LỊCH ĐẠI ĐOÀN TỘC THẾ PHẢ

LỊCH ĐẠI ĐOÀN TỘC THẾ PHẢ

LỜI GIỚI THIỆU

(Đoàn Viết Trung – Tháng 5/2020)

Từ bản viết tay do cụ quá cố Đoàn Văn Bá (Diễn Yên – Diễn Châu – Nghệ An) biên soạn vào năm 2000 gồm 197 trang. Tư liệu này được dịch ra từ các cuốn Gia phả gốc bằng chữ Nho của các Chi Họ Đoàn trong cả nước.

Nay tôi đánh máy sao chép lại nguyên bản và giới thiệu. Vì thời gian có hạn, nên làm đến đâu tôi sẽ giới thiệu đến đó.

(Xin lưu ý: Bản này là bản gốc, được tổ biên dịch gồm 12 cụ đồ nho làm miệt mài từ năm 1983 và được kiểm chứng, đối soát với các tư liệu lịch sử tại các Viện Bảo tàng lịch sử Quốc gia, Bảo tàng cách mạng, các dòng Họ khác có liên quan, và năm 2000 mới biên soạn lại và gửi để phổ biến đến Ban liên lạc Họ Đoàn Việt Nam. Các tư liệu lịch sử hiện nay trên mạng intenet là một phần của cái gốc, nhưng đối chiếu với Phả Họ thì có nhiều vấn đề chưa chính xác và chưa phù hợp.

Với tài liệu này, mong rằng sẽ góp phần vào việc đối chiếu với các tư liệu khác của dòng Họ để ngày càng hoàn thiện hơn.

Có được kết quả này là cả một quá trình sưu tầm tư liệu, được sự cộng tác và giúp đỡ của nhiều vị Họ Đoàn ở nhiều miền đất nước, xin thông báo đến quý vị một số nét về nguồn gốc và sự phát triển của Họ Đoàn trong hơn 1000 năm qua tại Việt Nam. Xin quý vị coi đây là tài liệu tham khảo, vì một số thông tin nhận được có thể còn sai lệch, chưa đầy đủ, cần nhiều thời gian sưu tầm, chỉnh lý.

Nhiều bộ gia phả được khai thác, nghiên cứu, làm sáng tỏ hơn nguồn gốc dòng họ. Đã và sẽ có nhiều sự kiện, nhân vật của họ Đoàn từ rất xa xưa được phát hiện ở những thời điểm khác nhau của lịch sử, nhưng tất cả những nhân vật đó có cùng trực hệ hay thuộc các dòng khác thì cần được nghiên cứu khẳng định.
Nhiều vấn đề như mối quan hệ giữa các dòng họ ở nhiều nơi khác nhau, trước và sau sự xuất hiện của người họ Đoàn từ thời Hùng vương đến khoảng thế kỷ thứ V SCN (khi mà thông tin dòng họ đã được ghi lại qua các bản thần tích, thần sắc, ngọc phả, gia phả, văn chỉ, đình đền, từ đường, lăng mộ, lễ hội, sự kiện lịch sử mà người họ Đoàn tham gia…), họ đã di cư đến những đâu, tư liệu về họ còn lại những gì, mối quan hệ huyết thống của những người họ Đoàn cùng thời với những người cùng mang tên họ được ghi chép ra sao?… Điều đó, cần phải nghiên cứu kỹ hơn, dựa vào nhiều nguồn tư liệu khác nhau, vào các kết luận của nhiều ngành khoa học như lịch sử, văn hóa, xã hội, khảo cổ, công nghệ gien …

Đoàn tộc Đại tôn Bắc miền Trung tại Nghệ An, quá trình đi tìm và kết nối dòng họ từ năm 1983 đến 2010, các vị tiền bối đã tổng hợp và biên soạn cuốn LỊCH ĐẠI ĐOÀN TỘC THẾ PHẢ.

Tôi là những người con Họ Đoàn, là người được truyền lại các thông điệp của Tổ tiên khi đã dịch ra chữ Quốc ngữ. Nay tôi sẽ lần lượt ghi lại để truyền cho con cháu sử dụng sau này.

 

LỊCH ĐẠI ĐOÀN TỘC THẾ PHẢ

 

LỜI GHI CHÉP

Đất nước có Quốc sử

Dòng họ có Nguồn gốc

Đối với Tổ quốc thì các nhà Sử học, như Tiên hiền Lê Văn Hưu, Phan Phú Tiên, Ngô Sỹ Liên … công ấy không nhỏ. Dòng họ Đoàn ta ngày xưa; Tổ tiên đã ghi Gia phả bằng chữ Hán truyền mãi cho hậu thế ngày nay. Nay, chúng tôi những người con họ Đoàn, mạnh dạn giải dịch sang Quốc ngữ “GIA PHẢ ĐOÀN TỘC ĐẠI TÔN” cho con cháu sử dụng sau này, để thế tộc ta khỏi mang tiếng thất truyền vậy.

Vì lâu đời Gia phả được sao chép nhiều lần, do đó có sự mất mát đáng kể. Căn cứ vào Gia phả các chi: Vĩnh Yên huyện Quỳnh Lưu; Thuận Lý, Yên Xuân Cao Ái, Yên Lý thuộc huyện Đông Thành, phủ Diễn châu để tham khảo. Chọn bản cổ nhất, súc tích nhất của chi họ Vĩnh Yên huyện Quỳnh Lưu, phủ Diễn Châu làm bản gốc dịch thuật. Gia phả này do cụ Tri huyện Vĩnh Khang Đoàn Huệ Hải sao chép đời Lê Thế Tông và Mạc Mậu Hợp, Gia Thái niên quân thứ tư năm 1576. Về sau chi họ Vĩnh Yên huyện Quỳnh Lưu chép lại của chi Thuận Lý huyện Đông Thành, và đời sau bổ sung thêm.

Công tác dịch sao được đối soát chặt chẽ với gia phả các chi họ Đoàn cả nước: Chi Yên lý, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An; Chi Quang Chiêm, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh; Chi An Truyền, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế; Chi Gia Đẳng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị; Chi An Tiêm, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị; Chi Tu Trình, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình; Chi Điện An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam v.v… để sao lục và tổng hợp.

Nay chép quyển theo thể thức “LỊCH ĐẠI VÀ GIA PHẢ”. Lấy Gia phả của họ Đoàn ở Phủ Diễn Châu làm căn cứ. Lấy phần đầu của gia Phả Điện An, huyện Điện Bàn làm căn cứ  Lịch Đại. Lấy Đại Việt Sử ký toàn thư và các sách Lịch Triều tạp kỹ để làm niên đại. Phụ Kho tàng chuyện cổ tích và chuyện Đồng Chử Liệt quốc để bổ sung tiểu dẫn v.v…

Đối với Tộc hệ ta: Gốc là Ngài Triệu Tử, một trong trăm người con của Lạc Long Quân; gốc của dân bách Việt; cũng là gốc của bàn dân trăm họ. Vậy thì ngay lúc sơ khai của nước Văn Lang đã có Họ Đoàn rồi.

Vào đầu công lịch, người họ Đoàn là Đoàn Kinh Trước, tham gia khởi nghĩa Hai Bà Trưng, vào năm 42, Ngài để lại 46 phép dùng binh; Là quyển Binh thư đầu tiên của dân tộc Việt Nam, mà họ Đoàn lưu giữ trong Gia bảo của dòng tộc.

Tộc hệ ta, Tổ là Đoàn Văn Khâm khai khoa đời Lý Nhân Tông, Thái ninh niên quân thứ 4 năm 1075; Đỗ đệ nhị danh Minh kinh bác học, Bảng nhãn xuất thân, Chỉ thụ Thượng Thư Công bộ. Ngài để lại nhiều thi ca nổi tiếng ở đời. Kể từ đây dân tộc Đại Việt mới viết Sử và các dòng họ mới viết Gia phả truyền lại đời sau. Nhờ đó mà họ Đoàn ta biết được sự phát tích của các chi trong cả nước.

LỊCH ĐẠI ĐOÀN TỘC THẾ PHẢ là thành tựu tổng hợp các Gia phả từ Đại cương đến Tiền biên, đúc rút các thành tựu nghiên cứu khoa học về Gia phả học của các nhà lý luận văn hóa dân tộc. Ban Gia phả họ Đoàn tỉnh Nghệ An đã sưu tầm, nghiên cứu, xử lý sử liệu từ năm Đinh Mão 1987 đến năm Canh Thìn 2000. Ban Thư ký đã chỉnh lý, bổ sung liên tục trong một thời gian dài để chép quyển Lịch Đại này. Mong sao con cháu trong dòng họ hiểu được nguồn gốc của mình, biết được công đức của Tổ tiên trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước; hiểu được Gia huấn văn hóa dân tộc, để rồi làm việc ích nước lợi nhà.

LỊCH ĐẠI ĐOÀN TỘC THẾ PHẢ được chép làm hai phần chính: Hệ phả Tiền biên và Hệ phả Tân biên.

Hệ phả Tiền biên chép làm hai phần: Tiền liệt Phả ký: Chép từ lúc sơ khai hình thành Nhà nước, từ thời Hồng Bàng trị năm Nhâm Tuất 2878 TCN đến năm Quý Tỵ 208 TCN đời An Dương Vương Thục Phán, cộng 3938 năm; Tông Đường Phả ký: Chép từ kỷ nhà Triệu năm Giáp Ngọ 207 TCN đến Lê Ngọa triều năm Kỷ Dậu 1009, cộng 1216 năm.

Hệ phả Tân biên chép làm hai phần: Hệ phả dòng tộc: Chép từ năm Canh Tuất 1010 đời Lý Thái Tổ, Thuận thiên niên quân thứ nhất; Đến năm Nhâm Dần 1482 đời Lê Thánh Tông, cộng 472 năm. Phát tích dòng tộc: Chép từ năm Quý Mão 1483 đời Lê Thánh Tông, Hồng Đức niên quân thứ 15, Tổ là Đoàn Bá Tuân, thụ phong trấn thủ Hải Dương, đến nay năm Canh Thìn 2000; Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thứ 24, cộng 517 năm.

Chép Tộc phả là quá trình tích lũy, hiểu được hoạt động của Tổ tiên qua các trào lưu xã hội. Biết địa danh thông qua hoạt động của nhân cách con người trong sự vận động của chữ “Thời” lấy cái hay cái đẹp mà học tập.

Chép Tộc phả không nặng về văn chương, cũng như ngữ pháp; mà cố nhấn mạnh bằng chữ viết “Hoa” cho con cháu ghi nhớ. Vậy Tộc phả là Sử họ, cũng là Gia bảo muôn đời mà con cháu phải giữ gìn vậy.

Chép mùa đông Canh Thìn tháng 11 năm 2000

Hải Vân tiên sinh

Cập Cử nhân Đoàn Văn Bá phụng soạn

 

HỆ PHẢ TIỀN BIÊN

TIỀN LIỆT PHẢ KÝ

Kỷ Hồng Bàng

Lịch sử quốc gia Việt Nam và lịch sử họ Đoàn gắn bó với nhau; Liên quan chặt chẽ qua các thời đại, từng thời kỳ dựng nước cũng như giữ nước. Buổi đầu sơ khai kéo dài của xã hội nguyên thủy; phong hóa chưa rõ ràng, nên ta không biết được. Xã hội khác ra đời; chế độ Mẫu hệ suy yếu; chế độ Phụ hệ hình thành; loài người mới xếp đặt thành dường mối.

Đời Hồng Bàng truyền lại rằng:

Vua Minh Đế cháu ba đời của vua Thần Nông đi tuần xuống phương Nam. Đến núi Ngũ lĩnh gặp nàng Tiên Nữ, kết duyên đôi lứa, cùng nhau chung sống hạnh phúc; sinh hạ được hai người con Gi Nghi và Lộc Tục.

Minh Đế nhường ngôi cho Đế Nghi làm vua Phương Bắc.

Phong Lộc Tục làm vua Phương Nam.

Xưng là: Kinh Dương Vương; vào năm Nhâm Tuất 2878 trước công nguyên; Quốc hiệu là nước Xích Quỹ, bờ cõi bấy giờ:

Đông giáp biển Nam Hải;

Tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên);

Nam giáp Hồ Tôn (Chiêm Thành);

Bắc giáp Hồ Đông Đình (Hồ Nam).

Kinh Dương Vương:

Kinh Dương Vương làm vua nước Xích Quỹ; lấy con gái Đông Đình Quân tên là Long Nữ. Hai người sinh hạ người con trai tên là Sùng Lãm. Có sách kể lại rằng:

Sùng Lãm người to cao khỏe mạnh, tài năng xuất chúng; có tài hàng Long, phục Hổ. Bộ hạ của Ngài cũng là những vị tài năng xuất chúng. Tuy là Thái tử song Ngài thường đi chu du thiên hạ, nay đây mai đó, chân trời góc biển, xem xét dân tình thế nước.

Kinh Dương Vương về già, nhường ngôi cho con là Sùng Lãm, Đế hiệu là Lạc Long Quân.

Lạc Long Quân:

Lạc Long Quân kế ngôi bố, kết duyên với con gái vua Đế Lai là bà Âu Cơ.

Chuyện kể lại rằng:

Lạc Long Quân vốn là Con Rồng. Ngài đi thủy đi bộ đều giỏi. Ngài đi tuần xuống phương Nam, mãi ngắm cảnh ở núi Phượng Hoàng. Một hôm Ngài truyền trở về Bắc. Đoàn người hành quân gặp con sông lớn. Nơi đó gọi là Rào Rum, một bến sông của Lam Giang; nay thuộc xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Ngài hạ lệnh cho quân sỹ chặt Bương, Vầu ghép thành mảng chuẩn bị cho việc xuôi dòng. Công tác chuẩn bị Bè Mảng, lương thực đã xong. Ngài làm lễ xuất phát; trong buổi lễ Thần núi Phượng Hoàng hiển linh và có lời dặn bí mật: “Đợt ra đi giang sơn thịnh vượng, con cháu đông đúc. Song nếu gặp hoạn nạn thì chạy về chỗ này, gọi lớn Bố ơi ! cứu con với; tức khắc sẽ có giúp trợ”. Về sau cháu ngoại là Thục Phán bị Triệu Đà truy đuổi, đã chạy về phương Nam, là do lời dặn đó.

Lạc Long Quân thấy dòng sông to lớn, mới đặt tên là Sông Cả.

Ngài hạ lệnh nhổ sào xuôi dòng.

Đến chỗ nước và chân trời mênh mông, Ngài dừng thuyền và đặt tên là Bến Thủy. Đoàn người ra Biển Đông tiến về Phương Bắc. Dựa theo bờ biển đến bến Hồng Giang cây cối tốt tươi, ngư dân đông đúc. Đoàn người ngược dòng sông Hồng, đến chỗ ba con nước gặp nhau, từng đàn chim lạ nô nức đón mừng; chỗ đó là Ngã ba Bạch Hạc.

Ngài thấy thế đất đẹp đẽ, sông núi hữu tình bèn hạ trại lâu dài.

Nơi đây Ngài gặp nàng Tiên nữ đang hái hoa, kết thân, đó là bà Âu Cơ con gái Đế Lai thành nghĩa Phu Thê.

***

Lạc Long Quân cùng Âu Cơ chung sống hạnh phúc:

Chẳng bao lâu Bà Âu Cơ đẻ ra một cái bọc có trăm trứng, nở ra trăm người con trai. Ngày qua tháng lại, các con đã khôn lớn. Một hôm Lạc Long Quân bảo vợ rằng: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên; vốn chẳng hợp nhau, âu là ta đem 50 người con xuống vùng biển, nàng đem 50 người con về núi sinh cơ lập nghiệp. Nếu gặp hoạn nạn dễ bề giúp đỡ nhau”.

Nói rồi Lạc Long Quân đem 50 người con xuống vùng biển phía Nam. Người con cả của Lạc Long Quân lên làm vua, tức là vua Hùng Vương thứ nhất.

Hùng Vương (18 đời)

Hùng Vương lên ngôi vua; đặt tên nước là Văn Lang.

Đóng đô ở Phong Châu, thuộc tỉnh Vĩnh Phú bây giờ.

Nước Văn Lang được chia ra 15 bộ, gồm:

  1. Bộ Văn Lang, nay là Vĩnh Phú;
  2. Chu Diên, nay là Sơn Tây;
  3. Phú Lộc, nay là Sơn Tây;
  4. Tân Hưng, nay là Tuyên Quang;
  5. Võ Đình, nay là Thái Nguyên;
  6. Võ Ninh, nay là Bắc Ninh;
  7. Lục Hải, nay là Lạng Sơn;
  8. Ninh Hải, nay là Quảng Yên;
  9. Dương Tuyền, nay là Hải Dương;
  • Giao Chỉ, nay là Hà Nội và Hưng Yên;
  • Cửu Chân, nay là Thanh Hóa;
  • Hoài Hoan, nay là Nghệ An;
  1. Cửu Đức, nay là Hà Tĩnh;
  2. Việt Tượng, nay là Quảng Bình và Quảng Trị;
  • Bình Văn, nay là Thuận Hóa.

Hùng Vương tổ chức bộ máy Quan chế khoảng 30 người. Con cháu phục vụ cạnh vua gọi là Hùng tướng. Con cháu đi trấn thủ gọi là Lạc hầu. Con trai vua gọi là Bố chính, con gái vua gọi là Mỵ nương.

Theo Ngọc phả họ Hùng chép đời Tiền Lê:

Trong 8 vị Vua cuối  có tuổi thọ từ 300 đến 600 năm. Vua Hùng Vương thứ 18 Đế hiệu là Hùng Kính Vương, nhường ngôi cho con là Hùng Duệ Vương. Duệ Vương làm Vua được 5 năm thì mất, trả ngôi lại cho Hùng Kính Vương. Hùng Kính Vương tuổi đã ngót 400, lại bị Phúc Phán kéo quân đánh phá. Vì quá già yếu nên giao quyền lại cho con rể là Nguyễn Tuấn, Thần núi Tản Viên lo việc nước.

NGƯỜI HỌ ĐOÀN 

Lạc Long Quân đem 50 người con xuống vùng biển phía Nam. Người con cả của Lạc Long Quân lên làm vua, tức là Vua Hùng Vương thứ nhất, trong đó có người em là Triệu Tử ở lại Phong Châu giúp việc phò trợ.

Lúc này loài người đang sống chủ yếu bằng săn bắn và hái lượm; sản phẩm làm ra chưa đủ để cung cấp cho xã hội. Các bậc Thánh Nhân chưa ra đời, chưa có bộ lạc nào trên thế giới có nền văn minh. Lúc này ở Trung Quốc là triều đại Ngu Vương Đế Nghiêu, năm 2600 trước công nguyên, hình thành chế độ Phụ hệ.

Đời thứ nhất:

TRIỆU TỬ

Sinh hạ 04 người con trai:

  • Ông Tử Cát
  • Ông Tử Châu
  • Ông Châu Công
  • Ông Tử Bốc

Ngài là Bào đệ của Vua Hùng Vương thứ nhất, do Lạc Long Quân và bà Âu Cơ sinh hạ. Ngài là một trong một trăm người con của Lạc Long Quân, và là trong số năm mươi người theo cha xuống vùng biển phía Nam.

Ngài được Vua Cha cử ở lại giúp anh là Hùng Vương xây dựng Kinh thành Phong Châu, cùng nhiệm vụ bảo vệ nước Văn Lang.

Đời thứ hai:

TỬ CÁT

TỬ CHÂU

CHÂU CÔNG

TỬ BỐC

Đời thứ ba:

TRIỆU KINH

TRIỆU HOÀN

TRIỆU ĐOÀN

TRIỆU ĐỖ

Đời thứ tư:

KINH HẠ

TRIỆU LÔ

TRIỆU TUÂN

ĐOÀN KINH

ĐỖ NHƯ

Hình thể của nước Văn Lang gần như Miền Bắc Việt Nam bây giờ. Công cụ sản xuất chủ yếu bằng đồng. Công nghệ đúc đồng phát triển. Dân tình sinh sống bằng nghề hái lượm, săn bắt, chăn nuôi, đánh cá. Sản phẩm xã hội chưa có tích lũy. Xã hội chưa phân chia giàu nghèo.

Tại miền Tân Hưng có hai cha con Chử Cũ Vân và con là Chữ Đồng Tử; sống bằng nghề săn bắt ở bãi sông Hồng. Hai cha con chỉ có một chiếc khố che thân thay đổi. Hôm ấy Chử Đồng Tử ở trần đi bắt ốc trên bãi cát ven sông, bỗng Đồng Tử trông thấy đoàn người đang tiến tới.

Đồng Tử không kịp trốn tránh, bèn tới hố cát để dấu mình.

Đoàn người tháp tùng con gái Vua Hùng Vương là Tiên Dung công chúa đi ngắm cảnh. Đến chỗ Chử dấu mình, Tiên Dung truyền quây màn để nàng tắm. Khi công chúa dội nước, cát được dội trôi, lộ thân hinh chàng trai trắng nõn ở dưới lớp cát bò lên. Công chúa nghĩ: “Duyên trời đã định”, bèn kết làm vợ chồng.

Tin báo về Triều đình, Vua Hùng nổi dận, kén tướng sai quân đi bắt công chúa về trị tội. Quân sĩ đến nơi họ Chữ cùng Tiên Dung ở, thấy tòa lâu đài đồ sộ kín cổng cao tường. Quân sĩ không thể vào được, bèn phóng hỏa thiêu cháy. Liền lúc đó trời nổi phong ba, mưa trút ầm ầm, lửa bị tắt lụi.

Sáng hôm sau nơi đó chỉ còn một vùng rộng lớn trũng nước. Nơi đó nay là Hồ Ba Bể thuộc tỉnh Bắc Cạn

***

Trung Quốc Ngu Vương suy yếu. Một bộ tộc đóng ở Ân Khư tuyên bố thành lập Khà Ân. Khà Ân phát động xâm chiếm đất Văn Lang. Hùng Vương hèn yếu, cho người đi khắp thiên hạ tìm người cứu nước.

Có đứa bé ở làng Gióng, bổng chốc lớn như thổi, ăn rất khỏe. Dân làng chu cấp cơm thịt. Chú bé yêu cầu nhà Vua cấp cho ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt, mũ sắt. Thề cùng đánh tan lũ giặc.

Khi lễ vật đưa đến đầy đủ.

Đứa bé đứng dậy thành người khổng lồ, liền mặc áo giáp sắt, đội mũ sắt, cầm roi sắt; chào mẹ già và dân làng. Chàng vỗ mạnh lên lưng ngựa sắt. Ngựa thét vang, phun ra lửa, nhằm trại giặc xông tới. Bọn giặc bị đánh tơi bời chết như rạ. Roi sắt bị gãy, chàng nhổ từng bụi tre quật vào giặc, đến núi Kinh sóc giặc không còn một mống.

Chàng bỏ mũ sắt, phóng ngựa lên núi Tản Viên bay về trời.

Trong niềm hân hoan của dân tộc. Chú bé làng Gióng được tặng phong Phù Đổng Thiên Vương. Dân làng lập Đền miếu bốn mùa cúng tế.

Ở Trung Quốc trời ban cho Hà Đồ để đếm !

Lại làm cho Lạc thư để dạy chữ !

Loài người biết lấy tượng Trời Đất để tính toán phục vụ nông nghiệp.

***

Dân đánh cá ở mạn sông Thao, về mùa nước cạn thường lặn xuống sông bắt cá; thường bị Thuồng luồng sát hại. Nhà Vua dạy cho xăm chàm vào người, theo hình Dao long; từ đó lặn xuống nước Thuồng luồng tưởng đồng loại nên không ăn thịt nữa.

***

Năm 1200 trước công nguyên.

Nhà Thương ở Trung Quốc suy yếu, Trụ vương tàn bạo.

Có người tên là Xương Cơ, một chư hầu của nhà Ân; được Trụ vương phong làm Tây bá; một chư hầu lớn nhất ở Phương tây thuộc vùng Sơn tây, ông là người có tài đức.

Nghe lời dèm pha, Trụ vương nghi ông nên bắt giam ở ngục Dữu Lý hai năm, vào 1144 trước công nguyên. Khi thả ông ra, lại giao chức Tây Bá cầm quân dẹp loạn. Nhờ Lã Vọng giúp sức, nên ông hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc. Ông mất năm 1135 trước công nguyên.

Ông mất rồi, con là Cơ Phát nối ngôi Tây Bá.

Năm 1122 TCN Cơ Phát đem quân diệt Trụ, tiêu diệt nhà Ân và lập ra nhà Chu; Đế hiệu là Võ Vương. Nhà Chu vững vàng, Trung quốc cường thịnh đều do sự giúp đỡ của Khương tử Kha – Lã Vọng.

Võ Vương mất năm 1115 TCN. Con trai là Chu Thành Vương còn nhỏ; Chu công Lã Vọng phụ chính. Thành Vương tiếp tục công việc của ông cha, nghiên cứu hoàn thiện quyển Triết học Kinh dịch, bổ sung Thoán từ.

Chu công Lã Vọng viết hào từ cho mỗi quẻ; cộng là 384 hào, và giải nghĩa cho mỗi hào. Nhờ đó mà Kinh dịch ngày càng linh diệu.

***

Chu Thành Vương mới lên ngôi.

Vua Hùng Vương cử đoàn sứ bộ, mang chim sẻ trắng sang chúc mừng. Thành Vương ban lời khen ngợi, và nói: “Người quân tử không bắt lỗi những người đã biết lỗi”.

Đời Chu nhiều bậc Thánh nhân ra đời.

Học trò của các đạo phái hình thành.

Chu triều cường thịnh đến đời U Vương các Chư hầu tranh giành quyền lực, cát cứ của các Họ luôn đánh nhau để mở rộng. Đặc biệt là phong trào Ngũ Bá rồi đến Thất Hùng nhà Chu không nắm được chính quyền. Đất nước Trung Quốc đại loạn.

Thuở ấy một nước nhỏ ở miền tây Trung Quốc, tên gọi nước Nê Pan, Hoàng Đế nước ấy thuộc dòng họ Tatini-Tassitu; chuyên đem quân đi chinh phạt để mở rộng bờ cõi.

Hoàng Đế đông con trai.

Các Hoàng tử nô nức theo cha đi chinh chiến. Duy có Hoàng tử thứ ba tên gọi: Thích Ca Mâu Ni Như Lai, thấy việc chinh chiến để loài người giết chóc lẫn nhau là phi đạo lý. Chàng là người chăm học, giỏi nhất trong các Hoàng tử.

Chàng rời bỏ kinh thành tìm nơi tu tiên học đạo để đem tài năng sau này cứu độ chúng sinh. Chẳng bao lâu pháp thuật siêu phàm, Kinh nghiên thông tuệ. Chàng sáng tác ra hàng trăm bộ Kinh để truyền dạy cho đời.

***

Học trò của Khổng Tử là Cao Sài và Trọng Do cùng Khổng Ly thờ Vệ Suất Công, đời Chiến quốc. Khổng Ly lập công tử Khoái Quý lên ngôi tức là Vệ Trang Công. Khổng Tử ở nước Vệ, nghe tin Khoái Quý làm loạn, bảo học trò rằng: “Có việc loạn thì Cao Sài sắp về; còn Trọng Do tất chết”.

Vì bảo vệ Khổng Ly, nên Trọng Do đánh nhau với Thạch Khất và Mạnh Áp nên bị chết.

Vua Vệ làm thịt Trọng Do muối mắm đem biếu Khổng Tử. Khổng Tử cho chôn hũ mắm (Trọng Do), khóc và thương tiếc con người số thác “Bất đắc kỳ tử”.

Năm ấy Khổng Tử mất, ngày Kỷ Mão, tháng Tư, mùa Hạ năm thứ 41 đời Chu Kính Vương, thọ 73 tuổi. Tặng “Đại Thành Chí Thánh tiền sư”.

Thời Đông Chu nhiều bậc Thánh Nhân ra đời.

***

Người nước Vệ lập Công tử Ban Sư lên ngôi. Trần Hằng nước Tề đem quân cứu nước Vệ, bắt Ban Sư và lập Khoái Quý. Thạch Phố đuổi Khoái Quý đón Vệ Suất Công về. Các quan Đại phu đuổi Vệ Suất Công, Suất Công chạy sang nước Việt và lập Vệ Hiệu Công.

***

Công tử Thắng được phong Bạch Công mới lấy Bạch làm họ. Từ khi về nước Sở, Bạch Công Thắng cảm ơn Ngũ Viên, nên không trả thù nước Sở.

Ngũ Viên chết đời Sở Huệ Vương. Bạch Công Thắng báo thù, Thạch Khất tận trung với Bạch Công Thắng.

Năm thứ 42 đời Chu Kính Vương, Việt Vương Câu Tiễn kéo quân đánh Ngô. Ngô Vương Phù Sai bị diệt ! Ngô mất.

Người Tấn đại loạn, quyền về bốn họ: Trí, Triệu, Ngụy, Hàn. Trí Giao cầm quyền thường gọi Trí Bá. Triệu Ưởng tức là Triệu Giản Tử con của Vô Tuất, Triệu Tương Tử đời Tấn Ai Công.

Trí Bá chuyên quyền nước Tấn, thấy nước Việt làm bá chủ; giả tăng đánh Việt để mượn quân ba nhà Hàn, Triệu, Ngụy. Bèn sai con là Trí Khai đến Hàn Tương Tử (Hàn Hổ) trước để mượn quân. Hàn Hổ biết ý không nghe.

***

Hàn Tương tử muốn đem quân đánh Trí Bá, nên bàn với Gia thần. Mưu sỹ là Đoàn Quy nói:

  • Trí Bá giả mệnh Vua, nếu ta không nghe thì đổ cho không nghe lệnh Vua. Chi bằng ta giả tin cắt đất và Trí Bá vốn tham, tất đòi Triệu, Ngụy cắt đất, họ sẽ không thuận. Họ đánh nhau ta ngồi xem rồi sẽ liệu sau.

Hàn Hổ và Đoàn Quy gặp Trí Bá. Trí Bá mở tiệc khoản đãi, đang vui Đoàn Quy vào trích trên ghế bức trạch: “Biện Tương tử nước Lỗ đâm chết ba con hổ”. Trên có bài tán:

Ba hổ cắm một dê

Tài nào không tranh cạnh

Đợi xem cuộc đánh xong

Hẳn có ngày mỏi mệt

Một tay đâm ba hổ

Biện Trang tật đáng khen.

Trí Bá thô bỉ với Hàn Hổ:

  • Tề có Cao Hổ, Triệu có Triệu Hổ, Ngài nữa là ba

Đoàn Quy nhắc:

  • Trong ngoại giao không chạm húy của nhau.

Trí Bá ra vẻ khinh Hàn Hổ và Đoàn Quy; đứng dậy cười dương dương tự đắc. Trí Khai thấy vậy can Trí Bá, Trí Bá ra vẻ thô lỗ.

Trí Khai lại sang gặp Ngụy Hàn tử Ngụy Câu, lừa như đã lừa Hàn Hổ. Mưu sỹ là Khâm Diên cũng hiến kế như Đoàn Quy ở nước Hàn.

Trí Tiêu lại sang gặp Triệu Tương tử Triệu Vô tuất. Trí đòi cắt đất ở Sái Cao lang; Vô Tuất không nộp đất và chống lại. Trí Bá huy động Hàn, Ngụy đánh gấp, Triệu Vô tuất chạy ra Tân Dương. Ba nhà vây Tấn Dương một năm, không sao phá được, về sau tháo nước vào.

Dương Mạnh Đàm thuyết phục Hàn Hổ và Ngụy Câu giúp Triệu Vô tuất, cùng chống lại Trí Bá.

Đến đời thứ 16, Chu Đinh Vương, nước Tấn được chia làm ba cường quốc Hàn, Triệu, Ngụy, trong đời Thất hùng Đông chu. Triệu Vô tuất mất vào năm thứ 4 đời Chu Khảo Vương. Ba nhà ngày càng lớn mạnh, còn Tấn Uy công càng hèn yếu.

Năm thứ 23 đời Chu Uy Liệt Vương; Triệu Tịch cháu Triệu Vô tuất, Hàn Kiều cháu Hàn Hổ, Ngụy Từ cháu Ngụy Câu; đều được Vua Chu Liệt Vương phong tước hầu. Trong đó Ngụy Văn hầu hiền đức hơn cả.

Ngụy Từ theo học người học trò giỏi của Khổng Tử là Tử Hạ, dạy học ở Tây Hà, kết bạn với Điền Tử Phương.

Ngụy Văn Hầu nói:

Đoàn Cao Mộc ở Tây Hà là người đức hạnh không chịu làm quan.

Ngụy Văn Hầu sai thắng xe đi yết kiến Đoàn Can Mộc. Can Mộc biết ý không gặp.

Ngụy Văn hầu khen:

Thế mới thực là bậc cao sỹ.

Liền ở Tây Hà một tháng, ngày nào cũng đến yết kiến Can Mộc. Thấy lòng thành như thế, buộc phải tiếp kiến. Ngụy Văn hầu mời lên xe cùng về kinh, phong làm Thượng Khanh. Các bậc hiền sỹ bốn phương nghe tiếng đều kéo đến cả, nên được bọn mưu sỹ như Lý Khắc, Địch Hoành, Điền Văn và Khâm Tọa, đều làm quan trong triều. Do đó nước Ngụy cường thịnh nhất trong các chư hầu.

Ngô Khởi làm Đại tướng nước Lỗ.

Tề đánh Lỗ, Công Nghi hưu khuyên Lỗ Mục công dùng Ngô Khởi làm Đại tướng. Vua Lỗ không ưng vì vợ Ngô Khời là họ Điền ở nước Tề. Ngô Khởi biết ý giết vợ. Vua Lỗ cho Khởi đi đánh Tề. Ngô Khởi cùng hai phó tướng là Thân Liễu và Thân Tường dẫn hai vạn quân lên đường giữ giặc…

Quan Tướng quốc nước Tề là Điền Hòa dẫn hai Đại tướng là Điền Kỵ và Đoàn Bằng thẳng tới cõi Nam nước Lỗ, để tranh hùng với Ngô Khởi…

***

Vua Hùng Vương ngày càng già yếu, muốn nhường ngôi cho con trưởng, nhưng đích tử bất tài. Ngài có 134 người con trai mà không biết sẽ nhường quyền cho ai. Nhà Vua nghĩ cách, rồi gọi các con trai lại phán:

– Nhìn các con vị nào cũng xứng mạnh anh hùng. Nay ta đã già, không biết sẽ nhường ngôi cho ai. Chi bằng sáng ngày thứ 3, mỗi vị mang về đây một lễ vật để chúc mừng cha già. Lễ của ai mà ta thích nhất sẽ được giải, ta sẽ nhường ngôi cho vị đó.

Trong số Hoàng tử có Hoàng tử thứ 18 tên gọi Lang Liêu. Mẹ Hoàng tử mất sớm, chàng phải ra chân núi Ba Vì sống bằng nghề làm ruông phát nương. Khi nhận được lệnh của cha, chàng vô cùng lo lắng. Thao thức suốt đêm vẫn không sao nghĩ được cách.

Trong giấc mơ màng chàng thấy một cụ già, tiến tới vái và an ủi chàng và nói:

– Mừng thọ đền ơn cha mẹ ! Công cha mẹ đối với con to như trời đất. Con phải biết ý đó để đền đáp công lao cha mẹ sinh thành phụng dưỡng chứ !…

Chàng chợt tỉnh giấc mới hiểu là đang mơ.

Vốn thông minh nên chàng hiểu: Công ơn cha mẹ to như trời đất. Trời tròn đất vuông. Lấy sức lao động của bản thân để đền ơn dưỡng dục. Thành tựu lao động của Lang Liêu là thóc gạo, lợn gà v.v.

Chàng phấn khởi cắt cử gia nhân vào công việc.

Người vào núi hái củi, chặt lá dong; người làm thịt lợn; người giã nếp. Cả tư trang nhộn nhịp giúp đỡ Hoàng tử gói bánh Trời Đất để dâng vua cha. Bánh đã nấu chín bốc hơi thơm lạ lùng.

Đến ngày hẹn, Lang Liêu cho người đội mâm bánh vui vẻ về Kinh đô để trình cha.

Các quan cũ soát lễ vật; Ôi ! thì vô cùng vàng bạc, châu báu , ngọc ngà; đầy đủ sơn hào hải vị, rau củ quả vô số. Song Lang Liêu chắp tay đứng ở thứ 17 của Hoàng tử để chầu chực.

Khi quan soát cũ vật gọi đến tên chàng. Người nhà Hoàng tử Lang Liêu đội mâm bánh dâng lên; quỳ trình trước sân rồng. Quan chủ khảo lật tấm vải đỏ, trên mâm đầy bánh, loại vuông xếp dưới, loại tròn xếp trên.

Vua Hùng Vương và Giám sát ngạc nhiên, buộc Lang Liêu giải thích. Chàng thưa:

– Thưa Phụ Vương và Thúc phụ. Con là Lang Liêu, Hoàng tử thứ 17, thân phận nghèo hèn, làm nghề ruộng nương. Trộm nghĩ công ơn sinh thành dưỡng dục của Cha Mẹ lớn như Trời Đất; Nên con lấy thành tựu lao động của con tạo thành Vuông là tượng trưng Đất, Tròn là tượng trưng Trời; Dâng mừng thọ Vua Cha để ngài ngự lãm.

Vua Hùng đứng dậy khen:

– Khá lắm ! Giỏi lắm ! Con hãy bóc bánh mời các quan thụ hưởng và giới thiệu tỷ mỷ cho mọi người biết.

Sau khi ăn bánh, hương vị lạ lùng làm cho mọi người khoái chí.

Vua Hùng tuyên bố: Hiện vật cung tiến của Hoàng tử Lang Liêu đoạt giải nhất, Lang Liêu xứng đáng kế vị ngôi Vua. Còn loại bánh vuông gọi là bánh Chưng, bánh tròn gọi là bánh Tét…

***

Vua Hùng Vương thứ 18 Đế hiệu là Hùng Kính Vương, có người con gái rất xinh đẹp; Tên gọi Mỵ nương Công chúa. Sắc đẹp của nàng động đến cả đất trời cùng muôn loài. Chiều chiều nàng đi dạo: muông thú nhảy nhót; Phượng múa, Loan mừng, chim ca ríu rít. Nàng đi qua sông qua suối: Cá lượn vấy chào.

Công chúa đã đến tuổi lấy chồng. Vua Hùng chiều con, cho ban bố khắp nơi để Công chúa chọn kén chồng.

Chẳng bao lâu, vào một sáng bình minh, có hai chàng trai xin vào ra mắt. Một người là Sơn Tinh Thần núi Tản Viên; một người là Thủy Tinh làm Ma dưới nước. Hùng Vương thấy hai chàng rất đỗi anh hùng, mà nhà vua chỉ có một Thánh nữ, bèn tuyên bố:

– Ngày mai ai mang lễ đến trước: Voi chìn ngà, Gà chín cựa mỗi thứ chín cặp; Thì được rước Mỵ Nương về làm vợ.

Sáng hôm sau, Sơn tinh dẫn bộ hạ mang sính lễ đến dâng trước Thềm Rồng; Nhà Vua vui vẻ nhận lễ vật, đồng mở tiệc khoản đãi. Làm lễ Vu quy cho Mỵ nương Công chúa về với Sơn Tinh. Tiệc tan, vợ chồng từ biệt về núi Tản viên.

Thủy Tinh đến muộn, thấy Mỵ nương đã về với Sơn Tinh. Chàng nổi dận hò hét quân sỹ đuổi theo Sơ Tinh để dành lại Mỵ nương. Thủy Tinh cùng Thủy quái dâng nước nập đồng, làng mạc đến chân núi Tản Viên để đánh Sơn Tinh.

Nước càng dâng cao, Sơn Tinh càng bức núi lên cao hơn. Sơn Tinh dùng gỗ đá ném xuống, Thủy tộc chết trắng đồng. Đánh nhau ba ngày, dân tình cơ cực.

Thấy không làm gì được Sơn Tinh. Thủy Tinh rút quân về biển.

Hàng năm vào dịp tháng tám; Thủy Tinh lại nhớ hận cũ, lại dâng nước đánh Sơn Tinh. Nhân dân vô cùng cực khổ.

THỤC AN DƯƠNG VƯƠNG

Khoảng cuối đời Hùng, đồng bào khổ sở, dân tình đâu cũng ca thán oán trách nhà vua không chăm lo cho dân. Tầng lớp nông dân ở đồng bằng Bắc bộ chán ghét Triều đình.

Man Dương tuyền có bộ tộc Âu Việt càng ngày càng cường thịnh. Nông dân lao động theo về rất đông. Thủ lĩnh của họ là Thục Chế. Tổ tiên họ Thục người Ba thục Trung Quốc, xiêu bạt xuống phương Nam, lấy con gái Hùng Vương, sinh hạ Thục Chế.

Thục Chế hỏi Mỵ nương làm vợ, Vua Hùng không nghe; từ đó lấy làm oán hận. Khi gần qua đời, cho gọi con trai là Thục Phán, nhắc nhở rửa nhục, nếu có thể thì nên lấy nước Văn Lang.

KỶ NHÀ THỤC

Từ năm Giáp Thìn đến năm Quý Tỵ 257 – 208 TCN cộng 50 năm.

Thủ lĩnh tộc Âu Việt lang chúa Thục Phán mới 21 tuổi, tài năng xuất chúng. Phán thấy lòng dân đã theo về mình; Liền chiêu mộ người tài, chiêu tuyển quân đội; Trong đó có tướng trẻ tài hoa Cao Lỗ, người mạn Hàm Hoan. Nồi Hầu ở mạn Giao Chỉ cũng dẫn hai con là ông Đống, ông Vực kéo về.

Thế đã mạnh Thục Phán kéo quân lên vây Phong Châu, Kinh đô của Vua Hùng. Lúc đó Tản viên Sơn Nguyễn Tuấn đang tổng chỉ huy quân đội. Nguyễn Tuấn thấy quân Thục quá mạnh, hơn nữa Thục Phán là cháu ngoại của nhà Vua, nên khuyên Hùng Vương nhường quyền lại cho Thục.

***

Năm Giáp Thìn 257 TCN.

Thục Phán lên làm Vua. Đế hiệu: An Dương Vương

Đặt tên nước là Âu Lạc

Đóng đô ở Cổ Loa

Nhà Vua xây thành Cổ Loa kiên cố theo hình xoáy ốc, thuận lợi cho việc phòng ngự và tấn công. Các cổng vào ra cơ động cho Thủy binh, Bộ binh, Kỵ binh, Tượng binh lúc xuất kỳ bất ý.

Trong 18 năm thành xây xong lại đổ.

Nhà Vua buồn phiền, cho mời Thần Kim Quy nói chuyện.

Kim Quy thưa:

– Trong giao tranh con cháu Vua trước chết nhiều, chôn cất không hết, tinh khí đó tụ tập thành ma cản trở việc xây thành. Nay ta tới hang ổ của chúng, nhặt tụ xương thiêu hủy, nó không có chỗ ẩn nấp, đám ma quái phải tan.

An Dương Vương hóa trang cùng Thần Rùa đi lên hướng Bắc. Lúc trời tói mịt, từ xa le lói ánh đèn. Hai vị xin vào nghỉ trọ.

Thần Kim Quy dặn nhà Vua:

– Chủ quán không phải người thường, nếu cho nghỉ trọ tất chờ dịp hại ta. Khi gần sáng ma quái về nhiều, có con gà trống trắng cất tiếng gáy là ta phải chết. Ta cứ vào nghỉ, rồi sẽ liệu.

Hai vị gặp chủ quán xin trọ.

Ăn uống qua loa, thu xếp khăn gói, hai vị lên sạp nằm nghỉ.

Trời về khuya gió núi lạnh lẽo. Thần Kim Quy không chợp mắt; Còn Thục Phán đã cất tiếng ngáy như sấm, tuy ngủ mà nhãn quang vẫn sáng rực. Thần Rùa thấy thế vô cùng ngạc nhiên, và yên tâm vì bản lĩnh nhà Vua rất vững vàng.

Chủ quán nghe tiếng ngáy thì yên tâm, hai vị khách đã chết.

Về khuya ma về rất đông, tiếng ồn ào, tiếng cọ vào vách xào xạc. Thần Rùa vùng dậy cầm Phát tên, nhà Vua lấy giới đao xông ra quát mắng, đuổi rượt yêu tà.

Thần Rùa xông ra chuồng gà. Gà trống trắng tung chuồng bỏ chạy. Thần Rùa và nhà Vua đuổi đến chân đèo Ngũ Tĩnh, trời sáng, gà trắng chết tại núi Khuất Diệu.

Nhà Vua ra lệnh đào hố dưới xác gà. Đào được vô số xương người. Nhà Vua viết bùa yểm, cho quẳng xương xuống sông. Tinh khí từ đó không còn.

Về tới Kinh tành Cổ Loa; An Dương Vương giao cho Cao Lỗ chỉ huy việc đắp thành. Còn nhà Vua cùng Kim Quy đàm đạo. Nhà Vua hỏi:

– Thành xây xong, nếu có giặc mạnh sang cướp thì làm thế nào ?

Thần Kim Quy rút một cái móng chân dâng Vua:

– Móng chân này sẽ làm lẫy nỏ. Tính thần diệu, một phát lẫy có thể phóng đi trăm mũi tên. Nếu nhà Vua giữ gìn cẩn thận, giặc dữ phương Bắc không thể xâm phạm được.

Đời An Dương Vương dân tình no đủ, đất nước mạnh giàu, vua tôi hòa hợp.

***

Bấy giờ ở Trung Quốc, Tần Thủy Hoàng đánh tan nước Sở và các Chư hầu, lên ngôi Hoàng Đế. Ban bố cải cách các chính sách đến các nước Chư hầu.

Nhà nước phong kiến ra đời, đất nước Trung Quốc ổn định.

Năm 211 TCN nhà Tần mở mang bờ cõi xuống phương Nam. Tần Nhị Đế Hồ Hợi giao cho Hiệu úy Đồ Thư cầm quân xâm chiếm Âu Lạc. Đồ Thư huy động bọn trốn tránh và ở rễ (Tế Chế) cái bướu bám ở thân thể, làm lính.

Mới đặt chân tới Âu Lạc. Quân Tần bị Thục Phán đánh cho tan tành, Đồ Thư bỏ thây ở chiến trường.. Từ đó đất nước Trung Quốc: Tần, Sở, Hán lại đánh nhau.

***

Thuở ấy mạn nam nước Việt, Trung Quốc.

Có hai vị quan nhà Tần là Nam Hải sứ Nhâm Ngao và Lệnh Doãn huyện Long Xuyên Triệu Đà. Nhà Hán Lưu Bang đã diệt nước Sở Hạng Tịch. Lúc biến động này Nhâm Ngao ốm nặng. Khi sắp qua đời gọi người nhà cho mời Long Xuyên lệnh Triệu Đà vào bàn việc cơ mật.

Nhâm Ngao vặn Triệu Đà:

– Tôi cùng ông trấn ải phương Nam. Nay nhà Tần đã mất, Vua Hán Cao tổ khó dung chúng ta. Nhà tôi bạc phúc, con không nối được chí bố. Xem trong đám bộ hạ không ai bằng ông. Tôi sắp qua đời, giao cờ tiết và quyền lại cho ông. Ông giữ đất Nam Hải tiến xuống phía Nam có thể xưng Đế, để cạnh tranh với nhà Hán. Mong ông để tâm cho.

Triệu Đà nhận cờ tiết làm chúa đất Nam Hải.

Sẵn tham vọng và có quân đội hùng mạnh, Triệu Đà kéo quân đánh nước Âu Lạc. Những trận giao tranh dưới chân thành Cổ Loa. Quân Triệu Đà không thể vào thành vì bị Nỏ thần bắn chết quá nhiều. Triệu Đà bị hai ba lần thua trận.

***

An Dương Vương đã già, đất nước cường thịnh, lại có Nỏ thần linh diệu; Nên ngài thoải mái với đời thường. Khi Triệu Đà ngỏ ý hỏi Mỹ Châu công chúa cho Trọng Thủy, nhà Vua nhận lời. Trọng Thủy xin ở rể. An Dương Vương nhất trí.

Các tướng tâm phúc Cao Lỗ, Nầu hầu cố can mà Vua không nghe. Biết tin nước sắp mất, Cao Lỗ và Nầu hầu xin về quê. An Dương Vương ưng thuận; Đồng thời đón quân Triệu, rước Trọng Thủy vào cung ở rể.

Trọng Thủy – Mỹ Châu trai tài gái sắc gặp nhau: ý hợp tâm đồng, nên duyên vợ chồng ngày ngày gắn bó bên nhau. Thời gian qua đi. Một hôm Trọng Thủy hỏi vợ:

– Vua Cha có bí quyết gì, mà ba lần Phụ thân ta giao tranh đều bị thất bại ?

Mỹ Châu thật thà, vào giường ngủ của cha lấy trộm Nỏ thần dẫn Trọng Thủy ra vườn hoa, đưa cho xem; Còn giảng giải cách sử dụng rất tỷ mỷ. Thời gian đó Trọng Thủy chưa về thăm nhà; liền xin phép Vua Cha về Bắc thăm Bố Mẹ. Trọng Thủy về nhà, chỉ dẫn cho thợ chế Nỏ thần giả.

Đến Âu Lạc, Trọng Thủy nói phao tin: ‘‘Phương Bắc đem quân xâm phạm bờ cõi, Cha nhắn về đi đánh giặc’’. Vua Thục tưởng thật, ưng cho Trọng Thủy về Bắc.

Buổi chia tay giữa Trọng Thủy và Mỹ Châu bịn rịn. Chàng hỏi nàng:

  • Xa nhau ! Nhỡ có giặc giả thì ta làm sao tìm được nàng ?

Mỹ Châu trả lời:

  • Thiếp có chiếc áo lông Ngỗng, đi tới đâu Thiếp sẽ rút lông Ngỗng vứt trên đường. Chàng theo đó mà tìm.

Trọng Thủy đã đổi được Nỏ thần liền cao chạy xa bay, thẳng đường về Bắc.

Triệu Đà phát binh đánh Âu Lạc. Quân Triệu vây thành Cổ Loa.

Vua Thục vẫn điềm nhiên ngồi uống rượu. Các tướng báo cấp. Nhà vua nói:

  • Đà không biết thân phận, đã mấy phen bại trận mà không biết uy ta hay sao?

Nói rồi truyền lấy Nỏ thần lên mặt thành cự địch.

Lạ thay Nỏ thần không hiệu nghiệm. Biết là Nỏ đã bị đổi và nhà Vua hiểu ra việc Trọng Thủy về Bắc. An Dương Vương vứt Nỏ thần, cưỡi ngựa cùng Mỹ Châu ra cửa sau chạy trốn.

Ngựa rong ruổi thẳng về phương Nam cùng vài chục thị vệ đi gấp.

Đến núi Mộ Dạ bị nghẽn đường, đằng sau quân Triệu Đà đuổi gấp. An Dương Vương xuống ngựa gọi thần Kim Quy đến cứu. Thần hiện lên nói:

  • Giặc sau lưng nhà Vua, mà ngài không biết sao ?

An Dương Vương ngoảnh lại chỉ thấy có một mình Mỵ Châu. Ngài hiểu ra và nổi giận, rút gươm chém Mỵ Châu. Nàng khấn:

  • Trung tín trọn tiết, bị người lừa dối, xin chết kiếp sau hóa thành châu ngọc.

Chém chết Mỵ Châu. Thục An Dương Vương dùng sừng tê bảy tấc rạch nước đi xuống biển.

Lại nói Trọng Thủy không tìm thấy Mỵ Châu. Chàng lần theo dấu lông Ngỗng, kéo quân đuổi miết. Đến chân núi Dạ Sơn; thấy Mỵ Châu đã bị chém chết; liền ôm xác khóc lóc. Về đến Cổ Loa, chàng buồn bực nhảy xuống giếng tự tử.

Máu Mỵ Châu chảy xuống biển, loài Trai ăn phải , bụng sinh ra ngọc. Về sau người ta lấy ngọc trai đem rửa nước giếng ở Cổ Loa. Ngọc trong sáng vô cùng.

Trên sườn núi Mộ Dạ, về sau nhân dân lập Đền thờ Vua Thục. Tục gọi Đền Cuông. Nơi ấy là Hương Cao Xá, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu, xứ Nghệ An. Nay là xã Diễn An, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

(hết trang 31/197 – còn nữa)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *