ĐI TÌM THỦY TỔ DÒNG HỌ ĐOÀN

ĐI TÌM THỦY TỔ DÒNG HỌ ĐOÀN

Gốc tích họ Đoàn ở Việt Nam phải tìm hiểu tên họ của các Chậu, tên gọi các lãnh chúa mường ở vùng “Mười hai bản mường” (Xịp soỏng bản nà) thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Các Chậu sau này là vua Nam Chiếu, đều họ Đoàn, các vua Nam Chiếu thông gia với người Lý Lão, dân tộc Tày cùng chủng tộc với người Nam Chiếu, dân tộc Thái ở Việt nam.

Năm 856 đời Đường, quân Nam Chiếu do tướng Đoàn Tù Thiên cầm đầu sang chiếm thành An Nam đô hộ phủ trong 3 năm… Sau đó xảy ra giao chiến giữa quân Nam Chiếu với Cao Biền vào năm 865 đời Hàm Thông. Có lẽ đó là những người họ Đoàn đầu tiên tại Việt nam.

Cuốn sách Sơ Thảo Tính Danh Học Việt Nam có nói về lịch sử các dòng họ của Việt Nam, trong đó có nói về họ Đoàn. Cuốn sách được một nhà xuất bản nổi tiếng ở San Jose xuất bản năm 2003. Sách có nhắc đến một người họ Đoàn được vua Quang Trung tin cậy và giao trọng trách làm sứ giả, đó là vị quan Đoàn Nguyễn Tuấn.

Trải qua lịch sử của vùng đất Giao Chỉ và An Nam, các cuộc di chuyển dân cư vì lý do chinh chiến hoặc canh nông, dòng họ Đoàn đã có mặt ở nhiều nơi.

Ngày nay họ Đoàn có mặt ở vùng Hưng Hóa (Phú Thọ). Tại tỉnh Hưng Yên, huyện Tiên lữ, có một làng Xuôi, chỉ có một họ Đoàn, có miếu thờ họ Đoàn. Tại xã Phượng Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương có cả một nhà thờ tổ của dòng họ Đoàn với rất nhiều bia đá khắc bằng chữ nho về công trạng của những người trong họ từ rất xa xưa.

Tại Quảng Nam có dòng họ Đoàn được nhiều người biết tới với tổ chức 11 chi hội khuyến học hoạt động đã 14 năm, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Dòng họ khuyến học.

DÒNG HỌ ĐOÀN TRONG TIỂU THUYẾT KIM DUNG

Nước Nam Giao mà bạn đọc truyện chưởng Kim Dung đều biết có những nhân vật như Đoàn Nam Đế (Nhứt Đăng Đại Sư) qua bộ Anh Hùng Xạ Điêu, Đoàn Chính Thuần và Đoàn Dự trong bộ Lục Mạch Thần Kiếm và Thiên Long Bát Bộ…

Nam Giao là một vương quốc có thật, hình thành 200 năm trước khi nước An Nam giành được độc lập từ nhà Nam Hán (737 – 939 sau Công Nguyên).

Nước Nam Giao (có lúc gọi là Nam Chiếu, hoặc Điền Việt), khu vực tỉnh Vân Nam, Quý Châu và Tứ Xuyên của Trung Hoa. Thời kỳ thịnh vượng nhất của vương quốc Nam Giao có biên giới Bắc giáp nước Thu Bồn, Nam kéo dài tới Miến Điện và Giao Châu (Bắc Việt) vào thế kỷ thứ 9 (năm 858), Đông kéo tới Ung Châu và Thành Đô của nhà Đường. Trong truyền thuyết Lạc Long Quân dắt 50 người con xuống biển, Âu Cơ dắt 50 người con lên núi Lĩnh Nam thì các sắc dân của nước Nam Giao có thể là anh em của dòng giống Việt.

SÁCH ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ VIẾT VỀ HỌ ĐOÀN

Về chuyện quân Nam Giao đã từng chiếm đóng Việt Nam (An Nam thời đó), Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có trích theo sách lịch sử nhà Đường như sau:

Quý Mùi, 863, (Đường Hàm Thông, năm thứ 4). Mùa xuân, tháng giêng, ngày Canh Ngọ, quân Nam Giao đánh chiếm phủ thành. Nam Giao hai lần chiếm Giao Châu, vừa giết vừa bắt gần 150.000 người. Khi rút lui còn lưu lại 20.000 quân, sai Tư Tấn giữ thành Giao Châu. Người Di Lão ở các khe động đều hàng phục cả. Vua Nam Giao cho thuộc hạ là Đoàn Tù Thiên làm tiết độ sứ phủ Giao Châu.

Giáp Thân, 864, (Đường Hàm Thông, năm thứ 5). Mùa thu, tháng 7, vua Đường cho Cao Biền làm Đô hộ tổng quản kinh lược chiêu thảo sứ.

Sau đó triều đại Nam Giao bị suy yếu và bị lật đổ vào năm 902; sau ba lần thay ngôi, Đoàn Tư Bình mới thống nhất được các sứ quân Nam Giao vào năm 937 xong đổi tên nước thành Đại Lý. Thời bấy giờ họ Đoàn của nhà Đại Lý đã chịu sự ảnh hưởng sâu đậm của phái Mật Tông của Phật giáo (như triều Lý Trần ở xứ ta); Phật Giáo đã trở thành quốc giáo của xứ nầy. Đoàn Tư Bình đổi tên Đại Lý có ý là lấy giáo lý của Phật làm tên nước. Trước đó đạo Phật đã truyền sang Nam Giao qua ngã Thổ Phồn (Tây Tạng); vị vua cuối cùng của Nam Giao vì quá sùng đạo nên lơ là việc nước dẫn dắt đến sự truất ngôi, phân chia rồi được thống nhất do Đoàn Tư Bình bắt đầu triều Đại Lý.

Dòng họ Đoàn của Đại Lý kéo dài được 316 năm, truyền được 22 đời vua trong đó có 10 vị vua bỏ đi tu như Đoàn Chính Minh, Đoàn Chính Thuần, Đoàn Cảnh Hưng, v.v. (nhường ngôi cho con để làm Thái Thượng Hoàng như các vua Trần ở xứ mình).

Sau khi quân Mông thôn tính xong nước Đại Lý, họ mới tính chuyện “mượn đường” từ nước ta mà đánh bọc lên nhà Nam Tống để thâu gọn nước Trung Hoa, mới có cuộc chiến đầu tiên của quân Mông cùng quân Đại Việt. Sau khi nước Đại Lý bị quân Mông chiếm và sát nhập vào Trung Hoa từ năm 1274 để lập nên nhà Nguyên. Suốt thời gian nước Đại Lý bị quân Mông chiếm đóng, các hoàng thân quốc thích của dòng dõi họ Đoàn vẫn tiếp tục nỗ lực kháng chiến; một số đã kết hợp cùng người Hoa mà dẹp được nhà Nguyên để thành lập nhà Minh. Tuy nhiên Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương đã nuốt lời mà bắt lãnh tụ người Đại Lý là Đoàn Thế phải đổi tên nước thành phủ Vân Nam và nước nầy đã trở thành một tỉnh của Trung Hoa kể từ năm 1398.

HỌ ĐOÀN VÀ HỘI VÕ LIỄU ĐÔI

Theo truyền thuyết từ xa xưa ở Liễu Đôi có chàng trai họ Đoàn khoẻ mạnh và giỏi võ, một mình đánh thắng năm trai tráng trên sới vật. Chàng được truyền một chiếc gươm lớn, bọc trong một tấm vải đào, từ đó chàng là biểu tượng của sức mạnh cho dân làng Liễu Đôi.

Vài năm sau đó, giặc sang xâm lăng, chàng lên đường làm nhiệm vụ. Trong đoàn quân, chàng gặp một nữ tướng họ Bùi, hai người yêu nhau, hẹn sẽ kết duyên với nhau. Chẳng may, chàng bị trúng mũi tên giặc và tử trận, được mang về chôn cất ở quê hương. Nữ tướng họ Bùi về thăm mộ chàng, vì quá đau thương chàng, nàng đã chết trên mình ngựa khi chưa đến nơi.

Dân làng nhớ ơn và vô cùng thương tiếc, lập đền thờ chàng gọi là đền Thánh Ông cùng đền thờ nàng gọi là đền Tiên Bà. Từ đó hằng năm dân làng mở hội để tưởng nhớ hai người, là Hội Võ Liễu Đôi, dành cho cả nam và nữ. Các môn thi đấu như côn, dao, gươm, kiếm, quyền.

HỌ ĐOÀN VÀ CHẢ CÁ LÃ VỌNG

Chả cá Lã Vọng, món đặc sản của người Hà Nội đã quyến rũ cả du khách bốn phương.”Chả cá – một kiệt tác nghệ thuật về món cá rán ngon bổ, một món quà mà gia tộc họ Đoàn đã chế biến qua nhiều thế hệ”. Đó là lời giới thiệu mà hãng tin hàng đầu của Mỹ MSNBC dành cho chả cá Lã Vọng khi đưa món đặc sản này vào danh sách “10 nơi nên biết trước khi chết”.

Theo bà Ngô Thị Tình, con dâu đời thứ 3 của nhà họ Đoàn, năm nay đã 82 tuổi, món chả cá là do cụ tổ của gia tộc họ Đoàn nghĩ ra, ở Việt Nam chỉ có gia tộc họ Đoàn có món gia truyền này. Hàng chả cá thì có nhiều lắm, nhưng không ở đâu có “chả cá Lã Vọng”. Thế gian có vạn người câu cá, nhưng người ta chỉ biết đến Khương Tử Nha, vì ông có kiểu câu cá rất riêng với “cần ngắn lưỡi dài”. Thương hiệu “Chả cá Lã Vọng” được nhà nước chính thức công nhận từ năm 1989. Chữ “Lã Vọng” xuất phát từ việc bố mẹ chồng bà Tình sinh được cô con gái út, đi đâu chơi cũng cho cô đi cùng. Ông bố lên phố Hàng Thiếc, sắm đồ chơi Trung Thu, cô út thích ông Lã Vọng mua về để chơi. Sau ngày Tết, cụ đem bày tượng Lã Vọng lên mặt tủ, từ đó nhà hàng có tên: Chả cá Lã Vọng

ĐOÀN THỊ ĐIỂM (1705-1748)
CÓ THUỘC DÒNG HỌ ĐOÀN HAY KHÔNG?

Bà Đoàn Thị Điểm, hiệu là Hồng Hà Nữ sĩ, quê quán làng Hiến Phạm (còn gọi là Giai Phạm), huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh, nay là huyện Châu Giang, tỉnh Hải Hưng.

Đoàn Thị Điểm sinh năm Ất Dậu (1705) vào thời vừa có vua Lê Hy Tông, vừa có Chúa Trịnh là Trịnh Căn và Chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Chu.

Theo gia phả họ Đoàn như sau:
Tằng tổ của Đoàn Thị Điểm là Lê Công Nẩm, làm quan võ tới chức Thái Thường Thị Thiếu Khanh, được tước phong Thiêm Hào Tử;
Nội tổ là Lê Doãn Vi (hoặc Lê Công Vị), làm Xã quan;
Thân phụ là Lê Doãn Nghi, đậu Hương Cống (Cử Nhân) năm 21 tuổi, nhưng rớt kỳ thi Hội ở Thăng Long, dạy học ở kinh kỳ để chờ khóa thi sau.

Ông Lê Doãn Nghi nằm mơ thấy vị Thần linh nói nên đổi sang họ Đoàn thì mới hiển đạt. Do đó, ông đổi thành họ Đoàn, là Đoàn Doãn Nghi. Khi Đoàn Doãn Nghi dạy học ở Thăng Long, ông lấy cưới con gái quan Thái Lĩnh Bá họ Vũ, hạ sinh được người con trai Đoàn Doãn Luân, và người con gái là Đoàn Thị Điểm.

Năm 1748, Đoàn Thị Điểm theo chồng vào nhậm chức Tham Tri Nghệ An. Thuyền xuôi dòng sông Nhị Hà, lúc đến bến Đền Sòng, nơi thờ Công Chúa Liễu Hạnh, Đoàn Thị Điểm bị cảm rất nặng và từ trần, lúc bà 44 tuổi và chưa có con.

Nguồn trích dẫn