SƠ LƯỢC VỀ HỌ ĐOÀN VIỆT NAM TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA LỊCH SỬ ĐẤT NƯỚC

SƠ LƯỢC VỀ HỌ ĐOÀN VIỆT NAM TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA LỊCH SỬ ĐẤT NƯỚC

(Giới thiệu thông tin trích trong PHẦN III)

Họ Đoàn là một trong hàng trăm dòng họ trong cộng đồng dân tộc Việt Nam có cách đây hàng ngàn năm lịch sử.
Trải qua các triều đại từ Hùng vương, qua Đinh, Lý, Trần, Lê…tổ tiên họ Đoàn cũng như các thế hệ tiếp nối đã chuyển cư đến nhiều vùng của đất nước, đến nay có hàng mấy chục đời. Với nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử và thời gian quá lâu, gia phả qua nhiều đời sao chép, do đó có sự mất mát đáng kể.
Việc xác định ai là cụ tổ đầu tiên của họ Đoàn đã định cư trên đất nước ta vào thời đại nào, là vấn đề còn phải tiếp tục tìm hiểu và nghiên cứu.
Trong khi chưa có nhiều thông tin và tư liệu về dòng họ, nhiều các chi họ hiện nay, thường coi các vị tổ của mình là người cao nhất mà gia phả mình ghi lại được hoặc truyền khẩu lại qua các thế hệ – đó là Đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Việc suy tôn vị tổ của Tộc họ mang tính huyết thống riêng cũng vậy (như họ Đoàn, họ Vũ, họ Đỗ, họ Phan…), thường suy tôn một vị là tổ của họ (hoặc cao tổ, thủy tổ.. như cụ Vũ Hồn, cụ Phạm Tu…) và lấy ngày giỗ của người ấy là ngày giỗ tổ. Dân tộc ta cũng vậy, dù lịch sử cho biết thủy tổ nước Nam là Kinh Dương Vương (có đền thờ tại Thuận Thành – Bắc Ninh), nhưng từ lâu nhân dân ta vẫn coi đền Hùng nơi thờ tổ và lấy ngày 10/3 hàng năm là ngày giỗ, Mặc dù còn có một số ý kiến khác nhau, nhưng theo mọi người thì đây vẫn có thể coi là việc làm tốt đẹp mang ý nghĩa cao quý, tôn vinh các vị tiên tổ, vì các vị đó là một trong các vị viễn tổ của dòng họ. Các vị tổ đó được coi là một trong các viễn tổ của cả họ, là thần chủ của đình, đền, từ đường dòng họ, để con cháu thờ cúng, tế lễ, tưởng niệm các vị thủy tổ, cao tổ, viễn tổ chung của cả dòng họ. Ngày giỗ tổ được tổ chức tế lễ cũng là ngày quần tụ của con cháu, để bày tỏ lòng thành kính, tri ân công đức các vị tiên tổ chung của cả họ, để mọi người giao lưu đoàn kết, động viên con cháu giữ gìn nề nếp gia phong, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản mà tiền nhân để lại, phấn đấu vì một tương lai tốt đẹp. Đó là ngày hội truyền thống của những người cùng huyết thống, là niềm tự hào, là niềm tin của các thế hệ con cháu đối với truyền thống tốt đẹp của tổ tiên. Đáp ứng lòng thành kính của con cháu, hương linh của các vị Thủy tổ, Cao tổ,Viễn tổ của dòng họ dù ở đâu cũng sẽ quần tụ về đó thụ hưởng và phù hộ cho con cháu.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ thông tin hiện nay, những hoạt động tích cực của Hội đồng Đoàn tộc Việt Nam và các địa phương, của các vị Trưởng tộc mà hành trình tìm về cội nguồn, kết nối dòng tộc ngày càng thuận lợi. Nhiều bộ gia phả được khai thác, nghiên cứu, làm sáng tỏ hơn nguồn gốc dòng họ. Đã và sẽ có nhiều sự kiện, nhân vật của họ Đoàn từ rất xa xưa được phát hiện ở những thời điểm khác nhau của lịch sử, nhưng tất cả những nhân vật đó có cùng trực hệ hay thuộc các dòng khác thì cần được nghiên cứu khẳng định.
Nhiều vấn đề như mối quan hệ giữa các dòng họ ở nhiều nơi khác nhau, trước và sau sự xuất hiện của người họ Đoàn từ thời Hùng vương đến khoảng thế kỷ thứ V SCN (khi mà thông tin dòng họ đã được ghi lại qua các bản thần tích, thần sắc, ngọc phả, gia phả, văn chỉ, đình đền, từ đường, lăng mộ, lễ hội, sự kiện lịch sử mà người họ Đoàn tham gia…), họ đã di cư đến những đâu, tư liệu về họ còn lại những gì, mối quan hệ huyết thống của những người họ Đoàn cùng thời với những người cùng mang tên họ được ghi chép ra sao?…Điều đó, cần phải nghiên cứu kỹ hơn, dựa vào nhiều nguồn tư liệu khác nhau, vào các kết luận của nhiều ngành khoa học như lịch sử, văn hóa, xã hội, khảo cổ, công nghệ gien…
Theo số liệu điều tra xã hội học cho biết số lượng người họ Đoàn trên cả nước ta hiện nay là khoảng gần 2 triệu người, phân bố dải rác trên nhiều vùng cả nước, nhiều nhất là Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Hà tĩnh, Bắc giang, Bắc Ninh, Hà Tây, Hà Nam, Nam Định, Hưng yên, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, An Giang, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Bình. Các bộ gia phả ghi chép cổ nhất, chứa đựng nhiều dữ liệu nhất đều nằm ở các chi họ thuộc các tỉnh này, phần nhiều nội dung đều nói cho biết khởi tổ của họ đều từ vùng Hải Dương di cư vào, có tài liệu lại cho biết tổ tiên họ Đoàn phát tích từ Sơn Lĩnh (chưa xác minh được địa danh này) trước khi xuất hiện tại Lai Cáo (Hà Nội ngày nay). Nhiều bộ gia phả mới ghi được khoảng 100 – 200 năm trở lại đây và chưa rõ nguồn gốc đi cư đến.
Vì vậy căn cứ vào các tư liệu tổng hợp từ các bộ gia phả ở một số địa danh có ghi chép khá đầy đủ, số lượng đời nhiều nhất, hợp phả có sức thuyết phục nhất, đối chiếu với các sự kiện và nhân vật lịch sử đã được ghi chép trong các tài liệu chính sử, huyền sử, trong truyền khẩu dân gian, trong các bản ngọc phả, thần tích, thần sắc, nội dung các bức đại tự, hoành phi, câu đối ở các đình, đền, miếu mạo, từ đường, lăng mộ, các lễ hội tưởng nhớ hàng năm tại các địa phương; căn cứ vào các tài liệu dư địa chí lịch sử, địa lý, văn hóa để xác minh địa danh các vùng miền ở từng giai đoạn lịch sử mà biên soạn phần này.
Trong khuôn khổ những thông tin ban đầu, phần này sẽ trình bày một cách sơ lược lịch sử phát triển của họ Đoàn trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc với một số lưu ý về cách trình bày như sau:
-Theo dòng lịch sử dân tộc, sự xuất hiện của người họ Đoàn (Thường là những nhân vật nổi tiếng đã được ghi chép trong truyền thuyết dân gian, trong gia phả, thần tích, thần sắc, quốc sử…) sẽ được trình bày theo từng giai đoạn lịch sử khác nhau của dân tộc. Giai đoạn lịch sử nào chưa có tài liệu, hoặc có nhưng chưa có đủ cơ sở hợp lý chứng tỏ sự xuất hiện của người họ Đoàn thì chưa trình bày, hoặc có thì chỉ là các thông tin ban đầu để tiếp tục nghiên cứu.
-Một số giai đoạn lịch sử mang tên các triều đại có sự đan xen do triều đại trước chưa mất đi thì đã có triều đại mới (triều Mạc, 1527-1592, triều Lê Trung Hưng,1533-1593, các triều Nguyễn- Trịnh, Tây sơn…), vì vậy trong cùng thời gian những nhân vật họ Đoàn tham gia vào các sự kiện lịch sử đương thời cũng khác nhau triều đại. Có nhân vật được sinh ra hoặc thi đỗ ở triều đại này nhưng phần lớn lại tham gia vào các sự kiện của triều đại khác, hoặc sinh ra trong giai đoan lịch sử này nhưng trưởng thành lại tham gia vào các sự kiện của gia đoại lịch sử sau. Do đó cách trình bày về nhân vật ấy theo triều đại nào chỉ là tương đối.
-Những nhân vật có ghi chép trong gia phả có huyết thống trực hệ thì sách ghi là tổ đời 1, đời 2.., những nhân vật chưa biết rõ nguồn gốc thuộc dòng nào, chi, ngành nào thì sách chỉ ghi tên (ghi như thế chỉ tạm qui ước để dễ trình bày chứ không có ý nghĩa phân biệt khác).

  1. HỌ ĐOÀN THỜI ĐẠI HÙNG VƯƠNG
    Có một công trình nghiên cứu hơn 50 năm của nhà giáo Đỗ Văn Xuyền và cộng sự với sự gợi ý, chỉ đạo, giúp đỡ của nhiều nhà khoa học cùng các nhóm nghiên cứu đã công bố gần đây, gây sự quan tâm nhiều của xã hội. Công trình đã đưa ra những chứng cứ khai thác từ nhiều vùng trên cả nước, của nhiều dân tộc khác nhau, phân tích một cách khoa học và khẳng định ngay từ thời Hùng Vương, nước ta đã có một nền văn hóa phát triển tiến bộ, có hệ thống giáo dục khá toàn diện, có chữ viết riêng rất khoa học, có thầy trò, trường lớp rất qui củ. Công trình nghiên cứu trên của nhà giáo Đỗ Văn Xuyền cho biết: Từ các thư tịch cổ ở nhiều nơi trong cả nước đã ghi lại danh sách các thầy giáo và học trò thời Hùng Vương. Bước đầu chúng ta biết từ thời Hùng Huy Vương (Hùng Vương thứ 6) đến An Dương Vương có 19 thầy giáo dạy 18 trường học ở kinh đô và địa phương, với số học trò được biết là 23 người. … Ở mục 11 của bài giới thiệu có ghi về 3 người học trò như sau:
    “Ông Nguyễn Xuân và vợ là Đoàn Thị Nghịngày 10/3 sinh một bọc được 3 người con giai thật là kỳ vỹ. Con thứ nhất đặt tên là Tuấn, con thứ 2 đặt là Chiêu, con thứ 3 đặt là Minh. Năm lên 9 tuổi cả 3 anh em đều đi học ở làng Cổ Lễ, xã An Canh, huyện Thiên Thi (nay là Ân Thi Hưng Yên). Ba ông có công đánh quân Thục xâm chiếm, khi hoá, nhân dân Cỗ Lễ thờ làm “Tam vị Thành Hoàng”.
    (ngày 29/01/2013, NXB Hồng Đức phối hợp với Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đã tổ chức họp báo giới thiệu công trình nghiên cứu này).
    Nếu khoa học thừa nhận từ thời Hùng Vương nước ta đã có một hệ thống giáo dục, có chữ viết như công trình nghiên cứu của ông Đỗ Văn Xuyền, thì sự có mặt của người họ Đoàn ở thời đại Hùng Vương (Bà Đoàn Thị Nghị), được coi là “sự thực lịch sử” đã có cả hai yếu tố quan trọng đó là: Bản chữ viết cổ (nêu trên) và thần tích, thần sắc của đình làng cùng lễ hội hàng năm của làng Cổ Lễ, xã An Canh, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên , hiện còn duy trì, tồn tại đến nay. Vậy có thể cho phép chúng ta kết luận?
    “Họ Đoàn Việt Nam là một trong các dòng họ bản địa, có mặt trên đất Việt từ Thời Hùng Vương dựng nước.
    Mỗi người họ Đoàn đều có quyền tự hào là con Lạc cháu Hồng, dòng họ mình đã cùng Cộng đồng dân tộc đóng góp tích cực vào tiến trình lịch sử ngay từ buổi đầu dựng nước.
  2. HỌ ĐOÀN THỜI TIỀN LÝ (544-602) ĐẾN TRIỀU NGÔ
    – Cụ Đoàn Danh Tích
    Gia phả họ Trần làng An Mai có ghi: Vào đời vua Lý Thái Tổ (1010 – 1028) khi cụ Tổ họ Trần về làng An Mai thì đã thấy có người họ Đoàn sinh sống, và theo thần phả đình làng An Mai (nay là thôn Thanh Mai, xã An Thanh, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) do Tiến sỹ Nho học Nguyễn Viết Báo viết thì vào thời tiền Lý (544 – 602) đã có ông Đoàn Danh Tích về An Mai khai hoang, lập làng.
    Cụ Tích, đã có công tổ chức khai hoang lập ra làng Bệ (nay là thôn An Bài), được 12 các họ khác trong làng ghi công trong gia phả, cụ còn là thầy thuốc giỏi, nay ở thôn An Bài còn tượng và miếu thờ cụ, có sắc phong : “Lương y viện dược thạch tổ lưu truyền tại miếu thụy”.
    – Cụ Đoàn Liêm Duy, (đời1)
    Húy Liêm Duy, tự Phúc Thái
    Cụ là người làng Lai Cáo(nay thuộc Từ Liêm, Hà Nội). Nhưng tổ tiên của cụ phát tích từ vùng Sơn Lĩnh, sau này mới chuyển về Lai Cáo (chưa rõ địa danh hiện nay của vùng này).
    Năm 905, cụ là Thủ lĩnh nghĩa quân, có công giúp phú hào Khúc Thừa Dụ, người làng Phúc Bồ (Ninh Giang, Hải Dương) lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa, tấn công thành Tống Bình (Hà Nội) đánh đuổi giặc nhà Đường (Trung Quốc), khôi phục quyền tự chủ của nước nhà, mở nền độc lập vào năm Bính Dần (906), chấm dứt 1016 năm Bắc thuộc (111 TCN – 906 SCN).
  3. HỌ ĐOÀN DƯỚI TRIỀU NGÔ (938-965)
    – Cụ Đoàn Huy Lượng: (đời 2),
    Húy Duy Thượng, tự Phúc Cao
    Cụ là Tướng của Ngô Quyền tham gia đánh giặc Nam Hán năm 938 trên sông Bạch Đằng, góp phần giữ vững nền độc lập của đất nước, chấm dứt trên ngàn năm Bắc thuộc, hiện có đền thờ ở Nghi Đoan – Hải Phòng và ở xã Đoàn Đào – phù Cừ – Hưng Yên.
  4. HỌ ĐOÀN VIỆT NAM THỜI KỲ NHÀ ĐINH VÀ SỰ THỐNG NHẤT NƯỚC NHÀ – ĐINH TIÊN HOÀNG (968 – 979), Niên hiệu Thái Bình (970 – 979)
    – Cụ Đoàn Văn Lan, (đời 3),
    Húy Văn Lan. tự Phúc Vạn
    Cụ là Tướng của Minh công Trần Lãm, sau giúp Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân, hiện có đền thờ ở Lạc Đạo – Thái Bình.
  5. HỌ ĐOÀN VIỆT NAM THỜI KỲ NHÀ TIỀN LÊ
    – LÊ ĐẠI HÀNH (980 – 1005)
    Niên hiệu: -Thiên Phúc (980-988)
    – Hưng Thống (989-993)
    – Ứng thiên (994-1005)
    – Cụ Đoàn Văn Liễn , (đời 4),
    Húy Văn Liễn , tự Phúc Trung (con cụ Lan):
    Cụ làm tướng nhà Đinh, sau giúp Lê Hoàn đánh giặc Tống được ban 10 chữ.
    “Bình tống huân danh tại, phù Lê sử sách thùy”
    Năm 1009 cụ Liễn đứng về phe ủng hộ Lý Công Uẩn lên ngôi vua, cụ được Lý Thái Tổ cấp lộc điền ở Tô Xuyênvà đến năm 1220 cụ đem con cháu đến đây khai khẩn lập ấp thang mộc.
    Phả tộc họ Đoàn ghi:
    Tiền cư Lai Cáo,
    Hậu đáo 
    Tô Xuyên,
    Huynh chi Hồng Châu,
    Xưng vương Đông Hải
    ,
    Ốc tại Tu Trình,
    Ký cư Quảng Nạp,

Thuận Thiên thập nhất,
Đáo đất Tô Xuyên,
Chính Long bát niên,
Tu Trình cư ngụ,
Thiệu phong thập tứ,
Một cho họ sang,
Mở đất khai hoang,
Lập ra xóm làng,
Gọi tên Quảng Nạp,
Người đông đất chật,
Mộ chỉ họ ra,
nhập cư làng Cờ,
Nguyên niên Hồng Thuận
Và câu đối ở từ đường họ Đoàn:
“ Tiền cư Lai Cáo, hậu đáo Tô Xuyên, ký sử Hồng Châu, lưu cổ tích.
Ốc tại Tu Trình, an cư Đoạn Xá, văn như kế thế, cái tiền cơ.”
Nghĩa là:
Họ Đoàn trước ở Lai Cáo, sau đến Tô Xuyên, công huân sử sách ghi tại đất Hồng Châu, thần tích còn ghi ở các đình đền.
Gốc nhà đất ở Tu Trình, an cư tại Đoạn Xá, đời đời dòng dõi giữ vững gia thế, mở mang cơ nghiệp tổ tiên.
Sách ”Đoàn tộc đại tôn phả ký” do Cử nhân Đoàn Huệ Hải – Tri phủ huyện Vĩnh Khang, cùng con là Cử nhân Đoàn Viết Yến làm Giám sinh chỉ thụ Quốc Tử Giám, chép năm Quý Mão (1483) – niên hiệu Hồng Đức thứ 14; Cuốn “Đoàn tộc phả ký” do Tiến sĩ Đoàn Phúc Luận làm quan Tổng tuần sát tam phủ, chép năm Quý Sửu (1613) – niên hiệu Hoằng Định thứ 13; Cử nhân Đoàn Duy Ca – Nho sĩ Cần Vương, chép phả năm Quý Mùi (1883) – niên hiệu Hiệp Hòa, phần tiền biên phả hệ đều ghi được 10 đời thứ tự từ trên xuống.

  1. HỌ ĐOÀN DƯỚI TRIỀU LÝ (1010-1225)
    – Đoàn Văn Khâm (đời 5-1),
    Húy Văn Khâm, tự Phúc Văn, nguyên quán làng Lai Cáo, sinh quán tại Tô Xuyên.(chữ Hán: 段文欽; …..),
    Theo phả họ Đoàn ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An và ở thôn Tu Trình, xã Thuỵ Hồng, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình (phần tiền biên) thì từ làng Lôi cáo (địa danh cổ, nay thuộc xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội)có người họ Đoàn chuyển cư về Tô Xuyên năm 1020, đời vua Lý Thái Tổ (1010 – 1028). Tô Xuyên, nay thuộc xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Đời sau có cụ Đoàn Văn Khâm, chuyển về làng Cổ Phục, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.
    Cụ Khâm trúng tuyển khoa thi Minh Kinh bác học năm 1075, đời vua Lý Nhân Tông (1072 – 1128), là khoa thi Nho học đầu tiên của Nhà nước Việt Nam xưa, sau đó cụ được bổ nhiệm Thượng thư bộ Công. Cụ Khâm là người mộ đạo Phật, thường giao du với các nhà sư nổi tiếng như Quảng Trí, Chân Không và là một nhà thơ có tiếng đương thời. Trước tác để lại cho đời sau, nay mới sưu tầm được 4 bài thơ gồm 3 bài thơ bằng chữ Hán chép trong “Hoàng Việt thi tuyển” do Bùi Huy Bích sưu tập : “Tặng Quảng Trí thiền sư”, “Vãn Quảng Trí thiền sư”, “Truy điệu Chân Không thiền sư” và 1 bài thơ chép trong “ Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn: “Gửi Tĩnh-giới thiền sư ở núi Bí-Linh thuộc Nghệ-An”. Qua đó cho thấy Đoàn Văn Khâm rất hâm mộ những vị tu hành, nhưng bản thân không lên núi ở ẩn chỉ vì “chót bị cái dây cân đai buộc chặt vào hàng ngũ quan lại. cụ tham gia chiến dịch “Chặn trước” của Thái úy Lý Thường Kiệt, tiến đánh căn cứ xâm lược của nhà Tống ở Khâm Châu, Liêm Châu, Ung Châu (Trung Quốc), xây dựng phòng tuyến Sông Như Nguyệt (Bắc Ninh), góp phần đánh thắng giặc Tống năm Bính Thìn (1076). Cụ cũng là người góp công xây dựng Văn miếu Quốc Tử Giám (1076) và nhiều năm dạy học tại đây để đào tạo nhân tài cho đất nước. Cụ cũng là người có công xây dựng nhiều chùa tháp, công trình kiến trúc nghệ thuật văn hóa sau này trở thành di sản quốc gia. Cụ được cấp lộc điền ở làng Cổ Phục (nay thuộc Kim Thành, Hải Dương).
    Năm …., cụ Đoàn Văn Khâm mất khi mới 37 tuổi. Giỗ ngày 8 tháng Giêng hàng năm.
    Cụ có người em ruột là Đoàn Duy Hải (không có con), định cư tại Tô Xuyên)
    Cụ có 2 người con là: Đoàn Tướng công, húy Thiện Hồng và Đoàn Thiện Nguyên (sau về định cư lại Tô Xuyên).
    – Đoàn Nghĩa Sơn (? – ?) ,
    Đời vua Lý Thái Tông (1028-1054)
    Cụ Sơn người trang Tây Liễu, tổng Hồng Lục, huyện Trường Tân, quận Hạ Hồng, trấn Dương Tuyền, Không rõ năm sinh, năm mất của cụ. Cụ có người con trai là Đoàn Nghi Ảm, có tài văn võ song toàn, được vua Lý Thánh Tông – Long Thụy thứ 3 (1056) phong là Đô hộ Bá sứ, làm tiên phong đi đánh giặc Chiêm Thành và khi chống nhau với Chế Củ, cụ hy sinh, được vua truy phong là “Bách linh thần, hiển ứng Linh phù, Trung đẳng Phúc thần Đại vương” là thành hoàng làng Bá Liễu (TP. Hải Dương). Hậu Duệ của cụ sau này có cụ Đoàn Lạn đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ.
    – Đoàn Duy Hải (đời 5-2) ,
    Cụ Hải định cư tại Tô Xuyên (Thái Bình), không có con, sau khi mất, cháu là Đoàn Thiện Nguyên (con cụ Đoàn Văn Khâm) được thừa tự.
    – Đoàn Thiện Hồng (đời 6-1),
    Cụ Húy là Thiện Hồng, tự Phúc Hương, là Tiền ấm Quan hiệt Trung thần võ tướng, đỗ khoa thi năm Bính Dần 1086) – niên hiệu Quang Hựu thứ 2 – đời Lý Nhân Tông, được cử làm đại tướng quân đi dẹp loạn ở châu Thượng Nguyên (Thái Nguyên), được cấp thưởng lộc điền ở làng Xuân Độ, huyện Trường Tân (nay là huyện Gia Lộc, Hải Dương).
    Cụ Hồng có em là Đoàn Thiện Nguyên, sau về Tô Xuyên thừa tự chú là Đoàn Duy Hải và định cư tại đó
    Cụ Hồng có 1 con là Đoàn Quang Dao
    – Đoàn Thiện Nguyên (đời 6-2),
    Cư Nguyên ngụ tại Tô Xuyên và hưởng thừa tự chú là Đoàn Duy Hải
    – Đoàn Quang Dao (đời 7),
    Cụ Húy là Quang Dao, tự Phúc Trực, đỗ khoa thi năm Bính Thân (1116) – niên hiệu Hội Tường Đại Khánh thứ 7, làm Tiền Ấm quan Vi Long Vũ Đại huân thần, chức Đô thống trấn thủ đảo quan Vân Đồn từ năm Kỷ Tỵ (1149), có công khởi dựng thương cảng Vân Đồn và giữ yên bờ cõi mặt Đông đất Đại Việt, được phong tước Yên Quốc Thượng tướng quân, được cấp lộc điền ở trại Mắt – Tu Trình (Thái Bình). Tương truyền khi đoàn người đến bờ Nam sông Hóa, thả quả bầu khô có tín phù nhà vua, quả bầu trôi đến đâu thì họ Đoàn được nhận lộc điền đến đó. Khi ấy nước to, thuận gió quả cầu trôi qua một giải đất ngang huyện Thanh Lan, vùng đó nay là các làng: Tu Trình (Thụy Hồng), Quảng Bắc, Ô Trình (Thụy Trình), Ngoại Trình (Thụy Hà), Trình Trại (Thụy Lương), đều thuộc huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
    Cụ Đoàn Quang Dao sinh ra 5 người con (4 trai, 1 gái) là: Đoàn Thiện Hổ, Đoàn Phúc Lãnh, Đoàn Văn An, Đoàn Chủ và Đoàn Thị Ngọc.
    – Đoàn Thiện Hổ (đời 8-1),
    Cụ húy là Thiện Hổ, tự Phúc Thung (còn có tên là Đoàn Hiền), đỗ khoa thi năm Giáp Tuất (1154) – niên hiệu Đại Định thứ 15, làm Tiền Ấm quan Đô đốc thần vũ thủy quân đẳng sứ, là Đại tướng nhà Lý có công dẹp giặc ở Bãi Ngang (vùng xã Quảng Thái, Quảng Xương, Thanh Hóa ngày nay), được cấp thưởng đất Quảng Điền ở Đoàn Trang, huyện Đường Hào (Hưng Yên) vào năm Chính Long Bảo Ứng, triều Lý Anh Tông.
    Cụ Sinh ra 3 người con trai là: Đoàn Thượng, Đoàn Đại, Đoàn Hòa – đều làm tướng dưới triều Lý.
    – Đoàn Phúc Lãnh (đời 8 – 2),
    Húy của cụ là Phúc Lãnh, tự Phúc Hiền, sinh ngày 8 tháng 1 năm Nhâm Tuất (1142) tại làng Bổng Độ, huyện Trường Tân, cố quán làng Lai Cáo (Hà Nội), cựu quán làng Tô Xuyên (Thái Bình), nguyên quán làng Cổ Phục (Hải Dương), sinh quán làng Thung Độ (Hải Dương), trú quán tại Tu Trình (Thái Bình).
    Là Tiền kinh triệu quân, đỗ khoa thi năm Ất Dậu (1165) – niên hiệu Chính Long Bảo Ứng thứ 3 – đời Lý Anh Tông, làm quan tới chức huyện lệnh huyện Trường Tân, lộ Hồng Châu (Gia Lộc, Hải Dương), sau thăng quan Đại thần Hà đê sứ. Niên hiệu Chính Long Bảo Ứng thứ 8 – Canh Dần (1170) đến Tu Trình khai khẩn lộc điền và thực hiện công việc vua Lý Anh Tông giao cho là trị thủy vùng Đông Bắc, lộ Hải Thanh (nay thuộc đất Thái Bình, Nam Định), được phong tước Hải Hầu, Ngài mất ngày mồng 9 tháng 12, cúng giỗ ngày 8 tháng 12 Âm lịch, có nhà thờ cổ kính tại Tu Trình. Ngài là chú ruột và cũng là cha nuôi của Đoàn Thượng. Phu nhân của ngài là Lý Thị Thông, hiệu Từ Thiên, sinh ra Đoàn Văn Lôi, bà cũng là nhũ mẫu của Đoàn Thượng và Hoàng tử Lý Sảm (sau này là vua Lý Huệ Tông).
    – Đoàn Văn An (đời 8 – 3),
    Cụ, tự là Phúc Quang, làm quan nhà Lý, phu nhân là Trương Thị Ban, sinh ra Đoàn Thưởng, Thưởng công thi đỗ, làm Thị độc Hàn lâm viện, rồi làm Tả thị lang bộ Hộ.

– Đoàn Chủ (đời 8 – 4)
Cụ làm tướng nhà Lý, tháng 9 năm Đinh Mão (1207) cùng tướng Đoàn Thượng nổi dậy ở Hồng Châu, tháng 4 năm Kỷ Tỵ (1209) bị tử trận.
– Đoàn Thị Ngọc (đời 8 – 5),
Cụ là Hoàng phi của vua Lý Anh Tông, có đền thờ ở huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.
– Đoàn Thượng (1184-1228), (đời 9 – 1),
Đoàn Thượng (1184-1228), sinh ngày 10 tháng Giêng năm Giáp Thìn (1184) đời Lý Cao Tông.
Lý triều tiền chỉ thụ, Hải Đông trấn thủ Hồng Châu lộ, Đông Hải Đại Vương, Bảo dân nhất đẳng thần,
Theo ngọc phả ở Hải Dương và Sử sách, thống nhất ghi cụ người làng Thung Độ, xã Đoàn Thượng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương (ngày nay). Cụ là hậu duệ đời thứ 5 của cụ Đoàn Khâm, là một vị tướng tài cao, chí lớn và đức độ (vào cuối đời vua Lý Cao Tông (1176 – 1210) và đầu thời nhà Trần trong lịch sử Việt Nam)
Thân phụ của ngài là Đoàn Thiện Hổ, tự Phúc Trung. Thần tích của làng Định Công (Hà nội) ghi là Đoàn Hiền, Đại tướng nhà Lý làm Thái sư Tể phụ triều vua Lý Cao Tông.
Thân mẫu của ngài là Nguyễn Thị Thái, người làng Bổng Độ, huyện Trường Tân, lộ Hồng Châu (Ngọc phả đình Gia viên, Hải Phòng); Ngọc phả làng Trương Xá – Hưng yên lại chép là Nguyễn Thị Khang, người làng Xuân Độ, huyện Gia Phúc (Bổng Độ là tên thời Lý, Xuân Độ là tên thời Lê của làng Thung Độ, nay thuộc xã Đoàn Thượng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương); Thần phả đình An Câu (Phù Cừ, Hưng Yên) chép là Nguyễn Thị Phương.
Nghĩa phụ của ngài là đại thần Hà đê sứ Đoàn Công Phúc Lãnh, tự Phúc Hiền, nghĩa mẫu là Lý Thị Thông, hiệu Từ Thiên
Chính thất của Đoàn Thượng sinh ra Đoàn Văn, năm Canh Thìn (1220) làm Chủ tướng giữ thành Ngọc Trục, chống Trần phù Lý, lập căn cứ ở vùng đất nay là xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, có đền thờ ở Ngọc Trục.
Thứ thất của ngài là Phạm Thị Đoan, người làng Gia Viên, huyện An Dương, nay là phường Gia Viên, quận Ngô Quyền, TP.Hải Phòng, sinh ra Đoàn Hưng Nhượng và Đoàn Thị Châu. Tướng Đoàn Văn giữ chức Đô thống trấn thủ Vân Đồn, còn gọi là Đảo Quan (nay là huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh). Sau khi thất thủ, chạy vào Núi Ngọc, Ái Châu (Thanh Hóa) khai hoang lập nghiệp.
Khi cơ nghiệp nhà Lý đã suy đồi, nhà vua chơi bời vô độ, chính sự, hình pháp không rõ ràng, lại gặp nạn thiên tai mất mùa, đói kém liên miên, giặc cướp nổi lên khắp nơi, xu hướng cát cứ ngày một phát triển: Nguyễn Nộn tự xưng là Hoài Đạo vương chiếm cứ mạn Bắc, nhà Lý đã bị thế lực Trần Thủ Độ thao túng, mưu đồ thoán đạt. Ngài là một Trung thần đã cố sức bảo vệ và tìm cách vực dậy triều Lý, nhưng thấy không thể được vì triều đình đã thối nát, Ngài về Hồng Châu (địa bàn này thuộc Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên ngày nay) tự xưng là Đông Hải Đại Vương, tập hợp lực lượng, mong cứu dân, cứu nước và cũng để thực hiện hoài bão của mình. Trong thời gian 21 năm (1207 – 1228) quản lý đất Hồng Châu, Ngài đã có công lớn trong việc dẹp loạn, yên dân, tạo cho dân có cuộc sống no đủ, được nhân dân hết lòng ủng hộ. Trong một trận đánh không cân sức với quân Nguyễn Nộn và quân Trần Thủ Độ, Ngài tử trận. Tương truyền, sau khi mất, Ngài hiển Thánh. Vua Trần Thái Tông (1225 – 1258) đã truy phong ngài là Đông Hải Đại Vương, Thượng đẳng thần, truyền cho các địa phương tổ chức tế lễ hàng năm. Hiện đã tìm được 270 địa phương thờ ngài, trong đó có gần 100 nơi thờ Ngài là Thành Hoàng còn lại là phối thờ hoặc thờ ở đền, miếu, nghè… Đó là một sự kiện ít thấy đối với một Danh nhân quân sự, chính trị trong các thời đại.
Huyện Gia Lộc, nơi quê hương dòng họ Đoàn Thượng, ngày xưa có tổng Đoàn Bái, ngày nay có xã Đoàn Thượng là địa bàn được chính quyền và nhân dân đặt tên để ghi nhớ công lao của họ Đoàn và danh tướng Đoàn Thượng đối với vùng Hồng Châu trước đây và Hải Dương ngày nay.
Ngài có 3 người con là: Đoàn Văn, Đoàn Hưng Nhượng và quận chúa Đoàn Phúc Khuê
– Đoàn Đại và Đoàn Hòa (đời 9 -2 và 3),
Hai cụ đều là em ruột của Đoàn Thượng, đều có công lớn trong việc giúp anh cai quản đất Hồng Châu trong nhiều năm, nên sau khi mất được nhiều nơi thờ là Thành Hoàng.
– Đoàn Văn Lôi (đời 9 – 4 ),
(Cụ là con của Đoàn Phúc Lãnh – chú ruột Đoàn Thượng),
Cụ là Đại tướng nhà Lý, cùng Đoàn Thượng phù Lý chống Trần, tháng 6 năm Đinh Sửu (1217) được vua Lý Huệ Tông phong tước Hồng Hầu. Đoàn Văn Lôi với chính thất phu nhân Lý Thị sinh ra Đoàn Nguyễn, Đoàn Cấm đều làm tướng nhà Lý, cùng theo Đoàn Thượng phù Lý chống Trần; tháng 6 năm Mậu Dần (1218), Trần Thừa và Trần Tự Khánh gả em gái là Trần Tam Nương cho Hồng hầu Đoàn Văn Lôi làm thứ thất, thế lực nhà Trần “trừ” được một thế lực chống đối quan trọng. Sau khi nhà Lý mất, tướng Đoàn Văn Lôi cùng vợ thứ là Trần Tam Nương về Trại Mắt (nay là Tu Trình, Thái Thụy, Thái Bình) ở ẩn. Về sau, cụ được dân thờ làm Thành Hoàng làng Lộ Vị, xã Thăng Long, huyện Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình.
– Đoàn Thưởng (đời 9 – 5),
Cụ là Con của cụ Đoàn Văn An (với phu nhân Trương Thị Ban). Thưởng công, thi đỗ làm Thị độc Hàn lâm Viện, rồi làm Tả thị lang bộ Hộ, có công bình Chiêm được vua Lý Cao Tông phong tước Công Bạ hầu, giúp ngài Đoàn Thượng phù Lý chống Trần. Có đền thờ ở phường Nhược Công (Hà Nội). Phu nhân của cụ là Nguyễn Thị La Nương, có tài hay chữ, vào Hoàng cung dạy công chúa, công nương, cung nữ, được vua phong “Thụ La công chúa, phù Lý chống Trần”, có miếu thờ ở phường Nhược Công.
– Đoàn Văn (đời 10 -1),
Cụ là con trai tướng Đoàn Thượng – sau khi cha mất đã đưa gia đình vào làng Đồng Đội, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, trấn Thanh Hoá (nay là xã Tân Dân, huyện Tĩnh Gia) xây dựng đền thờ Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng ở chân núi Ngọc (đền này sau bị giặc Minh phá để lập căn cứ chống Lê Lợi).
Đoàn Văn có 2 người con trai là Đoàn Trang Tùng và Đoàn Cao Sơn. Người con thứ hai: Đoàn Cao Sơn định cư ở Thanh Hoá sinh ra các thế hệ họ Đoàn trên đất Thanh Hoá rồi tiếp tục chuyển cư vào các tỉnh phía Nam. Đời sau cụ Đoàn Cao Sơn ở Thanh Hoá, đông nhất hiện nay là ở vùng Quảng Xương và Tĩnh Gia; Vào thời nhà Hồ có tướng Đoàn Phát, chức Hàn lâm thị giảng dưới thời Hồ Hán Thương, sau giúp Lê Lợi chống quân Minh thắng lợi, được phong là Tham tán quân vụ. Người con đầu: Đoàn Trang Tùng chuyển cư ra Hội Xuyên, huyện Gia Lộc, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương, phát triển dòng họ ở vùng đất này. Hậu duệ của nhánh này đến đời thứ 3 có Đoàn Nhữ Hài rất nổi tiếng công đức toàn tài, được cả vua Trần Anh Tông và vua cha – Thái Thượng hoàng Trần Nhân Tông rất kính trọng.
– Đoàn Hưng Nhượng (đời 10 – 2),
Ông là con cụ Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng. làm Tiền kinh triệu quân Long dực Đô Thống Vân Đồn trấn thủ.
Nguyên quán: Tại thôn Trung độ, xã Gia Phúc, Huyện Trường Tân, nay là Huyện Gia Lộc, Tỉnh Hải Dương.
Năm 1220 về đất Ngọc Trục (nay là xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, Tỉnh Hà Tây) lập căn cứ, ông biết rõ kế sách diệt trừ Tôn thất nhà Lý, làm nhẹ mặt chống đối, tự bên trong của chú cháu Trần Thủ Độ.

– Đoàn Nguyễn và Đoàn Cấm (đời 10-3 và 4) 

  1. HỌ ĐOÀN DƯỚI TRIỀU TRẦN (1225-1400)
    – Đoàn Trang Tùng (đời 11 – 1),
    Cụ là con của Đoàn Văn định cư ở Thanh Hóa, sau trở về làng Hội Xuyên, huyện Trường Tân, lộ Hồng Châu để phụng sự gia tiên, đổi sang họ Đào, đến đời Trần Minh Tông đổi lại là họ Đoàn. Sinh hạ: Đoàn Nhất Lang và Đoàn Nhị Lang và Đoàn Phúc Hưng
    – Đoàn Cao Sơn (đời 11 – 2),
    Cụ là con của Đoàn Văn, ở lại Thanh Hóa, con cháu phát triển nhanh lập thành làng Đồng Đội. Hồi ấy có viên quan Hoạn gốc Trà phương huyện Vĩnh Bảo dậy nghề trồng thuốc lào làm hàng hóa, nên làng rất trù phú.
    Nhà Hồ mất, đất nước thuộc nhà Minh, Trương Phụ đuổi dân làng Đồng Đội lấy nơi xây đồn ải tại chân núi Ngọc, con cháu Họ Đoàn rất đông phải đi ra phía Bắc 10 km định cư, lập thành làng Thượng Đình, Phủ Quảng Xương, Thanh Hóa, năm ấy là 1400.
    Căm giận nhà Minh con cháu họ Đoàn theo Lê Lợi khởi nghĩa rất đông. Hiện nay con cháu ở làng Thượng Đình có 5.000 đinh của 3 chi họ Đoàn Văn, Đoàn Thế, Đoàn Đình ; Họ Đoàn Văn đông nhất có trên 3000 đinh, với khoảng 32 đời.
    – Đoàn Nhất Lang và Đoàn Nhị Lang (đời 12-1 và 2),
    Các cụ đều là con của cụ Đoàn Trang Tùng, đều có công giúp nhà Trần đánh thắng giặc Nguyên Mông.

– Đoàn Phúc Hưng (đời 12-3),
Cụ là con thứ 3 của Đoàn Trang Tùng, định cư tại Kinh Môn – Hải Dương. Khi quân Nguyên (Trung Quốc) ồ ạt tiến vào xâm chiếm nước ta, Cụ đã cùng 2 người anh xung vào đội quân của Huệ Vương lập nhiều công lớn giúp nhà Trần đánh thắng giặc Nguyên Mông, người đương thời ca ngợi gọi là Tam kiệt họ Đoàn.
Cụ sinh hạ được 2 người con là Đoàn Phúc Trung và Đoàn Phúc Hào.
– Đoàn Phúc Trung (đời 13-1),
Cụ là con Trưởng của cụ Đoàn Phúc Hưng, người Kinh Môn – Hải Dương, định cư tại Hội Xuyên, huyện Trường Tân (nay là Gia Lộc-Hải Dương).
Cụ là người được Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn giao trọng trách là Chưởng Cơ luyện quân (1283) dưới sự chỉ huy của Nguyễn Khoái và Trần Khánh Dư, rồi trưc tiếp chỉ huy các chiến thuyền đi đầu nhử địch, sau đó quay đầu lại luồn lách các cọc nhọn, tiêu diệt các đoàn thuyền giăc, khi chúng đã mắc vào thế bẫy cọc trong trận thủy chiến trên Sông Bạch Đằng chống quân xâm lược Nguyên Mông (1283). Do lập nhiều công lao trong công cuộc chống giặc, cụ Trung được vua Trần rất ưu ái. Cụ là cha đẻ của Đoàn Nhữ Hài.
– Đoàn Phúc Hào (đời 13-2),
Cụ là con cụ Đoàn Phúc Hưng, người Hội Xuyên, huyện Trường Tân (nay là Gia Lộc, Hải Dương)
– Đoàn Nhữ Hài (đời 14),
(chữ Hán: 段汝諧, 1280-1335)
Cụ là con cụ Đoàn Phúc Trung.
Đoàn Nhữ Hài (1280-1335), người làng Hội Xuyên, huyện Trường Tân, lộ Hồng Châu (nay là huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương), là một danh thần đời nhà Trần. Cụ làm quan trải ba đời vua Trần Anh Tông (1293-1214), Trần Minh Tông (1314-1329) và Trần Hiến Tông (1329-1341), là người có năng lực hoạt động về ngoại giao và nội trị, lần lượt nắm giữ các chức vụ Ngự sử trung tán, Tham tri chính sự, Hành khiển, Thiên tử chiêu dụ sứ, Kinh lược Nghệ An.
Lúc nhỏ, cụ Đoàn Nhữ Hài học giỏi, nhanh nhẹn, có chí lớn. Trong thời gian đi học ở kinh đô, một hôm, cụ đang dạo chơi ở chùa Tư Phúc, gặp vua Trần Anh Tông. Vua biết cụ học giỏi, nhờ cụ viết tờ biểu tạ lỗi với vua cha. Lỗi là hôm ấy, từ sáng sớm, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông vào cung gặp lúc Anh Tông do uống rượu say, ngủ quên chưa dậy. Thượng hoàng Nhân Tông giận lắm, bỏ về Thiên Trường. Đến giờ Mùi (từ một đến ba giờ chiều), Anh Tông mới tỉnh dậy, vua hay chuyện rất hoảng hốt. Nhìn quẩn nhìn quanh không thấy những bề tôi thân tín đâu cả, vua bèn ra khỏi cung, nhằm hướng sông Nhị cho đỡ bức bối, tới cửa chùa Tư Phúc, vua gặp Đoàn Nhữ Hài ngồi đọc sách và nhờ cụ soạn bài biểu tạ tội với Thượng hoàng. Tờ biểu đã làm vừa lòng Thái thượng hoàng, vua được thứ lỗi. Nhân đó, vua Anh Tông đã đưa Đoàn Nhữ Hài vào làm Ngự sử trung tán. Một số quan bấy giờ đã làm thơ chê cười ông, nhưng ông vẫn bình thản làm việc tốt. Đoàn Nhữ Hài làm quan được lòng cả vua Anh Tông và Thượng hoàng Nhân Tông. Tháng 10 năm Quý Mão (1303), ông được thăng chức Tham tri chính sự nhờ có công trong một chuyến đi sứ Chiêm Thành trước đó.
Nhờ tài năng và chăm chỉ, năm 1305, Đoàn Nhữ Hài được đưa vào Viện khu mật, tham gia bàn bạc các việc quan trọng của đất nước. Năm 1307, ông được cử vào Thuận Hoá phủ dụ nhân dân địa phương vì đây là vùng mới sáp nhập Đại Việt. Mọi việc diễn ra tốt đẹp, ông được phong Hành khiển. Sau đó được cử làm Kinh lược sứ Nghệ An.
Trong cuộc dấy binh chinh phạt Chiêm Thành năm Tân Hợi (1311) của vua Trần Anh Tông, Đoàn Nhữ Hài góp phần quan trọng để giành lấy thắng lợi mà không hề tốn xương máu.
Năm Ất Hợi (1335), dưới triều vua Trần Hiến Tông, biên giới phía Tây Đại Việt bị Ai Lao quấy nhiễu. Quân Ai Lao xâm phạm cả ấp Nam Nhung thuộc đất Nghệ An. Lúc này, Đoàn Nhữ Hài đang chỉ huy quân Thần Vũ và Thần Sách, kiêm chức Kinh lược Địa sứ Nghệ An nên được trao chức Đốc tướng khi Thượng hoàng Minh Tông thân chinh đi đánh Ai Lao. Chẳng may khi qua sông bị quân Ai Lao đánh úp, Cụ hy sinh giữa trận chiến.
Hiện nay, tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội có phố mang tên Đoàn Nhữ Hài. Ở quận 4, thành phố Hồ Chí Minh cũng có 1 con đường mang tên cụ nhưng lại viết là Đoàn Như Hài. Tại Thừa Thiên Huế, con đường đi lên đền thờ Huyền Trân công chúa tới lăng Đồng Khánh thuộc khu vực Thủy Xuân – Phường Đúc (xã Thủy Xuân) thành phố Huế cũng có tên đường mang tên Đoàn Nhữ Hài nhưng bị ghi nhầm thành Đoàn Nhữ Hải.

– Trạng nguyên Đoàn Xuân Lôi (段 春 雷)
Cụ là người làng Ba Lỗ, huyện Tân Phúc (nay là xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang), chi họ nhà cụ định cư ở đây đến đời cụ đã được mấy đời, trước đó tổ tiên của cụ là người Thanh Hóa.
Cụ đỗ Trạng Nguyên khoa thi Thái học sinh, năm Giáp tý (1384) niên hiệu Xương Phù, thời Trần
Bia số 1 Văn Miếu Bắc Ninh số TT 8 ghi:
VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ TỪ KHOA ẤT MÃO (1075) ĐẾN KHOA QUANG THUẬN (1469)
Đoàn Xuân Lôi (?-?) người xã Ba Lỗ, huyện Tân Phúc (nay thuộc xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang), đỗ Thái học sinh khoa Giáp Tý, niên hiệu Xương Phù, năm thứ 8 (1384), đời vua Trần Phế Đế. Ông làm quan đến Trung thư Hoàng môn Thị lang kiêm Thông phán Ái Châu.
Trong năm 1384 tháng 2, vua mở khoa thi Thái học sinh ở chùa Vạn Phúc, núi Tiên Du, Bắc Ninh. Trong khoa thi này, Đoàn Xuân Lôi đã đỗ đầu. Tấm bia ghi chép về Đoàn Xuân Lôi ở Trâu Lỗ (xã Mai Đình) có chép: “Ông họ Đoàn, tên huý là Xuân Lôi, bản quán ở đất Thanh Hoá. Cha ông đến cư trú ở Trâu Lỗ đã mấy đời”
Đoàn Xuân Lôi làm quan tới chức Quốc tử trợ giáo. Khi Hồ Quý Ly soạn sách Minh Đạo, gồm 14 thiên dâng lên vua, bàn một số việc của các bậc tiên thánh, vua ban chiếu dụ khen. Xuân Lôi có bàn với Đào Sư Tích cho rằng Hồ Quý Ly như thế là không phải, lạm dụng người xưa mà mưu việc riêng mình. Vì việc ấy mà Xuân Lôi bị đày đi xa xứ, mất ở đó. Sau được đem về Trâu Lỗ cát táng, mộ nay vẫn còn. Song con cháu họ Đoàn này hiện nay không biết di cư đi đâu.

  1. HỌ ĐOÀN DƯỚI TRIỀU LÊ SƠ (1428-1527)
    – Đoàn Bá Tuân
    Năm Quý Mùi 1483, Hồng Đức niên quân Lê Triều Thánh Tông Hoàng đế cử cụ đi trấn thủ Hải Dương, ông trải thờ 4 đời vua: Thánh Tông, Hiến Tông, Uy Mục, Tương Dục.
    Năm Hồng Thuận thứ 3 (1513), Hoàng triều Tương Dục Đế. Khi giặc Ngô Văn Tông nổi dậy, cụ đem quân dẹp loạn, thế giặc rất mạnh, tình thế rối ren bởi Vua lo ăn chơi xa xỉ, nên cụ bị giặc vây hãm trong thành, khi Trịnh Duy Sản kéo quân đến giải vây thì cụ và 12 người khác đã bị giặc giết, trong đó có Thừa chỉ Nguyễn Anh Vũ (con trai Nguyễn Trãi). Sau đó, gia đình phải lánh nạn, vợ là Phan Thị Ôi cùng con đầu là Đoàn Bá Khởichạy vào Miền Trung, phủ Diễn Châu, Nghệ An lập nên các thế hệ họ Đoàn đông đúc như ngày nay gồm các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nam Đàn, Yên Thành.
    Một người con thứ 2 của cụ Đoàn Bá Tuân là Đoàn Bá Doãn chuyển về định cư ở vùng Văn Giang Hưng Yên, sau này phát triển ra các vùng phụ cận.
    – Đoàn Công Uẩn:
    Cụ thuộc chi họ ở Quảng Nạp, Thái Thụy, Thái Bình. Cụ là người có công giúp Lê Lợi chống giặc Minh, được tặng danh hiệu Đoàn dũng tướng danh huân, được thờ làm Thành Hoàng ở Quảng Bắc.
    Thái Thụy có một ngôi mộ cổ và dấu tích một con đường mang tên “Ngô Lột” gắn với những kỳ tích giúp dân diệt giặc Minh xâm lược của ông tổ họ Đoàn là Đoàn Công Uẩn, một mãnh tướng thời Lê. Hẳn gia thế, sự nghiệp mãnh tướng Đoàn Công Uẩn đến nay vẫn chưa được nhiều người biết đến…
    Đời Trần Thuận Tông (1388 – 1398 ) có người tên là Đoàn Phúc Lanh (ở huyện Từ Liêm, Hà Nội) được giao chức huyện lệnh huyện Trường Tân, Phủ Tân An (Tứ Kỳ, Hải Dương). Vua lấy công điền làng Quảng Nạp (Thụy Trình ngày nay) ban cho thực ấp. Năm Canh Thìn (1.400), Hồ Quí Ly lấy ngôi vua Trần Thiếu Đế. Hoàng thất nhà Trần dấy binh, định một phen giành lại vương triều.
    Phò mã đô uý Vũ Uy và phò mã Phùng Thế Kỳ đưa tất cả con em, thân quyến và nhân mục về Tô Xuyên lập căn cứ chống nhà Hồ nhưng đại sự không thành. Năm 1407, giặc Minh xâm lược nước ta, Hưng nghĩa hầu Vũ Uy vào Lam Sơn giúp Lê Thái Tổ đánh đuổi giặc Minh, tướng quân Phùng Thế Kỳ và huyện lệnh Đoàn Phúc Lanh ở lại phủ nhà tiếp tục chống quân xâm lược nhà Minh.
    Trong 20 năm anh dũng kiên cường đánh giặc (1407 – 1427), đất Thái Bình nhiều người đã trở thành danh tướng, danh thần, tên tuổi ghi trong sử sách như: Đinh Lan, Đinh Lễ, Đinh Liệt, Đinh Bồ, Vũ Uy, Bùi Quốc Hưng… Thế nhưng, có một chàng trai chưa ghi trong quốc sử nhưng được hậu thế đời đời kể chuyện như tấm gương trung liệt, nêu gương cho các thế hệ noi theo. Đó là con trai huyện lệnh Đoàn Phúc Lanh, tên là Đoàn Công Uẩn (Đoàn Uẩn) từ tuổi 18, 19 đã nuôi chí đánh giặc.
    Trong sách : “Thái Thụy vùng ven biển” có chép :” Thủa giặc Minh xâm lược nước ta, người con trai họ Đoàn tên là Đoàn Công Uẩn mới ngoài 20 tuổi, căm thù giặc tàn sát dân lành, chàng cùng một số trai làng ban ngày ẩn trốn, ban đêm tìm mưu giết giặc. Một hôm chàng nghĩ ra kế khuyên dân làng lấy cói biển đập dập, đan thành bao bì để ban đêm chui vào đó nằm cho khỏi muỗi.
    Giặc Minh thấy thế bắt dân làng đan thật nhiều bao cói nộp cho chúng để tránh muỗi. Khi các đồn giặc đã bắt đầu dùng bao cói, Đoàn Công Uẩn tổ chức một đội dân binh, ban đêm đột nhập vào đồn giặc, lấy dao đâm chết từng tên nằm trong bao, rồi bí mật rút ra. Bọn giặc bị chết nhiều hoảng sợ, chúng ra sức truy nã người con trai họ Đoàn.
    Một đêm, sau khi giết được mấy chục tên giặc, chàng trai họ Đoàn bị chúng mai phục, bắt được. Giặc tra tấn thế nào chàng cũng không chịu cung khai, cuối cùng chúng đã giết chàng bằng cách lột xác chàng tại một con đường”. Ngày nay, con đường đó vẫn còn dấu tích dân làng đặt tên “con đường Ngô Lột” (dân ta gọi giặc Minh xâm lược là quân Ngô).
    Phần mộ táng của chàng trai họ Đoàn nằm ở ngay cạnh “con đường Ngô Lột” vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay. Năm 1992, dòng họ Đoàn ở Thụy Trình đã tổ chức trùng tu, tôn tạo ngôi mộ để bảo quản, thờ cúng lâu dài.
    Tấm gương anh dũng của chàng trai họ Đoàn làng Quảng Nạp được vua Lê Cảnh Hưng tuyên dương bằng những chữ vàng có ghi trong sắc phong Cảnh Hưng năm thứ 18: “Mãnh tướng dũng liệt, phù tộ, triệu mưu, tả bộ, cương nghị, quả đoán, đốc bật hồng tục, khoan nhân, trợ thắng, thành công “. Các vua triều sau đều “giao cho dân Quảng Nạp tổng, Quảng Nạp xã tòng tiền phụng sự Mãnh tướng quan Đoàn Uẩn”. Biết ơn công lao to lớn, giúp dân diệt giặc cứu nước của tướng quân Đoàn Công Uẩn, dân làng đã tôn cụ là Thần Hoàng thờ tại Đình Bắc (thôn Bắc, Thụy Trình).
    – Đoàn Công Bẩm: ( con cụ Uẩn)
    Cụ được vua ban Quốc tính là Lê Công Bẩm, một võ tướng được phong chức Thái thường tự Thiếu khanh, tước Thiên hào tử, sau này chuyển về Hiến Phạm, Văn Giang, Hải Dương, hậu duệ của cụ sau này có Đoàn Doãn Luân, Đoàn Thị Điểm nổi tiếng, Tiến sĩ Đoàn Nguyên Thục, Tiến sĩ Đoàn Nguyên Tuấn…
    – Đoàn Công Huyền (?-1516),
    Cụ là hậu Duệ của cụ Đoàn Nhữ Hài, người xã Khuôn Phụ, huyện Gia Phước, phủ Thừa Tuyên, Hải Dương. Cụ vào định cư ở Duy Xuyên – Quảng Nam, Trú tại xã Ba Châu, huyện Hà Đông, phủ Thăng Ba, xứ Quảng Nam.
    Cụ làm Cai cơ, theo Lê Thánh Tông đi đánh giặc Nam chinh.
    Trong năm Lê Hồng Đức, có sắc lệnh trưng binh, cụ mang vợ con theo phò vua Lê Thánh Tông đi đánh giặc Chiêm Thành, lập công bắt được tướng Chiêm Thành là Trà Toản, sau khi vua đánh giặc đã xong, vua bèn hạ chiếu cho tướng sĩ ban sự hồi trào, còn cụ Đoàn Công Huyền tấu cùng vua Lê xin ở lại tỉnh Quảng Nam, quy dân lập ấp, khai khẩn ruộng đất thành lập xã hiệu lúc bấy giờ ở Quảng Nam
  • Các nhà khoa bảng xuất hiện trong giai đoạn này gồm:

1) Đoàn Nhân Công (段 仁 公)
Cụ người huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, đỗ Đệ tam Giáp đồng Tiến Sĩ xuất Thân. Cụ từng được bổ chức Ngự tiền học sinh.
Bia số 2 Văn Miếu Quốc tử giám số TT 18
VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA MẬU THÌN NIÊN HIỆU THÁI HÒA NĂM THỨ 6 (1448)
2) Đoàn Lạn (段爛)
Cụ người xã Hồng Lục, huyện Gia Lộc, đỗ Đệ tam Giáp đồng Tiến Sĩ xuất Thân. Cụ làm quan Thừa tuyên sứ và từng được cử đi sứ sang nhà Minh (Trung Quốc).
Bia số 4 Văn Miếu Quốc tử giám số TT 8
VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA BÍNH TUẤT NIÊN HIỆU QUANG THUẬN NĂM THỨ 7 (1466)
3) Đoàn Hiếu Chân (段孝真)
Bia số 1 Văn Miếu Bắc Ninh số TT 44
VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ TỪ KHOA ẤT MÃO (1075) ĐẾN KHOA QUANG THUẬN (1469)*
Đoàn Hiếu Chân (?-?) người xã Ôn Xá, huyện Tế Giang (nay thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, đỗ Đệ Tam Giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Quang Thuận thứ 10 (1469) đời vua Lê Thánh Tông. Cụ làm quan đến chức Thượng thư kiêm Đông các Đại học sĩ.
4) Đoàn Mậu (段楙)
Bia số 5 Văn Miếu Quốc tử giám Số TT 38
VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ TỪ KHOA ẤT MÙI NIÊN HIỆU HỒNG ĐỨC NĂM THỨ 6 (1475)
Cụ người xã Kim Côi, huyện An Lão, nay là thôn Kim Côi, xã Chiến Thắng, huyện An Lão, TP Hải Phòng. Cụ đỗ Đệ Tam Giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Ất Mùi, niên hiệu Hồng Đức 16 (1475) đời Lê Thánh Tông. Cụ làm quan đến chức Hộ bộ Thượng thư, Tri chiêu Văn quán, Tú lâm cục, tước Cẩm lễ nam
5) Đoàn Huệ Nhu (段 惠 柔)
Bia số 8 Văn Miếu Quốc tử giám Số TT 50
VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA ĐINH MÙI NIÊN HIỆU HỒNG ĐỨC NĂM THỨ 18 (1487
Đoàn Huệ Nhu (?-?), người xã Phù Vệ, huyện Ngự Thiên (nay thuộc xã Liên Hiệp, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Cụ làm quan Thừa chính sứ.
6) Đoàn Nhân Thục (段仁淑)
Bia số 10 Văn Miếu Quốc tử giám Số TT 28
VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA NHÂM TUẤT NIÊN HIỆU CẢNH THỐNG NĂM THỨ 5 (1502)
Cụ người xã Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Cụ làm quan đến chức Hiến sát sứ
7) Đoàn Văn Thông (段 文 通)
Bia số 11 Văn Miếu Quốc tử giám Số TT 39
VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA TÂN MÙI NIÊN HIỆU HỒNG THUẬN NĂM THỨ 3 (1511)
Đoàn Văn Thông (?-?) người huyện Quảng Đức (nay thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Tp. Hà Nội), trú quán xã Lương Xá, huyện Lương Tài (nay thuộc xã Phú Lương, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh), đỗ Đệ tam Giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, trong số 24 người. Cụ làm quan Hữu Thị lang Bộ Lễ.
8) Đoàn Quảng Phu (段 廣 敷)
Bia số 12 Văn Miếu Quốc tử giám Số TT 8
VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA QUÝ MÙI NIÊN HIỆU HỒNG THUẬN NĂM THỨ 6 (1514)
Đoàn Quảng Phu (?-?),người xã Hoa Đường, huyện Đường An (nay thuộc xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương), đỗ Đệ nhị Giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Cụ làm quan Đông các Đại học sĩ. Có tài liệu ghi cụ là Đoàn Đức Phu.
9) Đoàn Sư Đức (段 師 德)
Bia số 12 Văn Miếu Quốc tử giám Số TT 39
VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA QUÝ MÙI NIÊN HIỆU HỒNG THUẬN NĂM THỨ 6 (1514)
Đoàn Sư Đức (?-?) người xã Văn Xá, huyện Lương Tài (nay thuộc xã Phú Hòa, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh), đỗ Đệ tam Giáp đồng Tiến sĩ xuất than. Cụ làm quan nhà Mạc, đến chức Thượng thư, tước Hà Văn hầu và từng được cử đi sứ sang nhà Minh (Trung Quốc).
10) Đoàn Đình Chương: (段 廷 章) (1500 – ?)
Đoàn Chương người huyện Lang Tài, tỉnh Bắc Ninh, đỗ Đệ nhị Giáp đồng Tiến sĩ xuất thân
KHOA THI ĐÌNH QUÝ MÙI, [THỐNG NGUYÊN] NĂM THỨ 2 [1523] , (MINH GIA TĨNH NĂM THỨ 2).

  1. HỌ ĐOÀN VIỆT NAM THỜI TRIỀU MẠC (1527-1592), TRIỀU HẬU LÊ (LÊ TRUNG HƯNG) NAM – BẮC TRIỀU (1533-1593)
    – Đoàn Thế Bạt
    Cụ Đoàn Thế Bạt (? – ?) người xã Phù Nội, huyện Thanh Miện- nay là thôn Phù Nội, xã Hùng Sơn, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Năm 40 tuổi đỗ Hội Nguyên, 54 tuổi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sỹ xuất thân, khoa Đinh Sửu, niên hiệu Hồng Thuần Phúc 16 (1577) đời Mạc Mậu Hợp, sau giúp nhà Lê làm quan đến chức Tham Chính.
    – Đoàn Hân:
    Cụ Đoàn Hân (?-?), người thôn Phù Nội, xã Hùng Sơn, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Năm 54 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Canh Thìn, niên hiệu Diên Khánh 3 (1580), đời Mạc Hậu Hợp, làm quan chức Hiến sát sứ.
    – Đoàn Khắc Thận:
    Cụ Đoàn Khắc Thận (sinh 1530- ? ), người xã Phụ Vệ, huyện Chí Linh, nay là xã Ái Quốc, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Năm 60 tuổi đỗ Đệ nhị giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Hồng Trị 2 (1589) đời Mạc Mậu Hợp, sau giúp nhà Lê, làm quan chức Hiến Giáp sứ
    – Đoàn Kim Sơn:
    Cụ Đoàn Kim Sơn, người xã Mỹ Huệ, huyện Tiên Minh, nay là thôn Mỹ Huệ, xã Tiên Thắng, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng. Năm 32 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Hưng Trị 2 (1589), Đời Mạc Mậu Hợp, làm quan đến chức Giám sát ngự sử. Nhà Mạc suy, cụ không chịu theo nhà Lê, cử binh chống lại.
    – Đoàn Duy Hiền(?- 1610)
    Cụ có gốc từ Hà Nội, về khai hoang lập ấp tại Tường Vu- xã Cộng Hòa – Kim Thành – Hải Dương. Chi họ này sau này phát triển con cháu đông đúc phân thành 3 ngành, tồn tại đến nay được khoảng 16, 17 đời. Hậu duệ của chi họ này có khá nhiều nhân vật nổi tiếng. Người em của cụ Đoàn Duy Hiền thì về khai khẩn lập ấp tại Kiến An – Tiên Lãng – Hải Phòng. Con cháu ngày nay rất đông đúc.
    Hậu duệ ngày nay của cụ Đoàn Duy Hiền, có ông Đoàn Duy Thành – Chủ tịch Hội Đồng Đoàn tộc Việt Nam, Nguyên phó Thủ tướng chính phủ nước CHXHCNVN.
  2. HỌ ĐOÀN VIỆT NAM THỜI KỲ: VUA LÊ – CHÚA TRỊNH (1573-1599) VÀ GIAI ĐOẠN: TRỊNH – NGUYỄN PHÂN TRANH
    – Đoàn Trạch Quỹ(?- ?)
    Cụ là hậu duệ đời thứ 4 của cụ Đoàn Bá Tuân (Quan Trấn thủ Hải Dương). Cụ có 3 người con là: Đoàn Tiến Nhậm, Đoàn Duy Tinh, Đoàn Huệ Hải.
    – Đoàn Tiến Nhậm, vào định cư ở làng Vân Chàng và Quang Chiêm thuộc Đức Thọ, Hà Tĩnh.
    – Đoàn Huệ Hải, đỗ Cử nhân ra làm quan tri huyện Vĩnh Khang (Nghệ An) vào thời Hậu Lê. Con cụ là Đoàn Viết Yến làm tướng Tiền cẩn sứ của quân Trịnh (thời Trịnh – Nguyễn phân tranh), đến đời cháu nội của cụ là Đoàn Viết Trinh (tức My) thì 1 nhánh chuyển vào định cư ở huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
    – Đoàn Duy Tinh, chuyển vào định cư ở làng Chuồn, xã Phú An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế – vào thời chúa Nguyễn Hoàng (1600 – 1630)
    Cụ Đoàn Duy Tinh có 5 người con, sau này định cư ở các nơi khác nhau:
    + Đoàn Thọ sơn, định cư ở làng Chuồn
    + Đoàn Thọ Sanh và Đoàn Lâm Hoành vào Quảng Nam
    + Đoàn Công Bồ chuyển ra Quảng Bình
    + Đoàn Nhân Phước Định cư ở Thuận Hóa (Huế)
    Sau này con cháu của Đoàn Thọ Sơn có
    Một nhánh lại chuyển ra làng Gia Đẳng – huyện Triệu Phong – Quảng Trị. Dòng này phát triển mạnh, đời sau có 3 anh em là tướng lĩnh QĐNDVN (Đại tướng Đoàn Khuê, Trung tướng Đoàn Chương và Đại tá Đoàn Thúy).
    Một nhánh khác của con cháu Đoàn Thọ Sơn chuyển từ làng Chuồn về xã Lộc An, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế. Đời sau có Giáo sư Đoàn Trọng Truyến làm Bộ trưởng Phó Thủ tướng, con trai ông là Đoàn Mạnh Giao làm Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ nước CHXHCNVN.
    Hậu duệ của cụ Đoàn Duy tinh ở Thừa Thiên Huế có cụ Đoàn Văn Hổ, sinh được 3 người con Đoàn Hữu Trưng, Đoàn Hữu Trực và Đoàn Hữu Ái là những người tổ chức vụ “Giặc chày vôi” nổi tiếng thời vua Tự Đức (1848 -1883). Cả 3 cụ bị giết, nhưng anh em con cháu các cụ phải lánh nạn, chuyển đi nhiều nơi khác nhau.
    Nhánh chuyển vào Nam bộ ở Bến Tre, rồi chuyển sang Tiền Giang, Long An. Nhánh này về sau có nhiều người giữ các chức vụ cao trong chính phủ nước CHXHCNVN như ông Đoàn Văn Chất (UVTWĐCVN khóa V,VI,VII làm phó Trưởng ban Kiểm tra TW); Ông Đoàn Văn Xê (Thứ trưởng bộ GTVT); Bà Đoàn Thúy Ba (Anh hùng lao động, Thứ trưởng bộ Y Tế).
    Nhánh chuyển vào An Giang, Đồng Tháp thì đổi sang họ Dương. Sau này có Dương Văn Minh “ Đại tướng, Tổng thống” của chế độ VNCH.
    Người con trai thứ 4 của Đoàn Duy Tinh là Đoàn Công Bồ chuyển cư ra Quảng Bình phát triển cho đến nay khá đông đúc, nhưng chưa có người làm nên sự nghiệp lớn.

Người con trai út của cụ Đoàn Duy Tinh là Đoàn Nhân Phước có cháu ruột là Đoàn Loan chuyển cư vào xã Bình Hòa, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, rồi từ đây chuyển vào Nam Bộ. Đoàn Văn Thành, là cháu của Đoàn Loan chuyển vào thôn Tân Bình, tổng An Phú Trung, huyện Đông Xuyên, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang. Vào khoảng năm 1760, khi làm chức Quản cơ hiệu Thân quân (hộ tống nhà vua) đi tháp tùng Nguyễn Ánh sang Xiêm cầu viện binh chống Tây Sơn thì mất. Ông Thành có 9 người con thì chỉ có 2 người con là (Đoàn Văn Khắc và Đoàn Văn Trường) thành đạt làm quan và có chức tước trong triều, còn lại 7 người khác đều làm ruộng.
– Ông Đoàn Văn Khắc là Thủy quân, Vệ úy đời vua Minh Mạng, mất 1840 ở An Giang, không rõ về vợ con.
– Đoàn Văn Trường trải qua nhiều trọng trách đời vua Gia Long như: Tổng đốc, Thượng thư Bộ binh… đến tháng 7/1828 thì ông được điều ra Bắc, để lại vợ và 6 người con ở trong Nam, Sau này ông lấy vợ lẽ ngoài Bắc. Trong 6 người con ở Nam Bộ thì 3 người có chức tước trong triều Nguyễn, đó là Đoàn Văn Sách, Đoàn Văn Học và Đoàn Văn Lộc.
+ Đoàn Văn Sách làm Đề đốc Vĩnh Long, đời vua Minh Mạng, bị bệnh mất 29/4/1842, có 6 con Trai nhưng đến nay không rõ tung tích.
+ Đoàn Văn Học là Chánh vệ cẩm y đời vua Thiệu Trị (1941-1947), mất ở thôn An Quý, tổng Bình Trị Thượng, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. Ông Học có 4 con trai nhưng cũng không rõ tông tích về sau.
+ Đoàn Văn Lộc làm Trấn Tây hậu bổ thời Minh Mạng (vùng này hiện nay là đất Campuchia). Ông Lộc cũng được 4 con cũng không rõ tung tích về sau.
Như vậy kể từ đời ông Đoàn Văn Thành, về sau đã có 28 người con cháu là hậu duệ của cụ Đoàn Bá Tuân ở Hải Dương vào Nghệ An, Thừa Thiên, Quảng Ngãi, rồi vào định cư ở Nam Bộ và sinh ra các thế hệ họ Đoàn ở các vùng này, gồm các tỉnh Tiền Giang, Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang (đến nay đã hơn 12 đời con cháu).

– Đoàn Thị Ngọc Phi:(1601-1661),
Hoàng Hậu Đoàn Thị Ngọc Phi, đời chúa Nguyễn Phước Lan, tên thật là Đoàn Thị Ngọc, con gái thứ ba của Thạch Quận công Đoàn Công Nhạn và bà Võ Thị… Quê làng Thanh Chiêm, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam, nay là xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Bà là cháu nội của cụ Đoàn Công Huyền là Hậu duệ của cụ Đoàn Nhữ Hài, đã từ Gia Lộc – Hải Dương vào định cư ở Quảng Nam
Bà là người vừa có nhan sắc lại có đức độ, tài ba nên được Quận công Nguyễn Phúc Lan cưới làm vợ. Sau này khi Nguyễn Phúc Lan lên ngôi Chúa thì bà trở thành Đoàn Quý Phi, sinh ra nguyễn Phúc Tần nối nghiệp chúa.
Bà là người có công lớn trong việc phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm và giao thương phát triển đời sống kinh tế ở xứ Quảng, bà được nhân dân quý trọng, suy tôn là “Bà chúa tằm tang”.
Vua Gia Long sau này còn phong bà là “Trinh Thục từ tĩnh kính Hiếu chiêu Hoàng hậu”, khi mất được thờ chung với Hiếu chiêu Hoàng đế (Nguyễn Phúc Lan) ở Thế Miếu.
Lăng Hiếu chiêu Hoàng hậu Đoàn Quí Phi được gọi là lăng Vĩnh Diên, hiện còn tọa lạc tại Duy Xuyên Quảng Nam (Lăng đã được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng di tích lịch sử văn hóa)
– Đoàn Ngọc Lai (?-?)
Vào thời vua Lê Thánh Tông (1460 -1497), có ông bà Đoàn Văn Lai từ làng Mỹ Khê, huyện Tiên Minh, phủ Nam sách, trấn Hải Dương chuyển cư vào định cư ở Quảng Nam. Dòng họ Đoàn này, sau phát triển ngày càng đông đúc, đến đời thứ 9 thì xuất hiện vị tướng tài được chúa Trịnh trọng dụng giao cho giữ thành Phú Xuân (Huế). Hậu duệ sau nữa có Đoàn Khắc Cung làm Thiềm sự bộ Công dưới thời Minh Mạng, có công cùng Thoại Ngọc Hầu trong việc đào kênh Vĩnh Tế…

– Đoàn Doãn Nghi ( 1678-1729):
Ông là Danh sĩ đời Hậu Lê, người xã Hiến Phạm, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, là cha đẻ của Đoàn Doãn Luân và nữ sĩ Đoàn Thị Điểm.
– Đoàn Doãn Luân (Trác Luân) (1700-?):
Ông là con trai Đoàn Doãn Nghi, người xã Hiến Phạm,Văn Giang, Hưng Yên, là nhà thơ, nhân sĩ đời Lê Dụ Tông, hiệu là Tuyết An.
– Đoàn Thị Điểm 段氏點 (1705-1745):
Bà là người xã Hiến Phạm,Văn Giang, Hưng Yên, là nhà thơ nổi tiếng hiệu Hồng Hà Nữ sĩ, đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị. Bà là con gái Đoàn Doãn Nghi.
Ðoàn Thị Ðiểm, hiệu Hồng Hà nữ sĩ, con của Ðoàn Doãn Nghi, em danh sĩ Ðoàn Doãn Luân. Tổ quán vốn ở xã Hiến Phạm, huyện Văn Giang, xứ Kinh Bắc, sau bà và mẹ về ở với anh ở huyện Ðường Hào, tỉnh Hải Dương (nay là Hải Dương). Năm 16 tuổi, Thượng thư Lê Anh Tuấn muốn xin bà làm con nuôi rồi ngỏ ý muốn tiến bà vào cung chúa Trịnh, nhưng chỉ ở ít lâu bà xin về, cùng với anh cần cù học tập trở nên người sành văn chương.
Khi người anh mất, bà đảm nhận gánh nặng gia đình. Bấy giờ bà đã nhiều tuổi mà vẫn chưa lấy chồng. Nhiều người đến hỏi, trong đó có cả những kẻ quyền quý (như công tử làng Hoạch Trạch là Nhữ Ðình Toản; Thượng thư làng Kim Lũ….), bà đều từ chối. Năm 37 tuổi, bà lập gia đình với Tiến sĩ Nguyễn Kiều, người làng Phú Xá, huyện Từ Liêm. Năm 1748, ông được cử làm Tham thị ở Nghệ An. Ngày cùng chồng lên đường đến nhiệm sở mới, bà bị bệnh nặng rồi mất ở Nghệ An ngày 11/09/1748.
Bà có các tác phẩm nổi tiếng:
– Chinh phụ ngâm (bản dịch)
– Truyền kỳ tân phả (hay Tục truyền kỳ)
– Đoàn Lệnh Khương (1726- 1780):
Đoàn Lệnh Khương là nữ sĩ nổi tiếng đời Lê Ý Tông, là con gái lớn của Đoàn Doãn Luân, gọi Đoàn Thị Điểm là cô ruột; Quê xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Năm lên 9 tuổi cha mất, bà nhờ cô nuôi dạy thành tài, lại cũng nhờ ông thúc tổ bên ngoại là Liên Đình hầu Lê Hữu Kiều bảo dưỡng cho, nên cuộc sống cũng yên ổn. Đến tuổi trưởng thành, bà nổi danh tài sắc, nhiều nơi quyền quí cầu hôn, nhưng tình duyên dở dang.
Đến năm bà 31 tuổi, tiếp nhận bức thơ cầu hôn của Đốc đồng Sơn Nam là Nguyễn Xuân Huy, góa vợ, tuổi đã trên 40. Bà ngần ngại, sau cũng chấp thuân lấy ông và sinh được một gái, nhưng mới được hai tuổi thì con mất. Rồi chỉ được non bảy năm sau thì chồng mất (năm Canh Thìn 1760). Từ ấy bà sống cảnh đơn côi góa bụa, lên kinh đô dạy học tại tư gia, được xa gần gọi là Nữ học sư. Đến ngoài 60 tuổi, bà về quê hương nương nhờ em ruột là Đoàn Doãn Y. Năm1780 bà mất, thọ 74 tuổi.
– Đoàn Thị Thừa:
Đoàn Thị Thừa sống bên kia sông Gianh, khi đã được mười sáu tuổi tiếng đồn sắc đẹp không thua gì Tây Thi.
Năm 1656, Nguyễn Hữu Dật cùng Nguyễn Hữu Tiến vượt sông Gianh đánh quân Trịnh tan tác, cai quản được bảy huyện Nghệ An. Trong Bảy lần tranh chấp với Đàng Ngoài, cuộc chiến lần thứ năm và lần lớn nhất trong cuộc xung đột Trịnh-Nguyễn. Nguyễn Phúc Tần là vị Chúa chủ động đưa quân đánh ra Bắc, Chúa sai Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật mang quân vượt sông Gianh đánh Bắc, Bố Chính tiến chiếm được bảy huyện Nghệ An được năm năm. Chính trong thời gian này Đoàn Thị Thừa đã gặp gỡ đã đem lòng yêu và có ảnh hưởng nhiều đến Nguyễn Hữu Cảnh, một nhân vật có vai trò rất quan trọng của triều Nguyễn ở xứ Đàng trong.
• Các nhà khoa bảng họ Đoàn xuất hiện trong giai đoạn này gồm:
1- Đoàn Thế Bạt 
Văn bia
ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA ĐINH SỬU NIÊN HIỆU HỒNG THUẦN PHÚC NĂM THỨ 16 (1577) ĐỜI MẠC MẬU HỢP
Đoàn Thế Bạt, người xã Phù Nội, huyện Thanh Miện- nay là thôn Phù Nội, xã Hùng Sơn, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. 40 tuổi đỗ Hội Nguyên, 54 tuổi đỗ Đệ Nhị Giáp Tiến sỹ xuất thân, khoa Đinh Sửu, niên Hiệu Hồng Thuần Phúc 16 (1577) đời Mạc Mậu Hợp, sau giúp nhà Lê làm quan đến chức Tham Chính.
2- Đoàn Hân
Văn bia:
ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA CANH THÌN NIÊN HIỆU DIÊN KHÁNH NĂM THỨ 3 (1580) ĐỜI MẠC MẬU HỢP
Đoàn Hân, người xã Phù Nội, xã Hùng Sơn, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. 54 tuổi đỗ Đệ Tam Giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Canh Thìn, niên hiệu Diên Khánh 3 (1580), đời Mạc Hậu Hợp, làm quan chức Hiến sát sứ.
3- Đoàn Khắc Thận:
Văn bia:
ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA KỶ SỬU NIÊN HIỆU HỒNG TRỊ NĂM THỨ 2 (1589) ĐỜI MẠC MẬU HỢP
Đoàn Khắc Thận (sinh 1530- … ), người xã Phụ Vệ, huyện Chí Linh, nay là xã Ái Quốc, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. 60 tuổi đỗ Đệ Nhị Giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Hồng Trị 2 (1589) đời Mạc Mậu Hợp, sau giúp nhà Lê, làm quan chức Hiến Giáp sứ.
4- Đoàn Kim Sơn:
Văn bia:
ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA KỶ SỬU NIÊN HIỆU HỒNG TRỊ NĂM THỨ 2 (1589) ĐỜI MẠC MẬU HỢP
Đoàn Kim Sơn, người xã Mỹ Huệ, huyện Tiên Minh, nay là thôn Mỹ Huệ, xã Tiên Thắng, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng. 32 tuổi đỗ Đệ Tam Giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Hồng Trị 2( 1589), Đời Mạc Mậu Hợp, làm quan đến chức Giám sát Ngự sử. Nhà Mạc suy, ông không chịu theo nhà Lê, cử binh chống lại.
5- Đoàn Tuấn Hòa 段 俊 和
Người xã Cự Đồng, huyện Siêu Loại, đỗ Đệ tam Giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 16 người
Bia số 47 Văn Miếu Quốc tử giám Số TT 18
Văn bia:
ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA BÍNH THÌN NIÊN HIỆU VĨNH TRỊ NĂM THỨ 1 (1676)
Đoàn Tuấn Hòa (1622-?), người xã Cự Đồng, huyện Siêu Loại (nay thuộc xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), nguyên quán xã Chi Nê, huyện Tiên Du (nay xã thuộc Tân Chi, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Hữu Thị lang Bộ Binh, tước Nam. Do quản binh không đúng luật, ông bị truất. Sau ông lại được mời ra làm quan Tự khanh, Đốc trấn Cao Bằng và tước Tử. Có tài liệu ghi ông là Nguyễn Tuấn Hòa.
6- Đoàn Quang Dung (段光容)
Bia số 58 Văn Miếu Quốc tử giám Số TT 18
VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA CANH DẦN NIÊN HIỆU VĨNH THỊNH NĂM THỨ 6 (1710)
Đoàn Quang Dung (1681-1741), người xã Phú Thị, huyện Gia Lâm (nay là xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Tp. Hà Nội). Ông làm quan Thượng thư Bộ Lễ, tước Phụ Quận công và được cử làm Phó sứ (năm 1729) sang nhà Thanh (Trung Quốc). Sau khi mất, ông được tặng hàm Thiếu bảo. Có tài liệu ghi ông sau đổi tên là Đoàn Bá Dung.
7- Đoàn Thụ (段 澍)
Bia số 70 Văn Miếu Quốc tử giám Số TT 2
VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA BÍNH DẦN NIÊN HIỆU CẢNH HƯNG NĂM THỨ 7 (1746)
Đoàn Thụ (1715-?), người xã Phù Lỗ, huyện Kim Hoa (nay thuộc xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn Tp. Hà Nội). Ông làm quan Tả Thị lang, tước Diên Trạch hầu. Có tài liệu ghi ông là Đoàn Chú.
8- Đoàn Nguyên Thục 段 阮 俶
Bia số 72 Văn Miếu Quốc tử giám Số TT 4
VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA NHÂM THÂN NIÊN HIỆU CẢNH HƯNG NĂM THỨ 13 (1752)
Đoàn Nguyễn Thục (1728-1783), người xã Hải An, huyện Quỳnh Côi (nay thuộc xã Quỳnh Nguyên, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình), nguyên quán xã Đại Hạnh, huyện Văn Giang (nay thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên). Ông giữ các chức quan như Thống lĩnh Tây đạo, Phó Đô Ngự sử, Đốc thị Nghệ An, tước Bá và được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Ông vốn họ Nguyễn, tên cũ là Đoàn Duy Tĩnh.Ông được coi là Danh thần đời Lê Hiển Tông.
9- Đoàn Nguyễn Tuấn:
Người xã Quỳnh Nguyên, huyện Quỳnh Phụ, Tỉnh Thái Bình, đỗ Tiến sĩ triều Lê Hiển Tông
Đoàn Nguyễn Tuấn (1750 -…?) có sách chép Đoàn Văn Tuấn, con cụ Đoàn Nguyễn Thục, người xã Quỳnh Nguyên, huyện Quỳnh Phụ, Tỉnh Thái Bình. Hiệu là Hải Ông. Ông đỗ Tiến sĩ Triều Lê Hiển Tông. Sau ra làm quan cho nhà Tây Sơn, đến chức Tả thị lang Bộ Lại, tước Hải Phái hầu. Sau chiến thắng Đống Đa của Nguyễn Huệ, ông được cử đi sử nhà Thanh. ông là người văn chương nổi tiếng. Em gái ông là chính thất của Đại thi hào Nguyễn Du. Ông được coi là Văn thần đời Lê Hiến Tông.
b/- Các vị đỗ Võ khoa:
1.Đoàn Bá Sướng: (段伯昶)
Số 149 danh sách 199 vị
Người xã Đồng Quan, huyện Thượng Phúc, nay thuộc huyện Thường Tín, TP. Hà Nội.
Đỗ Đồng Tạo sĩ ưu, trúng hạng khoa Bính Thân, niên hiệu Cảnh Hưng 37 (1776), đời vua Lê Hiển Tông.. Anh Đoàn Bá Trọng
2. Đoàn Bá Trọng : (段伯 仲)
Số 171 danh sách 199 vị
Người xã Đồng Quan, huyện Thượng Phúc, nay thuộc huyện Thường Tín, TP.Hà Nội.
Biền sinh hợp thức, đỗ Đồng Tạo sĩ ưu, trúng hạng khoa Tân Sửu, niên hiệu Cảnh Hưng 42 (1781), đời vua Lê Hiển Tông. Em Đoàn Bá Sướng.

  1. HỌ ĐOÀN DƯỚI TRIỀU TÂY SƠN (1778-1793)
    – Đoàn Văn Cát(?- 1799):
    Võ tướng Đoàn Văn Cát thời Tây Sơn, dày công giúp anh em Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ gây dựng đại nghiệp, ông được anh em Tây Sơn trọng vọng, trao cho chức Đô đốc.
    Năm Mậu Ngọ 1798, Nguyễn Bảo (con Nguyễn Nhạc) không tuân phục triều đình Phú Xuân, hùng cứ Quy Nhơn, sai ông và Nguyễn Văn Thiệu đi trấn giữ Phú Yên. Ông thấy tình thế Tây Sơn đã rối về nội bộ, nên chẳng làm gì được, từ đấy u uất, sinh bệnh mà mất.
    – Đoàn Tấn Chí (tức Sĩ)
    Dòng con cháu của Đoàn Loan ở lại Bình Sơn – Quảng Ngãi, sau này có Đoàn Tấn Chí (tức Sĩ) đã cùng với Đại Đô đốc Trần Quang Diệu, theo Tây Sơn – Nguyễn Huệ từ ngày đầu khởi nghĩa (1773), có công lớn tham gia đánh các trận chiếm Phú Xuân, Rạch Gầm- Xoài Mút (1784), tham gia trận đánh tan 20 vạn quân Thanh ở Thăng Long mùng 5 tết Kỷ Dậu (1789). Khi ông mất, mộ được táng tại Bình Sơn quảng Ngãi.
  2. HỌ ĐOÀN VIỆT NAM DƯỚI TRIỀU NGUYỄN THỜI KỲ ĐỘC LẬP (1802-1883) VÀ GIAI ĐOẠN: ĐẤT NƯỚC BẮT ĐẦU BỊ THỰC DÂN PHÁP ĐÔ HỘ
    – Đoàn Văn Phú(?-?)
    Ông là dòng dõi con cháu cụ Đoàn Bá Tuân ở Thừa Thiên Huế, định cư ở làng Sơn Tùng, huyện Quảng Điền. Đoàn Văn Phú từng giữ chức vụ “Thượng thư Bộ binh, Hiệp biện Đại học sĩ” triều Minh Mạng. Hậu duệ của ông Phú sau này có ông Đoàn Quang Đáng là UVBCH ĐCSVN khóa III,IV,V, Phó bí thư TW cục Miền Nam (1962-1967), mất năm 1997.
    – Đoàn Thọ (?-1871)
    (là võ quan nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam).
    Sách Đại Nam chính biên liệt truyện không cho biết quê quán của Đoàn Thọ, nhưng theo gia phả họ Đoàn, thì quê quán của Trung quân Đoàn Thọ ở thôn Phú Mỹ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Trước, ông tên là Đoàn Của, sau đổi thành Đoàn Thọ,
    Thuở trai trẻ, ông theo học trường đào tạo võ chức Anh Danh.
    Năm Thiệu Trị thứ hai (1842), làm chức Hiệp quản, theo xa giá vua ra Bắc tiếp sứ ThoonH, được thưởng một đồng ngân tiền loại lớn, sau thăng thụ Phó vệ úy Trung Bảo Nhị Vệ thuộc Trung quân.
    Năm Thiệu Trị thứ sáu (1846), tháng 5: thăng Phó vệ úy Hàm Phấn Dũng tướng quân
    Năm Thiệu Trị thứ bảy (1847), tháng 3: đổi bộ Phó vệ úy Hậu Vệ Doanh Hùng Nhuệ. Bắt đầu đổi tên là Đoàn Thọ, bổ thự Hữu Chấp Kim Ngô Vệ Kim Ngô.
    Năm Tự Đức thứ hai (1849), tháng1: Phong Anh Dũng tướng quân, giữ chức Hữu Chấp Kim Ngô ở Kim Ngô tượng ti. Sau thăng Thư chưởng vệ coi viện Thượng Tứ, sắp đặt thị vệ kiêm coi các thự, viện, đội Hòa Thanh, Thượng Thiện, Vũ Bị.
    Năm Tự Đức thứ hai (1846), tháng 1: Đặc thụ Hùng Uy tướng Quân, coi giữ ấn triện doanh Kì Vũ, vẫn quản các việc như trước, sau thăng Thự thống chế, coi giữ ấn triện Trung Quân, sung quản lãnh Thị vệ đại thần, kiêm coi viện Vũ Bị.
    Năm Tự Đức thứ mười một (1858), tháng1: Đặc thụ Nghiêm Uy tướng quân, Trung quân Đô Thống, vẫn giữ chức vụ như trước.
    Tháng 8 năm 1858, tàu quân Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng, vua Tự Đức sai ông mang tờ dụ đi khuyến khích tướng sĩ và xem xét tình thế để đề xuất việc ứng phó.
    Năm 1861, ông được bổ làm Trung quân Đô thống, sung Phòng hộ sứ cửa biển Thuận An (Huế). Hai năm sau, ông làm thự Đô thống phủ Chưởng phủ sự sung quản lĩnh Thị vệ đại thần. Cũng trong năm này, có hai sứ giả nước Tây Ban Nha và Pháp đến Huế, vua sai Trần Tiến Thành và ông đón tiếp và thương thuyết việc nước nhưng không thành công, ông bị giáng lưu.
    Năm 1864, xét thấy ông siêng năng, làm việc chu đáo, vua Tự Đức lại cho làm thự Trung quân Đô thống phủ Đô thống, Chưởng phủ sự. Lúc bấy giờ, dư đảng Thái Bình Thiên Quốc chống nhà Thanh bên Trung Quốc của Hồng Tú Toàn là Ngô Côn chạy sang Việt Nam, trước xin hàng, sau đem tàn quân cướp phá các tỉnh phía Bắc Việt Nam.
    Cuối năm 1870, Ngô Côn xua quân vây đánh tỉnh thành Bắc Ninh, quân của Ông Ích Khiêm liền đem quân chống trả, diệt được Ngô Côn. Thuộc hạ của Ngô Côn là Hoàng Sùng Anh (hiệu Cờ Vàng), Lưu Vĩnh Phúc (hiệu Cờ Đen), Bàn Văn Nhị-Lương Văn Lợi (hiệu Cờ Trắng), vẫn cứ quấy phá ở Tuyên Quang, Thái Nguyên. Triều đình bèn sai Trung quân Đoàn Thọ sung chức Bình khấu tướng quân, đem đại đội binh tượng chia làm ba đạo tiến ra đất Bắc.
    Đoàn Thọ vừa mới ra, kéo quân lên đóng ở tỉnh thành Lạng Sơn, bị “bọn giặc khách” (gọi theo sử Nguyễn) là Tô Tứ cùng Tăng Á Dã hiệp quân nổi dậy. Vua Tự Đức bèn chuẩn cho Đoàn Thọ làm Tổng thống Bắc Kỳ quân vụ.
    Tháng 10 năm Tân Mùi (1871), lúc nửa đêm, Tô Tứ bất ngờ kéo lực lượng đến đánh úp thành Lạng Sơn, giết chết Lãnh binh là Lê Văn Dã. Hốt hoảng các võ quan là Võ Trọng Bình, Đặng Toán, Văn Tường và đều bỏ chạy cả.
    Chỉ mỗi mình Ðoàn Thọ lên thành đốc tàn quân hơn 10 người cố đánh, nhưng vì thế cô, ông tự dùng tay móc lưỡi để tuẫn tiết.
    Năm Ất Hợi, Tự Đức thứ 28 (1875), tháng 3: Chuẩn cho được thờ ở đền Trung Nghĩa, Đống Đa, Hà Nội.
    – Đoàn Đình Niêu (Cửu Lãm)
    Sinh năm 1840 mất năm 1913 là Đình nguyên, Thám hoa khoa Nhã sĩ năm Ất Sửu (1865) đời vua Tự Đức, làm đến Cửu Phẩm tại Bộ, Phó chủ khảo trường Hội khoa Đinh Sửu. Cần lưu ý là trong kỳ thi Đình năm 1865 không có ai là Trạng Nguyên hay Bảng Nhãn. Do đó tuy là Thám hoa nhưng lại là người đỗ đầu trong khoa thi năm đó. Ông là người làng Phú Trạch, xã Phú Diên, huyện Quế Sơn, nay xã Quế Xuân, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.
    – Đoàn Hữu Trưng (段有徵; 1844 – 1866)
    Thường gọi Đoàn Trưng (段徵), tên trong gia phả là Đoàn Thái, tự Tử Hòa, hiệu Trước Lâm; là thủ lĩnh cuộc nổi dậy ngày 16 tháng 9 năm 1866 tại kinh thành Huế, nhằm lật đổ vua Tự Đứ Sự kiện mà sử nhà Nguyễn và người dân quen gọi là Loạn chày vôi hoặc Giặc chày vôi
    Vua Tự Đức kế ngôi giữa lúc chế độ phong kiến trên đà mục nát, kiệt quệ và cuộc sống của người dân vốn chịu nhiều tai ách đã hết sức cùng cực,thiên tai, dịch bệnh xảy ra nhiều năm liền, loạn lạc nhiều nơi, thực dân Pháp đang lấn chiếm nước Việt và nội bộ hoàng tộc cũng đang ran vỡ, phân hóa trầm trọng; Đoàn Trưng đứng về phía những người chủ chiến và những người dân bị bóc lột, bị áp bức. Ông nhận thấy cần phải thay thế Tự Đức, bằng một ông vua yêu nước tiến bộ khác, mới có thể chỉnh đốn và bảo vệ được đất nước. Người được Đoàn Trưng cùng các cộng sự lựa chọn lúc đó là Đinh Đạo (con Hồng Bảo). Cho nên ở trong Ký Thưởng viên của cha vợ một thời gian, Đoàn Trưng xin ra ngoài ở riêng, để dễ dàng mưu sự…
    Trước tiên, Đoàn Trưng cùng với Đoàn Trực, Đoàn Ái Trương Trọng Hòa, Phạm Lương (theo Đỗ Bang, Phạm Văn Sơn ghi là Phạm Lương Thành) lập ra một thi xã gọi là Đông Sơn thi tửu hội, lấy rượu thơ bề ngoài mà bàn quốc sự bên trong, để che mắt nhà cầm quyền đương thời. Sau, Hội chiêu nạp thêm một số quan lại, binh lính và sư sãi, như Tôn Thất Cúc (hữu quân), Tôn Thất Giác (vệ úy), Bùi Văn Liệu (suất đội), Lê Văn Tề (lính vũ lâm), Nguyễn Văn Quí (nhà sư trụ trì chùa Long Quang, có chùa riêng là Pháp Vân, tức chùa Khoai, gần công trường Vạn Niên), Nguyễn Văn Viên (nhà sư),…
    Và lực lượng chính của cuộc nổi dậy là khoảng ba ngàn binh lính, phu thợ bị cưỡng bức lao động, đang bất mãn vì phải làm lụng khổ sở để xây lăng cho vua.
    Tháng 9 năm Bính Dần (1866), Đoàn Hữu Trưng bàn với mẹ và vợ Đinh Đạo xin lập đàn chay cho Hồng Bảo, để có cớ tập hợp lực lượng. Buổi lễ cúng kéo dài đến ngày thứ ba, khoảng 3 giờ sáng ngày 16 tháng 9 năm 1866
    Đoàn Hữu Trưng dẫn đầu đoàn quân khởi nghĩa kéo sang công sở Vạn Niên. Đoàn Hữu Trưng tự xưng là tham tri bộ Công, ngồi trên chiếc võng điều có lọng che và lính hầu quạt theo lệnh vua để khám xét công trường. Bắt hai tên đốc công cay nghiệt là Nguyễn Văn Chất và Nguyễn Văn Xa, điều về kinh trị tội. Còn các binh phu hễ ai đang cầm chày giã vôi trong tay thì được đổi phiên về nghỉ. Binh phu nghe nói cả mừng đổ xô vào bắt thống chế Xa, trói lại rồi vác chày vôi theo Trưng tiến về phía kinh thành…
    Riêng biện lý Chất, ngẫu nhiên đêm hôm ấy lén về thành nên thoát nạn…
    Tờ mờ sáng, nhờ Tôn Thất Cúc mở cửa, nên đoàn quân nổi dậy nhanh chóng tiến vào Đại cung. Sau khi chém bị thương vệ úy Nguyễn Thịnh và chỉ huy sứ Phạm Viết Trang, quân nổi dậy tiến vào điện Cần Chánh. Đoàn Trưng còn đang tìm cửa Tấu Môn thì chưởng vệ long võ quân Hồ Oai xuất hiện. Thấy quân nổi dậy đông quá, Hồ Oai hoảng sợ chạy lui về cửa Càn Thành, nơi vua đang ngủ. Đoàn Trưng nhanh chóng đuổi theo rồi lia gươm qua khe cửa, chém mất tai phải của Hồ Oai, nhưng Hồ Oai vẫn ghì chặt cửa nên Đoàn Trưng không vào được.
    Bắt không được vua, Đoàn Hữu Trưng cho tập trung quân tại sân Điện Thái Hoà (hoàng thành Huế), sai Đoàn Tư Trực đến khám đường rước Đinh Đạo về tấn phong, vì thế Hồ Oai đã kịp thời dẫn quân đến phản công. Hai bên đánh nhau một hồi rút cuộc anh em Trưng đều bị bắt sống…
    Cuộc nổi dậy thất bại, ba anh em Đoàn Trưng, Đoàn Trực, Đoàn Ái bị xử lăng trì. Đoàn Thi bị án tử hình. Đoàn Khóa mất tích, Đoàn Hào chết, Đoàn Thị Châu bị kết án tù đày 20 năm sau mới về… Cả họ Đoàn bị đổi sang họ Đoạn, con cháu phải lưu tán, không được thi cử…
    Vua Tự Đức cho tịch thu gia sản của Đoàn Trưng, chỉ để lại một phần nhỏ cho bà mẹ, vì bà đã lớn tuổi lại bị mù. Thể Cúc, vợ Đoàn Trưng, nhờ khi trước ngày khởi sự, bà đã bị “đuổi” về nhà bố mẹ ruột vì tội “bất kính với mẹ chồng” nên được miễn nghị, nhưng buộc cải sang họ mẹ (họ Tống) và phải đi tu…
    Đoàn Hữu Trưng và Thể Cúc có một đứa con trai tên là Ngáo. Vì quá nhỏ nên Ngáo chưa bị xử, đưa cho người bà con đang ở rể trong phủ Tuy Lý vương nuôi. Khoảng 13 tuổi, Ngáo bỗng dưng mất tích.
    Cả gia đình Hồng Bảo gồm 8 người là Đinh Đạo (Ưng Đạo), Đinh Tự, Đinh Chuyên, Đinh Tương (đều là con Hồng Bảo), Thị Thụy (vợ Hồng Bảo, mẹ Đinh Đạo) và hai đứa con Đinh Đạo (một trai, một gái) đều bị xử giảo (treo cổ).
    Và cũng do sự việc này, vua Tự Đức phải đổi tên Vạn niên cơ thành Khiêm Cung và viết bài biểu trần tình dài để biện bạch, trong đó có câu: dân chúng nhất thời dại dột mà nghe theo chứ không thật tình thù oán triều đình.
    Tính ra, khi Đoàn Hữu Trưng bị giết (Bính Dần [1866]), ông mới 22 tuổi.
    Hiện nay ở phường An Phú, quận 2, thành phố Hồ Chí Minh và phường Phước Vĩnh, thành phố Huế đều có con đường mang tên Đoàn Hữu Trưng.
    – Đoàn Minh Huyên- Tu sĩ (1807- 1856)
    Quê quán xã Mỹ An Hưng A – huyện Lấp Vò – tỉnh Đồng Tháp (tổng An Thạnh Thượng – huyện Vĩnh An – tỉnh An Giang)
    Tên khác Đức Phật thầy Tây An, Giác Linh.
    Đoàn Minh Huyên là tu sĩ, người được nhân dân vùng An Giang đương thời gọi là Đức Phật thầy Tây An, đạo hiệu là Giác Linh, quê thôn Tòng Sơn, Cái Tàu Thượng, tổng An Thạnh Thượng, huyện Vĩnh An, tỉnh An Giang (nay thuộc xã Mỹ An Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp).
    Năm Kỷ Dậu (1819), vào mùa thu, bệnh thời khí nhiễu hại dân chúng Hậu Giang. Ông từ Tòng Sơn vào Tràm Dư, rồi đến vùng Kiến Thạnh (nay là làng Long Kiến, tỉnh An Giang) giúp đỡ dân chúng. Tín đồ ông đều được phát một tông phái ghi 4 chữ “Bửu Sơn Kỳ hương”.
    Nhiều lúc ông bị nhà cầm quyền An Giang bắt giữ vì nghi ngờ ông hoạt động chính trị, nhưng xét không bằng cớ, phải trả tự do cho ông.
    Khoảng năm 1849-1856, ông đến các phần đất phía tây Thất Sơn và Láng Linh, dựng chùa, lập trại ruộng và luôn luôn vân du khắp vùng Vĩnh Long – An Giang.
    Trại ruộng ở Thới Sơn, ông đặt danh hiệu là “Bửu hương các” có nhiều người đến tu học.
    Ông mất vào ngày 12-8 năm Bính Thìn (1856) tại chùa Tây An ở núi Sam, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang. Mộ và đền thờ ông hiện còn tại chân núi Sam Tòng Sơn, nơi phát tích đạo Bửu Sơn kỳ hương. Tuy là một tu sĩ, nhưng Đoàn Minh Huyên còn là một nhà yêu nước, nhà dinh điền lớn có công khai hoang miền đất Hậu Giang.
    – Đoàn Văn Trường (? – ?) Danh thần
    Danh thần Đoàn Văn Trường, đời Gia Long, không rõ năm sinh, năm mất, quê huyện Đông Xuyên (nay là thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang).
    Ông có võ nghệ cao cường, theo Nguyễn Ánh, lãnh chức Khâm sai Cai cơ, ông cùng tổng nhung Nguyễn Khoa Thuyên và tiên phong Nguyễn Văn Thành lập nhiều công trạng trong cuộc chiến với Tây Sơn.
    Sang đời Minh Mạng, năm Tân Mão (1831), ông làm Tổng đốc Trị Bình, năm sau đổi làm Tổng đốc Thanh Hoá, rồi thăng Thự Tả quân Đô thống Chưởng phủ sự, nhưng lãnh Tổng đốc Hà Ninh, gia hàm Thái tử Thiếu Bảo.
    Khi mất, được truy tặng Đô thống chế.
    – Đoàn Chí Tuân (1855-1897),
    (hiệu là Bạch Xĩ)
    Hay còn gọi là Đoàn Đức Mậu, hiệu là Bạch Xĩ, là nhà thơ và là thủ lĩnh một cuộc khởi nghĩa trong phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ 19 tại Việt Nam. Ông đã từng xưng danh hiệu Hoàng đế, để kế tục vua Hàm Nghi chống Pháp, nhưng không nhận được sự ủng hộ rộng rãi và cuối cùng thất bại.
    Đoàn Chí Tuân sinh tại làng Hòa Ninh, nay thuộc xã Quảng Hòa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, trong một gia đình có truyền thống Nho học. Tổ 4 đời của Bạch Xĩ là Đoàn Chí Nguyện từng tham gia giúp nhà Tây Sơn và dự trận Ngọc Hồi-Đống Đa.
    Cha Bạch Xĩ là Đoàn Chí Thông, còn được gọi là cụ Hương Thân, là người có chí hướng chống Pháp. Từ khi người Pháp vào đánh Việt Nam, Đoàn Chí Thông thường tập hợp người làng tại nhà bàn việc nước.
    Bạch Xĩ thông minh từ nhỏ, nổi tiếng là thần đồng. Năm lên 5 tuổi (1860), ông được cha cho đi học. Chỉ sau một thời gian, ông Tú Nguyễn trong làng đã khâm phục chí thông minh của Chí Tuân. Năm 6 tuổi (1861), ông được cha cho theo học thày quan biện họ Trần ở làng Thọ Linh. Sau 1 năm, thày không dám dạy Chí Tuân nữa vì trò Tuân “đã học hết chữ của thày”. Sau này ông còn theo học vài danh Nho nữa và đến năm lên 10 tuổi thì tự học ở nhà.
    Năm 12 tuổi (1867), Đoàn Chí Tuân đọc được nhiều sách của Trung Quốc, Nhật Bản. Dù còn ít tuổi, Bạch Xĩ đã thông hiểu lịch sử Trung Quốc, việc đất nước bị người Hoa đô hộ và công trạng của những người chống xâm lược của Việt Nam. Tài năng văn thơ của ông nổi danh khắp vùng khiến vua Tự Đức nghe tiếng, sai Tùng Thiện vương đến tận nơi xem có phải là lời đồn ngoa. Sau đó Tùng Thiện Vương về tâu lại rằng lời đồn đại về Đoàn Chí Tuân là đúng. Tự Đức lo ngại và cho rằng phải đề phòng sau này ông lớn lên “sẽ làm giặc”.
    Năm 1873, quân Pháp tấn công Bắc Kỳ, các phong trào chống Pháp nổ ra, từ đó tư tưởng chống Pháp của ông hình thành rõ rệt. Ông đi nhiều nơi, tìm kết giao với những người cùng tư tưởng chống Pháp, đến cả những vùng người Lào, người Mường. Đối với những hòa ước của nhà Nguyễn, Đoàn Chí Tuân tỏ ra bất mãn không đồng tình, vì vậy dù có tài nhưng ông quyết định không bao giờ đi thi, bởi ông cho rằng vua đã bán nước thì đi thi làm quan với ai? Ông bỏ bút sách và đi học võ mưu cứu nước.
    Năm 1885, kinh thành Huế thất thủ, Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi chạy ra ngoài, phát chiếu Cần Vương. Bạch Xĩ ra đón xa giá vua Hàm Nghi để xin theo giúp, nhưng Tôn Thất Thuyết không trọng dụng ông, vì vậy ông trở về quê tổ chức quân đội chống Pháp.
    Trong vòng 2 tháng, Bạch Xĩ tập hợp được một đội quân gồm 490 người, chủ yếu là người Hòa Ninh, còn lại là những người xã lân cận như Minh Lệ, Vĩnh Lộc, La Hà, Vĩnh Phúc. Trong thành phần đội quân này có cả người theo Công giáo và lính cũ của triều đình. Vũ khí trong quân, ngoài súng còn có cung nỏ, giáo mác, đoản đao.
    Vì Hòa Ninh không có địa bàn hiểm trở để tổ chức căn cứ nên sau một thời gian huấn luyện quân, Bạch Xĩ phải chia quân ra làm 3 nhóm đi về 3 hướng đánh địch.
    Nguyễn Hưng Vương dẫn 130 người đi nhập vào với nghĩa binh Cao Thượng Trí hoạt động ở Xuân Mai. Đinh Hán dẫn 120 người lên nhập với quân của Mai Lượng ở Cao Mại.
    Bạch Xĩ cùng Nguyễn Ngọc Hiền mang số quân còn lại lên nhập vào quân của Hoàng Phúc ở Vạn Xuân (Nam Quảng Bình).
    Tại Vạn Xuân, Bạch Xĩ làm mưu sĩ phụ tá cho Hoàng Phúc, số quân của ông được nhập cùng đạo quân của Đề Phú. Từ năm 1885 đến 1888, 3 cánh quân Hoàng Phúc, Mai Lượng và Cao Thượng Trí đã hoạt động khá mạnh.
    Vì sự chống đối của các cánh quân này, Đồng Khánh đi Bắc tuần từ Quảng Trị ra Đồng Hới mất 23 ngày (27/7 – 19/8) mới đến nơi. Tại đây Đồng Khánh đã kêu gọi quân nổi dậy ra đầu thú và treo giải cho ai bắt được các thủ lĩnh, trong đó có Bạch Xĩ, nhưng không kết quả. Sau 10 ngày, Đồng Khánh phải bỏ dở chuyến Bắc tuần trở về Huế.
    Cuối năm 1888, vua Hàm Nghi bị bắt, các cánh quân Quảng Bình tan rã. Các thủ lĩnh còn lại đều thoái chí: Tôn Thất Đàm tự sát, Lê Trực đi ẩn dật, Cao Thượng Chí, Mai Lượng, Đề Phú và Đề Én đều trốn tránh về quê làm ăn. Chỉ còn lại Bạch Xĩ và cánh quân Hòa Ninh quyết tâm đánh Pháp đến cùng. Ông mang quân trở về Hòa Ninh, tập hợp thêm lực lượng, sau đó tiến ra Hà Tĩnh hoạt động.
    Bạch Xĩ tìm đến Hương Khê theo Phan Đình Phùng và được thu nạp. Cánh quân của ông nhập vào với quân Hương Khê, còn Đoàn Chí Tuân trở thành một tướng bên cạnh Cao Thắng, Nguyễn Chánh và 10 tướng khác trong bản doanh của Phan Đình Phùng.
    Vua Hàm Nghi bị đi đày, Đoàn Chí Tuân kiến nghị với Phan Đình Phùng nên tôn một vị vua mới lên lãnh đạo phong trào chống Pháp, tập hợp liên kết nhân dân các thành phần theo Lương và Công giáo cùng đánh Pháp. Tuy nhiên, Phan Đình Phùng và các tướng lĩnh Hương Khê đều không tán thành ý kiến của ông, thậm chí tỏ ra nghi ngờ lòng trung thành của ông. Bạch Xĩ thất vọng bèn bí mật rút cánh quân Hòa Ninh ra khỏi quân Hương Khê đi chiến đấu độc lập.
    Bạch Xĩ mang quân về Đại Hàm xây dựng căn cứ. Ông cho rằng tầng lớp sĩ phu yêu nước muốn tôn vua đánh giặc, do đó nhất định phải có một vị vua tập hợp nhân dân chống Pháp. Để kế tục vua Hàm Nghi đánh Pháp, ông tự mình lên ngôi hoàng đế, tự xưng niên hiệu là Long Đức, lập ra triều nghi, cắt đặt 28 thủ hạ làm 28 triều thần rồi truyền hịch kêu gọi nhân dân theo Lương và Công giáo cùng nhau đứng lên chống Pháp.
    Để tận dụng lòng tin của dân, Đoàn Chí Tuân tuyên truyền phép thuật, rằng đội quân của ông có thể dùng bùa hộ mệnh, phép tàng hình để tránh giặc và thần thông biến hóa khi ra trận để thắng giặc; dùng phép “nhâm, cầm, độn” để phán đoán tình hình… Ông đã tập hợp thêm được một số nhân dân vùng Hương Khê, Hương Sơn, La Sơn và cả từ Quảng Bình ra hưởng ứng. Ông và tổ chức chiến đấu trên cùng chiến trường với quân Phan Đình Phùng.
    Lực lượng quân Bạch Xĩ lúc đông nhất có 600 người. Ông chia thành 4 vệ: tiền, hậu, tả, hữu có chính vệ và phó vệ quân.
    Ngoài những trận đánh nhỏ, đội quân của Long Đức hoàng đế có những trận thắng địch đáng kể.
    Ngày 15 tháng 1 năm 1891, quân Pháp tiến hành cuộc càn quét lớn kéo dài 15 ngày vào Hương Khê. Bạch Xĩ cho quân phục ở tả ngạn sông Ngàn Sâu, chỗ bến đò Thanh Luyện bất ngờ đổ ra đánh khiến quân địch bị thiệt hại khá nhiều, đồng thời thu được 9 súng trước khi rút lui an toàn.
    Ngày 4 tháng 3 năm 1891, nhân ngày phiên chợ. Bạch Xĩ được một đội lính khố xanh làm nội ứng kéo quân Pháp ra chợ ăn uống. Nhân lúc đồn địch còn lại ít người, ông cho quân tập kích chớp nhoáng cướp được 11 khẩu súng.
    Sau trận này, quân Bạch Xĩ ra sức khuếch trương thắng lợi, đề cao thủ thuật biến hóa, pháp thuật cao cường. Nhiều người nghe nói như vậy đều rất khâm phục Bạch Xĩ, tin rằng ông có phép thuật thật.
    Bên cánh quân Hương Khê cũng có nhiều người bàn tán về tài năng của ông. Vì vậy Phan Đình Phùng không bằng lòng, kết tội ông tự ý xưng vua, bắt tay với Công giáo là phản nghịch, lại dùng bùa phép mê hoặc lòng người. Do đó Phan Đình Phùng quyết định cử người đi bắt giết ông. Bạch Xĩ biết được ý định đó, ông cho rằng chỉ vì hai người không cùng quan điểm. Để tránh đổ máu giữa hai cánh quân, ông kéo các thủ hạ rút khỏi Đại Hàm, không tỏ ý thù oán Phan Đình Phùng. Vì vậy ý định của Phan Đình Phùng không thực hiện được.
    Giữa tháng 5 năm 1892, Bạch Xĩ mai phục một đoàn tiếp tế vận lương từ Minh Cầm lên Hương Khê. Khi quân địch lọt vào ổ phục kích ở tả ngạn Ngàn Sâu, quân Bạch Xĩ dùng súng và cung nỏ bắn ra. Quân địch bị thương vong gần hết, Bạch Xĩ thu được 9 súng, 15 hòm đạn và 9 gánh quân lương.
    Sau đó quân Bạch Xĩ còn giành được một số thắng lợi nữa vào tháng 1 và tháng 8 năm 1893 và tháng 6 năm 1894.
    Cuối năm 1895, Phan Đình Phùng lâm bệnh mất, quân Pháp tổ chức càn quét lớn để bắt nốt các tướng lĩnh Hương Khê. Bạch Xĩ cùng các tướng lĩnh tích cực chống trả nhằm đỡ đòn cho lực lượng còn lại của quân Hương Khê. Tháng 3 năm 1896, ông tổ chức tấn công vào đồn Trì Bản, dùng hầm chông bẫy địch khi rút lui và giết được một số quân đuổi theo.
    Cuối tháng 5 năm 1896, các tướng lĩnh cuối cùng của quân Hương Khê bị bắt, tại Hà Tĩnh chỉ còn lực lượng chống Pháp của Bạch Xĩ. Quân Pháp được sự hỗ trợ của trưởng đồn Linh Cảm người Việt vốn thông thạo địa hình nên tiến sâu vào Đại Hàm, núi Quạt và Chúc A. Đội quân của Đoàn Chí Tuân bị bệnh sốt rét hoành hành, trong đó có cả ông và phụ tá Nguyễn Ngọc Hiền. Chính vì vậy, quân dưới quyền ông không có ai chỉ huy tổ chức chiến đấu. Hoạt động của quân Bạch Xĩ yếu hẳn đi, phải rút vào rừng sâu; một số người lần trốn trong dân nhưng bị bắt; cùng lúc đó Phó vệ Hoàng Hiểu cùng 11 người Công giáo ra hàng.
    Chính vệ Nguyễn Ngọc Hiền cố gượng dậy tổ chức chống càn, đánh thắng một trận ở làng Hòa Duyệt tại hữu ngạn sông Ngàn Sâu vào tháng 9 năm 1896, diệt 17 lính khố xanh và thu 4 súng. Đây là thắng lợi cuối cùng của cánh quân Bạch Xĩ.
    Được một số người Việt chỉ điểm, quân Pháp tập trung 430 người nửa đêm kéo đến bao vây 2 làng Trung Định và Đại Hoàng ở trước mặt núi Đại Hàm. Rạng sáng ngày 12 tháng 10 năm 1896, Đoàn Chí Tuân bị bắt khi đang bị sốt rét nặng, nằm trong nhà một người dân ở làng Trung Định. Trong các thủ hạ của ông, 60 người bị bắt, 27 người bị bắn chết cùng 3 dân làng.
    Quân Pháp trói Đoàn Chí Tuân khiêng về Vinh và giam tại nhà lao Vinh. Người Pháp tìm cách dụ hàng ông nhưng ông từ chối. Sau đó người Pháp sai Hồ Lệ là người quen cũ của ông đi thuyết phục ông đầu hàng.
    Hồ Lệ làm câu thơ tỏ ý thương xót ông:
    Thương người răng trắng gặp hồi đen
    Đoàn Chí Tuân bèn đáp lại:
    Đau kẻ lòng son ôm máu đỏ
    Không thể thuyết phục được ông, người Pháp dùng đòn tra tấn nhưng ông vẫn không chịu khuất phục. Cuối cùng, ông đã qua đời trong nhà lao vào cuối năm 1897. Năm đó ông 42 tuổi. Ban đầu người Pháp muốn giấu việc này, nhưng sau đó sang đầu năm 1898 mới công bố ông đã chết cuối năm 1897, nhưng không nêu rõ ngày tháng.
    Sau khi ông mất, phụ tá Nguyễn Ngọc Hiền tập hợp số quân còn lại, tuyên bố giải tán quân sĩ, chia những quân trang vật dụng còn lại, khuyên mọi người về quê làm ăn, chờ thời cơ có thủ lĩnh chống Pháp khác.
    Đoàn Chí Tuân làm khá nhiều thơ, chủ yếu góp phần động viên, cổ vũ quần chúng chống Pháp và chống chủ trương thỏa hiệp của nhà Nguyễn. Không chỉ sáng tác trong thời trẻ, suốt quá trình chiến đấu, ông vẫn liên tục làm thơ, phú, viết câu đối…
    Thơ văn Đoàn Chí Tuân viết cả bằng chữ Hán và chữ Nôm. Nhiều tác phẩm đã bị người Pháp truy tìm và tiêu hủy. Sau đó, một số người thu thập và sưu tầm lại thơ văn của ông, đến nay còn lại:
    7 bài thơ Đường bằng chữ Nôm: Bới khoai, Quét nhà, Rang bắp, Không lấy vợ, Đi Lào Mường, Thanh kiếm và Tự xưng ngôi.
    2 bài thơ Đường chữ Hán: Tự thuật và Tặng Phan Đình Phùng
    2 bài phú Nôm theo thể ca trù: Chí nam nhi và Tế thế yên dân
    Một bài phú chữ Hán theo thể hịch: Hịch kêu gọi đánh giặc
    Thơ Đoàn Chí Tuân toát lên lòng yêu nước, dù mô tả những việc làm thông thường trong cuộc sống nhưng luôn bày tỏ tư tưởng chống xâm lược. Đó là những trường hợp bài thơ Bới khoai và Quét nhà – được lựa chọn vào Hợp tuyển thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ 19 của Phi Bằng.
    • Các Nhà Khoa bảng thời kỳ này có:
    a/- Đỗ Tiến sĩ có 01 người:
    1 Đoàn Văn Bình 1846 Hạ Lang, Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế
    Ông là người Hạ Lang, Huyện Quảng Điền, Tỉnh Thừa Thiên Huế, nay là thôn Hạ Lang, xã Quảng Phú, Huyện Quảng Điền. Ông còn có tên Đoàn Văn Hội, năm 25 tuổi đỗ Phó bảng Ân khoa, khóa Mậu Thân, niên hiệu Tự Đức (1848), làm quan đến chức Hiệp biện Đại học sĩ, Thái tử Thiếu bảo lĩnh Lại bị Thuợng thu.
    b/- Các vị đỗ Cử nhân: 54 người
    1.Đoàn Xuân Sảng:
    Người xã Chân Nguyên, huyện Nam Chân, khoa thi năm Quý Dậu (1813), ở trường Sơn Nam, đỗ 14/28 người. Sau làm quan Đốc học.
    2.Đoàn Trọng Quýnh:
    Người thôn Trung Hoà, huyện Bình Dương, thi khoa thi năm Quý Dậu (1813), tại trường Gia Định, đỗ thứ 4/8 người.
    3.Đoàn Bá Trinh:
    Người xã Ôn Xá, huyện Văn Giang, Thi khoa năm Kỷ Mão, Gia Long thứ 18 (1819) tại trường Trực Lệ, đỗ thứ 2/17 người, làm quan Tư nghiệp.
    4.Đoàn Thế Trạch:
    Người xã Phủ Lỗ, huyện Kim Anh, thi khoa thi năm Tân Tỵ, Minh Mạng thứ 2 (1621), tại trường Thăng Long, đỗ thứ 15/23 người.

5.Đoàn Khiêm Quang:
Người thôn An Thành, huyện Bình Dương, đi thi khoa thi năm Tân Tỵ, Minh Mạng thứ 2 (1821), tại trường Gia Định, đỗ 7/16 người, làm quan Tham tri Bộ Hình.
6.Đoàn Mậu:
(cha con cùng thi đậu),
Người xã Hải Yến, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên, thi khoa Mậu Tý, Minh Mạng thứ 9 (1828), tại trường thi Nam Định, đỗ 25/30 người, làm Tri phủ, sau miễn nhiệm.
7. Đoàn Văn Phương:
Người xã Vĩ Bạc, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa, thi khoa Mậu Tý, Minh Mạng thứ 9 (1828) tại trường Thanh Hóa, đỗ thứ 6/11 người. Sau ra làm Tri huyện.
8.Đoàn Huy Tú:
Người xã Phương Duy, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, thi khoa thi Mậu Tý, Minh Mạng thứ 9 (1829 ) tại trường Thanh Hoá, đỗ 6/11 người, sau ra làm tri huyện.
9.Đoàn Danh Dương:
Người xã Quang Thiềm, huyện La Sơn, Hà Tĩnh, thi khoa Tân Mão, Minh Mạng thứ 12 (1831), tại trường Nghệ An, đỗ 11/18 người, có tiếng giỏi , được thăng Án sát Vĩnh Long, bị bệnh về nghỉ.

10.Đoàn Trọng Huyên:
(cha con cùng thi đậu),
Người xã Hữu Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội, thi khoa năm Tân Mão, Minh Mạng thứ 12 (1831) tại trường Nam Định, đỗ thứ 2/31 người. Làm quan đến chức Thị giảng học sĩ, Đốc học Bắc Ninh. Ông là một trong những tác gia văn học của Thăng Long – Hà Nội thế kỷ 19- 20.
Đoàn Huyên (1808-1885), theo Ứng Khê thi văn tập, lúc nhỏ tên là Bàng, sau lớn lên đổi là Trọng Huyên, tự là Xuân Thiều, sau đổi là Phúc Hoà, biệt hiệu Ứng Khê. Về sau “do lệ của triều đình ấn định rằng, phàm tên người là quan viên mà có dùng bộ “nhân” và bộ “nhật” thì đều phải đổi cả, vì thế mới đổi và bỏ bớt chữ Trọng đi, gọi là Đoàn Huyên, còn tự và hiệu thì vẫn giữ như cũ”. Ông người thôn Chu Xá, xã Hữu Thanh Oai, phủ Ứng Hoà, tỉnh Hà Nội (nay là xã Hữu Châu, Tả Thanh Oai, tỉnh Hà Tây). Ông đỗ Cử nhân ưu hạng Đệ nhị danh năm Tân Mão niên hiệu Minh Mệnh thứ 12 (1831). Năm Ất Mùi, niên hiệu Minh Mệnh thứ 16 (1835) ông được gọi vào kinh đô Huế giữ chức Hành tẩu Bộ Binh. Năm Mậu Tuất, niên hiệu Minh Mệnh thứ 19 (1838), ông được cử giữ chức Tri huyện huyện Hưng Nhân, Thái Bình. Năm 1841, ông đổi làm quyền Tri phủ phủ Tiên Hưng rồi lại chuyển vào Huế làm Chủ sự Bộ Lễ. Ông làm quan được 12 năm, vốn tính ngay thẳng, thật thà, thanh liêm chính trực trước thói đời đen bạc, quan trường nhiễu nhương, ông thấy không thể tiếp tục con đường quan nghiệp. Ông liền dâng sớ xin về nghỉ tại quê nhà, dồn công sức cho nghề dạy học, làm thơ và viết sách. Ông dạy ở khá nhiều nơi và nổi tiếng là người đào tạo giỏi. Vì vậy đến năm Tự Đức thứ 20 (1867) ông lại được tiến cử giữ chức Đốc học Bắc Ninh. 10 năm làm Đốc học, ông để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp về một ngài Đốc học thanh liêm chính trực, tận tuỵ với nghề nghiệp. Cũng theo Ứng Khê niên phả, Bố chánh Hoàng Diệu, sau là Tổng đốc Hoàng Diệu từng nói với sĩ phu tỉnh Bắc: “Hàng đốc học ít có người như vậy”.
Tác phẩm của Đoàn Huyên gồm có: Ứng Khê thi văn tập; Khâm định tiễu bình phỉ khấu phương lược (cùng tham gia biên soạn với nhiều người khác nữa); trong đó, tác phẩm đầu rất đáng chú ý.
Ứng Khê văn tập là một sưu tập thơ văn chữ Hán, chữ Nôm do Đoàn Huyên sáng tác, con trai là Đoàn Triển sưu tầm biên soạn năm Ất Tỵ, niên hiệu Thành Thái thứ 17 (1905). Tại kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm, sách mang các ký hiệu A.288/1-2 và VHv.2662. A.288/1-2 khổ 30x20cm, bìa màu vàng, chữ viết chân phương. Sách dày khoảng 600 trang. VHv.2662 khổ 29,5x17cm, 104 trang.
Theo lời tựa cuốn Ứng Khê thi văn tập, sách gồm 21 quyển, chia ra thành các môn loại như: Học vấn (có Độc dịch lược sao, Độc thư chất nghi); Cử tử (có Thục đường nghĩ soạn, Thi kinh sách lược); Thù ứng (có Liên thi tự ký cùng với các phần Niên biểu hành trạng, Gia lễ, Ấp văn tặng ngôn, tùy bút phiến văn,…). Tất cả được đính thành 10 tập; sau đóng thành 3 tập, lấy tên là Ứng Khê thi văn tập. Sách của thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm chỉ có 2 tập, thiếu tập 3 phần Văn sách. Được sự giúp đỡ của chi họ Hữu Thanh Oai, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy phần đang còn thiếu này ở một cuốn sách dày 140 trang khổ 26×16,5cm, chữ viết chân phương. Sách bị mối xông khá nhiều, nhưng vẫn còn đọc được về cơ bản.
Bản A.288/1 gồm 6 mục: 1- Lời tựa (do con trai Đoàn Triển viết); 2- Thân tân tặng ngôn; 3- Niên biểu; 4- Đối liên; 5- Thi tập; 6- Thân tân tặng ngôn.
Mục 6: Thân tân tặng ngôn (từ tr.1 đến tr.57, phần cuối sách) sao chép lại toàn bộ mục 2: Thân tân tặng ngôn và sao chép thêm:
– Bài viết mừng thọ của con cháu (trai gái, dâu rể) chúc thọ nhân lễ mừng thọ Đoàn Huyên 70 tuổi.
– Sưu tập mừng thọ nhân hai cha con Đoàn Huyên và con trưởng (Đoàn Bưu) cùng được vua ban sắc năm Nhâm Thân (1872).
Bản A.288/2 trong mục Đối liên, sao chép lại phần Đối liên của cuốn A.288/1 và có chép thêm:
– Đề vịnh liên loại.
– Văn liên loại. Mục Thi tập, chép lại toàn bộ phần Thi tập của cuốn A.288/1 và có chép thêm:
– Mục lục thi tập.
Bản VHv.2662 chép các mục Đối liên, Niên biểu và Thi tập.
Thơ văn là phần chủ yếu trong sáng tác của Đoàn Huyên.
11.Đoàn Văn Hoán:
Người xã Nam Phố, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Ông dự thi năm Quỹ Mão, Thiệu trị thứ 3 (1843), tại trường thi Thừa Thiên, đỗ thứ 22/39 người. Làm quan tới chức Bố chánh.

12.Đoàn Công Nhẫm:
Người xã Vi Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Tây (nay là Hà Nội). Đi thi khoa Quý Mão, Thiệu trị thứ 3 (1848), tại trường Hà Nội, đỗ thứ 7/21 người.
13.Đoàn Văn Bình:
Người xã Hạ Lang, huyện Quảng Điền. Ông là người đỗ đầu khoa thi Bính Ngọ, Thiệu Trị thứ 6 (1846), tại trường Thừa Thiên có 46 người đỗ. Năm Mậu Thân (1848), ông đỗ Phó bảng, sau làm Hiệp tá Đại học sĩ, Thượng thư bộ Lại, gia hàm Thái tử Thiếu bảo, sung Cơ mật viện Đại thần.
14.Đoàn Duy Trinh:
Người xã Nhơn Hòa, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Đỗ thứ 34/46 người tại trường Thừa Thiên, khoa thi năm Bính Ngọ, Thiệu trị thứ 6 (1846). Làm Giáo thụ, sau cáo về.
15.Đoàn Khắc Nhượng:
(anh em họ với ông Trinh)
Người xã Nhơn Hòa, huyện Bình Sơn, đỗ thứ 40/46 người, tại trường Thừa Thiên, khoa thi năm Bính Ngọ, Thiệu trị thứ 6 (1846), làm Tuần phủ Nam Ngãi, là người có tiếng liêm khiết.
16.Đoàn Duy Thục:
Người xã Mai Dịch, huyện Từ Liêm. Đỗ thứ 4/26 người tại trường thi Hà Nội, khoa thi năm Đinh Mùi (1849), Thiệu Trị thứ 7. Sau được bổ làm Tri huyện.

17.Đoàn Hy:
Người xã Vân Chàng, huyện Nam Chân, tỉnh Nam Định. Đỗ Thủ khoa tai trường thi Nam Định. Lấy đỗ 27 người khoa thi năm Mậu Thân, Tự Đức thứ 1 (1848). Được bổ chức Giáo thụ.
18.Đoàn Đức Mậu:
Người xã Đông Công, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Đỗ thứ 20/24 người tại trường Nghệ An, khoa thi Canh Tuất, Tự Đức thứ 3 (1850).
19.Đoàn Kim Dao:
(sau đổi là Đoàn Dao),
Người xã U Đàm, huyện Phong Điền. Cha là Đoàn Cùng đỗ cử nhân. Ông đỗ thứ 20/22 người tại trường thi Thừa Thiên, khoa Nhâm Tý, Tự Đức thứ 5 (1852). Được bổ làm Án sát, sau bị cách chức, được phục dụng rồi thăng Bố Chánh Quảng Ngãi.
20.Đoàn Thuật:
Người xã Vân Chàng, huyện Nam Chân, Nam Định. Đỗ thứ 6/20 người tại trường Nam Định, khoa thi Nhâm Tý, Tự Đức thứ 5 (1852).
21.Đoàn Ngọc ái:
Người xã Hải Yến, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, đỗ thứ 10/20 người tại trường Nam Định, khoa thi năm Mậu Tý, Tự Đức thứ 5 (1852).

22.Đoàn Văn Diệu:
Người xã Cửu An, huyện Đồng Xuân, Phú Yên, đỗ thứ 9/10 người tại trường thi Bình Định, khoa thi năm Ất Mão, Tự Đức thứ 8 (1855).
23.Đoàn Tảo:
Người xã Hải Yến, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên (em Đoàn Ngọc Ái), đỗ thứ 22/22 người tại trường thi Nam Định, khoa thi năm Mậu Ngọ, Tự Đức thứ 11 (1858). Được bổ làm Tri phủ Lâm Thao. Sau bị cách chức.
24.Đoàn Tấn Thiện:
Thôn Mỹ Đông Hiếu, tỉnh Kiến Đăng, đỗ thứ 3/9 người tại trường Gia Định, khoa thi năm Mậu Ngọ, Tự Đức thứ 11 (1858)
25.Đoàn Đảng:
Người xã Hải Yến, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, đỗ thứ 21/22 người tại trường thi Nam Định, khoa thi năm Mậu Thìn, Tự Đức thứ 21 (1868).
26.Đoàn Như Bích:
Người xã Đậu Kinh, huyện Đăng Sương, Quảng Trị, đỗ thứ 11/29 người tại trường thi Thừa Thiên, năm Canh Ngọ, Tự Đức thứ 23 (1870). Được bổ làm Giám sát Ngự sử nội vụ.
27.Đoàn Bưu:
Người xã Hữu Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội, thi khoa thi năm Canh Ngọ, Tự Đức thứ 23 (1870). Được bổ làm Tri phủ.

28.Đoàn Đình Tiến:
Người xã Thi Liệu, tỉnh Nam Định, đỗ thứ 25/25 người tại trường thi Nam Định, khoa thi năm Giáp Tuất, Tự Đức thứ 27 (1874).
29.Đoàn Văn Anh:
Sau đổi là Đoàn Văn Phương, người xã Đông Thanh, tỉnh Nam Định, thi đỗ thứ 6/21 người, tại trường thi Nam Định, khoa thi năm Bính Tý, Tự Đức thứ 29 (1876). Được bổ làm Tri phủ Xuân Trường, sau xin nghỉ.
30.Đoàn Hữu Thuật:
Người xã Thái Bình, tỉnh Nam Định, thi đỗ thứ 16/21 người tại trường thi Nam Định, khoa thi năm Bính Tý, Tự Đức thứ 29 (1876).
31.Đoàn Diệu:
Người xã Ngọc Thạnh, huyện Tuy Phước, Quảng Nam, đỗ thứ 7/12 người, tại trường thi Bình Định, khoa thi năm Bính tý, Tự Đức thứ 29 (1876).
32.Đoàn Cư:
( sau đổi là Đoàn Lang)
Người xã U Đàm, huyện Phong Điền, Thừa Thiên (con Đoàn Kim Dao), đỗ thứ 28/32 người tại trường thi Thừa Thiên, khoa thi năm Mậu Dần, Tự Đức thứ 31 (1878). Được bổ làm Án sát Quảng Nam.
33.Đoàn Điển:
Người xã Hải Yến, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, thi đỗ thứ 15/24 người tại trường thi Nam Định, khoa thi năm Mậu Dần, Tự Đức thứ 31 (1878). Được bổ làm Tri phủ Quỳnh Lưu.
34.Đoàn Văn Thuớc:
Người xã U Đàm, huyện phong Điền, Thừa Thiên, đỗ thứ 29/31 người tại trường thi Thừa Thiên, khoa thi năm Giáp Thân, Kiến Phúc thứ nhất (1884). Được bổ làm Tri huyện.
35.Đoàn Triển :
Người xã Hữu Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội (con cụ Đoàn Trọng Huyên), thi đỗ thứ 22/47 người tại trường thi Hà Nam – Ninh bình, khoa thi năm Ất Dậu, Hàm Nghi thứ nhất (1885). Được bổ làm Viên ngoại Nha kinh lược, Tuần Phủ Ninh Bình, Tổng đốc Nam Định. Khi làm tuần phủ Ninh Bình có làm tờ trình lên triều đình về việc chỉnh đốn công tác giáo dục, soạn thảo sách giáo khoa và quy chế thi cử, có nhiều ý tưởng tiến bộ.
36.Đoàn Thụy Liên:
Người xã Hải Yến, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên thi đỗ thứ 12/56 người tại Hà Nam, khoa thi năm Đinh Hợi, Đồng Khánh thứ 2 (1887).
37. Đoàn Danh Chấn:
Ngưười xã Hải Yến, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, thi đỗ thứ 29/56 người tại trường thi Hà Nam, khoa thi năm Đinh Hợi, Đồng Khánh thứ 2 (1887).
38.Đoàn Tấn:
Người xã Xối Thượng, tỉnh Nam Định, đỗ thứ 20/56 người tại trường thi Hà Nam, khoa thi Năm Đinh Hợi, Đồng Khánh thứ 2 (1887).

39.Đoàn Tùy:
Người xã Phú Môn, huyện Phú Vang, Thừa Thiên, khoa thi Năm Tân Mão, Thành Thái thứ 3 (1891).
40.Đoàn Khởi:
Người xã Ngọc Sa, tỉnh Quảng Nam, thi đỗ thứ 23/27 người tại trường thi Thừa Thiên, khoa thi Năm Tân Mão, Thành Thái thứ 3 (1891).
41.Đoàn Văn San:
Người xã Đức Nhuận, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, khoa thi năm Tân Mão, Thành Thái Thứ 3 (1891).
42. Đoàn Thúc Vĩ Ấm Sinh,
Người huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, đỗ thứ 14/19 người (năm 27 tuổi), tại trường thi Bình Định, khoa thi Năm Giáp Ngọ, Thành Thái thứ 6 (1894).
43. Đoàn Thụy Giáp:
Người xã Hải Yến, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Năm 35 tuổi thi đỗ thứ 12/60 người tại trường thi Hà Nam, khoa thi Năm Giáp Ngọ, Thành Thái thứ 6 (1894). Con cụ Đoàn Mậu.
44. Đoàn Văn Huy:
Người xã Mai Dịch, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Năm 37 tuổi thi đỗ thứ 16/60 người tại trường thi Hà Nam, khoa thi năm Giáp Ngọ, Thành Thái thứ 6 (1894).

  1. Đoàn Tử Quang:
    Quê xã Phụng Công, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh (nay xã Đức Hòa, huyện Đức Thọ), 82 tuổi thi đỗ thứ 29/30 người tại trường thi Nghệ An, khoa thi năm Canh Tý, Thành Thái thứ 12 (1900), được coi là sự kiện hiếm có trong lịch sử thi cử Việt Nam. Được bổ chức Huấn đạo huyện Hương Sơn.
    Đoàn Tố:
    Người xã Mỹ Đức, huyện Tuy Viễn, tỉnh Bình Định, thi đỗ thứ 12/18 người tại trường thi Bình Định, khoa thi năm Quý Mão, Thành Thái thứ 15 (1903).
    47. Đoàn Ngưng:
    Người xã Hữu Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội, 38 tuổi thi đỗ thứ 6/60 người tại trường thi Hà Nam, khoa thi năm Bính Ngọ, Thành Thái thứ 18 (1906).
    48. Đoàn Như Chương:
    Người xã Hải Yến, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, 28 tuổi thi đỗ thứ 24/50 người tại trường thi Hà Nội, khoa thi năm Bính Ngọ, Thành Thái thứ 18 (1906).
    49. Đoàn Vỹ:
    Người Hữu Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội (con cháu cụ Đoàn Triển), 26 tuổi đỗ thứ 35/50 người tại trường Hà Nam, khoa thi năm Bính Ngọ, Thành Thái thứ 18 (1906).
  2. Đoàn Quân:
    Người xã Đô Quan, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, 21 tuổi đỗ thứ 27/30 người tại trường thi Hà Nam, khoa thi năm Nhâm Tý, Duy Tân thứ 6 (1912).
    Đoàn Đạm:
    Người xã Liễu Đôi, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, 25 tuổi đỗ thứ 29/30 người tại trường thi Hà Nam, khoa thi năm Nhâm Tý. Duy Tân thứ 6 (1912).
    52. Đoàn Đình Chi:
    Người xã Đào Lãng, huyện Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương, 24 tuổi đỗ thứ 24/32 người tại trường thi Thừa Thiên, khoa thi năm Ất Mão, Duy Tân thứ 9 (1915). Được bổ làm Tri huyện Bình Khê. Cha ông Chi là Đoàn Đình Duyệt, thượng thư Bộ công, Hiệp tá Đại học sĩ Ninh lãng Nam, em là Đoàn Đình Phương, Cử nhân khoa Mậu Ngọ (1918).
    53. Đoàn Thăng:
    Người xã Hải Yến, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, 24 tuổi thi đỗ thứ 21/40 người tại trường thi Hà Nội – Nam Ninh (thi chung), khoa thi năm Ất Mão, Duy Tân thứ 9 (1915).
    54. Đoàn Đình Phương:
    Người xã Đào Lãng, huyện Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương, 29 tuổi thi đỗ thứ 9/29 người tại trường thi Thừa Thiên, khoa thi năm Mậu Ngọ. Khải Định thứ 3 (1918). Ông là em ruột của Đoàn Đình Chi.

*Tài liệu trên đây là trích lục trong quyển ” Quốc triều Hương khoa lục” của cử nhân Nho học Cao Xuân Dục. Được dịch ra Quốc Ngữ – NXB thành phố Hồ Chí Minh ấn hành 1993, có bổ sung về vài điểm về công việc và chức tước của một số vị, tham khảo trong sách ” Các nhà khoa bảng Việt Nam” của Ngô Đức Thọ – NXB văn học 1993 và “Sách sứ thần Việt Nam” NXB văn hóa thông tin năm 1996….. 

  1. HỌ ĐOÀN VIỆT NAM GIAI ĐOẠN: TỪ CUỘC ĐẤU TRANH ĐƯA ĐẾN CÁCH MẠNG THÁNG 8 NĂM 1945 THÀNH CÔNG ĐẾN NAY.
    – Đoàn Như Khuê (1883 – 1957),
    Tên tự: Quý Huyền, hiệu: Hải Nam, là nhà báo, nhà thơ Việt Nam.
    Đoàn Như Khuê, người làng Hải Yến, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Thuở nhỏ ông theo học chữ Hán, có đi thi Hương mấy lần nhưng đều hỏng.
    Rồi ông bỏ học chữ Hán, tự học Quốc ngữ; ra Hà Nội viết sách, dịch sách, và viết cho tờ Nam Phong tạp chí, Đông Dương tạp chí…
    Sau năm 1945, ông tham gia Hội Văn hóa Cứu quốc Liên khu III.
    Khi Hiệp định Genève 1954 được ký kết, hòa bình được tái lập; ông về định cư ở Hà Nội, và vẫn sống bằng nghề dịch thuật và văn triết cổ Trung Quốc cho đến khi mất (1957).

– Đoàn Thêm (1915 – 2005)
Đoàn Thêm là nhà luật học, nhà thơ, sinh ngày 5-11-1915 tại Hà Nội, quê làng Hữu Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông, nay là huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây.
Xuất thân trong một gia đình khoa bảng, con trai nhà giáo dục, cử nhân Đoàn Triển (1854-1919). Thuở nhỏ học tại trường Bưởi (Chu Văn An), đậu bằng Tú tài Pháp Việt, rồi vào trường Đại học Đông Dương, tốt nghiệp cử nhân luật trước năm 1945.
Trong kháng chiến chống Pháp ông tản cư ra vùng tự do, khoảng năm 1951 ông hồi cư về Hà Nội, sau năm 1954 vào làm việc tại Sài Gòn, từng làm việc hành chánh tại văn phòng “Phủ Tổng thống” thời Ngô Đình Diệm (1954-1963). Sau đảo chính 1-11-1963, ông bỏ đời sống công chức, viết văn làm báo. Những năm 60 có lúc ông được trao giải thưởng “văn chương toàn quốc” (Sài Gòn), ông đã từ chối vì cho mình là một công chức cao cấp của chính quyền thì không nên nhận giải.
Sau năm 1983 ông được nhà nước Việt Nam cho phép định cư cùng con cháu tại Canada, đến ngày 8-8-2005 ông qua đời, thọ 90 tuổi.
– Đoàn Quang Đáng (?-1997)
Ông Đáng quê ở xã Mỹ Lộc, Tân Hồng, tỉnh Vĩnh Long, là ủy viên BCHTW ĐC Việt Nam từ khóa III, IV, V, phó Bí thư TW cục Miền Nam. Ông là cháu của Đoàn Văn Phú – Thượng thư thời Minh Mạng, hậu duệ của cụ Đoàn Bá Tuân

– Đoàn Văn Chất (?-)
Ông Chất là Ủy viên BCHTW ĐCS Việt Nam các khóa V, VI, VII, Phó trưởng ban kiểm tra Trung ương. Ông là hậu duệ họ Đoàn, thuộc dòng cụ Đoàn Duy Tinh ở Huế lánh nạn sau sự kiện “Giặc Chày Vôi” đã di cư vào Nam bộ
Đoàn Văn Cừ (1913-2004),
Nhà thơ Đoàn Văn Cừ, còn có các bút danh Kẻ Sĩ, cư sĩ Nam Hà, sinh ngày 25-11-1913 tại Hà Nội, nguyên quán xã Nam Lợi, huyện Nam Ninh, tỉnh Nam Định.
Trước cách mạng tháng 8-1945, ông dạy học, làm thơ, viết văn đăng trên các báo ở Hà Nội, từng tham gia phong trào công nhân ở nhà máy dệt Nam Định cho đến năm 1945.
Sau ngày Pháp tái chiếm Việt Nam, ông tham gia Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định (1946). Năm 1948, ông nhập ngũ, có mặt trong cuộc trường kỳ kháng chiến đánh Pháp trên mặt trận văn hóa, văn nghệ ở Liên khu III. Từ năm 1959, ông là cán bộ biên tập Nhà xuất bản phổ thông ở Hà Nội.
Năm 1974, ông về công tác tại địa phương (Ủy ban Mặt trận tổ quốc huyện Nam Ninh) ủy viên Ban chấp hành Hội văn nghệ tỉnh Hà Nam Ninh, rồi về làm việc tại thành phố Nam Định.
Ông mất ngày 27-6-2004 tại Nam Định.
Ông từng được giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (đợt 5)
Ông đã được nhận giải thưởng văn học Nguyễn Khuyến hạng B (không có hạng A) của ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam Ninh (1985).
– Đoàn Văn Bơ (1917-1958),
Đoàn Văn Bơ là liệt sĩ hiện đại, còn có tên là Cao Hoài Đông, bí danh hoạt động là Tư Đông, sinh năm 1917 tại xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, lên Sài Gòn học Trường bách nghệ, tức trường Cao Thắng ngày nay. Sau làm công nhân ở xưởng Ba Son.
Ông tham gia cách mạng, sau khi Nhật đảo chánh ngày 9-3-1945, hoạt động trong tổ chức Thanh niên tiền phong. Ngày 23-9-1945 cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông theo tổ chức vào chiến khu. Cuối năm 1946, vì nhu cầu công tác, ông trở về thành phố, trở lại làm việc tại xưởng Ba Son. Năm 1952 bị lộ nên lại vào chiến khu.
Năm 1954, ông ở lại hoạt động ở nội thành được cử vào Thượng vụ Đặc khu Sài Gòn Chợ Lớn. Năm 1958 ngày 31 tháng 10 ông bị bắt và mất tại nhà lao Hàng Keo Gia Định.
– Đoàn Văn Ưu (1921-1999)
Đoàn Văn Ưu là Tướng lãnh QĐNDVN, còn gọi là Nam Long, dân tộc Tày, quê xã Đề Thám, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.
Ông tham gia cách mạng từ năm 1940, cựu sinh viên Trường Võ bị Hoàng Phố – Trung Quốc từ năm 1944. Từng là chính trị viên Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân năm 1944.
Các chức vụ từng đảm nhiệm: Trung đoàn trưởng Trung đoàn Hải Dương, Tham mưu trưởng, Đại đoàn phó Đại đoàn 34, Phó Tư lệnh Quân khu 4 (1966-1967), Phó Giám đốc Học viện Quân sự, Phó Giám đốc Học viện Quân sự cao cấp, được nhà nước và Quân đội NDVN tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng nhất.
Ông là một trong các tướng lĩnh nổi tiếng và có uy tín của Quân đội nhân dân Việt Nam.
– Đoàn Trọng Truyến
(15 tháng 1 năm 1922 – 8 tháng 7 năm 2009),
Ông là Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân; nguyên Bộ trưởng, Tổng Thư ký Hội đồng Bộ trưởng kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ từ tháng 5 năm 1984 đến tháng 2 năm 1987. Ông là một trong những người khởi xướng thành lập Ban liên lạc họ Đoàn Việt Nam, thực hiện việc liên kết dòng tộc, tìm về cội nguồn, tôn vinh tổ tiên, phát huy truyền thống dòng họ, ông là Trưởng Ban Liên lạc họ Đoàn Việt Nam trước đây.
Con trai ông là Đoàn Mạnh Giao làm Bộ trưởng trong chính chủ
– Đại tướng Đoàn Khuê,
Tướng lãnh QĐNVN (1923–1998)
Đại tướng Đoàn Khuê sinh 29 tháng 10 năm1923, là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam từ năm 1991 đến năm 1997.
Quê ông quê xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
Ông là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1945 (trước Cách mạng Tháng Tám), tham gia lập Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Quảng Bình (tháng 6 năm 1945), làm ủy viên quân sự của Tỉnh ủy. Ông nhập ngũ tháng 9 năm 1945, và trong kháng chiến chống Pháp đã giữ các chức vụ Chính trị viên Trường Lục quân ở Quảng Ngãi, Chính ủy trung đoàn, Phó chính ủy sư đoàn.
Ông từng là Chính ủy sư đoàn 351 pháo binh, Phó chính ủy Quân khu IV, Tư lệnh Quân khu V, rồi Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia.
Thời kỳ 1987-1991 ông là Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, sau đó làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Ông được phong hàm Thượng tướng năm 1984, Đại tướng năm 1990.
Ông là ủy viên Trung ương Đảng từ khóa IV đến khóa VII, ủy viên Bộ Chính trị các khóa VI, VII (1991, đến lúc mất), đại biểu Quốc hội các khóa VII, VIII, IX.
Ông đã được Nhà nước Việt Nam tặng thưởng: Huân chương Sao vàng (truy tặng năm 2007), Huân chương Hồ Chí Minh, 2 Huân chương Quân công hạng nhất, 2 Huân chương Chiến công hạng nhất, Huân chương Chiến thắng hạng nhất, Huân chương Kháng chiến hạng nhất và nhiều huân, huy chương khác.
Thân mẫu của ông là bà Nguyễn Thị Dương (1902). Bà có 5 người con là Liệt sĩ, được nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Ông có 2 người em trai là sĩ quan cao cấp của quân đội: Trung tướng Đoàn Trương và Đại tá Đoàn Thúy.
– Đoàn Chuẩn : Nhạc sĩ
Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn sinh ngày 15-6-1924 tại Hà Nội, nay là thành Phố Hà Nội. Ông mất 2001
Thuở nhỏ, ông học ở Hà Nội, tiếp thụ một nền văn hóa, giáo dục có truyền thống Âu Tây và đã có tác phẩm nổi tiếng như:
Lá đổ muôn chiều, Gửi gió cho mây ngàn bay, Tà áo xanh, Gửi người em gái đều là những nghệ phẩm lãng mạn trong tiến trình âm nhạc mới của Việt Nam. Các tác phẩm của ông đã làm say mê giới yêu nhạc lãng mạn từ thập niên 40-50 của thế kỉ XX. Hầu hết tác phẩm ông đều ký tên chung với người em kết nghĩa là Từ Linh (mất trước ông).
Trong kháng chiến chống Pháp (1946-1954) ông tản cư vào vùng tự do, tham gia công tác văn nghệ tại địa phương Thanh Hóa
Hòa bình tái lập (1954), ông hồi cư về Hà Nội. Từ đó về sau rất ít nhạc phẩm của ông đến với công chúng.
Ông mất vào ngày 15-11-2001 tại nhà riêng ở Hà Nội, thọ 77 tuổi.
– Thiếu Tướng Đoàn Huyên – (1925-2002)
Thiếu tướng Đoàn Huyên quê ở xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.
Ông nguyên là Cục trưởng Cục Khoa học Quân sự, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân.
Ông được tặng thưởng Huân chương Quân công (hạng Nhất, hạng Ba), Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng (chống Pháp) hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vể vang (hạng Nhất, Nhì, Ba) Huân chương Tự do hạng Nhất của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Huy chương Quân kỳ quyết thắng, Huy chương ‘’Vì sự nghiệp Khoa học và Công nghệ’’, Huy hiệu 40 và 50 năm tuổi Đảng. Thiếu tướng (02.1983)
Ông mất năm 2002 tại thành phố Hồ Chí Minh.
– Đoàn Giỏi: Nhà văn (1925 – 1989)
Nhà văn Đoàn Giỏi bút danh Nguyễn Hoài, Huyền Tư, Nguyễn Phú Lễ. Ông sinh ngày 17-5-1925. Quê Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Định Tường, nay là huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
Thuở nhỏ học tại Mỹ Tho, Sài Gòn; viết văn, làm thơ từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Trong kháng chiến chống Pháp có lúc ông phụ trách công tác tuyên huấn, rồi phục vụ trong ngành an ninh.
Năm 1954 tập kết ra Bắc, từng là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam.
Sau năm 1975 về công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông mất năm 1989.
Ông để lại nhiều tác phẩm như:
-Những dòng chữ máu Nam Kì 1940 (1948)
-Người Nam thà chết chứ không hàng (1948)
-Đường về gia hương (1949)
-Cá bống mú (1956)
-Trần Văn Ơn (1955)
-Đất rừng phương Nam (1957)
-Những chuyện lạ về cá (1981)
-Tê giác giữa ngàn xanh (1982)…
– Đoàn Duy Thành, sinh năm 1929;
Ông, nguyên là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng CHXHCN Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đối ngoại; Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Hiện, ông là Trưởng Ban liên lạc Cựu tù Côn Đảo. Về hoạt động dòng họ, ông đương là Chủ tịch Hội đồng Đoàn tộc Việt Nam.
Ông là hậu duệ của cụ Đoàn Duy Hiền (gốc từ Hà Nội về sinh cơ lập nghiệp tại Tường Vu- Kim Thành- Hải Dương từ TK 16)
Ông từng trải qua 2 năm tù đày dưới chế độ thực dân pháp (từ Hải Phòng đến Côn Đảo). Mặc dù bị bọn thực dân tra tấn dã man tàn bạo, chết đi sống lại nhiều lần, bị bí mật đưa đi thủ tiêu (sau này xếp hạng thương binh ¾), nhưng ông vẫn lạc quan, giữ vững khí tiết cách mạng, kiên trì đấu tranh vì sự nghiệp của Đảng, của dân tộc.
Ông là người có nhiều gắn bó với Hải Dương trên mặt trận đường 5 trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1943- 1945) và sau này là Hải Phòng cả trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ và trong công cuộc “vượt khó đi lên”, xây dựng và phát triển của Hải Phòng. Ông đã trải qua nhiều nhiệm vụ từ cơ sở, đến Chủ tịch và Bí thư Thành ủy. Hải Phòng trở thành điểm sáng đi đầu trong nhiều lĩnh vực ở nhiều thời kỳ như: Thương nghiệp, phát triển sản xuất hàng tiểu thủ công, vân đông quần chúng xây dựng thí điểm mô hình phát triển nông nghiệp (sau này được nhân rộng ra cả nước) thời chống Mỹ; trong việc trị thủy và quai đê lấn biển, xây dựng hệ thống điện, đường, trường, trạm, mở rộng cảng, khu công nghiệp, mở rộng giao thương, phát triển đời sống kinh tế, văn hóa theo cơ chế mới ngay từ những ngày đầu của công cuộc đổi mới vv…
– Đoàn Văn Luyện
Là một trong các thiếu niên dũng sĩ miền Nam có nhiều thành tích trong kháng chiến chống Mỹ xâm lược, được ra thăm miền Bắc, được chụp hình với Bác Hồ và Bác Tôn.
– Đoàn Thúy Ba:
Bác sĩ, Anh hùng lao động, Thầy thuốc của dân. BS. Đoàn Thúy Ba đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập Hạng nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Giải phóng hạng ba, Huân chương Lao động hạng nhất và hạng ba.
– Nhạc sĩ Thuận Yến
Tên khai sinh của ông là Đoàn Hữu Công, sinh ngày 15/8/1935, quê ở Duy Xuyên, Quảng Nam. Ông tham gia công tác từ năm 1949, là cán bộ văn nghệ của Ðoàn văn công Khu ủy Liên khu V, sau đó theo học lớp Trung cấp sáng tác tại Trường âm nhạc VN. Bước vào kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông viết ngay những bài hát động viên thanh niên lên đường: Ba lô ta buộc cho chặt, Vành lá nguỵ trang rất xanh… Năm 1965, lên đường trở lại chiến trường sáng tác, lấy bút danh là Thuận Yến, với những ca khúc của thời kỳ này như: Hát mừng quê ta giải phóng, Mỗi bước ta đi, Bài ca tiếp vận, Mỗi dòng thư Bác sáng ngời niềm tin. Ông đã có mặt trên chiến trường Trị Thiên- Huế và khi cuộc đấu tranh chính trị phát triển mạnh, ông đã viết ca khúc Người mẹ miền Nam tay không thắng giặc được nhanh chóng phổ biến rộng rãi ở cả hai miền Nam, Bắc.
– Đoàn Thị Liên:
Chị là Anh hùng liệt sĩ, có câu nói nổi tiếng:
Thà hy sinh chứ không để thương binh bị thương lần thứ hai.
Chị Đoàn Thị Liên sinh năm 1944, trong gia đình nông dân nghèo ở ấp 1, xã Chánh Phú Hòa, huyện Bến Cát, tỉnh Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương). Quê hương chị có chi bộ cộng sản đầu tiên trước tháng 8 – 1945, có đội thanh niên tiền phong vũ trang xã do đồng chí Nguyễn Văn Ngọ (Bảy Quỳ) chỉ huy đứng ra bảo vệ nhân dân giành chính quyền thắng lợi tại quận lỵ Bến Cát.
Tấm gương anh dũng của Đoàn Thị Liên và câu nói bất hủ “Thà hy sinh chứ không để thương binh bị thương lần thứ hai” đã trở thành lời thề khắp các mặt trận, trở thành truyền thống của các đơn vị thanh niên xung phong Giải phóng Miền Nam. Đoàn Thị Liên được truy tặng Huân chương Thành đồng hạng ba, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

– Đoàn Minh Nguyệt

Thành tích xuất sắc chuyến vận tải vượt Trường Sơn giữa mùa mưa lũ, kết hợp với những thành tích xuất sắc khác trước đó (từng là chiến sĩ Quyết thắng 7 năm liền) Thượng sĩ Đoàn Minh Nguyệt đã được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký Quyết định số 16/SV ngày 25 tháng 8 năm 1970 phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

– Đoàn Sinh Hưởng

Ông sinh năm 1949, dân tộc Kinh, quê ở xã Bình Ngọc, huyện Hải Ninh, tỉnh Quảng Ninh. Ông là Trung tướng, Tiến sỹ, Anh hùng LLVT; Nguyên: Lữ trưởng 273 QĐ3, Sư trưởng 320 QĐ3, Tư lệnh TTG, Tư lệnh QK4. Ông đã được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng nhì, 2 Huân chương Chiến công hạng ba, 3 bằng khen, 2 lần là Chiến sĩ thi đua. Ngày 12 tháng 9 năm 1975, Ông được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
– Đoàn Lê -Nữ văn sĩ và Chị em nhà họ Đoàn
Gia đình họ Đoàn này có đông chị em. Đây vốn là một gia đình chuyên nghề Nho – Y nổi tiếng nền nếp gia phong ở Hải Phòng. Các bà đều được thụ hưởng nền giáo dục rất nghiêm của song thân. Cả mấy chi em bà đều thành gia thất với những người có vị trí trong xã hội. có đóng góp tích cực cho xã hội trong nhiều lĩnh vực như văn hóa, nghệ thuật, y học…
– Bà Đoàn Thị Nhỏ – Người vợ “Tư lệnh Biệt động”
Bà là một chiến sĩ Biệt động thành. Trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân 1968, bà là một trong các giao liên hướng dẫn đơn vị Biệt động số 3 tập kết đánh vào Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy. Bà chính là vợ của ông Tư Chu (Nguyễn Đức Hùng), nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng quân khu kiêm Chỉ huy trưởng Biệt động Sài Gòn – Gia Định.
– Bà Đoàn Thị Nghiệp
Mọi người thường gọi bà là cô Tám Nghiệp (Đoàn Thị Nghiệp), Tỉnh ủy viên, Tỉnh đội phó tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Tiền Giang). Ngày 6-11-1978, má Đoàn Thị Nghiệp được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và năm 1995 được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Sau chiến tranh, Tổ quốc và nền báo chí cách mạng tôn vinh, ghi công 260 nhà báo liệt sĩ Thông tấn xã Việt Nam, trong đó riêng Thông tấn xã giải phóng Khu 8 có tới 21 nhà báo liệt sĩ. Ở Mỹ Tho, có bà má kiên gan cầm súng đánh Pháp, đuổi Mỹ, lặng thầm dìu dắt con trở thành nhà báo từ những năm 1960. Rồi cũng chính người má ấy thắt ruột, thắt gan lần lượt chứng kiến, chôn cất hai con khi họ ngã xuống giữa chiến trường khốc liệt. Đó chính là bà Đoàn thị Nghiệp và 2 con là liệt sĩ Bùi Văn Thưởng và Bùi Văn Tấn.
Ngày 6-4-1972, trong trận phá vây tại kênh Bùi Tường, Phú Nhuận, Cai Lậy, bà Tám Nghiệp cùng đội công tác Tỉnh đội Mỹ Tho chiến đấu với một trung đoàn thuộc Sư đoàn 7 ngụy. BàTám Nghiệp cùng đồng đội đánh trả quyết liệt, bắn tới viên đạn cuối cùng trước khi hy sinh.
– Nghệ sĩ nhân dân Đoàn Dũng
Đoàn Dũng trở thành một trong những cái tên nổi trội trên sân khấu Việt Nam trong thời kỳ vàng son nhất. Khán giả nhớ đến ông với những vai diễn để đời trong các vở “Người cha thô bạo”, “Khúc thứ 3 bi tráng”…Trong điện ảnh, ông cũng thành công không kém, với các vai Đại đội trưởng (phim “Biển lửa”), vai Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp (phim “Bức tường không xây”),…Không những thế, ông còn là một người thầy đáng kính của không ít nghệ sĩ danh tiếng. Cuộc đời ông đã đi qua nhiều khúc quanh, với đủ ngọt ngào, sướng khổ mà nghệ thuật mang lại. Và cũng chỉ có hai chữ nghệ thuật mới đủ sức nặng để neo ông với mọi câu chuyện, mọi đề tài…
– Đoàn Nguyên Đức:
Ông là một Doanh nhân thành đạt, nêu một tấm gương tốt cho thế hệ trẻ Việt Nam về tinh thần và nghị lực tự vươn lên từ nghèo khó, trở thành một trong những người giàu nhất nước – Năm sinh: 1962 – Nơi sinh: Bình Định – Học vấn: 12/12
Ông là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai. Ông cũng là người có công trong việc đào tạo đội bóng đá trẻ Viêt Nam trong mấy năm gần đây.
Đoàn Thị Kim Hồng: Đệ nhất Hoa hậu quí bà thế giới
Quê hương của TS. Đoàn Thị Kim Hồng là vùng đất Quảng Bình. Bà được nhiều người biết đến với danh hiệu Đệ nhất Hoa hậu quý bà thế giới. Tiến sĩ Đoàn Thị Kim Hồng không chỉ là một phụ nữ thành đạt trong kinh doanh, mà còn là người đi đầu trong việc đứng ra tổ chức các cuộc thi về sắc đẹp hiện nay./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *