ĐOÀN ĐÌNH DUYỆT

Theo Quốc Sử Quán triều Nguyễn và Tài liệu được các nhà khoa học lịch sử Trung ương và tỉnh Hải Dương công bố tại Hội thảo khoa học với chủ đề: “Nam tước, Đại thần Đoàn Đình Duyệt với đất nước và quê hương Hải Dương” do Hội Sử học thuộc Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Huyện ủy, UBND huyện Ninh Giang tổ chức ngày 18/01/2019 cho biết: Nam tước, Đại thần Đoàn Đình Duyệt là nhân vật lịch sử. Ông sinh năm 1862, quê quán, xã Đào Lãng, Huyện Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương, nay là thôn Đào Lạng, xã Văn Hội, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Gần 40 năm làm việc, làm quan ông Đoàn Đình Duyệt đã đảm trách nhiều chức vụ khác nhau từ: Tri huyện, Tri phủ, Thương biện, Đốc biện đường bộ, Bố chánh, Tuần phủ, Tổng đốc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… đến Hiệp tá Đại học sĩ, Thượng thư Bộ Hộ, rồi Bộ Công kiêm Bộ Binh, Cơ Mật Viện Đại thần, kiêm Quản Đô Sát Viện, trải qua 04 triều vua, đặc biệt dưới triều vua Thành Thái và vua Duy Tân là hai vị vua yêu nước chống Pháp quyết liệt nên bị thực dân Pháp bắt đi đày biệt xứ tại châu Phi. Trong thời gian tại vị cũng như khi về hưu, Nam tước, Đại thần Đoàn Đình Duyệt đã thể hiện rõ tinh thần yêu nước, thương dân, có nhiều đóng góp cho đất nước và quê hương Hải Dương. Ví dụ: Với đất nước thời bấy giờ ông đã: “ Điều trần về việc thân định giáo điều, chỉnh sửa phong tục; Mua gạo đề phòng chẩn tế cứu đói cho dân; Tâu trình về việc chẩn cấp cứu đói cho dân Thanh Hóa; Mối lợi khi mở một đường sông để tránh được nỗi khổ cho dân không bị hạn bởi thiếu nước ở Nghệ An; Tâu xin về việc giá gạo Bắc Kỳ rất rẻ vì thiếu tiền; Kiến nghị về việc đúc thêm tiền đồng để gia tăng việc mậu dịch; Tâu xin đặt trường giảng dạy nghiên cứu thuốc nam “cũng nên tự ta trồng trọt, thí nghiệm dược phẩm thì lâu ngày có thể tinh tường…”. Với Hải Dương: Những công trình kiến trúc tiêu biểu mang dáng dấp kiến trúc cung đình Huế có phần đóng góp công sức, trí tuệ và kinh phí của Đại thần Đoàn Đình Duyệt còn hiện hữu trên quê hương Hải Dương như: Đền Tranh, Chùa Trông (Ninh Giang), Đàn Thiện (Thanh Miện) đã được Nhà nước ta xếp hạng Di tích Văn hóa cấp Quốc gia từ lâu đã và đang phát huy giá trị rất tích cực trong đời sống kinh tế, xã hội của quê hương.

Điều đáng chú ý trong cuộc đời làm quan của Nam tước, Đại thần Đoàn Đình Duyệt đó là, vào năm Khải Định thứ 6, tháng 7 Tân Dậu (tháng 8/1921) trong khi đang giữ chức vụ: Thượng thư Bộ Công kiêm Bộ Binh, ông Đoàn Đình Duyệt đã tham gia phong trào duy tân, cách mạng bằng cách truyền bá sách của Lương Khải Siêu (1873 – 1929) – một nhà hoạt động chính trị nổi tiếng của Trung Quốc thời cận đại. Ông Đoàn Đình Duyệt bị đề nghị mức án, phạt đòn 100 trượng và đồ (tù ) 3 năm nhưng vua Khải Định không duyệt bản án trên mà cho về hưu, bị hạ 2 cấp xuống hàm Tuần phủ và được giữ các Bội tinh, Kim khánh, Kim tiền đã được thưởng trước đó. Đến năm Khải Định thứ 9 tháng 6 Giáp Tý (tháng 7/1924), nhân dịp tứ Tuần Đại Khánh của vua Khải Định (tháng 9/1924), ông Đoàn Đình Duyệt được khai phục chức tước cũ (Hiệp tá Đại học sĩ, Thượng thư Bộ Công, Ninh Lãng Nam) đồng nghĩa với việc ông được tăng mức hưu bổng. Về hưu ông Đoàn Đình Duyệt sống tại thị trấn Ninh Giang và qua đời vào ngày 31/12/1929 hưởng thọ 67 tuổi. Lăng mộ của ông 10 năm đầu đặt tại làng Tranh Xuyên, xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang, từ năm 1939 được chuyển về Đống Tháp, quê nhà xã Văn Hội cho đến ngày nay.
Quyết định một đường phố ở TP. Hải Dương mang tên Nam tước, Đại thần Đoàn Đình Duyệt nhân Kỷ niệm 90 năm ông qua đời, thể hiện sự tri ân của chính quyền và nhân dân tỉnh quê nhà đối với một vị Đại quan trong lịch sử nhà Nguyễn đã có nhiều cống hiến cho đất nước và quê hương Hải Dương cách đây gần 150 năm ./.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *