KHỞI NGUỒN

LỜI GIỚI THIỆU
(Tài liệu được phát hành năm 2001)

Họ Đoàn ở Việt Nam đã có lịch sử hàng ngàn năm nay, song tư liệu của dòng họ để lại còn rất ít và tản mạn, nên đến nay Ban liên lạc họ Đoàn toàn quốc còn gặp nhiều khó khăn trong việc phục vụ quý vị tìm hiểu cội nguồn Tổ tiên và sự phát triển của dòng họ. Tuy vậy, được sự giúp đỡ của Ban liên lạc họ Đoàn các tỉnh và nhiều vị có tâm huyết với dòng họ.
Thư ký Ban liên lạc họ Đoàn toàn quốc đã sơ bộ tổng hợp một số thông tin bước đầu về dòng họ để giúp quý vị và bà con nghiên cứu, tìm hiểu, tích cực tham gia việc họ và tiếp tục cung cấp cho Ban liên lạc nhiều thông tin bổ ích nhằm xây dựng một tập tài liệu về họ Đoàn ở Việt Nam được đầy đủ và phong phú hơn.
Xin trân trọng giới thiệu tập Họ Đoàn Ở Việt Nam, thông tin bước đầu với quý vị.

Đoàn Duy Thành
Chủ tịch phòng thương mại và công nghiệp Việt nam
Phó trưởng Ban liên lạc họ Đoàn toàn quốc

THÔNG TIN NGUỒN GỐC DÒNG HỌ

Sau một thời gian sưu tầm, nghiên cứu, được sự giúp đỡ của nhiều chi họ, trong đó có một số vị đã cất công đi tìm dòng họ từ những năm 80 của thế kỷ trước, chúng tôi sơ bộ tổng hợp chuyển đến quý vị và bà con một số thông tin bước đầu về họ Đoàn ở Việt Nam để trao đổi trong họ nhằm phục vụ cho việc bổ sung, chỉnh lý sau này tốt hơn.
Họ Đoàn phát tích từ đâu, có mặt tại việt Nam vào thời gian nào và có bao nhiêu dòng thì rất khó xác định. Các dấu tích còn lại được biết họ Đoàn ở Việt Nam có mặt ít ra từ thời Tiền Lý. Trong thần phả đình làng An Mai (nay là thôn Thanh Mai, xã An thanh, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) do tiến sỹ Nho học Nguyễn Viết Báo viết thì vào thời Tiền Lý (544 – 602) đã có ông Đoàn Danh Tích về An Mai khai hoang, lập làng. Và trong Gia phả họ Trần làng An Mai có ghi: Vào đời vua Lý Thái Tổ (1010 – 1028) khi cụ Tổ họ Trần về làng An Mai thì đã có người họ Đoàn sinh sống. Ở thôn An Bài, xã An Bài, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình có cụ Đoàn Quý Công, huý Đạo Cao, theo truyền lại là đã về đây vào thời Tiền Lý. Cụ có công tổ chức khai hoang lập làng Bệ (nay là thôn An Bài) được 12 họ khác của làng ghi công trong Gia phả. Tại An Bài có tượng và miếu thờ cụ Cao với sắc phong là: Lương y viện dược thạch tổ lưu truyền tại miếu thuỵ, vì cụ là một thầy thuốc giỏi. Vào thời nhà Ngô (939 – 965) đã có cụ Đoàn Huy Lượng – tướng của Ngô Quyền – tham gia đánh giặc Nam Hán, hiện có đền thờ ở Nghi Đoan (Hải Phòng). Một số nguồn tin cho biết cụ Đoàn Văn Khâm, Thượng thư Bộ Công đời vua Lý Nhân Tông (1072 – 1128) là đời thứ 4 của cụ Đoàn Huy Lượng.
Theo phả họ Đoàn ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An và ở thôn Tu Trình, xã Thuỵ Hồng, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình (phần tiền biên) thì từ làng Lôi Cáo (địa danh cổ, nay thuộc xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội) có người họ Đoàn chuyển cư về Tô Xuyên năm 1020, đời vua Lý Thái Tổ (1010 – 1028). Tô Xuyên, nay thuộc xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Đời sau có cụ Đoàn Văn Khâm, chuyển về làng Cổ Phục, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Cụ Khâm trúng tuyển khoa thi Minh Kinh bác học năm 1075, đời vua Lý Nhân Tông (1072 – 1128) là khoa thi Nho học đầu tiên của Nhà nước Việt Nam, sau đó cụ được bổ nhiệm Thượng thư Bộ Công. Cụ Khâm là người mộ đạo Phật, thường giao du với các nhà sư nổi tiếng như Quảng Trí, Chân Không và là một nhà thơ có tiếng đương thời.
Em ruột cụ Đoàn Văn Khâm là Đoàn Huy Hải vẫn ở Tô Xuyên. Song ông Hải mất sớm, không có con nên người con thứ 2 của cụ Khâm là Đoàn Thiện Nguyên đã về lại Tô Xuyên để chịu tang chú Hải và thừa tự.
Đời thứ 5 có danh nhân Đoàn Thượng, sinh ở xã Xuân Độ, nay là thôn Trung Độ, xã Đoàn thượng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, là một vị tướng tài cao, chí lớn và đức độ vào cuối đời vua Lý Cao Tông (1176 – 1210). Lúc này cơ nghiệp nhà Lý đã suy đồi, nhà vua chơi bời vô độ, chính sự, hình pháp không rõ ràng, lại gặp nạn thiên tai mất mùa, đói kém liên miên, giặc cướp nổi lên khắp nơi, xu hướng cát cứ ngày một phát triển: Nguyễn Nộn tự xưng là Hoài Đạo vương chiếm cứ mạn Bắc, nhà Lý đã bị thế lực Trần Thủ Độ thao túng, mưu đồ thoán đạt. Thấy không thể bảo vệ vực dậy một triều đình đã thối nát, Ngài về Hồng Châu (địa bàn này thuộc Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên ngày nay) tự xưng là Đông Hải Đại Vương, tụ tập lực lượng mong cứu dân, cứu nước và cũng để thực hiện hoài bão của mình. Trong thời gian 21 năm (1207 – 1228) quản lý đất Hồng Châu, Ngài đã có công lớn trong việc dẹp loạn, yên dân, tạo cho dân có cuộc sống no đủ, được nhân dân hết lòng ủng hộ. Trong một trận đánh không cân sức với quân Nguyễn Nộn và quân Trần Thủ Độ, Ngài tử trận. Tương truyền, sau khi mất, Ngài hiển Thánh. Vua Trần Thái Tông (1225 – 1258) đã truy phong ngài là Đông Hải Vương, Thượng đẳng thần, truyền cho các địa phương tổ chức tế lễ hàng năm. Được biết đã có 72 địa phương thờ ngài là Thành Hoàng. Đó là một sự kiện ít thấy đối với một danh nhân quân sự, chính trị trong các thời đại.
Danh tướng Đoàn Thượng có 2 người em trai là Đoàn Hoà và Đoàn Đại đều có công lớn trong việc giúp anh cai quản đất Hồng Châu trong nhiều năm, nên sau khi mất được nhiều nơi thờ là Thành Hoàng.
Huyện Gia Lộc, nơi quê hương dòng họ Đoàn Thượng, ngày xưa có tổng Đoàn Bái, ngày nay có xã Đoàn Thượng là địa bàn được chính quyền và nhân dân đặt tên để ghi nhớ công lao của Họ Đoàn và danh tướng Đoàn Thượng đối với vùng Hồng Châu trước đây và Hải Dương ngày nay.
Đoàn Văn – con trai tướng Đoàn Thượng – sau khi cha mất đã đưa gia đình vào làng Đồng Đội, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, trấn Thanh Hoá (nay là xã Tân Dân, huyện Tĩnh Gia) xây dựng đền thờ Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng ở chân núi Ngọc (đền này sau bị giặc Minh phá để lập căn cứ chống Lê Lợi).
Đoàn Văn có 2 người con trai là Đoàn Cao Sơn và Đoàn Trang Tùng. Đoàn Cao Sơn định cư ở Thanh Hoá sinh ra các thế hệ họ Đoàn trên đất Thanh Hoá rồi tiếp tục chuyển cư vào các tỉnh phía Nam. Đời sau cụ Đoàn Cao Sơn ở Thanh Hoá đông nhất hiện nay là ở vùng Quảng Xương và Tĩnh Gia. vào thời nhà Hồ có tướng Đoàn Phát, chức hàn lâm thị giảng, sau giúp Lê Lợi chống quân Minh thắng lợi. Đoàn Trang Tùng chuyển cư ra Hội Xuyên, huyện Gia Lộc, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương, phát triển dòng họ ở vùng đất này.
Đời thứ 3 cụ Đoàn Trang Tùng có tướng Đoàn Nhữ Hài cũng là một người học rộng, tài cao. Năm 19 tuổi khi còn là học sinh, Ngài đã được phong là Ngự Sử trung tán sau khi viết thành công bài biểu tạ lỗi của vua Trần Anh Tông đối với thượng hoàng Trần Nhân Tông. Ngài đã giữ các chức vụ: Tham tri chính sự, Sứ thần, Hành khiển, Kinh lược Nghệ An, Đốc tướng chỉ huy toàn quân cùng vua Trần thân chinh đi dẹp giặc ở miền Tây Nghệ An, Ngài tử trận năm 1335.
Danh tướng Đoàn thượng và Đoàn Nhữ Hài được thờ ở đền An Tân, xã Gia Tân, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương cùng tướng Lê Thạch và Hà Anh. Đền này đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử Quôc gia.
Đời sau dòng họ cụ Đoàn Văn Khâm ở Tô Xuyên, Thái Bình có Đoàn Phúc Lãnh đã từ Tô Xuyên về định cư ở làng Mắt vào năm 1170 (làng Mắt nay là thôn Tu Trình, xã Thuỵ Hồng, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình). Có tin nói cụ Lãnh làm huyện lệnh Trường Tân (Hải Dương) được bổ là Hà đê chỉ huy sứ vùng Thái Bình. Năm 1354 có một chi họ Đoàn từ Tu Trình chuyển về làng Quảng Nạp (nay là thôn Quảng Nạp, xã Thuỵ Trình, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình). Chi họ Đoàn làng Quảng Nạp thời nhà Hồ có cụ Đoàn Công Uẩn có công lập mưu cùng dân binh giết giặc Minh. sau khi thắng lợi, vua Lê Thái Tổ truy tặng cụ là Đoàn Mãnh tướng danh huân, được lập đền thờ và là Thành Hoàng làng Quảng Nạp. Đến năm 1509 có một chi họ từ Tu Trình chuyển sang làng Cờ, tỉnh Hải Dương. Cụ tổ chi họ này là Đoàn Thế Trực, đời sau cụ Trực có một số vị làm quan thời Hậu Lê, có sắc phong của nhà vua, con cháu hiện nay rất đông đúc ở hai xã Ngọc Kỳ, Ngọc Sơn thuộc huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương và một số xã trong vùng.
Trên địa bàn Bắc Bộ chủ yếu là các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Tây, chúng tôi đã thống kê được 150 chi họ có từ 15 đến 36 đời con cháu (con số này còn thấp so với sự thật). Những chi họ này là đời sau của các cụ tổ có nguồn gốc lâu đời nhất có thể ở ba địa bàn Hà Nội – Hải Dương – Thái Bình mà xưa kia là cùng một cụ tổ sinh ra, song vì chưa tìm ra tư liệu nên chưa chắp nối được thành từng dòng, trừ dòng họ cụ Đoàn Văn Khâm đã có một số cành chắp nối được đời thứ nhất cho đến trên 40 đời hiện nay.
So với các họ khác ở Việt nam thì họ Đoàn là một họ nhỏ nhưng đã định cư ở hầu hết các tỉnh trong cả nước. Họ Đoàn đã có người là Đại quan, Đại tướng trong các triều đại trước đây. Họ Đoàn đã có người đỗ Trạng nguyên. Có 20 người đỗ Tiến sỹ Nho học từ triều đại nhà Trần đến triều Nguyễn. Có 54 người đỗ Cử nhân Nho học triều Nguyễn.
Thời hiện đại, họ Đoàn có nhiều người tham gia cách mạng, kháng chiến chống xâm lược, có một số người được bầu vào Bộ Chính trị, Uỷ viên ban chấp hành Trung ương Đảng CSVN, được bổ nhiệm chức vụ Phó thủ tướng, Bộ trưởng, Thứ trưởng, cấp hàm từ Thiếu tướng đến Đại tướng quân đội nhân dân Việt Nam., một số đạt học vị Tiến sỹ, học hàm Giáo sư, một số nhạc sỹ sáng tác có tên tuổi.
Với thời gian hạn hẹp, thiếu tài liệu nên những thông tin về họ Đoàn được nêu trên đây còn chưa đầy đủ và thiếu chính xác. Trong số hàng trăm chi họ lớn hiện đang định cư ở nhiều địa phương trong cả nước thì những chi họ được nêu chỉ có tính chất đại diện cho từng vùng, từng miền, hoàn toàn không đủ về số lượng và không coi đó là những họ điển hình cho chất lượng của họ Đoàn Việt Nam. Người họ Đoàn Việt Nam còn định cư ở nhiều nước như Mỹ, Pháp, Canada, Úc, Đan Mạch, Na Uy, Nga…Mong rằng những thông tin về họ Đoàn trên đây sẽ giúp bà con họ Đoàn trong và ngoài nước tìm lại tổ tiên, góp sức cùng ban liên lạc họ Đoàn toàn quốc chính xác hoá thông tin về họ để một thời gian không xa chúng ta sẽ có được tài liệu tổng hợp về họ đầy đủ và chính xác hơn.

 

BAN LIÊN LẠC HỌ ĐOÀN TOÀN QUỐC

Thông tin bước đầu về nguồn gốc Họ Đoàn

Xin giới thiệu về đoạn PHẢ này để mọi người nghiên cứu đối chiếu với SỬ

Thông tin có thể một số chưa hợp lý và khớp nhau bởi nhiều lý do khác nhau…
——————————————————-

Sau một thời gian sưu tầm tư liệu, được sự cộng tác và giúp đỡ của nhiều vị Họ Đoàn ở nhiều miền đất nước, chúng tôi xin thông báo đến quý vị một số nét về nguồn gốc và sự phát triển của Họ Đoàn trong hơn 1000 năm qua tại Việt Nam. Xin quý vị coi đây là tài liệu tham khảo bước đầu, vì một số thông tin nhận được có thể còn sai lệch, chưa đầy đủ, cần nhiều thời gian sưu tầm, chỉnh lý.

  1. Ban liên lạc Họ Đoàn tỉnh Nghệ An có cung cấp một tài liệu do cụ Đoàn Huệ Hải, đỗ cử nhân, huyện tri Vĩnh Khang triều Lê Sơ, viết về nguồn gốc Họ Đoàn với câu truyền khẩu “Tiền cư Lai Cáo, Hậu đáo Tô Xuyên khuynh chi Hải Dương, xưng vương Đông Hải” và phả hệ 11 đời do cụ tổ (không biết tên) cùng 2 con là Đoàn Văn Khâm và Đoàn Huy Hải từ Lai cáo (một địa danh cổ thuộc Huyện từ Liêm, Hà Nội hiện nay) về Tô xuyên (nay thuộc xã An Mỹ, Huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) năm 1020, triều Lý Thái Tổ (1010-1028). Sau đó cụ Đoàn Văn Khâm chuyển về làng Cổ Phúc huyện Kim Môn, tỉnh Hải Dương, còn em là Đoàn Duy Hải vẫn ở Tô Xuyên. Cụ Đoàn Văn Khâm là thí sinh khai khoa triều Lý Nhân Tông, làm quan tới chức Công bộ Thượng Thư. Hậu duệ thứ 6 cụ Đoàn Văn Khâm là Đoàn Phúc Thượng và Đoàn Phúc Lãnh chuyển cư sang Tu Trình (nay là xã Thụy Trinh, huyện Thái Thụy, Tỉnh Thái Bình ) Cụ Đoàn Phúc Thượng là tướng nhà Lý, xưng vương Đông Hải, chống lại nhà Trần, bị nhà Trần đánh bại năm 1228. Con cụ Thượng là Đoàn An chạy vào Ngọc Sơn, Châu ái. Hậu duệ thứ 11 cụ Đoàn Văn Khâm là tướng Đoàn Nhữ Hài bị tử trận ở miền tây Nghệ An năm 1335. Hệ tộc cụ Đoàn Văn Khâm do Họ Đoàn ở Nghệ An cung cấp.
    2. Một tài liệu khác do hội đồng gia tộc và một số cụ Họ Đoàn có gốc từ làng Tu Trình, Thái Bình cung cấp rõ hơn về dòng họ cụ Đoàn văn Khâm như sau: Họ Đoàn Đã có từ lâu đời nguồn gốc phát tích tại Sơn Lĩnh (nay chưa rõ thuộc địa phương nào) Quá trình phát triển và chuyển cư đến nhiều địa phương trong cả nước, đến nay có thể đã ngót 50 đời. Gia phả và bia ký dòng Họ để lại mới biết được một số cụ tổ sau đây:

Cụ Đoàn Huy Luợng, tướng của Ngô Quyền tham gia đánh giặc Nam Hán năm 938, hiện có đền thờ ở Nghi Đoan (Hải Phòng).

Cụ Đoàn Văn Lan, tướng của Minh Công Trẫn Lãm, sau giúp Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân, hiện có đền thờ ở Lạc Đạo (Thái Bình).

Cụ Đoàn Văn Liễn (con cụ Đoàn Văn Lan), Tướng nhà Đinh, sau giúp Lê Hoàn đánh Giặc Tống, được ban 10 chữ ” Bình Tống huân danh tại, phù Lê sử sách thùy” năm 1009 Cụ Liễn đứng về phe ủng hộ cụ Lý Công Uẩn lên ngôi vua. Cụ Lý Thái Tổ cấp lộc điền ở Tô Xuyên. và đến năm 1020 cụ đem con cháu đến đây khai khẩn làm ấp thang mộc. Họ đoàn ở làng tu Trình vẫn truyền khẩu câu nói: “Tiền cư Lai Cáo, hậu đáo Tô Xuyên, ốc tại Tu Trình, ký cư Quảng Nạp”.

Cụ Đoàn văn Khâm (con cụ Liễn) đỗ khoa thi năm ất mão (1075) là thượng thư Bộ công triều Lý Nhân Tông.

Cụ Đoàn Thiện Hồng (con cụ Khâm tướng nhà Lý, phu nhân là Lý Thị, nhũ mẫu của vua Lý Nhân Tông.

Cụ Đoàn Quang Dao (con cụ Hồng) tướng nhà Lý, được phong tước yên quốc thượng tướng quân, có con gái Đoàn Thị làm thứ phi vua Lý Anh Tông

Cụ Đoàn Thiện Hổ (con cụ Dao) tướng nhà Lý, có công dẹp loạn được phong đất lộc điền ở trại Mắt, tên chữ là làng Tu Trình, Một vùng đất ven hạ lưu sông Hóa làm ấp thang mộc.

Cụ Đoàn phúc Lãnh (con cụ Hổ) làm quan Hà Đê chỉ huy sứ. Năm 1170 cụ Lãnh được triều đình cử đi trị thủy vung Duyên Hải, Lộ Hải Thanh (Thái Bình, Nam Định ) Cụ Lãnh đã đem con cháu về Tu Trình định cư, khai khẩn vùng đất lộc điền được cấp.

Cụ Đoàn Phúc Lãnh có 3 người con là Đoàn Phúc Thượng, Đoàn Phúc Chủ và Đoàn Phúc Hào.

Đoàn Phúc Thuợng làm phán phủ Hồng Châu, rồi làm tướng Điện Tiền triều Lý Cao Tông. Năm 1212 nhận lệnh về Hồng Châu mộ quân, nhân lúc vận nhà Lý suy đồi tự xưng vương Đông Hải, cùng em là Đoàn Chủ lập căn cứ ở Bần Mao (gần Thăng Long) và làng Gia Viên (nay thuộc Hải Phòng) chống lại nhà Trần. Đến năm 1228. bị Trần Thủ Độ lập mưu giết hại. Đoàn Phúc Thượng có con là Đoàn Lôi và Đoàn Phúc Khuê.

Đoàn Lôi thỏa hiệp với nhà Trần lấy em gái Trần Thừa là Trần Tam Nương làm vợ kế và về Tu Trình ở ẩn.

Năm 1351, có một chi Họ thuộc Hậu duệ cụ Đoàn Phúc Lãnh từ Tu Trình về Quảng Nạp. chi Họ này có cụ Đoàn Công Uẩn, có công giúp Lê Lợi chống giặc Minh được Tặng danh hiệu Đoàn dũng tướng danh huân, được thờ làm Thành hoàng ở Đình Quảng Bắc.

Con cụ Đoàn Công Uẩn là Đoàn công Bẩm đựợc vua ban quốc tính là Lê Công Bẩm, một võ tướng được phong chức Thái thường thị thiếu khanh, tước Thiên hào tử, chuyển cư về Hiến Phạm, Văn Giang, Hưng Yên (nay là làng Giai Phạm, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên) Hậu duệ cụ Lê Công Bẩm đổi lai Họ Đoàn có Đoàn Doãn Nghi và con là Đoàn Doãn Luân và Đoàn Thị Điểm. Hậu Duệ cụ Đoàn Phúc Lãnh, chi Họ về Đại Hạnh, Văn Giang, Hưng Yên có cụ Đoàn Duy Tinh (sau đổi là Đoàn Nguyên Thục) đỗ tiến sỹ năm Cảnh Hưng thứ 13 (1752) làm quan đến chức phó đô ngử sử , tước Quỳnh Xuyên bá. con cụ Tĩnh là Đoàn Nguyên Tuấn, Đỗ tiến sỹ triều Lê Hiển Tông làm tả thi lang bộ lại, tước Hải phái hầu triều Tây Sơn.

  1. Sơ bộ thống kê thì Họ Đoàn của cụ Đoàn Phúc Lãnh ở Tu Trình, Thái Bình đã có một số nhánh đi về các địa phương sau đây: Quảng Nạp, Hiến Phạm (Văn Giang), làng Cờ thuộc tổng Mỹ Xá (nay là xã Ngọc Ký thuộc Tứ Lộc, Hải Dương), núi Na (Đông Triều), Đại Hạnh (Văn Giang), Hải An(Thái Bình), Yên Bài (Mê Linh), Kim Côn (An Lão, Hải Phòng), Tân Hưng (Tứ Lộc, Hải Dương), Vũ Xá (Nam sách, Hải Dương), Hà Nội, Bắc Giang, Vĩnh Yên, Quảng Cư (Thủy Nguyên, Hải Phòng , Tiểu Hoàng (Nam Trực Nam Định) Tiên Lãng, Vĩnh Bảo thuộc Hải Phòng.
  2. Như vậy dòng tộc cụ Đoàn Văn Khâm có nhánh Họ cụ Đoàn Phúc Lãnh đã chắp nối đựơc một số chi chuyển cư về các địa phương thuộc đồng bằng Bắc bộ qua triều Lý, Trần, Lê còn một số nhánh, chi khác chưa có tư liệu.

5. Ngoài ra, một nguồn tin khác từ Thái Bình cung cấp cho biết, trong thần phả đình làng An Mai (nay là thôn Thanh Mai, xã An Thanh, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) do tiến sỹ nho học Vũ Viết Bảo viết thì từ nhà Tiền Lý (544-602) đã có ông Đoàn Danh Tích về An Mai khai hoang, lập ấp. Và trong gia phả Họ Trần làng An Mai có ghi: Vào triều Lý Thái Tổ khi cụ tổ Họ Trần về đây thì đã có người Họ Đoàn sinh sống.

Nguồn tin BLL Họ Đoàn toàn quốc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *