Người Mỹ gốc Việt: ĐOÀN THẾ PHÚC

­­­Thứ Năm, 08/10/2015

THU TỨ – Tên thật: ĐOÀN THẾ PHÚC

Ông sinh 1955 tại Quy Nhơn, lớn lên ở Sài Gòn, du học 1973, tốt nghiệp khoa hàng không ở Caltech (Mỹ) 1981

Vừa qua NXB Thế giới và Trung tâm nghiên cứu quốc học đã phối hợp xuất bản cuốn sách Cảm nghĩ miên man của tác giả Thu Tứ – một người Mỹ gốc Việt. Cuốn sách có ý nghĩa đặc biệt không chỉ ở nội dung, mà có thể nói rằng, sự ra đời của nó là một biểu hiện sâu nặng của tình yêu quê hương, đất nước của những người Việt Nam xa xứ.

Nhiều năm nay trang gocnhin.net của Thu Tứ được xem là một địa chỉ tin cậy giúp người Việt Nam xa xứ tìm hiểu về các giá trị, thành tựu văn hóa, lịch sử, xã hội của quê hương. Cảm nghĩ miên man – tác phẩm đầu tiên của Thu Tứ được xuất bản tại Việt Nam, mới chỉ là phần nổi từ “tảng băng lớn hơn nhiều về tri thức, trải nghiệm” mà nhà văn đã bỏ ra nhiều năm ở nơi đất khách quê người để khảo cứu. Về tác giả, bạn đọc chỉ biết qua đôi dòng đăng trên gocnhin.net: “Tên thật Ðoàn Thế Phúc, sinh 1955 tại Quy Nhơn, lớn lên ở Sài Gòn, du học 1973, tốt nghiệp khoa hàng không ở Caltech (Mỹ) 1981, làm việc chuyên môn đến 1991 thì thôi vì thấy không hợp”. Thực ra, nghiệp văn thơ như là duyên phận của dòng họ Đoàn Thế, mà có thể coi Thu Tứ là người kế tục. Điều đặc biệt là thân phụ của ông và người chú ruột của ông là hai nhà văn mà chiến tranh đã đưa họ về hai phía chiến tuyến: Cha ông là Võ Phiến – Đoàn Thế Nhơn (1925 – 2015) nhà văn nổi tiếng ở phía bên kia; chú ruột ông là Lê Vĩnh Hòa – Đoàn Thế Hối (1933 – 1968), nhà văn – chiến sĩ có nhiều đóng góp với văn học cách mạng, đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Nhà văn Lê Vĩnh Hòa đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học – nghệ thuật đợt một, năm 2001. Có lẽ do hoàn cảnh gia đình có phần “đặc biệt” nên hiếm khi Thu Tứ thổ lộ về đời tư. Từ bỏ công việc vốn là “giấc mơ Mỹ” của bao người nhập cư để tập trung sáng tác và nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật, lịch sử Việt Nam, 25 năm qua, kể từ khi quyết định, rất ít khi Thu Tứ tâm sự về công việc mình đã và đang làm, tưởng như đó là thú vui nhất thời của ông và dưới con mắt của nhiều người, bước rẽ ngoặt ấy của Thu Tứ cho đến nay vẫn là một điều bí ẩn (?).

Chọn nghiệp viết, Thu Tứ như muốn trả món nợ của ông với văn chương và dường như còn món nợ khác luôn khiến ông trăn trở – món nợ của người con với nơi “chôn nhau cắt rốn”? Và Cảm nghĩ miên man đã hình thành, hoàn tất từ tình yêu đất nước chân thành và da diết ấy. Cuốn sách gần 400 trang có thể là chưa nhiều so với các cuốn sách khác, song với một người Việt xa quê hương từ năm 18 tuổi, hơn nửa đời người sống, làm việc ở Mỹ như Thu Tứ, đó là một thành công lớn. Nhất là khi ông không chỉ viết bằng hoài niệm, tâm tưởng, mà còn từ sự khảo sát tài liệu, tác phẩm về lịch sử, văn hóa, xã hội, con người Việt Nam được ông sưu tầm, thu thập trong suốt hơn 40 năm. Trong số này, có không ít tài liệu quý có tuổi đời gần một thế kỷ như: Nho giáo của Trần Trọng Kim (Trung Bắc Tân Văn, 1930), Việt Nam văn hóa sử cương của Đào Duy Anh (Quan Hải tùng thư, 1938), nhưng đáng kể hơn là những tác phẩm xuất bản sau năm 1975, khi đất nước hoàn toàn giải phóng đến với ông từ nhiều nguồn khác nhau. Trong đó, có cả kết quả từ những chuyến “du khảo” ngắn ngủi và thầm lặng của Thu Tứ về Việt Nam kể từ thời điểm Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

Tự nhận mình là người “viết rất tạp lại rất tùy hứng”, “chỉ lắng nghe lòng mình mà bất kể xung quanh có bao nhiêu người đang xôn xao theo một hướng nào đó”, “chọn hình thức mình thấy thích hợp nhất mà không hề quan tâm đến chuyện nó mới hay cũ” nhưng thực tế Thu Tứ lại có một phong cách “nghiêm cẩn như một nhà bác học mà cũng điệu nghệ có duyên như một nghệ sĩ”, như ý kiến của GS, TS Mai Quốc Liên ở phần vào sách. Ông như ít chú ý đến thể loại, mà chú trọng việc thể hiện, diễn đạt tốt nhất những tư tưởng, suy nghĩ của mình. 55 bài viết được chia thành sáu chủ đề cụ thể: Triết lý, văn hóa; Lịch sử Việt Nam; Văn hóa Việt Nam; Tiếng Việt; Văn học Việt Nam; Trí tuệ Việt Nam; mỗi chủ đề có lối tiếp cận, phân tích vấn đề độc đáo, hầu như không trùng lặp phong cách. Bản thân Thu Tứ cũng thừa nhận một cách khiêm tốn “tạp như vậy có gì nhất quán chăng? Xin thưa rằng có. Đó là quyết tâm giữ vững độc lập trong cảm nghĩ và trong cách thể hiện cảm nghĩ” (Sđd, tr.9). Quan trọng và xuyên suốt cuốn sách là lòng tự hào về lịch sử, văn hóa, chữ viết, văn học đến những vĩ nhân của dân tộc; là điều ông lo lắng khi “nghĩ đến cái ngày người Việt Nam tiếp xúc với thành tích của tổ tiên mình chẳng cảm thấy rung động gì hết, rồi một thiểu số xoay qua đọc bia trộm dựng để gợi rung cũng vẫn cứ thấy lòng trơ trơ mà buồn” (Sđd, tr.10).

Có lẽ vì vậy mà Thu Tứ ít bị cuốn vào những vấn đề thường ngày của người Việt xa xứ như hòa nhập cộng đồng dân cư mới, bất đồng ngôn ngữ, thất nghiệp, vô gia cư, nỗi nhớ quê hương, sự tha hóa của một bộ phận đồng bào khi vật chất lấn át lương tri, lòng tự tôn của cá nhân và tinh thần dân tộc,… Hẳn vì ông hiểu rằng theo thời gian khi đời sống của đồng bào ta được cải thiện, những cảm xúc ấy cũng sẽ tan dần, nhất là trong thế hệ trẻ. Là người từng trải, Thu Tứ hiểu bi kịch lớn nhất của người Việt Nam xa xứ là bị hòa tan trong nền văn hóa khác, trong lối sống của xã hội công nghiệp. Nên Thu Tứ tìm hiểu lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ, nghệ thuật truyền thống, hiện đại, rồi tìm cách diễn dịch một cách dễ hiểu, lý thú nhưng không kém phần chi tiết đến người đọc. Như trong bài Thôi một nước quê, ông gọi Việt Nam là “một nước quê” đến kinh đô cũng “như nhà quê”. Nhưng đó không phải lối châm biếm dài giọng của người cậy mình đi nhiều nơi, từng thấy tháp Ép-phen (Eiffel), chụp ảnh trước tượng Nữ thần tự do. “Nhà quê” thành thị trong con mắt của Thu Tứ hiện ra như một không gian thanh lịch, yên bình. Đó là nông thôn được gọt, rũa, mài,… vừa có những phố thị sầm uất, vừa có những không gian làng mạc truyền thống. Thu Tứ không tự nghĩ ra hay huyễn hoặc về điều đó, ông viết từ những chuyến về thăm Hà Nội, dựa trên nhiều tài liệu mô tả Hà Nội đầu thế kỷ 20, nhất là qua tác phẩm của Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Tuân, Tô Hoài. Bài viết Người Việt viết về ăn có thể xem như một chuyên khảo lý thú và hóm hỉnh của Thu Tứ. Ông phát hiện ra văn học chữ Hán của Việt Nam gần như không có sáng tác nào viết về ẩm thực dân tộc, chủ đề ẩm thực chỉ bắt đầu xuất hiện trong văn chương hiện đại. Đó là một thiếu sót đã được khắc phục một cách kịp thời. Bởi viết về ăn “không phải chỉ là diễn những cảm giác thú vị khi dùng một miếng ngon” (Sđd, tr.270) mà yêu chính các sản vật trên đất nước quê hương mình. Trong mạch cảm xúc thiết tha ấy, ông chạnh lòng vì “đối tượng của lòng yêu mãnh liệt đang biến mất hay biến chất đấy” khi “lối ta sống nó đang trở nên giống hệt cái lối Tây sống” (Sđd, tr 278). Bàn về cái ăn, một giá trị tưởng chừng nhỏ nhặt, Thu Tứ đã gửi gắm tới người đọc một thông điệp: Gìn giữ văn hóa bắt đầu ngay từ việc bảo vệ các giá trị gần gũi, thân thuộc với mình.

Từ triết lý phương Tây sang phương Đông, từ quá khứ đến hiện đại, từ ngôn ngữ đến văn chương,… Thu Tứ tìm được sự giao thoa, đó là cuộc gặp gỡ giữa ông với những nghệ sĩ lớn như Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Huy Cận, Bùi Xuân Phái, Tô Hoài, Chế Lan Viên, Trần Văn Khê, Thái Bá Vân… Thu Tứ cho rằng nghệ thuật Việt Nam không hề thiếu các quan niệm nghệ thuật, các bài viết có tính lý luận, học thuật cao. Tuy nhiên theo ông, phát biểu về nghệ thuật của nhiều nghệ sĩ Việt Nam giống với hình tượng ngón tay chỉ trăng của Đức Phật, giàu tính liên tưởng hơn là tỉ mỉ, rạch ròi. Nguyên việc sưu tầm, biên soạn, đúc kết, phát huy các tư tưởng đó cũng đã đủ sức để đưa nghệ thuật Việt Nam đến đỉnh cao. Thế nhưng nhiều nhà nghiên cứu, nhất là giới nghiên cứu trẻ lại “đang theo người Tây phương say sưa lý luận về nghệ thuật” (Sđd, tr.306). Theo Thu Tứ, nguyên nhân có lẽ bởi “Bụt chùa nhà không thiêng”, hoặc là người nghiên cứu sính chữ “ngoại” mà quên đi những tác gia ưu tú của nghệ thuật dân tộc. Bởi vậy, công việc của ông là “vén gương cho người đọc” về các nhân tài mà chúng ta như đang lãng quên, hoặc nhìn họ một cách sơ sài, thậm chí cẩu thả. Ở phần Trí tuệ Việt Nam, các bài viết về Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Khê, Thái Bá Vân có thể giúp người đọc, nhất là người đọc không chuyên, hiểu thêm về âm nhạc, hội họa truyền thống, sự kế thừa trực tiếp và gián tiếp trong âm nhạc, hội họa hiện đại mà lâu nay chúng ta ít chú ý.

Tự tách mình khỏi cuộc sống hiện đại để trọn vẹn tâm trí trong việc tìm tòi, nghiên cứu các giá trị văn hóa, lịch sử, xã hội, Thu Tứ lần lượt kể lại những câu chuyện cũ nhưng dưới cái nhìn mới, như GS, TS Mai Quốc Liên nhận định: “con mắt yêu thương đất nước mình”. Thật vậy, nếu không có một tình yêu thương đất nước sâu nặng thì ông khó có thể từ bỏ tất cả, dành thời gian trở về quê hương, tìm trong sách vở, tâm tưởng. Từ năm 2009 đến nay, dẫu bận công việc, Thu Tứ vẫn đều đặn đăng tải những ấn bản điện tử hoàn toàn miễn phí trên trang mạng gocnhin.net. Ông chưa bao giờ coi đó là một công việc “làm ơn, làm phúc” cho người khác. Trái lại, Thu Tứ luôn cảm thấy áy náy vì chưa có dịp xin phép, cảm ơn tác giả của mỗi tác phẩm, hình ảnh mà ông trích dẫn trong mỗi số tạp chí điện tử. Có lẽ vì vậy, qua sáu năm, số bài vở được đăng tải trên gocnhin.net ngày càng đa dạng về số lượng, nâng cao về chất lượng. Ở tuổi sáu mươi, khi nhiều người đã tính đến chuyện nghỉ ngơi, thì Thu Tứ vẫn miệt mài với trang viết, bức ảnh để góp phần giữ gìn, bảo tồn văn hiến Việt Nam, phong tục tập quán Việt Nam với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói riêng, người Việt Nam nói chung. Cảm nghĩ miên man mới là một phần nhỏ trong “khối tình lớn” mà ông muốn gửi đến quê hương, đất nước. Với những gì được thể hiện trong tác phẩm, đã chứng tỏ Thu Tứ là một nhà khảo cứu có tài diễn đạt rất có duyên những vấn đề tưởng như cũ kỹ, khô khan. Đó là cơ sở để chúng ta tin vào những cuốn sách tiếp theo của ông.

VIỆT QUANG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *