SỐ CHI HỌ ĐOÀN ĐÃ ĐỔI TÊN HỌ

MỘT SỐ CHI HỌ ĐOÀN ĐÃ ĐỔI TÊN HỌ

1/10. Họ Đoàn Hiến Phạm (Giai Phạm)
(Huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên).
Theo gia phả họ Đoàn “Đoàn thị thực lục”, thì tổ tiên của bà Đoàn Thị Điểm vốn họ Lê, đến đời cha bà là Đoàn Doãn Nghi (1678-1729), mới đổi ra họ Đoàn. Ông Doãn Nghi thi đỗ Hương cống (Cử nhân) đời Lê, thi Hội không đỗ, nên ở dạy học và bốc thuốc. Ông cưới vợ (họ Vũ, không rõ tên), sinh được hai con: con cả là Đoàn Doãn Luân (1700 – ?) và con thứ là Đoàn Thị Điểm. Đoàn Doãn Luân sau lấy vợ người họ Lê và sinh được 2 người con là Đoàn Doãn Y và Đoàn Lệnh Khương. Ông Doãn Luân mất sớm (khoảng dộ 30 tuổi. Doãn Y và Lệnh Khương được cô ruột là Đoàn Thị Điểm nuôi dạy trở thành những người nổi tiếng.

2/10. Họ Đỗ làng Lạc Thổ
(Xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Tỉnh Bắc Ninh)
Theo gia phả và nội dung đôi câu đổi trong nhà thờ họ Đỗ Đại tôn tại xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh thì dòng họ này đã sinh cơ lập nghiệp tại vùng đất này đến nay đã được 13 đời, đến nay phát triển thành 5 chi, bà con trong họ có truyền thống đoàn kết, giữ gìn nề nếp gia phong, có nhiều đóng góp tích cực cho địa phương và đất nước, nhiều người học hành đỗ đạt. Cụ khởi tổ của dòng họ Đỗ ở đây là người họ Đoàn làng Hữu Thanh Oai – Thường Tín – Hà Nội, khi đến định cư tại đây cụ đã đổi sang họ Đỗ.
Gia phả ở đây ghi:
Đoàn tính nhất chi, di cư tại bản xã Lạc Thổ, tòng mẫu tính, cải vi Đỗ.
Đôi câu đối trong nhà thờ họ Đỗ như sau:
Lạc Thổ gia thanh lịch thế kim
Thanh Oai địa mạch nguyên đầu thủy

3/10. Họ Đoàn ở xã Điện An
(Huyên Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
Cụ tổ là Đoàn Thế Thân từ Bắc vào đây năm Giáp Tý (1564) triều Lê Anh Tông. Trong gia phả có nói do bị Họ Mạc truy đuổi nên gia đình cụ Thân vào đây có 4 anh em đã đổi ra Họ Trần và Họ Phạm.
– Con cả là Đoàn Đăng đổi thành Phạm Văn Lệ cư ngụ ở thôn Cẫm Văn, xã Điện Hồng.
– Con thứ là Đoàn Thăng tức Luật, làm con nuôi ông Trần Khánh Thiện nên đổi là Trần Bá Đạt ở Giáp Nhất, Điện An.
– Con thứ 3 là Đoàn Thế Đàm tức là Đoàn Trọng Quát đổi là Phạm Phú Điều ở Điện Trung.
– Một người con trai út là ông Bình Huề, Đoàn Quế Phú, không ghi tông tích, nhưng trong gia phả Phạm Phú có nói ông này có 2 con là Phạm Phú Tài và Phạm Thị Xuân Lựợc.
Dòng Họ Phạm Phú Điều, vào triều Tự Đức có danh nhân Phạm Phú Thứ được bổ nhiệm làm quan Lại bộ tam tri, quan có tư tưởng cấp tiến, đã nhiều lần khuyên Tự Đức nên cách tân theo phương Tây nhưng bị phái bảo thủ trong triều chống lại và Tự Đức không nghe. Sau khi ông cùng Phan Thanh Giản sang Pháp thương lượng xin chuộc lại các tỉnh Nam Bộ, không xong, về nước ông bị cách chức.
Ngày 27/7/1991, đại diện 5 Hội đồng gia tộc họ Phạm Phú, Trần Công và Đoàn Thế ở Điện Bàn và Quế Sơn, Quảng Nam đã họp bàn Đối chiếu gia phả, cùng nhau công nhận 5 chi Họ trên là hậu duệ của cụ Đoàn Thế Thân.

4/10. Dòng họ của cụ Nguyễn An Ninh ở miền Nam.
Bà Minh là con gái thứ 5 của cụ Nguyễn An Ninh, nay đã 77 tuổi nhưng nhanh nhạy, hoạt bát và đặc biệt là rất minh mẫn. Bà Minh kể lại:
“Ông nội của ba tôi sinh năm 1824, tên Nguyễn An Nghi. Gốc tổ của ông Nguyễn An Nghi ở miền Bắc. Thời Trịnh Nguyễn phân tranh, do chống lại triều đình mà các ông bị tội xử chém”. Sau đó họ trôi dạt vào Bình Định. Từ gốc gác họ Đoàn đổi thành họ Nguyễn. Ông cố của Nguyễn An Ninh tên Đoàn Công Hòa, cháu gọi bà Đoàn Thị Điểm bằng cô ruột. Đoàn Công Hòa là em út của 4 anh em trai, họ chiêu tập nghĩa binh chống lại chúa Trịnh. Đoàn Công Hòa vào Nam đổi là Nguyễn Chuẩn Trực. Ông Nghi sinh tại Bình Định, sau này nổi tiếng giỏi Hán học, võ nghệ và y học cổ truyền. Y học là nghề của dòng họ nhiều đời…

5/10. Họ Đoàn ở xã Lan Mẫu
(Huyện Lục Ngạn – Bắc Giang)
Xã Lan Mẫu thuộc huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Họ Đoàn ở đây là hậu duệ của Mạc Kính Điểu, Mạc Kính Phu. Mạc Kính Phu tước Đoan Lương công, lấy tước này mà đổi thành Nguyễn Đoan khi về xã Nhân Thắng, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh rồi khi về xã Nhân Hựu, huyện Gia Bình, Bắc Ninh thì đổi thành Đoàn Quang, Đoàn Trác, Đoàn Huy…Gia phả chép năm Minh Mệnh 15 (1835).

6/10. Họ Dương ở An Giang.
Vào triều Nguyễn, hậu duệ của cụ Đoàn Duy Tinh có 3 anh em là Đoàn Hữu Trưng, Đoàn Hữu Trực và Đoàn Hữu Ái nổi lên chống lại Tự Đức (tục gọi là giặc Chày Vôi) nhưng bị thất bại. Ba anh em nhà Đoàn Hữu Trưng bị triều Tự Đức giết hại, một số gia đình trong nhánh Họ này phải chạy Ra Quảng Trị, Quảng Bình và vào tới An Giang để tránh họa chu di. Chi Họ vào An Giang đổi sang Họ Dương. 

7/10. Họ Đoàn ở xã Hiệp Hòa
(Huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh)
Theo di chúc của chi Họ Đoàn ở xã Hiệp Hòa, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh thì cụ Tổ Họ này là Đoàn Phúc Cao đã về đây khai cư từ triều Trần Thuận Tông, Quang Thái 10 (1397). Họ này có nhánh về Đông Triều, Quảng Ninh. Có nguồn tin nói Họ Đoàn này có gốc là Họ Nguyễn, sau đổi sang Họ Đoàn. Đây là chi Họ của Thiếu tướng Đoàn Quang Thìn, nguyên Viện trưởng Viện kiểm sát Quân sự Trung ương.

8/10. Họ Đỗ ở Bối Khê
(Châu Giang, Hưng Yên)
Theo Gia phả thì họ Đỗ ở đây, có gốc từ Họ Đoàn ở thôn Kiều Thị, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội), cụ tổ là Đoàn Phúc Lộc đến nay đã 18 đời. Đời thứ 2 Họ này có cụ Đoàn Hữu Thúc được phong tước Quận công, đời thứ 9 có cụ Đoàn Phúc Hoành là thầy thuốc ở Thái y viện. Đời thứ 5 của Họ có một chi chuyển cư sang Bối Khê, Châu Giang, Hưng Yên rồi đổi sang họ Đỗ. Đây là Họ của nhạc sỹ Đoàn Bổng.

9/10. Họ Trương ở Dị Chế
(Tiên Lữ – Hưng Yên)

Đây là dòng họ của người Anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám (1836 – 1913) – Thủ lĩnh cuộc khới nghĩa nông dân vùng núi rừng Yên Thế nổi dậy chống lại triều đình nhà Nguyễn và Thực dân Pháp
Dòng họ ở đây vốn gốc họ Đoàn sau đổi sang họ Trương, đến đời Hoàng Hoa Thám thì đổi sang họ Hoàng.

 

10/10. Họ Nguyễn (1 chi) ở Từ Liêm Hà Nội

Theo thông tin của bác Nguyễn Văn Hoai (hiện ở 84 Thái Thịnh) cung cấp thì gia phả ở đây cho biết: Cụ tổ của chi họ này là cụ Đoàn Văn Nhu (sinh khoáng 1870) làm quan quản kho của triều đình Huế.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *