GIỚI THIỆU THÊM VỀ HỌ ĐOÀN VIỆT NAM

BAN LIÊN LẠC HỌ ĐOÀN TOÀN QUỐC.

GIỚI THIỆU THÊM:

Tổng hợp của Tổ thư ký thường trực

Ban liên lạc họ Đoàn Toàn quốc

(Năm 2001)

LƯỢC GHI VỀ PHẢ HỆ ĐOÀN TỘC

Họ Đoàn là một trong hàng trăm dòng họ trong cộng đồng dân tộc Việt Nam có cách đây hàng ngàn năm lịch sử.

Trải qua các triều đại Đinh, Lý, Trần, Lê … Tổ tiên họ Đoàn cũng như các thế hệ tiếp nối đã chuyển cư đến nhiều vùng của đất nước, đến nay đã có trên 40 đời. Vì gia phả qua nhiều đời sao chép, do đó sự mất mát đáng kể. Nên việc xác định ai là cụ tổ đầu tiên đã định cư trên đất nước ta, vào thời đại nào ? là vấn đề còn phải tiếp tục tìm hiểu.

Nhưng qua đối chiếu với những gia phả, bia ký của những chi nhánh họ lớn ở Bắc Bộ, Trung Bộ mới biết được một số tư liệu sau đây:

-Cụ Đoàn Huy Lượng : Tướng của Ngô Quyền tham gia đánh giặc Nam Hán năm 938, hiện có đền thờ ở Nghi Đoan – Hải phòng.

-Cụ Đoàn Văn Lan : Tướng của Minh công Trần Lãm sau giúp Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân, hiện có đền thờ ở Lạc Đạo – Thái Bình.

-Cụ Đoàn Văn Liễn (con cụ Lan) : Tướng nhà Đinh, sau giúp Lê Hoàn đánh giặc Tống được ban 10 chữ.

“Bình tống huân danh tại, phù Lê sử sách thùy”

Năm 1009 cụ Liễn đứng về phe ủng hộ Lý Công Uẩn lên ngôi vua, cụ được Lý Thái Tổ cấp lộc điền ở Tô Xuyên và đến năm 1220 cụ đem con cháu đến đây khai khẩn lập ấp thang mộc.

Họ Đoàn vẫn truyền khẩn câu:

“Tiền cư lai cáo

Hậu đáo Tô xuyên

Ốc tại Tu trình

Ký cư Quảng nạp”

Chúng ta đã biết họ Đoàn có mặt trên đất nước ta từ thời xa xưa. Song cụ Tổ đầu tiên được lưu danh trên sử sách là:

** ĐỜI THỨ 1 : Cụ Đoàn Văn Khâm : Người làng Lôi Cáo một địa danh cổ huyện Từ Liêm – Hà Nội đã chuyển cư về Tô Xuyên năm 1020 triều Lý Thái Tổ (Tô Xuyên nay thuộc xã An Mỹ, Huyện Quỳnh Phụ, Tỉnh Thái Bình) sau đó cụ Khâm chuyển về làng Cổ Phục, huyện Kim Thành, Tỉnh Hải Dương. Cụ Khâm dự khoa thi Minh kinh bác học năm 1075 đời Lý Nhân Tông, là khoa thi nho học đầu tiên của Nhà Nước Việt Nam được bổ nhiệm làm Thượng thư Bộ công, Cụ gồm toàn tài văn võ, thơ văn xuất chúng, để lại cho đời nhiều bài thơ bằng chữ Hán nôm.

Sinh hạ : Ông Đoàn Thiện Hồng, Ông Đoàn Thiện Nguyên.

Trước ở Tô Xuyên sau về Cổ Phục, huyện Kim Thành, Hải Dương. Em ruột cụ Đoàn Văn Khâm là Đoàn Duy Hải vẫn ở Tô Xuyên. Theo phả họ Đoàn ở Diễn Châu, Nghệ An thì cụ Hải mất sớm nên người con thứ 2 của cụ Đoàn Văn Khâm là Đoàn Thiện Nguyên đã từ Hải Dương về lại Tô Xuyên để chịu tang chú Hải và hưởng thừa tự.

** ĐỜI THỨ 2 : Cụ Đoàn Thiện Hồng

Tiền ấm quan Hiệt trung thần võ Tướng

Sinh hạ: Ông Đoàn Quang Dao

** ĐỜI THỨ 3 : Ông Đoàn Quang Dao

Tiền ấm quan Vy long vũ Đại huân thần

Sinh hạ: Ông Đoàn Thiện Hổ, Ông Đoàn Văn An, Ông Đoàn Phúc Lãnh.

** ĐỜI THỨ 4 : Ông Đoàn Thiện Hổ

Tiền ấm quan Đô đốc thần vũ thủy quân đẳng xứ

Sinh hạ: Đoàn Phúc Thượng, ông Đoàn Phúc Hà

Cụ Đoàn Thiện Hổ là người có công dẹp giặc ở bãi Ngang được Vua Lý phong đất Quảng điền, huyện Đường Hào, năm Chính Long Bảo Ứng, Hoàng triều Lý Anh Tông (1162).

Tiền kinh triệu quân: Đoàn Tam Lang húy Phúc Lãnh, năm Chính long bảo ứng, Hoàng triều Lý Anh Tông (1170). Ngụ tại Tu trình, nay là xã Thụy Hồng, huyện Thái Thụy, Thái Bình.

** ĐỜI THỨ 5 : Đoàn Thượng

Lý Triều tiền chỉ thụ, Hải động trấn thủ, Hồng châu lộ thị võ dụng tướng quân Đông Hải Đại Vương, Hà dân nhất đẳng thần.

Ông là con cụ Thiện Hổ sinh giờ thìn ngày 2/2/1169 năm Chính Long, Bảo ứng cảm thiên đời Lý Anh Tông.

Sinh ra tại Thái ấp Hồng thi, huyện Dường Hào, được nuôi trong cung Vua cùng nhũ mẫu với Thái tử Sam là Lý Huệ Tông sau này.

Đại nam quốc sử viết về tướng công Đoàn Thượng:

Chính khí tráng sơn hà, danh thần danh tướng.

Nguyên huân hồi xã tắc tại sử tại thiên

Nghĩa là: Tinh anh của người bao trùm mọi miền đất nước, xứng đáng là tôi trung tướng giỏi.

Công đức của người nhân dân được hưởng, mãi mãi lưu truyền trong sử sách.

Là sinh viên Quốc tử giám (ngang tầm hết cấp đại học ngày nay) lại đỗ cả kỳ thi võ cử nhân khóa 5 thời Lý Thần Tông.

Thượng tướng được triều đình giao trọng trách hưng doanh đất Hồng Châu nay là tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình.

Nhiều người nói trải qua các triều đại Đinh, Lý, Trần, Lê … Chỉ vào thời Lý là dân được no cơm, ấm áo hơn cả.

Tả ngạn sông Hồng, châu thổ đang hình thành chỗ cao, chỗ trũng. Tướng công cùng đoàn tùy tùng, nhiều nhất là người của dòng họ lăn xả vào công việc vận động nhân dân chung sức cơi đắp bờ vùng, quai đê ngăn lũ lụt, tìm giống lúa chín sớm thu hoạch trước mùa nước lên, tìm lúa lốc gieo mọc ngoi theo nước ngoài bãi giữa sông vẫn có hiệu suất … Ngay trong thời đuổi giặc ngoại xâm ta vẫn lo cày cấy, tích cực trồng tỉa, hạn chế thiên tai dịch hại, thu hoạch ngô lúa, hoa màu, cây quả, cá thả chăn nuôi trên đất phù sa đỏ quí như châu báu (Hồng Châu) ngày một tăng cao, tỏa đến khắp vùng đất nước, làm gì mà dân thời Lý cuộc sống chả ung dung hơn mọi thời.

Còn biết bao nhiêu việc cần đến bàn nay khối óc của tướng công.

-Xin thêm 2 đương nhiệm: 1 về Ân Thi nay thuộc Hưng Yên, 2 về Tiên Hưng nay thuộc Thái Bình để chăm lo cho dân an cư, lạc nghiệp.

-Lại còn bọn cướp biển ban ngày ẩn núp ở các đảo ngoài khơi, lúc vắng xông ra trấn lột thuyền câu, chài lưới, đêm đêm từng toán đột nhập đất liền cướp của giết người. Công phu lắm, hàng năm theo dõi, gài người vào hang ổ mới đánh trúng đầu sỏ, cải hoàn bọn đàn em, mới tạm dập tắt được đạo tặc.

-Khuyến khích từng làng xóm nuôi thầy dạy học truyền bá “Tam cương ngũ thường” đạo đức của con người đối với gia tộc, với xóm làng, quê hương và đất nước.

-Năm Đinh Mão 1207 Đô đốc trấn Sơn Nam.

-Năm Nhâm Thân 1212 nhận lệnh đến Hồng Châu mộ quân vì nghe lời gièm pha, vua Lý đã nghi ngờ bắt ông hạ ngục, ông vượt ngục về Hồng Châu lánh nạn.

Bấy giờ Lý Huệ Tông không có con trai nối dõi, chỉ sinh được nữ Chúa là Lý Chiêu Hoàng, Huệ Tông băng hà, Chiêu Hoàng lên ngôi. Cháu trai của Trần Thủ Độ là Trần Cảnh được vào cung hầu Lý Chiêu Hoàng, một vua là nữ nhi mới 13 tuổi, mỗi khi rửa mặt lại té nước vào đứa hầu trai. Ngoài thành ông Thủ Độ cho nổi trống và gọi loa : “Bệ hạ cho Cảnh nước”. Đó là âm mưu của Trần Thủ Độ cướp ngai vàng, diệt Tôn thất nhà Lý, là nghịch thần tặc tử.

Sau Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh rồi nhường ngôi cho chồng, họ Trần lên ngôi Hoàng đế, Thái sư Trần Thủ Độ lại càng ra sức lộng hành làm nhiều điều gian ác.

Nhà Lý suy yếu, ông thấy rõ nguy cơ nhà Lý tan rã, nhưng với đức trung quân không thờ 2 chủ, ông bất bình về xứ Hồng Châu tuyển mộ tướng sĩ, binh mã, xây thành đắp lũy xưng là “Đông Hải Vương”. Hơn 20 năm xây dựng căn cứ vững mạnh Trần Thủ Độ đánh Hồng Châu nhiều lần không được, Thủ Độ giả hòa để tập trung tấn công Nguyễn Nộn, Nộn đầu hàng nhà Trần, Thủ Độ ngầm cấu kết Nguyễn Nộn đánh Đoàn Thượng. Bị đánh bất ngờ, lại bị lưỡng đầu thụ địch, quân của Ngài thua trận và Ngài bị tử trận ngày 11/4/1228 tại địa hạt thôn Đông Đạo xã Yên Phú (tỉnh Hưng Yên bây giờ).

Nơi đó là xã Yên Phú dân làng lập miếu thờ Ngài có tô tượng tạc bia, nhưng về sau lũ lụt cuốn đổ đền, Tượng của Ngài trôi về Yên Nhân, nhân dân xã này lập đền bên bờ sông Hồng Giang để thờ Ngài.

Tấm lòng trung nghĩa thanh bạch đã tỏ rõ Người là bậc Thánh, vua Trần Phong cho Người là : “Trung dũng tướng quân, Đông Hải đại vương” Vua Trần còn bao phong cho Người là : “Thượng đẳng phúc thần, khuyến thiện từ bi qui Phật”

Nguyễn Triều Gia Long sắc phong “Bảo quốc hà dân nhất đẳng thần”

Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm có đôi câu đối treo tại đền:

“Thanh miếu tuế thời Hương, năng cốc bất khai canh hoàn cục

Hồng Châu kim cổ lộ, cương thường sức khởi vãng lai nhân”

Nhật nam Trịnh Như Tấu trong Hưng Yên địa chí dịch:

Khói hương thanh miếu ngọt ngào, trôi trăng gió cao nên nền tiết nghĩa.

Đường xứ Hồng Châu đi lại, khách gần xa trông rõ cột cương thường.

Nơi này khi Nguyễn Trãi có dịp qua viếng đã ghi câu đối:

“Nam quốc sơn hà do tráng sĩ

Lý triều quý thế hiển trung linh”

Nghĩa là (Tổ quốc vững bền, núi sông nước Nam yên ổn, công sức Người giỏi giữ đời Lý vững vàng do người trung nghĩa giữ gìn tiếng còn đến nay).

Anh liệt ……. tráng sĩ Đông hải Đại vương Đoàn Thượng được thờ nhiều nơi trên đất nước, nhiều nhất là vùng Hồng Châu. Có nơi thờ bằng 4 chữ vàng “Đông hải Đại vương” trước cửa điện, coi công đức của tướng công như biển đông muôn trùng vạn dặm. Có nhà trí thức văn nho lại viết: “Long hải Đại vương” suy tôn Người như rồng vàng vùng vẫy biển khơi.

Tại An Tân, xã Gia Tân, Huyện Gia Lộc, sau khi Ngài mất dân làng rước linh vị về lập đình thờ, đình nay vẫn còn.

Tại thôn Trung độ, xã Gia Phúc, Huyện Trường Tân, nay là xã Đoàn Thượng, huyện Gia Lộc, quê hương của Người, có khu lăng mộ gọi là mã vua Đồng Rùa, nhưng đã bị phá hủy do chiến tranh nay chỉ còn lại dấu tích. Hiện nay chính quyền và nhân dân xã cùng với họ Đoàn toàn quốc đã có dự án xây dựng đền thờ để nhớ ơn công đức của Người.

** ĐỜI THỨ 6 : Đoàn Hưng Nhượng

Tiền kinh triệu quân Long dực Đô Thống Vân Đồn trấn thủ

Ông là con cụ Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng.

Nguyên quán: Tại thôn Trung độ, xã Gia Phúc, Huyện Trường Tân, nay là Huyện Gia Lộc, Tỉnh Hải Dương.

Sinh hạ : Ông Đoàn Trang Tùng, ông Đoàn Cao Sơn.

Năm 1210 về đất Ngọc Trục (nay là xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, Tỉnh Hà Tây) lập căn cứ, ông biết rõ kế sách diệt trừ Tôn Thất nhà Lý, làm nhẹ mặt chống đối, tự bên trong của chú cháu Trần Thủ Độ.

-Đã xảy ra rồi hàng trăm người vào lễ ở đại bái Phật đường bị chôn sống vì sụt hầm, họ Trần thu hút được vây cánh mạnh hơn.

-Ông tự liên hệ với các tộc trưởng miền núi nhất là đạo chúa Thao con ở huyện Kim Bôi, giao cho nhân dân bảo mật phòng gian giữ vững an ninh trên đường thượng đạo (đường 21 ngày nay).

Cùng các bô lão trong làng, xã nhắc nhở mỗi gia đình dù lớn hay nhỏ phải có 1 con thuyền đi lại trong những ngày lụt lội, sự lo toan của Tiên Công quả là sự thật.

Căn cứ của Tiên Công ngoài lũy tre xanh bao bọc xóm làng, tiện lợi giao thông các ngã phía Đông bắc là Đồi thèo, một vùng đất rộng um tùm cây cối, gần …… bến đò Mạnh Tân qua sông bước lên Quai Gù ra …… đến đường quan, (nay là đường số 1) báo là nắm được diễn biến của kinh kỳ Thăng Long và các tỉnh quan trọng nhất là con đường từ Ngọc …….. về phía Tây Nam qua các làng viên đình, ngăn bãi, sát nách Ngọc trục ở đầu làng. Nhân …. một con ngòi …. rất lợi hại khi cần thiết, ngòi này đủ ẩn dấu hàng chục thuyền chiến cở nhỏ.

Ruộng đất cũng như ngày nay, nhưng số dân rất ít, họ Dương lúc ấy mới có 3,4 gia đình, họ Phạm 1,2 hộ. Ông xin với thôn xóm ruộng khai hoang, nhặt cỏ dại cấy lúa, tự túc một phần lương thực nuôi quân.

Tiên công Đoàn Nhượng hướng dẫn các nghĩa sĩ tập duyệt xông trận trên thuyền nan 3 thang, đầu mũi ghì chặt những ngọn giáo dài chĩa thẳng về phía trước, người bơi lái lao nhanh như gió.

Tuy dương là tháng 3 âm lịch, nước từ thượng huyện đã tràn đầy cánh đồng Trằm Lộng cách Ngọc trục 3 km về phía Tây, một đoàn thuyền đầy người của Lý Hoàng tộc, vừa dừng lại nghỉ, để mai vào bái phật chùa Hương đã bị quân lặn của họ Trần đục đáy, chìm nghỉm dưới nước, tiếng khóc, tiếng la hét, cứu vang cả một vùng, thuyền quân của Tiên công Hưng Nhượng xông ra cứu trợ.

Trời ơi ! Không biết ở đâu mà có lũ người dám ngang nhiên ngăn cản, từ trong chỗ nấp kín, thuyền của Tiên công lao ra nhằm đúng chỉ huy thích ngọn giáo dài sắc bén. Thủ Độ vội vàng lăn mình xuống nước mới thoát chết. Trận đánh bớt căng vì bên nào cũng lo cứu chủ tướng.

Đau xót thay là Hoàng thân quốc thích không còn người nào sống sót, lúc thuộc hạ quên thân cứu chủ cũng là lúc trời đã tối đen, Chủ tướng Tiên công Hưng Nhượng đã về trời, trên đường về thuyền lướt nhanh nhẹ. Nghĩa táng được cẩn trọng cử hành ở nơi cơ sở thân yêu. Năm Mậu Tý, sau khi Đông Hải Đại vương bị nhà Trần đánh bại. Vợ con tiên công Hưng Nhượng cùng một số tùy tùng hóa trang chạy vào phía Nam đến Châu ái, núi Ngọc khai hoang lập ấp đổi sang họ Đào.

Về sau Đào Trang Tùng trở về làng Hội Xuyên, huyện Trường Tân, lộ Hồng Châu để phụng sự gia tiên, đến đời Trần Minh Tông đổi lại là họ Đoàn.

Còn con cháu Đoàn Cao Sơn phát triển nhanh lập thành làng Đồng Đội. Hồi ấy có viên Quan Hoạn, gốc Trà phương huyện Vĩnh Bảo dạy nghề trồng thuốc lào làm hàng hóa nên làng rất trù phú.

Nhà Hồ mất, đất nước thuộc nhà Minh, Trương Phu đuổi dân làng Đồng Đội lấy nơi xây đồn ải tại chân núi Ngọc, con cháu Họ Đoàn rất đông phải đi ra phía Bắc 10 km định cư lập thành làng thượng Đình, Phủ Quảng Xương, Thanh Hóa, năm ấy là 1400.

Căm giận nhà Minh con cháu họ Đoàn theo Lê Lợi khởi nghĩa rất đông. Hiện nay con cháu ở làng Thượng Đình có 5000 đinh của 3 chi họ Đoàn Văn, Đoàn Thế, Đoàn Đình; Họ Đoàn văn đông nhất có trên 3000 đinh với khoảng 32 đời.

** ĐỜI THỨ 7 : Đoàn Trang Tùng :

Tiên kinh triệu quận, ông là con ông Đoàn Nhượng cháu cụ Đoàn Thượng về định cư tại Hội Xuyên, lộ Hồng Châu. Hội Xuyên về sau chia làm 3 làng gọi là làng Tam Xuyên gồm : Hội xuyên, An Tân, Gia Xuyên. Huyện Trường Tân đời Lê Thánh Tông gọi là Phủ Hạ Hồng, xứ Hải Dương, nay gọi là Gia Lộc, Hải Dương.

Sinh hạ : Tam Kiệt, Đoàn Đại Lang, Đoàn Nhị Lang, Đoàn Tam Lang (Thiện Hưng).

** ĐỜI THỨ 8 : Đoàn Thiện Hưng

Tiền Cai hương Thiện hộ chức, cai cơ Thiên vũ ông là con thứ 3 của ông Trang Tùng, ông là người giỏi nhất trong tam kiệt họ Đoàn ở Hội Xuyên lúc đó.

Giặc Nguyên sang cướp nước ta, Nhà Trần Mộ binh, tuyển tướng; đang làm cai hương ông thi đậu “Cử biền tao sĩ” nhận chức Cai cơ đội thủy binh Thiên vũ chống giặc Nguyên Mông lần thứ hai được thưởng công phong đất miền Đông bên bờ Bạch Đằng Giang.

Sinh hạ: Ông Đoàn Phúc Trung ; Ông Đoàn Phúc Hòa

** ĐỜI THỨ 9 : Đoàn Phúc Trung

Tiền cai hương Thiên Hộ chức đăng bộ kiêm Bách trưởng tráng sĩ, Ông là con đầu ông Thiện Hưng, thừa ấm chức cai hương Thiên hộ về sau đăng lính chống giặc Nguyên trên sông Bạch Đằng năm 1283.

Sinh hạ: Đoàn Nhữ Hài.

** ĐỜI THỨ 10 : Đoàn Nhữ Hài

Hoàng việt trần triều tiền chỉ thụ, Ngự sử Trung tán tham chi chính sự, Đại hành khiển khu mật viện, Đô đốc thượng tướng quân kiêm thiên tử chiêu dụ sứ; chính tây Đại đô đốc quốc công, ông là con đầu ông Đoàn Phúc Trung, sinh năm 1280, đời Trần Nhân Tông, tại làng Hội Xuyên, Huyện Trường Tân, Lộ Hồng Châu nay là thôn An Tân, xã Gia Tân, Huyện Gia Lộc.

Đoàn Nhữ Hài lúc nhỏ theo học tại quê nhà, sau 10 năm học tại trường làng, kiến thức và tài năng đã bỏ xa người cùng học. Đặc biệt về võ nghệ và văn chương điêu luyện tuyệt vời, cả xứ không ai bì kịp. Thấy con có năng khiếu cụ thân sinh đã gửi Người lên kinh đô du học với ước vọng đỗ đạt để giúp nước, giúp đời.

Năm Kỷ Hợi 1299 thay lời Vua Anh Tông làm biểu tạ Thượng Hoàng, được đặc phong làm Ngự sử trung tán, năm ấy Đoàn Nhữ Hài mới 19 tuổi, vua Trần Anh Tông 24 tuổi mới lên ngôi Hoàng đế được 7 năm. Tuy còn rất trẻ nhưng ông được các nhà Vua Trần đánh giá đúng tài năng đưa lên giữ những chức vụ quan trọng. Từ đó sự nghiệp của ông gắn liền với sự thăng trầm của đất nước, ông là danh tướng của nhà Trần rất nổi tiếng cả về ngoại giao lẫn nội trị.

Trong quan hệ bang giao giữa Đại Việt với các nước phương Nam, ông thực sự góp phần quan trọng bằng nhiều thành công bất hủ, trong việc mở mang của đất nước Đại Việt, ông đã tận trung với nước, tận hiếu với dân, hy sinh cho tổ quốc trong lúc chống giặc ai lao xâm lược vào miền tây Nghệ An, thọ 56 tuổi.

Trên đây gia phả chỉ mới ghi chép được 10 đời của các vị tiên tổ, còn từ trung thế, cận thế chưa có vì dòng họ chuyển cư đi nhiều nơi, phần lớn không có gia phả, hoặc có thì cũng chỉ ghi chép được khoảng trên dưới 10 đời, ít có những Chi họ gia phả ghi chép hai, ba chục đời nên rất khó khăn cho việc chắp nối.

Rất may cho dòng họ chúng ta, nhờ có Ban liên lạc họ Đoàn toàn quốc sưu tầm cung cấp, nên ít nhiều chúng ta hiểu được phần nào về nguồn gốc và sự phát triển của dòng họ.

Như vậy từ cụ tổ Đoàn Văn Khâm, tiếp nối 10 thế hệ kể trên cùng với một số tư liêu về Đoàn tộc cho thấy Hải Dương và Thái Bình là 2 tỉnh có các cụ tổ họ Đoàn về đây định cư lâu đời nhất, từ 850 đến 980 năm (khoảng 38 đến trên 40 thế hệ con cháu). Từ 2 địa phương trên con cháu họ Đoàn đã chuyển cư sinh sống ở các tỉnh thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ như: Hưng Yên, Hà Nội, Hà Tây, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bìnnh, Quảng Ninh, Lạng Sơn… về sau mới chuyển cư vào miền Trung và Nam Bộ.

Nói tóm lại: Cây có nghìn cành vạn lá cũng đều chung 1 gốc mà ra, sông có muôn dòng vạn nhánh cũng đều chung một nguồn mà chảy, lý lẽ muôn vật tự nhiên là vậy, đạo của con người cũng như vậy mà thôi.

Cụ Đoàn Viết Yến con út của cụ Đoàn Huệ Hải, hậu duệ của cụ Đoàn Bá Tuân, thời Lê triều làm giám sinh chỉ thụ ở Quốc tử giám, sau về làm tri huyện Hương Sơn, rồi Quỳnh Lưu, cụ đã bỏ công nghiên cứu dòng họ Đoàn, đặc điểm riêng của họ Đoàn trong cộng đồng người Việt, cụ đã kết luận:

“Xét đặc điểm về phong tục thờ phụng, họ Đoàn rất thành kính với Tổ tiên, rất thông minh, mưu lược, giao cảm thương người, nhân hậu, trong dòng tộc không hôn thú với nhau, tính nóng nảy. Họ Đoàn chỉ có một, không thể nhiều được.

“Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”

Đây là một truyền thống quí báu của dân tộc, là cội nguồn của mọi sự thành công, thành đạt. Đó cũng chính là đạo làm người được con cháu Đoàn tộc ta kế thừa và phát huy.

Nhiều vị lão thành, nhân sĩ họ Đoàn đã nhiều năm cất công đi tìm dòng họ, tìm lại quá khứ tổ tiên, không chỉ để báo đáp, tri ân mà còn lấy đó làm bài học để giáo dục truyền thống đạo đức, văn hóa và động viên con cháu.

Lúc sinh thời Đại tướng Đoàn Khuê, Bộ trưởng Bộ quốc phòng QĐND đã cùng 4 vị tướng lĩnh là người họ Đoàn đó là:

Trung tướng Đoàn Chương, viện trưởng Viện chiến lược Bộ quốc phòng.

Thiếu tướng Đoàn Thúy (em Đoàn Khuê, Đoàn Chương cán bộ QĐNDVN).

Thiếu tướng Đoàn Sinh Hưởng, anh hùng QĐ, tư lệnh binh chủng Tăng – Thiết giáp.

Thiếu tướng Đoàn Tường cán bộ quân đội nhân dân Việt Nam.

Năm 1997 và 2000 các ông đã về viếng Tổ tại đình An Tân, xã Gia Tân, Huyện Gia Lộc. Nơi thờ 4 vị danh nhân trong đó có 2 vị danh tướng họ Đoàn có công với dân, với nước ở thế kỷ 13,14 đó là:

-Trung dũng tướng quân Đông hải Đại vương Đoàn thượng.

– Đại đô đốc Quốc công Đoàn Nhữ Hài.

….. viếng đức Tổ bức trướng và nhiều hiện vật đang lưu thờ tại đình.

– Năm 1998 ông Đoàn Hữu Công tức nhạc sĩ Thuận Yến (quê ở Quảng Nam) đã cùng gia đình hành hương về Gia lộc để dâng hương viếng tổ và nhận họ.

– Đầu năm 2001 Ông Đoàn Trọng Truyến, tiến sĩ kinh tế học, ông Đoàn Duy Thành, nguyên phó thủ tướng Chính phủ, chủ tịch phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam, ủy viên thường trực Mặt trận tổ quốc Việt Nam, ông Đoàn Hạp nguyên Đại tá Trưởng ban biên tập Tạp chí công an nhân dân đã về xã Gia Tân và xã Đoàn Thượng dâng hương tưởng niệm các vị danh nhân người họ Đoàn.

Nhiều con cháu họ Đoàn ở xa và khách thập phương với lòng tôn kính ngưỡng vọng công đức của Người đã về thắp hương kính viếng vong linh cụ Đoàn Thượng và Đoàn Nhữ Hài, gia đình ông Vũ Hữu Sâm ở Hà Nội đã cúng tiến cho đền thờ Đoàn Thượng nhiều hiện vật có giá trị.

Căn cứ vào tài liệu thông tin về họ Đoàn toàn quốc, gia phả Đoàn tộc Đại tôn, thuộc Bắc bộ, Trung bộ và gia phả của chi họ ở Ngọc Trục – Hà Tây, ban Liên lạc họ Đoàn lược ghi bước đầu về gia phả, Đoàn tộc, để cung cấp cho các chi nhánh và bà con họ Đoàn quan tâm đến việc chắp nối gia phả tìm về cội nguồn để tham khảo.

Ngày 24 tháng 3 năm 2001TỔ THƯ KÝ

Đoàn Hải Phân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *