KÝ CON – ĐOÀN TRẦN NGHIỆP
Ông sinh năm 1908 tại phố Hàng Sơn, Hà Nội, quê làng Khúc Thủy, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Năm 18 tuổi, Đoàn Trần Nghiệp phải vào làm cho Hãng Goda ở Hà Nội với chân bán hàng.
Ông có dáng người nhỏ bé như thư sinh, nước da trắng mịn, khuôn mặt trái xoan, cặp mắt sáng có vẻ mơ màng, đôi môi đỏ mọng như son lúc nào trông cũng như mỉm cười… Đầu năm 1928, ông được giới thiệu vào Việt Nam Quốc Dân Đảng, rồi được giao việc trông coi và mua bán, xuất nhập kho cho khách sạn Việt Nam – một thương điếm do Việt Nam Quốc Dân Đảng mở ở số nhà 38 Hàng Bông Đệm. Là người nhỏ tuổi hơn cả, nên tại khách sạn ông được gọi với cái tên Ký Con. Ngày 9-2-1929, Bazin bị ám sát. Sau vụ này, khách sạn Việt Nam bị đóng cửa, Ký Con bị bắt. Sau không có chứng cớ, ông được thả. Từ đó, ông được lãnh tụ Nguyễn Thái Học tin tưởng cử vào Ban ám sát (một tổ chức chuyên trừng trị những tên thực dân, Việt gian, những kẻ phản bội tổ chức). Ngày 6-9-1929, Đoàn Trần Nghiệp được giao nhiệm vụ ám sát Nguyễn Văn Kinh – một tên phản bội tổ chức Đảng, gây nhiều thiệt hại cho Đảng. Ông đi xe đạp, đón đường, rồi rút súng bắn vào đầu Nguyễn Văn Kinh. Ông thản nhiên để vào ví kẻ phản bội bốn chữ “không giữ lời thề” và ung dung lên xe đạp đi. Đầu năm 1930, Nguyễn Thái Học quyết định khởi nghĩa, nhưng có một số đảng viên không nhất trí, vì thế Đoàn Trần Nghiệp lại được giao thủ tiêu những người bất đồng quan điểm (trong đó có Lê Hữu Cảnh), song ông là người biết phân biệt phải trái và hành động theo nhận thức của mình, nên không giết Lê Hữu Cảnh…
Năm 1930, Việt Nam Quốc Dân Đảng phát động khởi nghĩa, Đoàn Trần Nghiệp được phân công phụ trách ném bom ở Hà Nội. Ông tổ chức đội cảm tử mang bom ném vào nhà Chánh mật thám Arnoux, vào Hỏa Lò, Sở Sen đầm, cảnh sát quận 1, quận 2 ở Hà Nội, cắt các đường điện thoại… Sau vụ ném bom ở Hà Nội đêm 10-2-1930, Đoàn Trần Nghiệp bị Sở mật thám Bắc kỳ truy nã gắt gao. Chúng cho in hình ông và cáo thị thưởng 5.000 đồng cho người nào giết hoặc bắt được Đoàn Trần Nghiệp. Ông phải rời Hà Nội đến Hải Phòng. Tháng 6-1930, ông bị mật thám bắt ở Nam Định và bị đưa về giam ở Hỏa Lò, Hà Nội. Ông đã trả lời ký giả người Pháp Louis Roubaud rằng mục đích những việc làm của ông là “để đuổi người Pháp ra khỏi xứ An Nam”.
Ngày 5-8-1930, Đoàn Trần Nghiệp bị kết án tử hình. Cuối năm 1930, ông bước lên máy chém với thái độ bình thản, cặp mắt sáng thản nhiên nhìn kẻ thù, mỉm cười…!
Đoàn Trần Nghiệp bị thực dân Pháp giết hại năm ông 22 tuổi. Cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại, song đã gây tiếng vang lớn và để lại dấu ấn cho lịch sử chống xâm lược của dân tộc: “Không thành công thì cũng thành nhân”. Đoàn Trần Nghiệp mất đi, những đóng góp của ông trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái còn mãi với đất nước trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Ông trở thành nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam.